Wednesday, 8 August 2007

Sến không chịu nổi

Sài Gòn bão rớt, những cơn mưa chiều. Trong căn phòng văng vắng, nửa ly rượu ấm, một bản nhạc mùi mẫn, bài gì nhỉ, Smooth Operator từ đầu những năm 80, hay nghe cái kèn mùi nhất trong các cây kèn là cây sax thổi một bài night club jazz nào đó mà Billy Holiday đã hát, hay nghe Tuấn Ngọc hát Đôi mắt em rất buồn, Đôi chúng ta rất buồn…

Được sến rất sướng, sướng không chịu nổi.

Tranh sến kiểu Gustav Klimt không có tác dụng gì với tôi. Nhưng các cô gái, các bình hoa đằm thắm của Tô Ngọc Vân vẫn làm cho tôi mềm nhũn. Còn tiểu thuyết? Lâu lắm không đọc gì sến, cuốn sách sến cuối cùng đọc là The Alchemist của Coelho, a fable about following your dreams, cái log line nghe mùi thật.

Không được phép sến là mất nửa cuộc đời (nhớ là cuộc đời có nhiều nửa chứ không phải chỉ có hai nửa).

Sến là gì?

Vài định nghĩa sơ khởi:

1
Chiều nay buồn nhớ em đường xưa lá me bay

Sến là dễ dãi

Người hát, lẫn người nghe hát, đều tự nuông chiều tình cảm và cảm xúc của mình. Những bài hát được viết với hòa âm tròn trịa, mềm mại, bao năm nay vẫn vậy. Không có hợp âm nào trúc trắc, mọi thứ đã được biết rồi và không ai đặt câu hỏi nữa, ngay cả trong cơn buồn, trong nỗi đau, cũng không hỏi. (“Sao em đành bỏ tôi?” không phải là một câu hỏi.) Sự lặp lại làm nên sự sáo rỗng êm tai.

Đến đây, thì sến chấp nhận được. Và tôi thích nghe nhạc sến, xem tranh sến, tốt nhất một ngày chừng 3 lần. Sến theo những định nghĩa tiếp theo thì khó chấp nhận.

2
Em yêu anh bằng cả trái tim em.

Sến là giả dối

Giả vì không thể thật được: Nếu chỉ dùng vào được mỗi một việc là yêu anh, thì con tim em hơi bị vô dụng.

Mà dù có thật thì cũng không có nghĩa gì: Các cô khác ai cũng yêu anh bằng cả trái tim họ cả.

Năm 18 tuổi, tôi đọc được hai câu thơ này của một tác giả nổi tiếng:

Một hôm lỡ vẽ sai đồng bằng Nam Việt
Lúc tẩy đi con đã khóc mấy lần.

Lúc đó hai câu thơ này đã làm thổn thức bao nhiêu trái tim yêu nước.

3
Con cừu non bị lạc mẹ, trời đã tối, mà vẫn chưa tìm được đàn, chưa tìm được đường về. Nó kêu những tiếng be be thảm thiết. Chợt từ bìa rừng có bóng ai đi về phía nó. Thì ra đó là cáo.

Sến là lười

Nhiều tác giả lười biếng, thay vì kể chuyện, họ kể chuyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn.

Viết chuyện ngụ ngôn là đi đường tắt. Chẳng cần phải tả cô gái thích làm diễn viên, chỉ cần gọi cô là cừu non. Chẳng cần phải tả anh đạo điễn Việt kiều, chỉ cần gọi anh là cáo. Thế là mọi người ai cũng biết tất cả về họ.

Có người thẳng thắn nhận là mình đang viết truyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn, nhưng lại cũng có vô số người dùng thủ pháp của thể loại này trong văn mình một cách có ý thức hoặc vô thức nhưng lại cho là mình viết truyện hiện thực hay siêu thực. Kết quả là truyện sến. Một định nghĩa của sến là dùng những hình ảnh đã xài nhiều thành mòn và sáo, còn định nghĩa kia đương nhiên phải theo sau là xếp con người, sự việc vào những cái ngăn kéo.

Thế giới có rất nhiều người, trong mỗi người lại có nhiều người. Con người và lịch sử của họ phức tạp, không cuốn sách nào có thể nói hết. Người ta chỉ nói được một số điểm, vào những thời khắc nào đó. Người đọc cũng không đòi hỏi đọc một quyển sách mà biết được cả thế giới, hoặc cả một thế giới của một con người. Và dù sao, cũng phải chừa chỗ cho họ đọc những sách khác nữa chứ. Người viết truyện ngụ ngôn gọi cô gái thích làm diễn viên là cừu non, anh đạo diễn Việt kiều là cáo, họ chia ô, sắp cả nhân loại vào mười mấy nhóm mà thôi: nhóm cừu, nhóm cáo, nhóm sư tử, nhóm sói, nhóm nai, nhóm chó vân vân, không khác mấy người xem tử vi là mấy. Sau khi sắp ai đó vào nhóm cáo rồi, thì tất cả định nghĩa về người ấy đã có sẵn đầy đủ, không cần nói gì thêm. Và người đó cũng đã bị đóng đinh, hết cục cựa. Nếu có chuyển động gì, thì là trong chuyện hai cái tai cáo mọc dài thêm ra nửa tấc, thế thôi.

Còn nữa, hôm nào không lười thì viết tiếp.

10 comments:

  1. Em thích kiểu "sến" của anh gù Quasimodo: "thế giới thật không bằng khi anh ta thì thật đẹp trai còn mình thì quá xấu xí... Em yêu anh ta như một tượng thần mà không nhìn thấy bên trong"...

    ReplyDelete
  2. với em thì cứ lãng mạn là sến.
    người nọ coi sự lãng mạn của người kia là sến, còn em coi sự lãng mạn của chính mình đã là sến rồi.

    ReplyDelete
  3. :-? Biết bao nhiêu người trong thế hệ chúng ta đã lớn lên coi lãng mạn là sến, là dễ dãi, là đáng cười. Và rồi sinh ra một cơ chế tự kiểm duyệt, những khi muốn nói một điều gì mô tả đúng nhất tâm trạng của mình, những khi muốn làm một điều gì tốt đẹp mà thực sự mình muốn làm, thì ta lại tự ngăn ta lại, tự cười khẩy vào mình, tự ngượng với bản thân rồi không nói/không làm vì cho rằng như vậy là sến, là đáng buồn cười.
    Và những khi thực sự muốn nói một lời biết ơn chân thành, một lời cảm động sâu xa, thì phải quay sang dùng một thứ tiếng ngoại quốc nào đó vì như thế cảm thấy mình đỡ sến hơn.
    :-?

    ReplyDelete
  4. chị ơi, có nhóm nào là nhóm "lười" không chị? Có lẽ em thuộc nhóm " con lười lười". À, mà chị đừng có lười lâu đấy nhá! Em đang chờ phần tiếp theo đây, hừ!

    ReplyDelete
  5. em cũng thích sến của mình, nhiều khi ko biết làm gì tự cho mình sến hehehe

    ReplyDelete
  6. Em cũng yêu Smooth Operator của Sade và giọng ca Billie Holiday :-)
    Đọc bài của chị xong cứ tự hỏi vậy ranh giới giữa lãng mạn và sến là ở đâu, hay sến là một phần của lãng mạn, khi nào sến quá thì lãng mạn ko còn là lãng mạn nữa chăng..

    ReplyDelete
  7. Sến là ủy mị, là đánh mất sự lạc quan luôn nhìn về phía trước,làm giảm sức chiến đấu và lao động của con người...(j/k)

    ReplyDelete
  8. đối với tui, sến có nhiều nghĩa nhưng tui chọn sến là nông cạn. phản nghĩa của sến là sâu sắc, tinh tế. sến rất có liên quan đến trình độ văn hóa (không phải bằng cấp). dường như sến chỉ nằm trong lĩnh vực cầm kỳ thi họa nhưng tui nghĩ sến có mặt ở bất cứ nơi đâu kể cả lĩnh vực chính trị hay cách sống.
    sến có sức quyến rũ riêng vì chúng dễ tiếp nhận. ngay cả những ban nhạc phương tây danh tiếng cỡ scorpions, bee gees ... đôi khi cũng sến dữ dội ở những ca từ yêu đương khắc khoải. nhưng dù họ có sến cách mấy thì cũng chạy mất dép trước sự sến của mấy nhạc sĩ và ca sĩ nhà mình.
    dù có chút giả dối nhưng sến ko có hại như sự dối trá. sến chỉ là mức thể hiện trình độ thẩm mỹ của mỗi người trên nhiều khía cạnh.
    đôi khi cũng cần sến một chút để thư giãn, để cho người được thả lỏng, để ko phải lúc nào cũng rơi vào trạng thái tư duy phức tạp. đôi khi cũng cần biến sến thành những nụ cười vui vẻ như bài hát "i will follow you" (bài chính trong phim mấy bà sơ quậy) :
    "nàng khóc lóc, nàng khóc lóc, nàng móc trái tim nàng cho ta, nàng cho ta, mà ta thì ko dám lấy ...".

    ReplyDelete
  9. Bài này rất thú vị! Comment của bạn today20 hay! Với em, sến cũng giản dị thôi, đôi khi đúng lúc cái Media Player chạy sang câu "Lòng người như lá úa..." thôi thế là tại Tình khúc không tên Vũ Thành An hay tại lá úa...cơn sến tự nhiên từ đâu ùa về. Chỉ có điều càng nhớn tuội thì nó cũng biết trôi đi nhanh nhanh và nhanh hơn...

    ReplyDelete
  10. Em thấy nghệ thuật Việt Nam có truyền thống sến "chảy nước". Không biết đã sến nhất quả đất chưa, hay vẫn còn thua các bạn Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc ? :). Phải chăng "sến" là một đặc tính của người châu Á ??? Cứ đọc lời những bài hát nước ngoài dịch ra lời Việt thì thấy rõ cái sự sến của Tây với với của ta khác nhau một trời một vực. Lý giải như thế nào về hiện tượng này được nhỉ ? Phải chăng chủ yếu là do tư duy, do những đặc điểm tâm lý ? Hay xuất phát từ đặc tính của ngôn ngữ nhiều hơn ? Không biết đã có ai nghiên cứu và lý giải hiện tượng "sến" trong nghệ thuật Việt Nam chưa nhỉ ?

    ReplyDelete