Chúng ta có hai bán não, một bên nhận mặt người quen và ngó núi nhìn mây, một bên học chữ và làm toán. Chúng ta cần cả hai, sự cảm nhận thế giới trực tiếp bằng giác quan, và sự suy nghĩ trừu tượng để nới thế giới đó ra rộng hơn tầm nhìn của mắt. Ngồi chờ mẹ về là một điều cụ thể. Khái niệm về thời gian là một thứ trừu tượng.
Có vẻ như người bình dân thiên về cụ thể, người trí thức thiên về trừu tượng hơn. Người bình dân yêu mẹ, đi xa nhớ bàn tay, giọng nói của mẹ, nhưng không tìm cách nói về ý nghĩa của thứ tình cảm đó như người trí thức. Suy nghĩ trừu tượng giúp ta tìm ra ý nghĩa và giá trị cho những kinh nghiệm của mình. Bát cơm san sẻ là điều cụ thể, lòng nhân là điều trừu tượng, và chính cái giá trị trừu tượng đó nó khiến ta mời một người không quen đang gặp cảnh khó một bát cơm.
Thời đại càng phát triển, thì người ta càng thiên về trừu tượng hơn. Những kinh nghiệm kể lại được bằng chữ viết có vẻ có giá trị hơn những kinh nghiệm mà lời nói, chữ nghĩa không truyền dẫn được. Thang giá trị của chúng ta có vẻ như càng ngày càng nghiêng về những thứ trừu tượng. Chẳng hạn sự thành công có một giá trị cao, có lẽ gần tuyệt đối. Nhưng sự thành công không có mùi vị, hình dạng, nhiệt độ. Chúng ta không hưởng lạc thú nó mang lại bằng các giác quan của mình mà bằng ý nghĩ. Chúng ta tận hưởng ý nghĩa của sự thành công chứ không phải chính nó, vì nó không có đó. Ngược lại, khi ăn một trái cam chúng ta hưởng mùi thơm, vị ngọt chua của nó, bằng vị giác chứ không bằng ý nghĩ hay giá trị.
Người tiền sử biết vẽ trước, rồi mới biết viết sau. Ngày nay hầu như ai cũng biết viết, nhưng rất ít người biết vẽ. Và trong số người biết vẽ, rất ít người vẽ bằng nửa bên phải của não. Chúng ta tiếp nhận thế giới, và chia sẻ nó với mọi người, qua sự trung gian của các biểu tượng và ý nghĩ. Ý nghĩ đặt cho cảm xúc những cái tên. Ý nghĩ làm nên niềm vui, nỗi buồn.
Nhưng các nhà thơ haiku, các vị tu thiền đã sớm biết vì ý nghĩ là thứ dễ sai lệch và phù du, nên niềm vui nỗi buồn nó mang đến cũng bất trắc vô thường như vậy. Họ dạy cho chúng ta đừng quên tiếp xúc với thế giới mình đang sống bằng giác quan, bằng những con đường trực tiếp hơn lời nói và ý nghĩ. Và dù những kinh nghiệm đó không diễn đạt được bằng lời, đừng đặt giá trị của chúng bên dưới những thứ viết được lên giấy.
Tôi ít xem phim, nhưng một phim duy nhất của Tarkovsky đã đem lại cho tôi những cảm xúc lạ thường, cho tôi thấy chiều rộng và sâu mà điện ảnh có thể đạt được. Nó gợi nên tình yêu, sự nể phục, rồi cuối cùng ước vọng được làm phim. Người thứ hai đem lại những xúc động mạnh mẽ như vậy là Chris Marker. Lúc đó, tôi vẫn không hiểu tại sao với tôi Tarkovsky là nhà thơ duy nhất trong số các đạo diễn. Mãi về sau, đọc sách và nhật ký của ông, tôi mới hiểu.
Như van Gogh, Tarkovsky đã từng tự hỏi tại sao một giọt sương, một giải lụa trong một bức tranh khắc gỗ hay một bài thơ haiku của Nhật lại tạo cho họ những xúc động trước đó hội họa Tây phương không đem lại. Các họa sĩ Tây phương, khi vẽ một bức tranh, họ chọn đề tài, rồi sắp đặt bố cục cho bức tranh theo trật tự chính phụ: cái gì quan trọng sẽ có vị trí trung tâm và được rọi sáng, những thứ phụ hơn sẽ nằm ở những góc xa và tối hơn, một chiếc áo vắt ngang lưng ghế, một cái ly uống dở, tuy có vẽ hờ hững nhưng vẫn được sắp đặt để tôn vinh đề tài chính. Khi phác họa bố cục, họa sĩ đã đem vào đó các giá trị, và ý nghĩa. Bố cục của Hiroshige không có thứ lớp trên dưới của sự quan trọng, nó rất thơ, nó làm cho ta cảm giác họa sĩ ngước mắt lên, và những gì ông thấy, ông vẽ, đặt trong những cái khung tình cờ. Có hề gì nếu ta thấy lá tre mà không thấy thân tre, có hề gì nếu trung tâm bức tranh là một khoảng trời trống.
Tarkovsky nói rằng ông là người Slav, và ông thấy gần gũi với Đông phương hơn là Tây phương. Ông nói rằng làm phim là nhìn. Nhìn bằng mắt và bằng cảm xúc, chứ không bằng ý nghĩ hay thang giá trị. Những khung hình của Tarkovsky là những bài thơ. Tôi chưa thấy ai làm thơ bằng celluloid như ông.
(còn tiếp)
Em bắt ghế ngồi chờ được tiếp tục đọc chỗ (còn tiếp) của chị. Cám ơn chị!
ReplyDeletecelluloid là sao hả chị ..?
ReplyDeleteCó hề gì nếu ta thấy lá tre mà không thấy thân tre, có hề gì nếu trung tâm bức tranh là một khoảng trời trống.
như vậy, khoảng trời vẫn nằm ở trung tâm mà chị :) em nghĩ, có thể không có sự xếp đặt nhưng thật sự vẫn có sự xếp đặt. Chỉ khác nhau là, nếu phương tây thì sự xếp đặt rất cụ thể còn với người hoạ sĩ chị nói hay là các nhà thơ Haiku, sự xếp đặt đó là trừu tượng ^^
Phần tiếp theo chưa có sao chị ơi?!
ReplyDeletexin phep duoc them ten chi vao favourite list cua em. Doc cac bai cua chi, em duoc biet them nhieu thu rat hay, cam on chi :D
ReplyDeleteDu:
ReplyDeleteCelluloid là chất nhựa dùng trong phim nhựa.
Em có 10/11 phim của Tarkovsky, nếu chị thích thì hôm nào em mang về cho chị xem. Nhưng tất cả đều là tiếng Nga, em chưa thử tìm nhưng em nghĩ trên mạng chắc chắn là sẽ có phụ đề tiếng Anh hoặc Đức thôi.
ReplyDeleteReading your words, reading a part of your mind, feeling lucky when being your friend.
ReplyDeleteThưa cô sau khi xem phim của Tarkovsky thì những gì cô viết ở bài này đối với cháu là một kinh nghiệm qúy giá.
ReplyDeleteTrước khi xem phim của Tarkovsky thì cháu đã xem phim của phần lớn những "Tác gia bậc thầy" của điện ảnh Châu Âu. Với thói quen,ấn tượng mãnh liệt của những thước phim ấy in sâu trong tiềm thức, cháu cảm thấy rất xa lạ khi xem phim của Tarkovsky. Mặc dù bản thân Tarkovsky cũng mang trong mình không khí " Châu Âu". Rõ ràng những bộ phim của T rất giản dị (một cách hoàn hảo) nhưng nó lại xa lạ với trực giác xem của cháu. Dù chưa hiểu hết về phim của các " Tác gia" nhưng theo cháu đúng là nó mang đầy tính biểu tượng, ý nghĩa và cháu khi xem phim của Tarkovsky như thế, hẳn nhiên là cháu quy chụp sai lầm. Cháu chỉ lờ mờ hiểu phim của Tarkovssky là thơ nhưng giống như đọc thơ Trần Dần, cháu không thể hình dung nổi niêm luật của nó. Cảm giác như đây là thứ thơ thầm kín và trong sáng nhất mà mình đã bị trực quan ý nghĩa lấn áy.
Cháu có đủ cả tuyển tập về Tarkovsky ( 7 phim-13 ngoại ngữ), hi vọng cháu có nhiều dịp trao đổi với cô tiếp.
Cảm ơn cô.