Wednesday, 20 September 2006

Đàn bà luôn luôn tự quan sát mình

Nếu tôi ném cái ly vỡ tan, điều đó có nghĩa gì?

Dịch một đoạn trong cuốn “Ways of Seeing” của John Berger:

Theo những qui ước tuy đã bị đặt vấn đề nhưng hoàn toàn chưa hề vượt qua được, sự hiện diện của một người đàn bà rất khác với sự hiện diện của một người đàn ông. Sự hiện diện của một người đàn ông tùy thuộc vào hứa hẹn thứ quyền lực mà người ấy sẽ mang. Nếu hứa hẹn này lớn lao và đáng tin, thì sự hiện diện của ông ta sẽ đáng nể. Nếu hứa hẹn ấy nhỏ hoặc khó tin, người ta sẽ thấy ông ta hiện diện một cách yếu ớt. Quyền lực được hứa hẹn có thể là đạo đức, tính khí, có thể là quyền lực kinh tế, xã hội, tình dục – nhưng dù thế nào những thứ quyền lực này đều là quyền lực ngoại giới. Sự hiện diện của một người đàn ông khiến bạn đoán được ông ta có thể làm gì cho bạn hoặc hại bạn, dù bạn có thể đoán sai, dù ông ta có thể giả vờ làm được những chuyện ông ta không thực sự làm được. Nhưng sự hiện diện của một người đàn ông luôn luôn thể hiện quyền lực mà ông ta dùng với người khác.

Ngược lại, sự hiện diện của một người đàn bà bày tỏ thái độ của người đàn bà về chính mình, nó định nghĩa người ta có thể làm gì hoặc không thể làm gì với nàng. Sự hiện diện của người đàn bà được thể hiện bằng cử chỉ, giọng nói, ý kiến, biểu lộ, quần áo, qua cách nàng chọn bày biện căn phòng của mình. Sự hiện diện của một người đàn bà ở ngay trong con người nàng, đến nỗi đàn ông thường nghĩ rằng nàng chính là những gì thoát ra từ thân thể nàng, một loại hơi nóng hay là mùi hương hay là hơi thở.

Sinh ra làm đàn bà có nghĩa là sinh ra trong một không gian giới hạn được chia cho mình, sinh ra để rơi vào sự trông coi của đàn ông. Sự hiện diện trong xã hội của người đàn bà là kết quả của sự khéo léo dàn xếp làm sao sống trong sự canh chừng đó trong một khoảng không gian giới hạn như vậy. Nhưng cái giá phải trả là tự thân người đàn bà phải chịu tách đôi. Một người đàn bà lúc nào cũng phải liên tục tự nhìn ngắm mình. Nàng hầu như lúc nào cũng bị đi kèm bởi ý tưởng của nàng về bản thân. Lúc nàng bước ngang qua căn phòng hay đang khóc vì cha nàng chết, người đàn bà vẫn khó thoát khỏi ý nghĩ về hình ảnh mình đang bước đi thế nào hay đang khóc thế nào. Từ những năm thơ ấu xa xưa nhất, nàng đã được dạy, được thuyết phục rằng nàng phải liên tục tự quan sát mình.

Và như thế, nàng nhận ra trong cùng một con người mình có một kẻ quan sát và một kẻ bị quan sát. Hai yếu tố này dù ngược nhau đã trở nên hai thành phần cố định tạo nên con người nàng.

Người đàn bà phải quan sát tất cả những thứ định nghĩa mình là ai, tất cả những thứ mình làm, bởi vì cách nàng được trông thấy bởi người khác, nhất bởi đàn ông, trở nên quan trọng gần như tuyệt đối cho cái được coi là sự thành công của đời nàng. Áp đặt lên trên cảm nhận của người đàn bà về sự hiện hữu của chính mình là cảm nhận mình được người khác nhìn nhận ra sao.

Đàn ông quan sát đàn bà trước, rồi mới quyết định thái độ của mình với nàng. Bởi vậy, cách người đàn bà được người đàn ông nhìn thấy quyết định nàng sẽ được đối xử ra sao. Để kiểm soát được phần nào việc này, người đàn bà tập lèo lái cách người ta nhìn nhận mình. Chính cái cách mà phần trong người đàn bà làm kẻ quan sát đối xử với phần làm kẻ bị quan sát biểu hiện cho người ngoài thấy cả con người nàng muốn được họ đối xử như thế nào. Và cách nàng đối xử với chính mình tạo nên sự hiện diện của nàng. Sự hiện diện của người đàn bà nào cũng điều tiết điều gì “được phép” hoặc “không được phép” xảy ra khi nàng có mặt. Mỗi hành động của nàng – dù mục đích trực tiếp hay thúc đẩy gián tiếp của nó là gì – đều được hiểu là biểu lộ cách nàng muốn được đối xử. Nếu một người đàn bà ném chiếc ly xuống đất, đó là một thí dụ cách nàng đối xử với chính tình cảm nóng giận của mình, cũng là cách nàng mong tình cảm ấy được người khác đối xử thế nào. Nếu một người đàn ông ném chiếc ly xuống đất, điều đó chỉ được hiểu là hành động biểu lộ sự giận dữ. Nếu một người đàn bà kể một chuyện tiếu lâm, đó là thí dụ cách nàng đối xử với con người hài hước trong chính mình và như vậy người ta nhận ra con người hài hước ấy muốn người khác đối xử với cô ta thế nào. Chỉ có đàn ông mới có thể kể chuyện tiếu lâm chỉ để kể chuyện tiếu lâm.

Để giản dị hóa câu chuyện, ta có thể nói thế này: đàn ông hành động (men act) và đàn bà tự diễn (women appear). Đàn ông nhìn đàn bà. Đàn bà tự nhìn mình được nhìn thế nào. Điều này không chỉ quyết định hầu hết các mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà mà còn quyết định mối quan hệ của đàn bà với chính mình. Kẻ quan sát trong người đàn bà có nam tính: kẻ bị quan sát có nữ tính. Như thế, người đàn bà tự biến mình thành một vật phụ thuộc- và đặc biệt một vật để người ta nhìn: một thuộc thể của thị giác.

Berger viết đoạn trên vào đầu những năm 70. Thời đó và những năm kế tiếp phong trào phụ nữ ở Âu châu rất mạnh. Cuối thế kỷ hầu như không còn gì. Cuối cùng thì chưa bao giờ phụ nữ là một thuộc thể của thị giác nhiều như hôm nay. Tôi là ai không quan trọng bằng người ta nhìn thấy tôi thế nào. Năm tháng và những kinh nghiệm trong đời một người đàn bà có thay đổi điều này không? Hình như không, hoặc là chậm quá. Tôi đứng hơi xa nhìn không biết con ốc sên nó đang bò hay là không bò nữa.

13 comments:

  1. Eva Herman, nguoi doc tin lau nam cua Tagesschau (ARD), moi ra 1 cuon sach gay nhieu tranh cai "Das Eva-Prinzip". Co keu goi phu nu tro ve voi vai tro lam vo lam me, noi chung la cai bong phu thuoc dan ong. Da lau lam moi lai co 1 cuoc tranh cai ve phong trao phu nu, no da mang lai gi cho nguoi phu nu, nguoi phu nu ngay nay can gi, muon gi? Tai sao Eva Herman, mot nguoi ro rang duoc nhieu cai loi tu phong trao nu quyen manh me truoc do, lai co nhung suy nghi nhu vay?

    ReplyDelete
  2. em có nhìn thấy quyển Ways of seeing này rồi nhưng không đọc được. may mà chị dịch ra tiếng Việt đấy. hehehe thank u vinamilk.

    ReplyDelete
  3. BINH NGUYEN l xanh31 October 2006 at 01:08

    "Toi la ai ko quan trong bang nguoi ta nhin thay toi the nao" co le nam thang se ko lam thay doi suy nghi nay! Vi ta la dan ba! Ma tham chi ai co suy nghi tren tuc da lam mot nguoi dan ba day nghi luc roi day.

    ReplyDelete
  4. Em đọc bài này ở một diễn đàn khác của Việt Nam, cảm ơn chị đã dịch một đoạn thú vị.

    ReplyDelete
  5. hơi phiến diện, ý em là cách viết của ông này.

    ReplyDelete
  6. Đoạn này hay quá.. em thích lắm. Cảm ơn chị đã dịch và post lên...

    ReplyDelete
  7. Theo những qui ước tuy đã bị đặt vấn đề nhưng hoàn toàn chưa hề vượt qua được, sự hiện diện của một người đàn bà rất khác với sự hiện diện của một người đàn ông.
    Thú thực, câu trên thật khó hiểu. Liệu người viết tính viết:
    Sự hiện diện của một người đàn bà khác với sự hiện diện của một người đàn ông. Đây là một qui ước, tuy đã bị đặt thành vấn đề [như thế nào?] tuy hoàn toàn chưa hề vượt qua được, là sao?
    Tốt nhất, nên post kèm luôn nguyên tác, ở đây chắc là tiếng Anh, như vậy, dễ hiểu hơn chăng.
    Tác giả blog này, theo tôi, không rành tiếng Việt.

    ReplyDelete
  8. Chào chủ nhà.
    Vô nhà rồi mới chào!
    NQT

    ReplyDelete
  9. Rât vui vì bác Trụ đã ghé chơi. Hân hạnh.

    ReplyDelete
  10. ;) Nice words!

    ReplyDelete
  11. những người đàn bà thông minh có quan sát mình thông minh hơn hay ko chị Phượng?:)
    P.S: cảm ơn chị đã cho em vào nhà chị "chính thức". Em chọn bài này để đọc trong ngày hôm nay vì em cũng đang trong quá trình học trở thành 1 người đàn bà đàn bà:). "cách nàng đối xử với chính mình tạo nên sự hiện diện của nàng" - với em, điều này đúng:D

    ReplyDelete
  12. Chào chủ blog.Mình xin phép đưa bài này về blog nhé.

    ReplyDelete
  13. .:: Trang Si ::. [ Cha^n dai` nha` Dai gia Pi ]8 February 2009 at 01:00

    Phần lớn thời gian, em đều cảm thấy sinh ra được làm người đàn bà đã là niềm hạnh phúc. Và rồi em cho rằng người đàn bà quan sát mình chăm chú nhất ở hai điều: điều đẹp xinh nhất và điều đau đớn nhất

    ReplyDelete