Saturday, 25 November 2006

The End of the Word

In the beginning was the Word
John 1:1

Lịch sử được làm nên bởi những chuyển biến của xã hội, bởi thay đổi, cách mạng, chiến tranh.

Karl Marx, và gần đây là Francis Fukuyama, đã viết về sự chấm dứt của lịch sử, the end of history. Đó là khi lịch sử không còn được viết tiếp nữa, bởi vì xã hội đã ổn định, không còn cần, hoặc không thể thay đổi được nữa, và các nhà viết sử bỏ nghề vì không còn gì để viết. Dù thế giới nơi lịch sử dừng lại của Marx và Fukuyama rất khác nhau, ta hiểu rằng sự dừng lại không phải không thể xảy ra – giòng sông có thể ngừng, không phải cạn, mà chỉ ngừng.

Lúc u buồn, chứ không phải lúc lạc quan, tôi nghĩ tới sự chấm dứt của nghệ thuật, the end of art. Đó là khi người ta không còn những câu hỏi chưa được trả lời, không còn bí mật nào nằm ở phía bên kia của mặt trăng, để nghệ sĩ là những con thiêu thân lao vào ánh sáng mong tìm ra bóng tối ở phía sau. Không còn những sự thật, ý nghĩa và nỗi buồn chưa được biết đến. Cũng không còn những giá trị đã bị đắm thuyền và nghệ sĩ là những người thợ lặn buông mình vào đại đương đi tìm những chiếc vòng đeo tay đã mất.

Biết đâu có ngày nghệ thuật không còn nữa. Chỉ còn những sản phẩm giống như nghệ thuật làm ra để để chiều chuộng đám đông, để tô điểm và tiêu khiển. Những sản phẩm do đám đông điều khiển theo qui luật của thị trường và dân chủ, một đám đông trong đó những con người càng giống nhau càng nhiều sức mạnh, khi lịch sử cũng đã ngừng.

Mọi thứ đã làm xong. Không còn sự im lặng sâu thẳm, chỉ còn sự im lặng khi lời nói đã làm hết việc của nó và đặt mọi gánh nặng nó mang xuống đất, như con trâu giã từ cái cày. Chúng ta chỉ còn lại những ngày không trọng lượng.

Ngày tận thế không phải là khi con người rũ rượi trong tội lỗi, không còn nước sông Tiền hay sông Hậu nào còn có thể rửa cho thanh sạch lại được, chỉ còn mong vào cơn hồng thủy, hay là một trời lửa. Ngày tận thế giản dị là một ngày khi mọi việc đã xong. Sau hôm đó không phải là tro than, mà là vô số những thành phố Las Vegas đầy những zombies mặc quần áo đẹp.

Saturday, 18 November 2006

Thành trì trong sa mạc

Tôi không bao giờ hiểu tại sao không có ai dịch cuốn Citadelle của Saint Exupéry ra tiếng Anh. Dĩ nhiên có nhiều cách giải thích: cuốn sách viết chưa xong. Chưa xong không chỉ có nghĩa là nó chưa có một kết thúc, mà vì nó cũng chưa được sắp xếp gì cả. Các chương, các ý tưởng lập lại rất nhiều, hình như cuốn sách không có một cấu trúc nào. Đó chỉ mới là phần hình thức. Phần ý tưởng và triết thuyết, không sắp cuốn sách vào đâu được. Rồi đến cốt chuyện cũng không có. Có khi cuốn sách như một loại kinh thánh không có các thánh và các mẩu chuyện nặng chùng xuống bởi ý nghĩa và biểu tượng của họ. Kinh thánh cho một tôn giáo từ chối mọi giáo điều. Có khi nó là một bài thơ như định nghĩa rõ ràng nhất của một bài thơ: đẹp đẽ và đầy hình ảnh và đầy máu của một trái tim đang thở khẽ khàng hay khó nhọc. Nó muốn dạy cho tôi những thứ gì đó giống như sự khôn ngoan, chiêm nghiệm. Những loại khôn ngoan chiêm nghiệm không làm cho tôi thấy rõ trật tự của cuộc sống hơn, biết phân biệt chính tà hơn và sống yên bình hơn. Nó đem lại những hiểu biết làm cho tôi bất an trăn trở vì thấy mình sống chưa đủ, mình mỏng như một cái bóng: tôi có đường viền cho đầy đủ một hình hài, nhưng không có nhiệt độ.

Tôi tưởng tượng Saint-Ex viết cuốn sách cho những thiên thần. Điều làm nên thiên thần không phải là sự thánh thiện hay mẫu mực hay bình yên hay sự lung linh của một thứ ánh sáng trắng buốt như sao mai. Điều làm nên thiên thần là sự ngụp lặn trong cuộc đời, trong quê hương, với tất cả niềm kiêu hãnh của một thiên thần và tất cả sự thầm lặng của một viên gạch trong một ngôi đền, cùng với lầm lẫn, mơ màng và đau đớn, ngụp lặn, chấp nhận tất cả để quyết liệt không chấp nhận một thứ: làm một cái bóng.

Tôi chưa lần nào có can đảm đọc cuốn sách theo thứ tự các trang như chúng đã được viết, từ chín trăm tám mươi lăm trang bản thảo, không có chuyện, không có nhân vật, không có thoại, chưa kịp được tác giả đọc lại. Nhưng tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần dở ra đâu đó, hình như lúc nào cũng tìm được một điều gì hay và đẹp đẽ hay quyết liệt. Tôi sẽ đồng ý với Saint Ex, còn nếu tôi không đồng ý với một trang nào đó, nó sẽ lẩn quẩn trong tôi suốt vài đêm.…


Khi nói đến tên Antoine de Saint-Exupéry, người ta nghĩ đến Hoàng tử bé. Hoặc là những cuốn truyện phiêu lưu của tâm thức đàn ông như Cõi người ta hay Chuyến bay đêm. Người ta mong chờ những lời thánh thiện, khôn ngoan và êm ái. Những chuyến đi. Những giọt sương trong vắt và lung linh. Khi Saint-Ex đưa những chương đầu của Citadelle cho bạn thân xem, họ đã ước chi ông chưa bao giờ bắt đầu viết cuốn sách đó.

Saint-Ex không có đủ cứng cỏi để lạnh lùng trước sự thất bại trong lần đầu đưa bản thảo cho người khác đọc. Ông bất an, buồn bã. Hay là ông đã lạc đường, dấn thân vào một vùng đất không phải của mình?

Cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều người yêu Saint-Ex thầm mong ông chỉ là Hoàng tử bé. Vẫn chưa có bản dịch tiếng Anh cho Citadelle. Ngôn ngữ của cuốn này khác, giống như một người bắt đầu hiểu cái chết, không còn thì giờ để dịu dàng, ông trở nên quyết liệt. Dù có người không muốn biết rằng tác giả của Hoàng tử bé lại viết về những con chó cái, nhưng với tôi, đây vẫn là cuốn sách đằm thắm nhất. Tôi chưa, hoặc ít đọc được ở đâu một tình yêu như vậy dành cho con người.


dịch trích đoạn:

Nhưng với con, một trái chín từ cây có nghĩa gì? Trái của con chỉ có giá trị, khi người ta không đem nó trả lại cho con được.

Có người kia ngồi trên sàn diễn và sống bằng những tiếng gọi hoan hô của đám đông ngu muội: “Tôi ban tặng sắc đẹp và sự duyên dáng, cùng những bước đi vương giả của tôi; và đám người kia ngưỡng mộ nhìn tôi như nhìn một chiếc tàu lộng lẫy vừa đi ngang qua chỗ họ. Chỉ sự có mặt của tôi thôi đã là một sự ban tặng.”

Sự kiêu hãnh đó bắt nguồn từ một thứ quà tặng giả hiệu, một ảo tưởng. Bởi vì con chỉ có thể dâng tặng những gì con chuyển hóa: như một cái cây tặng những trái chín mà nó đã chuyển hóa từ đất mà có; như một vũ nữ tặng một điệu múa cô đã chuyển hóa từ bước đi của mình để làm thành; như người lính đã biến máu mình thành ngôi đền hay vương quốc để dâng hiến.

Nhưng một con chó cái thì không có giá trị gì, dù đám chó đực bu chung quanh mê mẩn nó. Bởi vì thứ mà con chó cái ban tặng nó đã không chuyển hóa từ một cái gì ra cả. Thú vui của nó là thú vui nó đánh cắp từ sự truyền giống. Nó khum người mà không cần mất sức lực, theo sự đòi hỏi của những con chó kia.

(từ: chương 60, Citadelle)


Viết thêm ngày 23.11.07

Hôm nay tìm được bản dịch tiếng Anh cuốn "Citadelle" của Stuart Gilbert. Tựa tiếng Anh của nó là "The Wisdom of the Sand".

Friday, 17 November 2006

Không có chữ

Lười viết lắm. Không phải cái tay lười gõ mà cái đầu lười chuyển dịch. Có nhiều khi gắng viết một entry vào blog chỉ vì cái lần viết vừa rồi không hay mà nó cứ nằm đầu trang hoài nhìn chán. Lần này đúng như vậy, tôi nghĩ phải viết một cái gì đó, gì cũng được, đời biết bao nhiêu là chuyện để nói. 24 chữ cái cùng với sắc huyền hỏi ngã còn nhớ đủ cả nhưng chúng bay lãng đãng đâu đâu mặc dù trời không chút gió.

...
Hemingway khuyên nếu ai muốn viết phải viết đều đặn (cái này ai không biết, và có mấy ai làm được?). Muốn viết đều đặn mỗi ngày, anh phải biết ngừng đúng vào cái lúc anh nhiều cảm hứng nhất. Đó là một lời khuyên tuyệt vời: ngừng vào lúc muốn viết nhất. Không phải điều này chỉ làm cho ta thấy hào hứng khi bắt đầu vào ngày hôm sau, nó còn làm cho ta cả ngày mơ màng sống trong câu chuyện còn nằm trong đầu nhưng chưa viết ra giấy của mình, và đó là một trong những điều sung sướng nhất của người viết văn, có lẽ sung sướng hơn cả lúc đem truyện đi in.

Nhưng cái này cũng của Hemingway: "Don't you like writing letters? I do because it's such a swell way to keep from working and yet feel you've done something."

Mới biết ngày chưa có mạng, chưa có blog, người ta đã tìm ra cách để trốn tránh công việc. Cũng không khác chúng ta là mấy, nhưng lãng mạn hơn, riêng tư hơn.


Thursday, 9 November 2006

Nói nhỏ đi nhẹ

Con cái dạy cho cha mẹ sự khiêm tốn. Những ngày độc thân ngông cuồng thật sướng, coi trời bằng vung, mình làm mình chịu, thích nói gì thì nói, thích chê ai thì chê, miễn là đã miệng. Có ông bạn học bằng tuổi tôi, mà chê con gái quá 21 là hoắc rồi.

Đến khi có con, nhìn thấy cô bé nhỏ xíu của mình vào vườn trẻ bị bọn nhóc tì không thèm chơi nó khóc tỉ ti cả ngày chẳng ai hỏi tới. Lớn hơn tí, cô giáo cầm thước quất vào bàn tay xương còn mỏng mảnh như xương chim. Cha mẹ tập lễ phép với hiệu trưởng, hiệu phó, chủ nhiệm, giáo viên các cấp, giám thị, lao công và bảo vệ giữ xe đạp trường con. Khi con gái bắt đầu lớn, mẹ biết hãi mấy công tử đi xe Mẹc, cha biết sợ con gái mình gặp đúng thằng mất dạy như mình.

Tác phẩm cũng dạy người làm ra chúng sự khiêm tốn như con cái dạy cha mẹ biết nhỏ nhẹ. Chữ nghĩa, tranh pháo, phim ảnh... tràn đầy như nước bảy biển. Thì giờ của người đọc, người xem là hiếm, chứ không phải nước biển. Tác giả nhiều khi nhớ lại thời chưa in truyện, thong dong, có khi ngông cuồng như mấy người độc thân chưa hiểu nó như thế nào khi cô giáo hững hờ quất mạnh vào bàn tay nhỏ xíu của con gái. Ước gì mình mãi mãi ngông nghênh.

Có con thì có buồn và vui, nhưng chắc chắn là nói nhỏ đi nhẹ hơn cái thời độc thân hoang dã.