Friday, 27 July 2007

Nghề nào an toàn?

Lâu rồi tôi có đọc một bài viết, bây giờ đã quên mất ở đâu. Bài đó nói rằng trong các nghề trong ngành nghệ thuật, nghề viết văn là nguy hiểm nhất. Cứ xem trong số nhà văn tôi yêu, đã có bao nhiêu người tự tử hoặc là gần như thế: Ernest Hemingway, Stefan Zweig, Virgina Woolf, Sylvia Plath, Heinrich von Kleist, Yukio Mishima, Jack London, Ryunosuke Akutagawa. Kế đến là nghề họa sĩ.. Làm nhạc có vẻ là nghề ít nguy hiểm. Trong danh sách tự tử không thấy có nhạc sĩ. Schumann tuy có đi bộ xuống sông Rhein, nhưng vì được cứu nên tên không nằm trong danh sách. Vì sao viết nhạc ít nguy hiểm hơn viết văn? Vì nghề viết văn cô đơn nên dễ phát rồ, hay vì nhạc sĩ không có khả năng tính toán cái chết cho mình như những nhà văn, vốn rất giỏi sắp xếp cái chết cho các nhân vật của mình?

Nghề văn nguy hiểm tương đương với nghề đào than đá.

Monday, 9 July 2007

Mây

Một cô bạn đã đọc tiểu thuyết mới của tôi trong ba ngày, nhưng mất đến hai tháng để lấy bút chì đánh dấu các đoạn cô ấy nghĩ là tôi nên viết lại. Hai chị em ngồi nói chuyện về việc viết, và tôi chợt nhận ra rằng tôi chưa bao giờ dám dùng từ “nghề viết” cho công việc viết lách của mình. Đôi lần được gọi là “nhà văn”, tôi thấy vui sướng, nhưng trong nỗi vui có rất nhiều băn khoăn. Mãi tới giờ này tôi vẫn còn không biết mình là gì.

Mình không là cái gì có cái hay của nó, tạm gọi là thứ tự do của một người du mục trong lòng. Đường tôi đi có nhiều nhánh vào rừng ra biển, chứ không phải là một đường thẳng. Tôi luôn luôn là một người chờ đợi, vì đến bất cứ đâu cũng là chưa đến nơi. Nhưng vào một lúc nào đó thì mình không là cái gì nó rất không hay. Đó là khi sự bất an trở thành bạn đường. Sự bất an là một thứ luôn luôn muốn nhấc tôi lên khỏi mặt đất. Nếu tôi là nước nó muốn tôi thành mây. Mây là hình ảnh của sự tự do, lang thang. Nhưng làm một đám mây thì buồn lắm, vì không biết mình bắt đầu ở đâu và chấm dứt ở đâu, đời nhẹ đến nổi nếu đời mất đi, nếu mình mất đi, có thể mình cũng không biết điều đó.

Nói chuyện với cô bạn, tôi nhận ra rằng tôi không bao giờ dùng chữ “nhà văn” hay “nghề viết” cho mình và công việc viết lách của mình. Cho đến ngày hôm đó, tôi cho như vậy là hay, vì tôi được cả hai: sự khiêm tốn và tự do. Nhưng sao tôi chợt thấy buồn kinh khủng. Tôi tránh theo nghề viết, tôi chợt hiểu, không phải vì khiêm tốn, mà vì sự bất an truyền kiếp của tên du mục trong lòng nó cứ lãng vãng chờ nhấc tôi lên khỏi mặt đất bắt tôi làm một đám mây vô định và luôn luôn hao hụt. Đến một cái nghề cũng không có, vì quá nhẹ.

Bạn nào đã xem phim HMRBL có thể còn nhớ cảnh chiếc xe ngựa đi qua một cánh đồng trải suốt một chân đồi rộng. Suốt buổi sáng hôm quay tôi đã đi nhặt rác trên cánh đồng (bất tận) đó. Lúc nhặt mới biết người ta vứt bao nhiêu bao ni lông ngoài đồng. Mọi người trong đoàn đều từ chối làm cái việc không mấy danh giá này, không ai đồng nghĩa việc đi làm phim với việc đi nhặt bao ni lông. Vì vậy, họ thiếu chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không phải là hiểu nghệ thuật, có ý tưởng hay, tác phẩm đột phá. Ý tưởng, khi đến, hoặc đi, nó không màng tác giả của nó có chuyên nghiệp hay không. Người chuyên nghiệp là người thấy công việc mình đang làm là trung tâm của đời mình, ít nhất là trong lúc mình làm nó
. Đủ gắn bó và trách nhiệm để đi nhặt bao ni lông trên cánh đồng, nếu mình quyết định điều đó cần thiết cho công việc, bất kể công việc đó hay hay dở.

Cúi nhặt bao ni lông trên đồng chỉ mỏi lưng thôi, chứ không khó. Nhặt bao ni lông trong một trang sách, giữa những chữ viết, ý nghĩ, hình ảnh, cấu trúc… thực khó hơn bao nhiêu lần. Đó là lúc tác phẩm cần sự chuyên nghiệp hơn lúc nào hết. Tác giả phải đứng lui ra để có được khoảng cách giữa mình và tác phẩm, phải dụi mắt, uống nước lạnh, để không đắm chìm trong tình yêu dành cho mọi thứ gì mình viết ra. Rồi lại phải đốt đi đốt lại ngọn đèn cầy bên trong lòng vì nó cứ hay tắt đi khi bụng mình đầy nước lạnh. Không có chút lửa cần thiết, tâm tưởng cũng u tối, theo một cách khác.

Tôi nói với cô bạn rằng tôi viết, nhưng không chọn viết là một nghề, và như vậy, khi tiểu thuyết đến giai đoạn cần sự chịu cực chịu khổ của một người xem việc viết là trung tâm của đời mình, nghĩa là cần đến một người chuyên nghiệp, thì tôi gặp mâu thuẫn mãnh liệt. Thật khó giải thích với mọi người, và với mình, rằng người ta có thể bỏ ra hai năm làm việc nghiêm túc cho một tác phẩm chỉ mang lại đủ tiền ăn sáng cho mấy mẹ con trong hai tuần. Còn nếu viết không phải để kiếm tiền ăn sáng, thì vì cái gì?

Chắc chắn là phải vì một cái gì khác rồi. Tôi biết nó là cái gì. Điều tôi không biết, đó là tình yêu đó – tạm gọi viết là một thứ tình yêu – nó là một chuyện may hay chuyện rủi.

Hỏi rồi không trả lời, rồi cũng không hỏi nữa. Nhưng sự phân vân vẫn ở đó. Tôi đã hiểu là nếu không dám nói việc viết là “nghề viết”, thì khó tiếp tục được. Chưa hoặc là không dám nói. Buồn như mây.

Saturday, 7 July 2007

Có lời & không lời

Gửi các bạn thân Moony, Apomethe, Phương Tít, Le, dorayaki, carpe diem chinono, P*guin, HY, Phieu, Xanh, Zik Lila, Dung bê thui, Hung7667, Oshin, Dì Zai dạo, Kai, RIKIKUDO, Kú Mèo Kéo Mù, Linh, bbchoco. Chibura, Marcus và chính tôi.

Gửi các bạn thân Princes & Princesses of Silence,


Với câu: "Có bạn thân nào còn muốn hai bốn sáu mở cửa blog lại hay không?" tôi thật tình muốn hỏi là lúc buồn tôi có quyền để public những bài viết về nỗi buồn của mình không.

Những năm còn trẻ, lúc buồn tôi hay nghĩ: "life is empty". Lớn hơn, tôi biết đời là nước, không phải chiếc bình. Người ta có thể nói: "the jar is empty", chứ không thể nói: "the water is empty", cho nên nói “life is empty” là sai rồi.

Tôi hiểu là chúng ta, mỗi người, trong lúc còn loay hoay với cái ngã, chưa hòa một vũ trụ duy nhất, sẽ tìm cách chứa đựng bên trong mình cái vũ trụ đó, nhốt nó trong trái tim mình. Đời là giòng nước, là biển cả. Trái tim mình chỉ là một chiếc bình, chứa được ngần ấy nước của biển, dung tích của chiếc bình là sự dấn thân và tấm lòng của mình. Lúc buồn bã và nhỏ bé, tôi thấy tôi chứa được rất ít giòng nước bên trong mình. Tôi ít oi, tôi khô cạn. Tôi chưa có đủ can đảm để đập vỡ cái chai, đập vỡ những giới hạn của mình, đập vỡ sự cô đơn. Chưa có can đảm để chết và quay về cùng với biển, ngay cả ngồi thiền cũng không đủ can đảm.

Có khi tôi vô cảm gần một tuần, rồi một hôm nghe Requiem của Mozart và khóc không phải chỉ vì nó buồn mà thật ra vì nó đẹp nhiều hơn. Rồi chính nó, một bài nhạc cầu hồn, lại đưa tôi về với sự sống.

Con người, có khi có những thời khắc mong manh. Những lúc đó tôi thường chọn sự yên lặng, điều đó đã trở thành một thói quen.

Thursday, 5 July 2007

Chiều đi ngang quán cơm

Hôm nay buồn, trời mưa. Đi ngang một quán cơm bình dân đèn thắp đèn sớm vào một giờ ngày chưa đi hẳn, còn vương một chút ánh sáng sáng mờ mờ hiu quạnh trong cơn mưa từ chiều chưa chịu dứt. Trời nửa tối, và ánh đèn neon trắng toát hắt ra từ quán cơm trong một con hẻm vắng người vì người ta ngại mưa. Phía trước quán cơm có cái tủ kính bày các món sườn ram, trứng chiên, thịt kho, dưa cải xào... Cái quán vừa thân thuộc, vừa hờ hững tẻ nhạt làm sao.

Tôi vừa buồn, vừa đói bụng. Tôi tưởng tượng mình đi vào quán, gọi một dĩa cơm với một miếng sườn ram và mấy lát dưa leo, rồi ngồi một mình ăn, vừa nhai cơm, thỉnh thoảng gặm vào miếng sườn, vừa, rất có thể, khóc hị hị cho đã đời cơn buồn đã bao ngày không duyên cớ.

Nhưng chỉ tưởng tượng thôi, chứ không vào quán, không gọi cơm. Giống như một họa sĩ, nghĩ ra một bức tranh không có ý nghĩa mấy, chỉ có một chút gì buồn buồn, rồi cuối cùng không vẽ nó vì thiếu niềm tin cần thiết. Tháng sau, bức tranh ấy chìm vào đâu đó trong tâm tưởng, trở thành vài khoảnh khắc của một giấc mơ nhòa nhạt. Chỉ còn một cảm giác. Không còn bức tranh, không có gì để tả cảm giác ấy.

Và đời thì mênh mang.


Tôi đi loanh quanh trong một nỗi buồn như thế đã nhiều ngày. Có bạn thân nào còn muốn hai bốn sáu mở cửa blog lại hay không?