Xã hội càng phát triển, nghĩa là càng được tổ chức, thì con người càng sống xa quê hương mình. Bạn không cần đi đến sống ở New York hay Moskva để trở thành người xa xứ. Bạn có thể là người xa xứ ngay trên thành phố mình sinh ra.
Tôi không muốn là người quê mùa hay hoài cổ, than thở về những luồng xe cộ, những chiếc thang máy, những bức tường, những lớp lưới B40 bao quanh lan can một căn hộ cao tầng để phòng trộm trong thành phố chúng ta ở bây giờ. Nhiếp ảnh và điện ảnh đã chứng minh rằng bất cứ khung ảnh nào cũng có thể đẹp, nếu biết cách dùng ánh sáng. Thử tưởng tượng tâm tưởng của chúng ta là ánh sáng của nhà nhiếp ảnh. Nếu tâm tưởng ta là thứ ánh sáng lung linh hay đằm thắm, Hà Nội, Sài Gòn hay Frankfurt vẫn có thể đẹp.
Nhưng giữ cho tâm tưởng đằm thắm ở một nơi xa lạ, là chuyện không dễ. Bạn dễ yêu một cái cây hơn một bức tường, một cánh đồng trồng dưa hơn một bãi đậu xe, cho dù các nhà thiết kế đô thị, các kiến trúc sư đã bỏ bao nhiêu tiền và tâm trí để làm một bức tường và một bãi đậu xe đẹp, và dù bạn đã sống bao nhiêu năm bên cạnh bức tường ấy, bãi đậu ấy, đủ để chúng trở nên quen thuộc. Bởi vì bức tường và bãi đậu xe không có câu chuyện nào để kể cho bạn nghe, còn cái cây, cánh đồng dưa thì có. Nếu bạn sinh ra trong thành phố, câu chuyện của cái cây đã nằm trong ký ức của tiền nhân, dù sinh ra ở đâu, bạn vẫn nhớ câu chuyện của chúng.
Tôi sống hai mươi năm ở Đức, mỗi tuần đi chợ hai lần ở siêu thị. Tôi đã quen tất cả những quầy hàng và những thực phẩm bày trên những quầy hàng đó. Những thứ nuôi sống tôi, vậy mà tôi vẫn không có một mối quan hệ nào với chúng, một thứ gì như tình yêu hay là sự biết ơn.
Lần đầu tôi về Việt Nam đi một cái chợ quê với em gái. Em tôi trả giá để mua một mớ chanh. Em tôi nói chanh bán mắc. Bà bán chanh nói rằng từ rằm tới giờ trời không mưa. Con gái bà gánh nước tưới, từ mé sông đến vườn chanh đi qua một ngọn đồi. Rồi chúng tôi nói chuyện với nhau về vườn chanh, về con sông và căn nhà ở chân đồi.
Buổi tối, khi chúng tôi cắt chanh ăn, trái chanh của tôi có một câu chuyện. Tôi biết nó từ một cái cây mọc ở sườn đồi đất nghiêng, có một cô gái gánh nước tưới vườn chanh, cô dậy rất sớm, quấn khăn che bớt mặt và vai, cô đội nón lá, để nắng khỏi ăn da. Tôi hiểu sự quan hệ giữa mình với mặt đất. Trái chanh là quà tặng, không phải là hàng hóa. Tôi là người nhận. Sườn đồi, giòng sông, và cô gái gánh nước, là người cho.
Những trái chanh được bọc trong bao lưới ở siêu thị chưa bao giờ tạo cho tôi thứ tình cảm đằm thắm này. Tôi chỉ đánh giá chúng ngon hoặc dở, đáng tiền mua hay không. Tổ chức đời sống ở thành phố, trong siêu thị, đã cướp lấy những câu chuyện của chúng, cắt mất lịch sử, cắt mất mối quan hệ của chúng với mặt đất. Chúng chỉ còn là hàng hóa thuần túy, tôi ăn chanh, nhưng không biết trái chanh từ đâu mà có. Lâu ngày, từ một con người, tôi trở thành một kẻ tiêu thụ, một consumer vô cảm và vô ơn. Tất cả chúng ta đều trở nên nghèo nàn và buồn bã, vì ở trên một quê hương xa lạ, nơi mọi thứ đã đánh mất câu chuyện của mình.
Postscript
Tôi đã định rằng ở cuối đoạn 3 này sẽ viết phần kết luận. Tôi đã viết hai đoạn trước cùng phần đầu của đoạn này chỉ để được viết phần kết luận của tôi. Nhưng tự nhiên, vào giờ này, tôi chợt không muốn viết nó. Nó là của bạn, không nên là của tôi.
Tôi yêu sách vở, dành kha khá thì giờ để đọc (Tôi không chắc mình đã thuộc về nhóm đọc nhiều sách chưa. Sách, giống như nước, đáng lẽ phải là một danh từ không đếm được). Niềm vui của chữ nghĩa và trí tuệ thường lôi kéo chúng ta vào những giá trị trừu tượng. Hôm qua tôi mới đọc một bài của Theodore Dalrymble so sánh Turgenev và Marx (hai bác này sinh cùng năm, chết cùng năm), thực ra là so sánh cuốn Mumu và Manifesto. Tựa bài viết là How – and How Not – to Love Mankind. Đó là sự khác biệt giữa một tình yêu cụ thể dành cho một con người, và tình yêu trừu tượng dành cho nhân loại. Với Turgenev, rừng là một cái cây, mưa là những giọt nước làm cho đám lá cây rũ rượi. Với Marx, rừng là một mảng xanh trên bản đồ, mưa là cơn áp thấp.
Khi muốn nói về tình yêu, tôi nhớ là trái tim tôi lớn bằng nắm tay tôi, và tôi chỉ yêu được những gì bàn tay tôi nắm được mà thôi. Bạn có thể yêu những con người cụ thể, và hiểu rằng họ mang nhân loại trong họ. Bạn không thể yêu nhân loại không thông qua một con người nào. Điều đó quá trừu tượng.
Cũng có thể chính một vài cá nhân mà mình yêu thương đó giúp mình còn giữ được tình yêu đối với nhân loại, dù là nhân loại có vô vàn khuôn mặt thiện ác đi nữa. Em nghĩ chỉ có Phật mới yêu được cả nhân gian mà thôi.
ReplyDeleteBức tường cũng có câu chuyện của nó, em nghĩ thế. Nhất là những bức tường có graffiti. Và những bức tường có nhện nữa. :)
ReplyDelete@adieu: Hoàn toàn đồng ý với bạn là thành phố có trăm ngàn câu chuyện chứ. Lắng nghe chúng khó hơn thôi.
ReplyDeleteBài viết này làm em cảm động quá chị ạ, em vẫn thích đi chợ "quê" nhưng không hiểu vì sao em thích. Bây giờ thì có lẽ hiểu rồi, cảm ơn chị.
ReplyDeleteCái ý này cũng giống với trong blog entry 'Tại sao tôi đọc tiểu thuyết' của chị nhỉ? Em thích cả 2 entry này.
ReplyDeleteKhông có chanh nên em lấy "những trái chuối được bọc trong bao lưới ở siêu thị" ra ăn và em cũng nghe được câu chuyện. Nó là những trái chuối tốt nhất được lựa chọn để đóng gói xuất khẩu sang các nước đã phát triển để thu về ngọai tệ. Và những người trồng ra nó phải 'nhường' những trái chuối ngon nhất cho những người mà họ chưa từng gặp và có lẽ không bao giờ gặp trong đời. Sự nhường nhịn này nuôi sống họ qua từng ngày.
ReplyDelete-------------------------------------------------------------------------
Một buổi sáng thú vị để đọc và ngẫm cả 3 entries cùng một lúc. Em thích 'ngụ ngôn trái chanh' chị kể ghê.
Chị ơi, em rất thích và rất đồng cảm với entry này, về sự gắn bó giữa con người với môi trường thiên nhiên (mà quá trình đô thị hóa cùng với vô vàn thứ máy móc, nhân tạo đã cắt đứt sợi dây liên kết đó). Cám ơn chị!
ReplyDeleteCám ơn những entry của chị.
ReplyDelete^^ đọc entry này em chợt muốn đi tìm những câu chuyện... thân thiết lắm mà lâu ngày không gặp...nhớ cây chanh, nhớ luống khoai lang ngoằn ngoèo ở vườn nhà ngoại...cảm ơn chị vì đã đánh thức em nhớ về khu vườn thời thơ ấu.. đó cũng là câu chuyện của riêng em^^
ReplyDeleteCon rất thích câu chuyện về trái chanh của bác, nhưng mà thực ra, từ trước tới giờ, con chỉ ham đi siêu thị thôi (siêu thị mát mẻ, sạch sẽ), hay là đi chợ ở quê (vì khi con về, con thấy là lạ và thích thú). Ngẫm lại mình phải chăng cg là một kẻ vô ơn và vô tâm, bởi con chưa lần nào suy nghĩ đc sâu sắc về cái tình khác biệt giữa "hàng chợ" và "hàng siêu thị" cả...
ReplyDelete---------
Còn khúc sau của bài viết, con thích nhất đoạn này:"Khi muốn nói về tình yêu, tôi nhớ là trái tim tôi lớn bằng nắm tay tôi, và tôi chỉ yêu được những gì bàn tay tôi nắm được mà thôi. Bạn có thể yêu những con người cụ thể, và hiểu rằng họ mang nhân loại trong họ. Bạn không thể yêu nhân loại không thông qua một con người nào. Điều đó quá trừu tượng.", dù nó cg thật trừu tượng để hiểu hết. Như cô con đã từng dạy về bài Lục Vân Tiên, trong phần Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga rằng: "Vân Tiên cứu DÂN chứ ko phải cứu NGƯỜI ĐẸP", theo một cách nói dí dỏm của cô, bởi phải chăng Vân Tiên đã "kêu rằng: "Bớ đảng hung đồ/ Chớ quen làm thói hồ đồ hại DÂN"...
"Bạn có thể yêu những con người cụ thể, và hiểu rằng họ mang nhân loại trong họ. Bạn không thể yêu nhân loại không thông qua một con người nào. Điều đó quá trừu tượng."
ReplyDeleteĐọc đoạn này em nhớ đến 1 đoạn em đã trích post vào phần comment của Moony.
"Tôi biết rằng không thể yêu một cây cỏ, mà chỉ sau khi đã yêu thương những con người một cách sâu sắc và toàn bộ đến nỗi người ta đã khám phá ra nào cây cối, thú cầm đều ở trong mỗi họ, bởi con người đã từng là mọi chúng sinh này và vẫn còn những dấu vết của chúng trong vô thức của mình hoặc trong vô thức tập thể.
Bạn đã từng là một cây cỏ, một con chim, một con thú, một tảng đá đấy. Bạn đã từng là mọi thứ, cả triệu triệu thứ và bạn vẫn còn mang trong mình mọi kinh nghiệm này, liệu bạn có biết không? Cách duy nhất để liên lạc với cái cây, đó là trước hết đi vào tiếp xúc với cái cây ở bên trong mỗi người ấy.
Hãy yêu thương những con người. Hãy mạo hiểm, can đảm lên.
Hãy nhẫn chịu những nỗi đau, cùng sự ngây ngất của tình yêu. Hãy khám phá con người tới tận cốt lõi rồi bạn sẽ sớm khám phá rằng không ai trong họ chỉ là một con người, một con người là một con người cộng với toàn bộ cõi sống bởi con người là đỉnh điểm của sự tiến hoá. Toàn bộ điều mà con người đã từng là trong quá khứ vẫn còn đó, thành những tầng chồng lên nhau.
Liệu bạn đã đôi khi có cảm tưởng như vậy trước một phụ nữ... rằng cô ta có vẻ gì đó của loài mèo? Liệu bạn đã từng đắm sâu vào mắt một người phụ nữ và chợt cảm thất sự hiện diện của con mèo trong cô ấy hay chưa? Không phụ nữ nào có thể là một phụ nữ mà không đồng thời là một con mèo đâu. Và bạn cũng sẽ phát hiện thấy con chó nữa. Trong trường hợp đàn ông, bạn sẽ thấy con sói.
Trên con đường tiến hoá của mình, con người đã đi qua tất cả những gì tồn tại. Hoàn toàn cũng như khi bạn trải qua tuổi thơ rồi tới tuổi trưởng thành, chả lẽ bạn tưởng tuổi thơ của bạn đã hoàn toàn biến mất sao?
Bạn có thể không còn trẻ, nhưng thời niên thiếu của bạn đã đơn giản biến mất không để lại dấu vết ư? Nó còn đó, nhưng một lớp khác đã chồng lên. Nếu bạn cưa ngang một thân cây, bạn sẽ có thể xác định tuổi của nó nhờ những vòng tròn đồng tâm trong ruột gỗ. Nếu nó được 60 tuổi thì sẽ có 60 vòng, bởi mỗi năm, một lớp mới được hình thành sau lớp vỏ bên ngoài. Nếu bạn đập vỡ một tảng đá, bạn sẽ phát hiện thấy những địa tầng.
Nếu bạn thâm nhập những con người, bạn sẽ thấy những lớp lang chồng lên nhau, như đối với cây cối và đá núi. Càng đi sâu, bạn sẽ càng quan sát thấy những hiện tượng kỳ lạ. Nếu bạn có thể buông bỏ hoàn toàn trong khi làm tình với một người phụ nữ thì bạn cũng sẽ đang làm tình với muông thú, cỏ cây, núi non, với chính sự tồn tại."
:)
Đây là comment của tôi khi đọc về bài viết này của chị được đăng lại trên blog người khác :
ReplyDelete"Nếu tớ gặp nhà văn Đoàn Minh Phượng thì tớ sẽ cãi lại rằng nhà văn quá chủ quan. Vật thể nào trên đời cũng có câu chuyện của nó, quan trọng bạn có thích và biết lắng nghe không (Heheh, và dẫn chứng cho nhà văn về bức tường nổi tiếng, bức tường Berlin đấy, có cả một lịch sử). Không thể áp đặt tình cảm của mình đè lên tình cảm của người khác.
Thật ra, tớ cũng đang nói về cảm giác chủ quan của tớ. Nhưng vì tớ không là người nổi tiếng, nên hổng đè được ai, nên tớ có thích sao nói vậy. hahah. Nhưng nếu tớ là nhà văn, được nhiều người biết tới, tớ sẽ thay chữ bạn thành tôi (như cách nhà văn vẫn dùng xuyên suốt trong bài viết), nếu muốn chủ quan như thế, là: "Nhưng giữ cho tâm tưởng đằm thắm ở một nơi xa lạ, là chuyện không dễ. "Tôi" dễ yêu một cái cây hơn một bức tường, một cánh đồng trồng dưa hơn một bãi đậu xe, cho dù các nhà thiết kế đô thị, các kiến trúc sư đã bỏ bao nhiêu tiền và tâm trí để làm một bức tường và một bãi đậu xe đẹp, và dù "tôi" đã sống bao nhiêu năm bên cạnh bức tường ấy, bãi đậu ấy, đủ để chúng trở nên quen thuộc. Bởi vì "tôi" không nghe được câu chuyện nào từ bức tường và bãi đậu xe, còn cái cây, cánh đồng dưa thì có. Nếu bạn sinh ra trong thành phố, câu chuyện của cái cây đã nằm trong ký ức của tiền nhân, dù sinh ra ở đâu, bạn vẫn nhớ câu chuyện của chúng."
Mà cũng hổng có gì quan trọng. Cơ bản chắc là vì người ta thường xù lông để bảo vệ tình yêu. Anh có thể khen người anh yêu đẹp, nhưng đừng có chê người tôi yêu xấu. Hì."
Sunday August 31, 2008 - 06:31pm (ICT)
Hôm qua em tình cờ đọc được bài này của chị trên mạng, thấy hay và đồng cảm nên e có trích 1 đoạn để post trên trang facebook của mình, địa chỉ tại link này: http://tinyurl.com/oyppaz3
ReplyDeleteSáng nay e có tìm hiểu mới biết đây là bài viết của chị, nên muốn ngỏ lời xin phép sự đồng ý của chị. E chưa gỡ ngay vì cảm thấy sẽ rất tuyệt nếu bạn bè của e có thể xem được đoạn này. Nếu chị ko đồng ý thì cho e biết để gỡ xuống nhé! Cảm ơn chị rất nhiều!
Chúc chị luôn vui và nhiều sức khỏe!
Mèo.