Tuesday, 24 October 2006

Cảm hứng và cấu trúc






Tản mạn về chuyện viết


 

Ngày xưa, khi viết tôi tin ở cảm hứng và xem thường cấu trúc. Quả thật, nếu có gì đẹp, nó đến nhờ cảm hứng. Từ làn da thịt chạm được bằng tay, đến thứ khói huyễn hoặc ở cuối một con đường, tất cả nằm đó trên trang giấy, không bao giờ do người viết tiên liệu và sắp xếp mà có. Cảm hứng là tất cả. Không có cảm hứng thì không có truyện, không có thơ. Cảm hứng đến và đi như những cơn gió, và ta rất khó lập lịch hẹn giờ với gió.



Tôi chờ đợi gió, và nếu những cơn gió không đến, tôi không làm gì hết. Chỉ chờ. Tôi không dùng thì giờ chờ đợi đó để phác ra cấu trúc cho những câu truyện, bởi vì cấu trúc, hay tổ chức, gần như là từ phản nghĩa với cảm hứng. Tôi sợ vẽ ra sơ đồ làm gió buồn không thổi, vì bản tính của gió yêu tự do. Tôi sợ gió vội chuyển hướng đi tìm những cánh đồng trống đầy cỏ dại ở phía bên kia sông, nơi tôi không biết đường đi đến.



Tôi không màng đến cấu trúc. Kết quả của điều đó là những truyện dài truyện ngắn viết mười năm không xong. Mấy trăm trang viết ra không gắn vào nhau được, như mấy trăm mảnh sành vỡ ra từ bao nhiêu chiếc bình khác biệt, những chiếc bình luôn luôn vô hình với nhau và với tôi.




Một lúc nào đó tôi hiểu rằng viết văn không phải chỉ là chờ đợi những cơn gió. Phần lớn thì giờ tôi là một chị thợ hồ hơn là một nghệ sĩ, tôi không xây gì được nếu không có một bảng vẽ kiến trúc. Cũng có khi, chờ lúc tên kiến trúc sư đi ăn cơm, tôi có thể đổi hướng một bức tường, quay ngược cái bảng vẽ, biến trần thành cái nền nhà, khiến tên kiến trúc sư (cũng chính là tôi) khi quay lại nhìn quẹo cả cổ không còn nhận ra căn nhà hắn đã vẽ. Vẫn được. Dù bản vẽ kiến trúc vẽ ra chỉ để chị thợ hồ trong lúc xây muốn xoay ngang hay xoay ngược gì thì tùy chị, nhưng vẫn phải có bản vẽ.



Và sau nữa tôi nhận ra rằng công việc thợ hồ thường khó không phải vì thiếu gạch mà vì người thợ hồ chỉ được dùng một số gạch nhất định nào đó và đem số gạch dư đổ sông đổ biển. Chị thợ hồ tiếc, ngồi ở bờ sông than khóc hết phần lớn số thời gian xây nhà. Chị phàn nàn với nhà cung cấp vật liệu xây dựng, với từng ấy gạch, phải như ông giao cho tôi đủ xi măng, tôi đã có thể xây căn nhà to gấp năm gấp mười. Nhà giao vật liệu (cũng chính là tôi) vừa cười vừa nói rằng: chị xây nhà bao nhiêu năm rồi không biết sao, rằng gạch không bao giờ hiếm, chỉ có xi măng, chất làm chúng dính lại với nhau, mới luôn luôn hiếm.

12 comments:

  1. Cấu trúc là sự xếp đặt các ấn tượng (cảm xúc) theo một bố cục nhất định. Sự kết hợp của các ấn tượng theo bố cục này đồng thời lại tiếp tục mang đến một tầng lớp cảm xúc thứ hai nữa. Đôi khi, chính sản phẩm cảm xúc là hệ quả từ cấu trúc mới thực sự đáng quan tâm. Tấm ảnh trên là một minh họa. Cùng là đường nét ấy, tương phản sáng tối ấy, nhưng nếu xê dịch bố cục đi thì hiệu quả ấn tượng nhất định sẽ khác. Cái đẹp xuất phát từ cảm xúc. Và cấu trúc là bản chất cái đẹp ấy. Nhìn rộng ra thì không chỉ văn chương mà hội họa, âm nhạc, và các bộ môn nghệ thuật khác cũng như vậy. Rộng ra hơn nữa thì tóan, triết, và các ngành khoa học hệ quả của chúng cũng mang lại cái đẹp như vậy. Quay trở về bản chất, những cảm xúc mà cuộc sống mang lại, thực ra cũng là sản phẩm từ cấu trúc của nó.

    ReplyDelete
  2. tôi lại xem trọng cấu trúc hơn là cảm hứng. vì vậy, cả đời tôi chỉ có những dàn bài, những bộ khung rỗng ruột. nói ví von như ở trên thì cái nhà của tôi không có gạch, cũng không có xi măng. tôi đợi hoài mà không thấy bất cứ một cơn cảm hứng nào (^_^).

    ReplyDelete
  3. Em thi'ch ba`i viet cua chi!

    ReplyDelete
  4. Hi vọng một ngày có thể được đọc truyện ngắn của chị.

    ReplyDelete
  5. Em dang o tinh trang viet mot cuon sach da may nam chua xong, may qua, doc bai cua chi. Co le, can phai thay doi nhan thuc, bao gio cung nen co dieu kien can va du, cam hung va cau ttruc, ,mot cap song trung.

    ReplyDelete
  6. Chị. Xem chị và Tiểu Vũ bàn về cảm xúc và cấu trúc rất thích. Em không phải người trong nghề viết, nhưng khi có cảm xúc em cũng hay viết ra cho nó dễ chịu :), có lẽ em lối em viết là viết vo, em thường cho mớ cảm xúc của mình vào một bài, cố gắng sao cho nó hiện ra đủ, thế là xong, thực ra thời gian em dành cho việc đó cũng không có nhiều, toàn là tranh thủ. Có lẽ vì vậy mà em ko thể viết dài được, vì viết dài sẽ hở ra chỗ yếu về cấu trúc. Cảm ơn chị và TV đã cho em một bài học hay. :)

    ReplyDelete
  7. Thật hay và đúng. Chân tình cám ơn những bổ sung vô giá của Le.

    ReplyDelete
  8. C Phuong, cafe deee. Bo em co ve on roi. Mai thu 7- c ranh phone cho em nhe/

    ReplyDelete
  9. chi oi. 2 ngay nua em nop quyen sach va bay gio gach va xi mang deu bi mat di dau het ca :(
    ma bay gio chi co 1 thu co the du`ng de mua duoc: thoi gian

    ReplyDelete
  10. hic, em bat dau phai vat lon lai voi du thu cau truc. Hoc Anh Van nhung thiet ra la hoc viet essay, hoc cac kieu cau truc essay, chang co phai viet lan man nhu truoc nua. Nho hoc xong moi biet la cai essay em apply vo truong Cinematic Arts chac tieu roi, vi em viet loan xa chang theo cau truc nao ca.

    ReplyDelete
  11. Đọc bài viết này, Nina nhớ tới một đoạn trong chương đầu của Life of Pi mà Nina rất thích, chia sẻ với chị ở đây nhé. Cái cảm hứng mà chị nói, Yann Martel gọi là tia lửa, có phải không?
    Chúc chị một ngày tốt lành.
    "... Đối với các văn sĩ chưa thành danh, tình cảnh ấy thật sự khốn khổ. Bạn có chủ đề tốt, câu chữ cũng chẳng kém gì. Các nhân vật bạn dựng lên thật sống động đến mức muốn đi xin giấy khai sinh cho chúng. Diễn biến tình tiết của câu chuyện bạn đã vạch ra hết cả, thật lớn lao, giản dị, và hấp dẫn. Bạn đã nghiên cứu hẳn hòi đâu ra đấy, thu thập đủ cả các dữ liệu lịch sử, xã hội, khí hậu, ẩm thực, những thứ sẽ khiến cho câu chuyện có giá trị đích thực. Những đoạn đối thoại cứ nối nhau thật tự nhiên, lấp lánh, căng thẳng. Những đoạn miêu tả bùng lên đầy màu sắc, tương phản và các chi tiết sắc sảo đầy ý nghĩa. Thực sự là câu chuyện viết ra như vậy chỉ có thể hay mà thôi. Thế mà tất cả những cái đó chẳng hợp thành một cái gì cả. Mặc cho những hứa hẹn sáng lạn và hiển nhiên của câu chuyện, sẽ đến lúc bạn chợt nhận ra những lời thì thầm vẫn luôn thôi thúc bạn viết nó ra bấy lâu nay lại rót vào tai bạn một sự thật rõ ràng và khủng khiếp, rằng câu chuyện hỏng rồi. Nó thiếu một thứ, cái tia lửa có khả năng thổi sự sống vào một câu chuyện, bất kể là các dữ liệu lịch sự hoặc ẩm thực của bạn đúng hay là sai. Câu chuyện của bạn thế là chết hẳn về mặt tình cảm rồi, đó là mấu chốt của vấn đề. Nhận ra sự thật này cũng giống như bị rơi vào một thảm hoạ tàn hại linh hồn, tôi phải nói với bạn như vậy. Khi tỉnh lại, mình phải sống với cảm giác luôn luôn bị đói, đến thắt ruột thắt gan."

    ReplyDelete
  12. Entry ý nghĩa quá! Em cũng rất hay gặp vấn đề với cấu trúc. Cám ơn chị!

    ReplyDelete