Monday, 4 December 2006

Đất lành chim đậu

(Sau Apec)


"Tôi tin chắc rằng dân chúng sẽ hài lòng biết bao nếu các tờ báo ngày, báo tuần, báo điạ phương trên khắp đất nước này luôn luôn ghi nhận và đưa tin, không phải chỉ sự đến và đi của các ngài lãnh tụ, các quí phu nhân, các dân biểu, các công dân cao cấp, mà cả sự đến và đi của các loài chim di trú."



Wiliiam Wordsworth


 


Trên một cánh đồng củ năng (mã thầy) ở Đồng Tháp, ảnh của blue_fam .


water chestnut field

Saturday, 25 November 2006

The End of the Word

In the beginning was the Word
John 1:1

Lịch sử được làm nên bởi những chuyển biến của xã hội, bởi thay đổi, cách mạng, chiến tranh.

Karl Marx, và gần đây là Francis Fukuyama, đã viết về sự chấm dứt của lịch sử, the end of history. Đó là khi lịch sử không còn được viết tiếp nữa, bởi vì xã hội đã ổn định, không còn cần, hoặc không thể thay đổi được nữa, và các nhà viết sử bỏ nghề vì không còn gì để viết. Dù thế giới nơi lịch sử dừng lại của Marx và Fukuyama rất khác nhau, ta hiểu rằng sự dừng lại không phải không thể xảy ra – giòng sông có thể ngừng, không phải cạn, mà chỉ ngừng.

Lúc u buồn, chứ không phải lúc lạc quan, tôi nghĩ tới sự chấm dứt của nghệ thuật, the end of art. Đó là khi người ta không còn những câu hỏi chưa được trả lời, không còn bí mật nào nằm ở phía bên kia của mặt trăng, để nghệ sĩ là những con thiêu thân lao vào ánh sáng mong tìm ra bóng tối ở phía sau. Không còn những sự thật, ý nghĩa và nỗi buồn chưa được biết đến. Cũng không còn những giá trị đã bị đắm thuyền và nghệ sĩ là những người thợ lặn buông mình vào đại đương đi tìm những chiếc vòng đeo tay đã mất.

Biết đâu có ngày nghệ thuật không còn nữa. Chỉ còn những sản phẩm giống như nghệ thuật làm ra để để chiều chuộng đám đông, để tô điểm và tiêu khiển. Những sản phẩm do đám đông điều khiển theo qui luật của thị trường và dân chủ, một đám đông trong đó những con người càng giống nhau càng nhiều sức mạnh, khi lịch sử cũng đã ngừng.

Mọi thứ đã làm xong. Không còn sự im lặng sâu thẳm, chỉ còn sự im lặng khi lời nói đã làm hết việc của nó và đặt mọi gánh nặng nó mang xuống đất, như con trâu giã từ cái cày. Chúng ta chỉ còn lại những ngày không trọng lượng.

Ngày tận thế không phải là khi con người rũ rượi trong tội lỗi, không còn nước sông Tiền hay sông Hậu nào còn có thể rửa cho thanh sạch lại được, chỉ còn mong vào cơn hồng thủy, hay là một trời lửa. Ngày tận thế giản dị là một ngày khi mọi việc đã xong. Sau hôm đó không phải là tro than, mà là vô số những thành phố Las Vegas đầy những zombies mặc quần áo đẹp.

Saturday, 18 November 2006

Thành trì trong sa mạc

Tôi không bao giờ hiểu tại sao không có ai dịch cuốn Citadelle của Saint Exupéry ra tiếng Anh. Dĩ nhiên có nhiều cách giải thích: cuốn sách viết chưa xong. Chưa xong không chỉ có nghĩa là nó chưa có một kết thúc, mà vì nó cũng chưa được sắp xếp gì cả. Các chương, các ý tưởng lập lại rất nhiều, hình như cuốn sách không có một cấu trúc nào. Đó chỉ mới là phần hình thức. Phần ý tưởng và triết thuyết, không sắp cuốn sách vào đâu được. Rồi đến cốt chuyện cũng không có. Có khi cuốn sách như một loại kinh thánh không có các thánh và các mẩu chuyện nặng chùng xuống bởi ý nghĩa và biểu tượng của họ. Kinh thánh cho một tôn giáo từ chối mọi giáo điều. Có khi nó là một bài thơ như định nghĩa rõ ràng nhất của một bài thơ: đẹp đẽ và đầy hình ảnh và đầy máu của một trái tim đang thở khẽ khàng hay khó nhọc. Nó muốn dạy cho tôi những thứ gì đó giống như sự khôn ngoan, chiêm nghiệm. Những loại khôn ngoan chiêm nghiệm không làm cho tôi thấy rõ trật tự của cuộc sống hơn, biết phân biệt chính tà hơn và sống yên bình hơn. Nó đem lại những hiểu biết làm cho tôi bất an trăn trở vì thấy mình sống chưa đủ, mình mỏng như một cái bóng: tôi có đường viền cho đầy đủ một hình hài, nhưng không có nhiệt độ.

Tôi tưởng tượng Saint-Ex viết cuốn sách cho những thiên thần. Điều làm nên thiên thần không phải là sự thánh thiện hay mẫu mực hay bình yên hay sự lung linh của một thứ ánh sáng trắng buốt như sao mai. Điều làm nên thiên thần là sự ngụp lặn trong cuộc đời, trong quê hương, với tất cả niềm kiêu hãnh của một thiên thần và tất cả sự thầm lặng của một viên gạch trong một ngôi đền, cùng với lầm lẫn, mơ màng và đau đớn, ngụp lặn, chấp nhận tất cả để quyết liệt không chấp nhận một thứ: làm một cái bóng.

Tôi chưa lần nào có can đảm đọc cuốn sách theo thứ tự các trang như chúng đã được viết, từ chín trăm tám mươi lăm trang bản thảo, không có chuyện, không có nhân vật, không có thoại, chưa kịp được tác giả đọc lại. Nhưng tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần dở ra đâu đó, hình như lúc nào cũng tìm được một điều gì hay và đẹp đẽ hay quyết liệt. Tôi sẽ đồng ý với Saint Ex, còn nếu tôi không đồng ý với một trang nào đó, nó sẽ lẩn quẩn trong tôi suốt vài đêm.…


Khi nói đến tên Antoine de Saint-Exupéry, người ta nghĩ đến Hoàng tử bé. Hoặc là những cuốn truyện phiêu lưu của tâm thức đàn ông như Cõi người ta hay Chuyến bay đêm. Người ta mong chờ những lời thánh thiện, khôn ngoan và êm ái. Những chuyến đi. Những giọt sương trong vắt và lung linh. Khi Saint-Ex đưa những chương đầu của Citadelle cho bạn thân xem, họ đã ước chi ông chưa bao giờ bắt đầu viết cuốn sách đó.

Saint-Ex không có đủ cứng cỏi để lạnh lùng trước sự thất bại trong lần đầu đưa bản thảo cho người khác đọc. Ông bất an, buồn bã. Hay là ông đã lạc đường, dấn thân vào một vùng đất không phải của mình?

Cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều người yêu Saint-Ex thầm mong ông chỉ là Hoàng tử bé. Vẫn chưa có bản dịch tiếng Anh cho Citadelle. Ngôn ngữ của cuốn này khác, giống như một người bắt đầu hiểu cái chết, không còn thì giờ để dịu dàng, ông trở nên quyết liệt. Dù có người không muốn biết rằng tác giả của Hoàng tử bé lại viết về những con chó cái, nhưng với tôi, đây vẫn là cuốn sách đằm thắm nhất. Tôi chưa, hoặc ít đọc được ở đâu một tình yêu như vậy dành cho con người.


dịch trích đoạn:

Nhưng với con, một trái chín từ cây có nghĩa gì? Trái của con chỉ có giá trị, khi người ta không đem nó trả lại cho con được.

Có người kia ngồi trên sàn diễn và sống bằng những tiếng gọi hoan hô của đám đông ngu muội: “Tôi ban tặng sắc đẹp và sự duyên dáng, cùng những bước đi vương giả của tôi; và đám người kia ngưỡng mộ nhìn tôi như nhìn một chiếc tàu lộng lẫy vừa đi ngang qua chỗ họ. Chỉ sự có mặt của tôi thôi đã là một sự ban tặng.”

Sự kiêu hãnh đó bắt nguồn từ một thứ quà tặng giả hiệu, một ảo tưởng. Bởi vì con chỉ có thể dâng tặng những gì con chuyển hóa: như một cái cây tặng những trái chín mà nó đã chuyển hóa từ đất mà có; như một vũ nữ tặng một điệu múa cô đã chuyển hóa từ bước đi của mình để làm thành; như người lính đã biến máu mình thành ngôi đền hay vương quốc để dâng hiến.

Nhưng một con chó cái thì không có giá trị gì, dù đám chó đực bu chung quanh mê mẩn nó. Bởi vì thứ mà con chó cái ban tặng nó đã không chuyển hóa từ một cái gì ra cả. Thú vui của nó là thú vui nó đánh cắp từ sự truyền giống. Nó khum người mà không cần mất sức lực, theo sự đòi hỏi của những con chó kia.

(từ: chương 60, Citadelle)


Viết thêm ngày 23.11.07

Hôm nay tìm được bản dịch tiếng Anh cuốn "Citadelle" của Stuart Gilbert. Tựa tiếng Anh của nó là "The Wisdom of the Sand".

Friday, 17 November 2006

Không có chữ

Lười viết lắm. Không phải cái tay lười gõ mà cái đầu lười chuyển dịch. Có nhiều khi gắng viết một entry vào blog chỉ vì cái lần viết vừa rồi không hay mà nó cứ nằm đầu trang hoài nhìn chán. Lần này đúng như vậy, tôi nghĩ phải viết một cái gì đó, gì cũng được, đời biết bao nhiêu là chuyện để nói. 24 chữ cái cùng với sắc huyền hỏi ngã còn nhớ đủ cả nhưng chúng bay lãng đãng đâu đâu mặc dù trời không chút gió.

...
Hemingway khuyên nếu ai muốn viết phải viết đều đặn (cái này ai không biết, và có mấy ai làm được?). Muốn viết đều đặn mỗi ngày, anh phải biết ngừng đúng vào cái lúc anh nhiều cảm hứng nhất. Đó là một lời khuyên tuyệt vời: ngừng vào lúc muốn viết nhất. Không phải điều này chỉ làm cho ta thấy hào hứng khi bắt đầu vào ngày hôm sau, nó còn làm cho ta cả ngày mơ màng sống trong câu chuyện còn nằm trong đầu nhưng chưa viết ra giấy của mình, và đó là một trong những điều sung sướng nhất của người viết văn, có lẽ sung sướng hơn cả lúc đem truyện đi in.

Nhưng cái này cũng của Hemingway: "Don't you like writing letters? I do because it's such a swell way to keep from working and yet feel you've done something."

Mới biết ngày chưa có mạng, chưa có blog, người ta đã tìm ra cách để trốn tránh công việc. Cũng không khác chúng ta là mấy, nhưng lãng mạn hơn, riêng tư hơn.


Thursday, 9 November 2006

Nói nhỏ đi nhẹ

Con cái dạy cho cha mẹ sự khiêm tốn. Những ngày độc thân ngông cuồng thật sướng, coi trời bằng vung, mình làm mình chịu, thích nói gì thì nói, thích chê ai thì chê, miễn là đã miệng. Có ông bạn học bằng tuổi tôi, mà chê con gái quá 21 là hoắc rồi.

Đến khi có con, nhìn thấy cô bé nhỏ xíu của mình vào vườn trẻ bị bọn nhóc tì không thèm chơi nó khóc tỉ ti cả ngày chẳng ai hỏi tới. Lớn hơn tí, cô giáo cầm thước quất vào bàn tay xương còn mỏng mảnh như xương chim. Cha mẹ tập lễ phép với hiệu trưởng, hiệu phó, chủ nhiệm, giáo viên các cấp, giám thị, lao công và bảo vệ giữ xe đạp trường con. Khi con gái bắt đầu lớn, mẹ biết hãi mấy công tử đi xe Mẹc, cha biết sợ con gái mình gặp đúng thằng mất dạy như mình.

Tác phẩm cũng dạy người làm ra chúng sự khiêm tốn như con cái dạy cha mẹ biết nhỏ nhẹ. Chữ nghĩa, tranh pháo, phim ảnh... tràn đầy như nước bảy biển. Thì giờ của người đọc, người xem là hiếm, chứ không phải nước biển. Tác giả nhiều khi nhớ lại thời chưa in truyện, thong dong, có khi ngông cuồng như mấy người độc thân chưa hiểu nó như thế nào khi cô giáo hững hờ quất mạnh vào bàn tay nhỏ xíu của con gái. Ước gì mình mãi mãi ngông nghênh.

Có con thì có buồn và vui, nhưng chắc chắn là nói nhỏ đi nhẹ hơn cái thời độc thân hoang dã.

Wednesday, 25 October 2006

trong gió dường như




ngày đông cuối cùng của chúng ta trên bãi biển


những con hải âu đã đi rồi


trong gió dường như


có tiếng kêu của chúng vọng lại từ mùa hè trước đó.


 


hai năm sau


anh gửi thư hỏi


em có còn nhớ những con hải âu trên bầu trời mùa đông năm nào?












(Một bài thơ làm đã lâu, tìm được trong đống giấy cũ. Bây giờ ai còn đọc thơ nhỉ?)

Tuesday, 24 October 2006

Cảm hứng và cấu trúc






Tản mạn về chuyện viết


 

Ngày xưa, khi viết tôi tin ở cảm hứng và xem thường cấu trúc. Quả thật, nếu có gì đẹp, nó đến nhờ cảm hứng. Từ làn da thịt chạm được bằng tay, đến thứ khói huyễn hoặc ở cuối một con đường, tất cả nằm đó trên trang giấy, không bao giờ do người viết tiên liệu và sắp xếp mà có. Cảm hứng là tất cả. Không có cảm hứng thì không có truyện, không có thơ. Cảm hứng đến và đi như những cơn gió, và ta rất khó lập lịch hẹn giờ với gió.



Tôi chờ đợi gió, và nếu những cơn gió không đến, tôi không làm gì hết. Chỉ chờ. Tôi không dùng thì giờ chờ đợi đó để phác ra cấu trúc cho những câu truyện, bởi vì cấu trúc, hay tổ chức, gần như là từ phản nghĩa với cảm hứng. Tôi sợ vẽ ra sơ đồ làm gió buồn không thổi, vì bản tính của gió yêu tự do. Tôi sợ gió vội chuyển hướng đi tìm những cánh đồng trống đầy cỏ dại ở phía bên kia sông, nơi tôi không biết đường đi đến.



Tôi không màng đến cấu trúc. Kết quả của điều đó là những truyện dài truyện ngắn viết mười năm không xong. Mấy trăm trang viết ra không gắn vào nhau được, như mấy trăm mảnh sành vỡ ra từ bao nhiêu chiếc bình khác biệt, những chiếc bình luôn luôn vô hình với nhau và với tôi.




Một lúc nào đó tôi hiểu rằng viết văn không phải chỉ là chờ đợi những cơn gió. Phần lớn thì giờ tôi là một chị thợ hồ hơn là một nghệ sĩ, tôi không xây gì được nếu không có một bảng vẽ kiến trúc. Cũng có khi, chờ lúc tên kiến trúc sư đi ăn cơm, tôi có thể đổi hướng một bức tường, quay ngược cái bảng vẽ, biến trần thành cái nền nhà, khiến tên kiến trúc sư (cũng chính là tôi) khi quay lại nhìn quẹo cả cổ không còn nhận ra căn nhà hắn đã vẽ. Vẫn được. Dù bản vẽ kiến trúc vẽ ra chỉ để chị thợ hồ trong lúc xây muốn xoay ngang hay xoay ngược gì thì tùy chị, nhưng vẫn phải có bản vẽ.



Và sau nữa tôi nhận ra rằng công việc thợ hồ thường khó không phải vì thiếu gạch mà vì người thợ hồ chỉ được dùng một số gạch nhất định nào đó và đem số gạch dư đổ sông đổ biển. Chị thợ hồ tiếc, ngồi ở bờ sông than khóc hết phần lớn số thời gian xây nhà. Chị phàn nàn với nhà cung cấp vật liệu xây dựng, với từng ấy gạch, phải như ông giao cho tôi đủ xi măng, tôi đã có thể xây căn nhà to gấp năm gấp mười. Nhà giao vật liệu (cũng chính là tôi) vừa cười vừa nói rằng: chị xây nhà bao nhiêu năm rồi không biết sao, rằng gạch không bao giờ hiếm, chỉ có xi măng, chất làm chúng dính lại với nhau, mới luôn luôn hiếm.

Wednesday, 18 October 2006

Tại sao tôi đọc tiểu thuyết?

Nếu tiểu thuyết lúc nào cũng hấp dẫn, dễ đọc thì câu hỏi trở nên thừa. Các con tôi không bao giờ hỏi tại sao người ta ăn kem cây. Chúng chỉ hỏi tại sao lại ăn những thứ chúng cho là không hấp dẫn. Con gái tôi cho rằng người ta không cần trồng rau cải hay nuôi cá tôm làm gì, vì con người có thể sống hoàn toàn hạnh phúc nhờ mỗi ngày ăn một bình kẹo dẻo. Tôi giải thích: ăn cà rốt sáng mắt, ăn rau dền luộc bổ máu…

Tại sao không dừng lại ở những cuốn sách đọc dễ như ăn kẹo dẻo, như Tề thiên đại thánh và Harry Potter. Tìm những cuốn sách ít hấp dẫn hơn để làm gì?

Vì đọc tiểu thuyết có lợi ích, giống như ăn rau dền luộc bổ máu?

Chúng ta làm một việc gì đó chỉ khi nào biết được nó có lợi vào việc gì thôi sao?

Ngôn ngữ của chúng ta có một giới từ rất thông dụng là từ “để”. Học bài để thi đậu, đi làm để kiếm tiền, giao tiếp xã hội để có người quen mà nhờ vả, đi du lịch để mở mang kiến thức, nghe bài Cô Thắm về làng để thư giãn. Tôi nghĩ rằng gắn được vế sau của mỗi câu ở phía sau chữ “để” cho mỗi việc tôi làm là tôi có được mục đích lớn của cuộc đời: nó là tổng số của những mục đích nhỏ xíu và nhỏ vừa, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Cho đến một hôm, một người bạn cho rằng tôi không biết sống trong hiện tại. Tôi sống, cùng lắm, chỉ được một nửa. Tôi nói: “Sống mới một nửa mà đã quá khó, sống trọn làm sao làm nổi?” Người bạn hỏi tôi: “Đứng một chân và đứng hai chân, cái nào khó hơn?”

Tôi về nghĩ lại.

Cuộc sống tôi là một chuỗi hoạt động đuổi theo những mục đích ở phía trước. Cuộc đời xảy ra vào ngày mai. Không bao giờ có hôm nay. Không bao giờ có sự ung dung trong hiện tại. Hình như lúc nào tôi cũng đang cố giữ thăng bằng, tôi như người đứng một chân thật.

Ngày chúng tôi còn nhỏ, khi học sinh vật, học về một con thú hay một loại cây nào đó, sách giáo khoa thời trước luôn luôn dạy cho chúng tôi chúng có ích cho chúng ta ra sao. Con chồn cho thịt và lông, con voi kéo gỗ và cho ngà, gỗ bằng lăng dùng làm nhà, cây cầy, bần, đước thì làm than. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vạn vật ở chỗ chúng phục vụ được những mục đích nào của con người mà thôi. Cuối cùng phải đến lúc rừng mất và thú tuyệt chủng. Nếu người ta nghĩ rằng trời sinh ra cái cây là vì cái cây, con voi là vì con voi và để yên cái cây và con voi được ở nơi trời sinh ra nó, thì sẽ còn rừng giữ đất, giữ không khí sạch, ngăn lũ xuống đồng bằng.

Để sống trọn vẹn hơn, theo người bạn học thiền của tôi, khi nói câu nào chỉ cần bỏ đi chữ “để” và cái vế đi sau đó. Đọc sách chứ không phải đọc sách để tích tụ kiến thức cho ngày mai. Nhìn trăng chứ không phải nhìn trăng để tâm hồn thư giãn. Để tâm hồn thư giãn không có gì sai, nhưng nó giới hạn sự nhìn trăng, cũng như đi tìm kiến thức trong một quyển sách loại bỏ những thứ khác trong quyển sách đó không được định nghĩa là kiến thức.

Một hôm, không ai dạy bảo, con tôi tự nhận ra rằng ăn rau lang luộc chấm tương cự đà ngon hơn ăn kẹo dẻo. Con người tự biết rằng các món ngọt ngào, dễ ăn không thôi không đủ nuôi sống mình. Người ta không chỉ cần có Tề thiên đại thánh và Harry Potter.

Tôi đọc tiểu thuyết vì tiểu thuyết không mang mục đích gì cả, nhờ vậy việc đọc của tôi thuần khiết. Trong một bức thư không gửi cho một nhà văn cùng thời vào năm 1865, Tolstoy viết: “Nếu có ai bảo tôi viết một cuốn tiểu thuyết trong đó tôi khẳng định một cách tuyệt đối cái mà tôi cho là quan điểm đúng cho tất cả các vấn đề xã hội, thì quyển tiểu thuyết đó không đáng để tôi dành ra hai tiếng đồng mà viết nó.”

Nếu cầm một cuốn sách lên, đọc được một lúc, tôi nhận ra được ý đồ của tác giả, thì tôi không còn tin quyển sách ấy nữa. Tôi có ngay cảm giác là câu nào, cảnh nào người viết cũng đưa vào để phục vụ cho cái ý đồ ấy, để khẳng định một quan điểm. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết, tôi chỉ muốn được nghe kể chuyện mà thôi. Câu chuyện có đầu có đuôi hoặc thiếu đầu hoặc thiếu đuôi hoặc thiếu cả hai cũng không sao. Nhưng đừng hơn như vậy. Tolstoy cho rằng trong thế giới của nghệ thuật không có chỗ để chứa các công thức giải quyết những vấn đề xã hội.

Kho tàng triết lý của loài người nằm trong các tác phẩm văn học nhiều hơn trong những cuốn sách triết. Nhưng triết trong tiểu thuyết không có hệ thống, không khẳng định, nó bàng bạc giữa có và không, và nó tùy thuộc rất nhiều vào người đọc. Triết trong văn học là những đám mây trên trời, người đọc ngước nhìn và tự tả cho mình: đám mây này hình con thỏ, kia là ông khổng lồ, còn đây là ông câu cá, có cả chiếc thuyền con của ông ấy. Nếu người đọc nhìn mây không thấy ông khổng lồ và ông câu cá thì cũng chẳng sao, mây vẫn là mây, vẫn đẹp và nhất là nhẹ nhàng.

Người viết sách triết tìm cách hoàn tất một hệ thống tư tưởng chặt chẽ. Trong cuốn sách triết nào, phần kết luận cũng là phần quan trọng nhất. Còn người viết tiểu thuyết chỉ kể một câu chuyện, lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người, đôi lúc phân vân không biết viết bao nhiêu thì đủ, bao nhiêu thì thừa. Cái khó trong một bức tranh là những nét không vẽ chứ không phải những nét được vẽ xuống khung vải. Sự khẳng định làm chết nghệ thuật. Những câu nào người viết còn được viết ra không khó bằng những câu phải để trống để cho nó tự thành hình trong đầu hay trong tim người đọc. Một cuốn tiểu thuyết hay, giống như cuộc đời, không bao giờ hoàn tất.

Tiểu thuyết, trong khi không mang mục đích thông tin, chuyên chở kiến thức, lại làm cho ta hiểu về con người, về lòng tin, nơi họ sống, lịch sử, thời tiết, mùa màng… sâu hơn những sách chuyên đề. Cơ quan nhi đồng của Liên hiệp quốc có thể thống kê về số trẻ con được sinh ra trong một năm nào đó ở một nơi nào đó ở Phi châu, số trẻ con đau yếu, được chữa bệnh hoặc không được chữa, chế độ dinh dưỡng của chúng, được đến trường, học nghề hay đi cuốc đất. Đọc những bài viết tỉ mỉ đó, bạn không biết một đứa trẻ khi làm vỡ một cái bát nó có bị đòn hay không; miếng thịt hiếm hoi trong bữa cơm gia đình vào miệng người cha hay đứa con ốm yếu nhất; khi buồn khổ đứa nhỏ úp đầu vào lòng mẹ hay đến ngồi bên một gốc cây; nó mơ những gì và kể giấc mơ của nó cho một cái tượng gỗ, đứa em gái hay là những ngôi sao? Nhà xã hội học có thể cung cấp cho bạn trăm nghìn con số tiêu biểu cho trẻ con ở Phi châu, nhưng qua những con số đó bạn không nhìn thấy một gương mặt, một kiếp sống, một hy vọng nào. Bức tranh càng tiêu biểu, thì cây cỏ trong đó càng mờ nhạt. Nhà văn, trái lại, không biết những con số. Anh ta có một câu chuyện về một đứa bé và một nỗi buồn không đếm được bằng số. Anh ta thức đêm đốt đèn để viết câu chuyện ấy ra, không biết để làm gì.

(Đã đăng trên Thể thao & Văn hóa năm ngoái dưới tên Đoàn Minh Hà)

Bài này viết theo đặt hàng của Phan Thị Vàng Anh. Năm đó Vàng Anh định cùng với một người bạn làm một tờ tạp chí, giấy phép đã ổn định. Tôi được hứa tặng một ít đất để thỉnh thoảng viết về một cuốn tiểu thuyết. Bài này là bài mở đầu cho trang Đọc Tiểu Thuyết. Cuối cùng người bạn của Vàng Anh quyết định làm đại gia kinh tế, chứ không làm đại gia chữ nghĩa, bỏ ý định làm tạp chí. Sự nghiệp bình loạn văn học của tôi chưa bắt đầu đã chấm dứt. Vàng Anh thấy tội nghiệp, mới đưa bài này qua Thể thao & Văn hóa.

Tuesday, 17 October 2006

Lịch chiếu Hạt mưa rơi bao lâu




moonfish films cập nhật lịch chiếu phim ở blog này: moonfish films

Sunday, 15 October 2006

Cái chết của con hươu cao cổ

Chị là một bác sĩ. Chị đi Ấn độ để ngồi thiền. Chị viết thư cho tôi, kể rằng chị đã ngồi đối diện với một bức vách, một mình, ở một nơi hoàn toàn không có tiếng động, trong ba tháng. Chị ước có thể nói cho tôi biết chị đã tìm thấy gì trong ba tháng này, nhưng đó là một thứ kinh nghiệm người ta không chia sẻ được. Chị viết, chị đã tìm thấy cái phần thật của mình. Điều đó với tôi trừu tượng quá. Chị viết có những thứ tôi tưởng không bao giờ tách được khỏi tôi, nhưng chúng không phải là tôi. Tôi không phải là thân thể tôi, cảm giác của tôi, tình yêu của tôi, tôi không phải là ý nghĩ hay niềm tin tôi mang. “Khi em ngồi thiền, em tách khỏi mình từng lớp những thứ làm em xa lạ với cái bên trong, bên trong tất cả những bên trong, cho đến khi em tìm thấy cái linh hồn tĩnh lặng của em, nó ở bên trên mọi thay đổi. Đó không phải là cái chết, mà là vĩnh hằng."


Cái chết không có thật. Chị biết như vậy. Chúng ta có một linh hồn ở bên ngoài thời gian.


Tôi nhớ đoạn phim trong Sans Soleil của Chris Marker, không phải các khung hình xem đã lâu và đã phôi pha, mà là cái ấn tượng không thể quên được:

Họ bắn con hươu cao cổ. Viên đạn thứ nhất xuyên qua lớp da dầy, xoáy vào thịt đỏ. Con hươu chạy, chợt hai đầu gối trước quị xuống. Nó đứng lên lại, và tiếp tục chạy đi. Họ bắn thêm những viên đạn kế tiếp, từ những lỗ đạn máu của con hươu phun ra, nhiều và đậm như những suối nước đỏ tuôn trào lúc nửa đêm: tim của con hươu đang sống và đang bơm từng giòng máu sẽ không còn chảy trở về cái gian bên kia của con tim ấy nữa. Rồi con hươu ngã xuống, trái tim chỉ còn khoảng không để bơm vào những mạch máu. Nó nằm dưới đất, mắt còn mở. Nó chưa chết. Khi những con kên kên đến, con mắt sẽ là thứ chúng mổ ăn đầu tiên.


Tôi quên hỏi chị rằng những con hươu có linh hồn hay không. Tôi sẽ gửi cho chị một email với câu hỏi này: “Đức Phật có nói những con hươu cao cổ có linh hồn, hay đức Phật không nói gì cả?” Tôi sẽ không tả họ đã bắn con hươu như thế nào và tại sao. Cái chết chạm đến chúng ta có khác gì không khi chúng ta biết rằng nó có thật hay không có thật?

Where is the life?

Where is the life you've lost in living?
Mải lo cuộc sống anh đã bỏ mất đời mình nơi đâu?


T S Eliot

Sunday, 8 October 2006

Poetry

Thơ có lẽ là môn nghệ thuật cổ xưa nhất. Người ta học thuộc, rồi đọc, truyền miệng cho nhau những bài thơ mà không cần có sự giúp đỡ của vật chất. Trong khi những hình thức nghệ thuật khác được truyền tải qua vải bố và sơn, giấy và mực in, hay là một ban nhạc đàn giây, thì thơ sống bằng trí nhớ của loài người, một thứ gần với thể khí hơn là thể rắn.





Chúng ta bây giờ sống trong một thế giới vật chất. Theo T.S. Eliot, kiến thức đã thay thế cho chiêm nghiệm, và thông tin đã thay thế cho kiến thức (Where is the wisdom we have lost in knowledge? / Where is the knowledge we have lost in information?). Sống trong thời này chúng ta không muốn nhớ nhiều, vì còn để dành chỗ trong trí cho những thông tin dồn dập hàng ngày. Một bài thơ không có ý nghĩa gì mấy nếu chúng ta không nhớ nó. Vì vậy, bây giờ có rất ít người đọc thơ.



(Hôm qua đưa kịch bản NT nhờ D xem. Một nhân vật chính trong phim là một người làm thơ. Lúc quay lại D nói những người trẻ có lẽ không hiểu cái  động lực đẩy câu chuyện đi. Đối với họ, thơ ít hoặc không có ý nghĩa gì.)

Saturday, 7 October 2006

Chuối

Nhà thơ được thế giới biết đến nhiều nhất của Nhật, người đã hoàn chỉnh thể thơ haiku mà chúng ta biết ngày nay, có tên là... Chuối.



Một mùa đông, đệ tử của ông làm cho ông một túp lều. Sau, họ trồng một bụi chuối trong sân. Ông có bài thơ:



Mưa chiều hôm:

tàu chuối

báo tin mưa trước hết



Evening rain:

the basho

speaks of it first


Matsuo Basho (1644 - 1694) tên thật là Matsuo Kinsaku, tên samurai là Matsuo Munefusa, bút danh là Sobo, nhưng sau bài trên ai cũng nhắc đến ông bằng tên Basho, có nghĩa là Chuối.





Một đêm lúc 3 giờ sáng, tôi nằm nghe chương trình Mosaik của đài WDR3 phát lại cho mấy người trực đêm và những tên mất ngủ. Họ phỏng vấn một bác sĩ về hưu tôi không kịp nghe tên trong một hội thơ của người hưu trí, haiku là gì.


Tôi không chú ý đến câu trả lời, vì định nghĩa haiku nghe đã nhiều, và cũng không quan tâm đến mấy cái hội lập ra để mấy bà nội trợ, mấy ông bà già cùng tỉa hoa hồng, nuôi vẹt kiểng hoặc… làm thơ.


Nhưng câu trả lời của ông bác sĩ về hưu nọ thật hay. Đây là những gì tôi còn nhớ được từ câu định nghĩa haiku của ông:


Thơ theo cách hiểu của chúng ta, luôn có một dòng chảy (tiến trình). Thơ kể lại một câu chuyện, một kinh nghiệm, một mạch suy tưởng. Haiku không có những thứ trên. Một bài thơ haiku hoàn toàn nằm trong một khoảnh khắc của hiện tại. Người làm thơ haiku không đem vào thơ hoài niệm, hoặc ước mơ.


Nghe giống nhiếp ảnh quá nhỉ?


Tuy chỉ nằm trong khoảnh khắc, ý niệm về thời gian của thơ haiku có thể mênh mông. Bài này Basho viết khi đến thăm một bãi chiến trường xưa:


Những ngọn cỏ mùa hè

những gì còn lại

của bao giấc mơ binh sĩ



Summer grasses,

All that remains

Of soldiers' dreams


Friday, 6 October 2006

Đò dọc, đò ngang

Có lần về quê xưa Quảng Nam, chúng tôi đi đò qua sông.





Hai chị em chèo chống một con đò ngang. Giá thu mỗi người mỗi lần qua đò là 300 đồng. Vì tiền giấy 100 đồng không còn dùng, nên việc thu 300 đồng hơi phức tạp một chút: bạn trả 500, sẽ được thối lại 200 đồng. Nếu bạn có 2 tờ 200, đưa cô lái đò thì cô đành nợ lại bạn 100, lần sau đi sẽ trừ, chứ cô không thối tiền lại được.



Tôi hỏi cô sao cô không lấy giá đi đò là 400 đồng, cô chỉ cười không trả lời. Tôi hỏi cô tôi: Nếu chị em cô đưa đò lấy giá 400 đồng, thì vẫn còn rẻ, đâu có ai tiếc 100 đồng mà không đi. Với lại, cả khúc sông dài chỉ có một con đò ngang, đâu có ai cạnh tranh đâu. Cô tôi trả lời như thế này:



Những nhà khác có đò, lớn cũng bằng đò của nhà chị em cô đó, cũng do hai người chèo chống, họ nhận chuyên chở thứ này thứ nọ, gạch, lá lợp nhà, rau trái, gà vịt cho người đi chợ, hoặc than, củi, vân vân. Trung bình mỗi ngày họ kiếm được 60 ngàn.



Hai chị em cô gái nọ, mỗi ngày đưa chừng 200 khách qua sông, 300 một người, cũng kiếm được 60 ngàn.  Con số này ít có tăng giảm bất ngờ, vì ngày nào cũng có từng ấy người có việc qua sông.



Nếu cô lái đò tăng giá 400 một người, sẽ kiếm được 80 ngàn một ngày. Một nhà khác có đò thấy vậy, sẽ không đi đò dọc chở hàng thuê nữa mà sẽ đi đò ngang.  Số khách chia đôi, mỗi nhà sẽ chỉ còn 40 ngàn.  Vậy là cả hai nhà sẽ bỏ đò ngang đi đò dọc, và dân làng không còn đò để sang sông.



Vì vậy, tiền đò 300 đồng là một con số không thể khác được.

Friday, 29 September 2006

Stars, hide your fires.

Stars, hide your fires.
Let not light see my black and deep desires.
(Macbeth)

 

Không phải tâm lý là tất cả. Đừng nghĩ anh có thể dùng tâm lý để giải thích cho mọi nhân cách và hành động của mọi nhân vật, trong truyện hay ngoài đời. Khi đọc truyện hay xem phim, cũng đừng lấy đó làm thước đo, cho rằng một nhân vật chỉ đáng tin khi tác diễn giải được tâm lý nhân vật ấy một cách thuyết phục.

Hãy chấp nhận rằng chúng ta không hiểu tâm lý của Macbeth. Shakespeare không gắng thuyết phục ta rằng Macbeth bị sự ham muốn quyền lực làm mờ cả tim lẫn mắt; chúng ta không thấy sự phản trắc là điều tất yếu. (Tolstoy từng nói rằng Macbeth không có động lực để giết vua).  Nhưng không những chấp nhận câu chuyện được kể, chúng ta còn thấy Macbeth là một nhân vật thật hơn sự thật. Sự thật về con người được nối sâu, nới rộng khi chiếc cổng ngăn giữa sự có thể và không thể biết được được mở ra. Ở vùng biên giới, ở nơi địa đầu đó bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Câu chuyện của Macbeth nằm ở nơi ấy: mịt mùng, đầy hoài nghi và hoang mang.

Mâu thuẫn là đây: chúng ta tìm thấy mình trong vùng tranh tối tranh sáng nhiều hơn ngoài nắng trời rực rỡ.

Tuesday, 26 September 2006

An die Musik

Musik: Atem der Statuen. Vielleicht:
Stille der Bilder. Du Sprache wo Sprachen
enden. Du Zeit,
die senkrecht steht auf der Richtung vergehender Herzen.

Nhạc: hơi thở của những pho tượng. Dường như:
nỗi lặng yên của những bức tranh. Em là lời nơi mọi ngôn ngữ
tắt đi. Em là thời gian,
em đứng thẳng trên đường rơi của những trái tim dần tàn tạ.

(Bốn giòng đầu trong bài thơ của Rainer Maria Rilke)

Wednesday, 20 September 2006

Đàn bà luôn luôn tự quan sát mình

Nếu tôi ném cái ly vỡ tan, điều đó có nghĩa gì?

Dịch một đoạn trong cuốn “Ways of Seeing” của John Berger:

Theo những qui ước tuy đã bị đặt vấn đề nhưng hoàn toàn chưa hề vượt qua được, sự hiện diện của một người đàn bà rất khác với sự hiện diện của một người đàn ông. Sự hiện diện của một người đàn ông tùy thuộc vào hứa hẹn thứ quyền lực mà người ấy sẽ mang. Nếu hứa hẹn này lớn lao và đáng tin, thì sự hiện diện của ông ta sẽ đáng nể. Nếu hứa hẹn ấy nhỏ hoặc khó tin, người ta sẽ thấy ông ta hiện diện một cách yếu ớt. Quyền lực được hứa hẹn có thể là đạo đức, tính khí, có thể là quyền lực kinh tế, xã hội, tình dục – nhưng dù thế nào những thứ quyền lực này đều là quyền lực ngoại giới. Sự hiện diện của một người đàn ông khiến bạn đoán được ông ta có thể làm gì cho bạn hoặc hại bạn, dù bạn có thể đoán sai, dù ông ta có thể giả vờ làm được những chuyện ông ta không thực sự làm được. Nhưng sự hiện diện của một người đàn ông luôn luôn thể hiện quyền lực mà ông ta dùng với người khác.

Ngược lại, sự hiện diện của một người đàn bà bày tỏ thái độ của người đàn bà về chính mình, nó định nghĩa người ta có thể làm gì hoặc không thể làm gì với nàng. Sự hiện diện của người đàn bà được thể hiện bằng cử chỉ, giọng nói, ý kiến, biểu lộ, quần áo, qua cách nàng chọn bày biện căn phòng của mình. Sự hiện diện của một người đàn bà ở ngay trong con người nàng, đến nỗi đàn ông thường nghĩ rằng nàng chính là những gì thoát ra từ thân thể nàng, một loại hơi nóng hay là mùi hương hay là hơi thở.

Sinh ra làm đàn bà có nghĩa là sinh ra trong một không gian giới hạn được chia cho mình, sinh ra để rơi vào sự trông coi của đàn ông. Sự hiện diện trong xã hội của người đàn bà là kết quả của sự khéo léo dàn xếp làm sao sống trong sự canh chừng đó trong một khoảng không gian giới hạn như vậy. Nhưng cái giá phải trả là tự thân người đàn bà phải chịu tách đôi. Một người đàn bà lúc nào cũng phải liên tục tự nhìn ngắm mình. Nàng hầu như lúc nào cũng bị đi kèm bởi ý tưởng của nàng về bản thân. Lúc nàng bước ngang qua căn phòng hay đang khóc vì cha nàng chết, người đàn bà vẫn khó thoát khỏi ý nghĩ về hình ảnh mình đang bước đi thế nào hay đang khóc thế nào. Từ những năm thơ ấu xa xưa nhất, nàng đã được dạy, được thuyết phục rằng nàng phải liên tục tự quan sát mình.

Và như thế, nàng nhận ra trong cùng một con người mình có một kẻ quan sát và một kẻ bị quan sát. Hai yếu tố này dù ngược nhau đã trở nên hai thành phần cố định tạo nên con người nàng.

Người đàn bà phải quan sát tất cả những thứ định nghĩa mình là ai, tất cả những thứ mình làm, bởi vì cách nàng được trông thấy bởi người khác, nhất bởi đàn ông, trở nên quan trọng gần như tuyệt đối cho cái được coi là sự thành công của đời nàng. Áp đặt lên trên cảm nhận của người đàn bà về sự hiện hữu của chính mình là cảm nhận mình được người khác nhìn nhận ra sao.

Đàn ông quan sát đàn bà trước, rồi mới quyết định thái độ của mình với nàng. Bởi vậy, cách người đàn bà được người đàn ông nhìn thấy quyết định nàng sẽ được đối xử ra sao. Để kiểm soát được phần nào việc này, người đàn bà tập lèo lái cách người ta nhìn nhận mình. Chính cái cách mà phần trong người đàn bà làm kẻ quan sát đối xử với phần làm kẻ bị quan sát biểu hiện cho người ngoài thấy cả con người nàng muốn được họ đối xử như thế nào. Và cách nàng đối xử với chính mình tạo nên sự hiện diện của nàng. Sự hiện diện của người đàn bà nào cũng điều tiết điều gì “được phép” hoặc “không được phép” xảy ra khi nàng có mặt. Mỗi hành động của nàng – dù mục đích trực tiếp hay thúc đẩy gián tiếp của nó là gì – đều được hiểu là biểu lộ cách nàng muốn được đối xử. Nếu một người đàn bà ném chiếc ly xuống đất, đó là một thí dụ cách nàng đối xử với chính tình cảm nóng giận của mình, cũng là cách nàng mong tình cảm ấy được người khác đối xử thế nào. Nếu một người đàn ông ném chiếc ly xuống đất, điều đó chỉ được hiểu là hành động biểu lộ sự giận dữ. Nếu một người đàn bà kể một chuyện tiếu lâm, đó là thí dụ cách nàng đối xử với con người hài hước trong chính mình và như vậy người ta nhận ra con người hài hước ấy muốn người khác đối xử với cô ta thế nào. Chỉ có đàn ông mới có thể kể chuyện tiếu lâm chỉ để kể chuyện tiếu lâm.

Để giản dị hóa câu chuyện, ta có thể nói thế này: đàn ông hành động (men act) và đàn bà tự diễn (women appear). Đàn ông nhìn đàn bà. Đàn bà tự nhìn mình được nhìn thế nào. Điều này không chỉ quyết định hầu hết các mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà mà còn quyết định mối quan hệ của đàn bà với chính mình. Kẻ quan sát trong người đàn bà có nam tính: kẻ bị quan sát có nữ tính. Như thế, người đàn bà tự biến mình thành một vật phụ thuộc- và đặc biệt một vật để người ta nhìn: một thuộc thể của thị giác.

Berger viết đoạn trên vào đầu những năm 70. Thời đó và những năm kế tiếp phong trào phụ nữ ở Âu châu rất mạnh. Cuối thế kỷ hầu như không còn gì. Cuối cùng thì chưa bao giờ phụ nữ là một thuộc thể của thị giác nhiều như hôm nay. Tôi là ai không quan trọng bằng người ta nhìn thấy tôi thế nào. Năm tháng và những kinh nghiệm trong đời một người đàn bà có thay đổi điều này không? Hình như không, hoặc là chậm quá. Tôi đứng hơi xa nhìn không biết con ốc sên nó đang bò hay là không bò nữa.

Friday, 15 September 2006

Và khi tro bụi




Đây là tất cả 17 chương của truyện dài Và khi tro bụi (nxb Trẻ, 2006).

Một nơi khác để xem là talawas chủ nhật

Apomethe ở website nhạc cổ điển đã có nhã ý cho nhờ một địa chỉ để đọc truyện. Các bạn đọc Và khi tro bụi ở đây: http://www.classicalvietnam.info/misc/Va_khi_tro_bui.pdf

Các bạn đọc bằng Palm có thể vào Thư Viện eBook để tải về. Cần ghi danh thành viên (miễn phí) mới tải được.

And when this dust

And when this dust falls to the urn,

In that state I came, return.


Và khi tro bụi rơi về,

Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.


Henry Vaughan 1622 – 1695 (The Retreat)