Đăng trên damau.org
(tôi đem về đây nguyên văn, có sắp xếp lại cách trình bày câu hỏi / trả lời cho dễ đọc.)
1.
Được biết lịch sử văn học của địa danh Phương Bối Am - Bảo Lộc gắn liền với người an trú trong quá khứ, thiền sư - nghệ sĩ Thích Nhất Hạnh và người an trú trong hiện tại, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn. Vì ngày nay có nhiều kẻ hậu bối chưa từng biết qua, xin ông kể lại mối nhân duyên ấy cũng như mối liên hệ lúc này giữa ông và Sư Ông Làng Mai.
Khoan nói tới cái não trạng hồn nhiên vô số tội, ở đây tôi muốn nói với anh như là một kẻ săn tin cho đài nào cũng được, nhất là BBC. Rất bình dị và thú vị là mấy câu hỏi anh nêu. Vượt tầm mức quốc gia đáng có và phải có, chúng đụng tới cái gì lớn lao vừa rất truyền thống, vừa rất hiện đại. Ngoài tôi ra chắc chắn không có ai thay thế để trả lời đâu. Nhưng tránh những cái nhạy cảm quá dễ đưa tới ngộ nhận còn lâu mới đạt tới pháp đàm, tôi tạm không nói đến hai câu 1 và 5. Xin lần lượt trả lời những câu còn lại.
2.
Sau khoảng thời gian dài 40 năm, hôm nay ông nhìn nhận gì về việc dư luận thế giới cho rằng: Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhân vật có ảnh hưởng về tư tưởng và tâm linh chỉ sau Đức Lạt Lai Đạt Ma. Với ông có gì khác biệt giữa thầy Nhất Hạnh một người anh văn nghệ, bạn tu hành và Sư Ông Làng Mai, một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng của thế giới đương đại.
Vâng, đúng như anh nói “Dư luận thế giới cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là nhân vật có tầm ảnh hưởng về tư tưởng và tâm linh chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.” Nhưng đó là thống kê với tinh thần top-ten xuất phát từ cả một nền văn hóa độc thần chịu hết xiết. À, xin lỗi nghe, “thầy Nhất Hạnh một người anh văn nghệ” hồi nào? Còn “Một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng của thế giới đương đại” thì đúng thôi, nhưng quá rõ ràng là cái thế giới đương đại đó là thế giới của bọn “sùng bái tiếng chó tru mèo mửa” (tác giả viết trên blog) cỡ Mai Cồ dơ dáy của Mỹ và mới đây Bi-Rên gớm ghiếc của Hàn mà tờ báo lớn nhất nước là Tuổi Trẻ đã kêu than không biết bao giờ Việt Nam mới có!!! Nhất là, nhất là, chẳng hạn bọn thơ ca Tân Hình Thức nhảm nhí trong và ngoài nước, nhảm nhí còn hơn bọn bám cứng truyền thống bằng cách chỉ ôm lựu đạn thúc thủ trong một hốc kẹt nào đó.
Còn “Giải Oan”? Ủa, từ Làng Mai - Pháp, qua Mỹ gần hơn mà! Hãy giải oan cho cả một dân tộc quá dư thừa vật chất nhưng hoàn toàn thiếu sót tâm linh. Nhé, Sư Ông! Rồi còn thừa đô la cứ đổ về Việt Nam, giải oan cho bao nhiêu người… Cứ xem đô la là tiềm năng của đất nước, chứ không phải cho bất cứ ai nửa sống nửa chết từ thuở mấy ông kẹ cứ nằng nặc đòi làm “bạn dân” cho đến “đầy tớ nhân dân.”
3.
Ý kiến cá nhân ông về Pháp Môn Thiền của thiền sư Nhất Hạnh? Ông có tin rằng một khi Pháp môn ấy được phép phổ biến rộng ở trong nước sẽ làm thay đổi tương lai của Phật Giáo Việt Nam không?
Không, tôi gần như không phân biệt Tịnh Độ, Thiền Tông và Mật Giáo gì cả. Tôi không thấy có gì khác nhau, chẳng hạn, giữa “tình yêu” và “tình dục,” “trong sáng” và “trong háng,” “ngoại tình” và “nội tình”… làm sao! Nhưng tôi biết chỉ có đứa ngu mới đòi bỏ hai thời công phu, làm cách mạng vụn vặt và xuẩn ngốc khi đổi từ “Phật” thành “Bụt” dù tôi vẫn không phân biệt nổi “Đạo Phật đi vào cuộc đời” khác với “Đạo Phật đi vào cặp đùi,” ví dụ, khác ở chỗ nào.
Ừ đúng. Nhưng đâu cần “pháp môn ấy được phổ biến sâu rộng trong nước sẽ làm thay đổi tương lai của Phật Giáo Việt Nam”! Hiện tất cả chủa chiền ở Việt Nam ít ra đều theo… độc thần giáo mà! Hỏi nhỏ với các thầy trụ trì thì rõ. Cao Điểm Thời Mạt Pháp! Thà cứ làm ra mặt như những anh em người Chăm ở Ninh Thuận và theo đạo Tin Lành thật… đông vui. Không sao đâu, cả hành tinh đều vậy, “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn” mà! Wait and see!
4.
Thông tin gần đây cho biết Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam lần thứ hai với Phật sự làm Đại Đàn Tràng Chẩn Tế Giải Oan ở tầm vóc quốc gia cho các nạn nhân chiến tranh. Chính kiến của ông về việc này ra sao?
Ồ Chẩn tế! Tốt lắm chứ, dẫu sặc mùi biểu dương lực lượng mà Phương Đông nói chung và Phật Giáo nói riêng đã né từ trong ruột. Thế gian pháp đó. Đang đói gần chết thấy nửa củ khoai sùng, đớp liền, thoát nạn, từ từ tính sau. Có lựu đạn vớ vẩn chứ không có bom tấn uy nghi đâu mà sợ. Còn giải oan? Tốt lắm. Nhưng trước hết không phải giải oan cho Việt Nam mà phải giải oan cho Mỹ và Va Ti Can, hai tác nhân lớn nhất đầy đọa trái đất này dưới chiêu bài gì gì đó, mệt quá, vì ai cũng biết. Ông Nietzsche ơi, Cơ Đốc Giáo không phải nguy hại riêng cho thời đại ông đã sống mà cho mọi thời đại, vì nó là độc thần, là “duy ngã độc tôn” nằm sâu trong xương cốt của cả nhân loại bao gồm cả người Việt Nam và Phật tử Việt Nam! Đã tới lúc phải nói thẳng, nói thật, rằng hai hòn đá bọc nhung cạ nhau mãi chỉ tổ làm rách nhau chứ làm sao ra lửa được.
5.
Dư luận văn nghệ đồn rằng trong chuyến về Việt Nam lần trước Thiền sư Thích Nhất Hạnh có ghé thăm ông và Phương Bối Am, có đặt vấn đề với vợ ông chuyện trở về sở hữu lại Phương Bối Am – Nơi ngày xưa Thiền sư an trú. Lời đồn đó có đúng không và quyết định của cá nhân ông ra sao?
(Không có câu trả lời.)
6.
Bây giờ những người hâm mộ ông và dư luận báo chí đều gọi ông bằng biệt danh Sơn Núi. Con đường của một thi sĩ thường có khuynh hướng nhập với xa lộ của các đạo sư. Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu thưa ông?
Tôi thích hỗn danh Sơn Núi mà kẻ tức khí đặt ra ngầm ý bảo đó là đồ… vô chính phủ, đồ… dơ dáy. Chứ hoàn toàn không phải tôi tự đặt như Nguyễn Đạt nào đó ẩn ức đã viết trên mạng một tờ báo hải ngoại dù biết rất rõ khoản đó.
Ừ đúng, “Con đường của một thi sĩ thường có khuynh hướng nhập với xa lộ của các đạo sư,” nhưng đó là những thi sĩ què đầy rẫy trong và ngoài nước. May mà trước đó quá lâu tôi đã từng biết:
Khi thơ ca
Đang ngáp
Thì đạo pháp
Không nên tiếp sức
Mọi ẩn ức
Đồ bỏ
Với chuông mõ
Các thứ
Mà có tờ báo nào trong ngoài chịu đăng đâu, dù tôi biết họ đang bế tắc quá nặng nề, thi sĩ lẫn tăng sĩ.
“Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu thưa ông?”
Trịnh trọng quá nhưng được quá. Tôi đang ở đây, không phải Nga, Tàu, Mỹ, Pháp gì cả. Vui vẻ. Trong chảo lửa. Nhưng chưa ca… bài ca con cá nó sống vì nước. Tuy vậy, thỉnh thoảng… điên đầu nghe đài RFA hay BBC gì gì đó của ông giới thiệu cái bản gì gì đó “Đường tới vinh quang” với câu mở: “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi… để ta khắc tên mình lên đó” của cái thằng xuẩn trí nào đó. Nhưng không sao, trước 75, tôi đã có một bài ngắn trong thi phẩm Tịnh Khẩu:
Tôi định có một ngày nào thật thảnh thơi
Leo lên trời
Ỉa
Mà lúc đó chưa có sợi nano, để NASA có thể làm thang vũ trụ, cho… khế cơ khế lý, đông tây kim cổ hòa điệu như global village. Và biết đâu sau này sẽ có vị dễ dàng đem xuống cuốn Tân Tân Ước thế cho Tân Ước… lão hóa! Như cái nền áo phông chính hiệu của một em mang từ Mỹ về đang đi đứng rất chảnh trong sân chùa. Vâng, “Relax XXX. Just believe me!” Vâng, còn chỗ nào mà Freud, Jung… và đủ kích cỡ giáo chủ không đáp ứng được thì đã có… súng! Tôi có súng nhiều nhất. Tin tôi đi. Bắt buộc phải tin. Không tin tôi bắn. Hơn hẳn mọi quốc gia, nhiều chính khách Mỹ nói thẳng thừng Mỹ không có bạn thâm niên mà chỉ có bạn chiến lược. Cho thật sự trọn vẹn, Mỹ hãy đẩy mạnh tư tưởng thực dụng đáng nể của mình bằng cách in lên áo phông bán nửa tiền hay cho không với hàng chữ ngắn gọn, HÃY TIN TAO ĐI, NẾU KHÔNG TAO BẮN.
(Trần Tiến Dũng ơi, “TAO” là Thượng Đế, là Mỹ Quốc, là Cái Ngã đều đúng. Tôi quá mệt, viết lếu láo, nhưng đừng thêm thắt, sửa đổi chút gì. Bằng không, nhất định đừng đăng. Rất cám ơn.)
Bảo Lộc, 20/03/2007
Ghi thêm:
Tựa Giải oan là của tôi chứ không phải của tác giả cuộc phỏng vấn
Tôi muốn biết thêm về Nguyễn Đức Sơn, nhưng tìm bằng Google không có kết quả. Nếu ai có link gì cho xin nhé.
đmp
nhớ hồi trên yxine, có ai thắc mắc không biết cô Hạnh là cô nào, chắc phải có ảnh hưởng tới thiền sư lắm
ReplyDeleteÔng Sơn Núi nói mỗi lời đều có phần nào sự thật. Nhưng hàm ý sát phạt quá nặng. Đó là cá tính, và nghiệp của ông ta vốn là vậy.
ReplyDeleteQua đọc sách thày Nhất Hạnh thì thấy thày là người khảng khái hăm hở, thích thuyết phục người khác. Thuyết phục tức là có lúc cũng cần nói lời không thật (tùy người nghe là ai). Cái nghiệp nó như vậy.
Tuy nhiên, lời thày nói cũng có một phần sự thật. Và chị Phượng nghe được lời đó cũng chưa chắc đã do tình cờ. Tạo hóa sắp đặt như vậy hẳn đã có ý của nó :)
Comment cuối của chị 2 4 6 rất hay. Đúng là người Việt chỉ hay cố nói sao cho đúng chứ không cần "trúng". Lý do là người nào nói sai một tý là dễ ăn cả rổ đá và mọi người rất khoái chí khi tìm ra chỗ sai của người nói để ném đá, để được là người "đúng" chứ còn chẳng thèm quan tâm thằng kia nói "trúng" không. Đó cũng là lý do người viết hay cố gắng "đa diện" vì sợ lỡ câu nào không đúng.
ReplyDeleteAi cũng nghe đoạn giảng trên của thầy Hạnh không đọc sách buồn như con chuồn chuồn thì chị Phượng đã khỏi phải lo nổi tiếng như con kiến.
ReplyDelete"Hiện tất cả chủa chiền ở Việt Nam ít ra đều theo… độc thần giáo mà! Hỏi nhỏ với các thầy trụ trì thì rõ. Cao Điểm Thời Mạt Pháp!"
ReplyDelete"Cơ Đốc Giáo không phải nguy hại riêng cho thời đại ông đã sống mà cho mọi thời đại, vì nó là độc thần, là “duy ngã độc tôn” nằm sâu trong xương cốt của cả nhân loại bao gồm cả người Việt Nam và Phật tử Việt Nam!"
(Nguyễn Đức Sơn)
Tất cả tôn giáo trên thế giới đều thờ đa thần. Chỉ có 3 tôn giáo cùng dựa trên Cựu ước là Do thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo mới là độc thần giáo.
Phật giáo không đa thần cũng không độc thần. Phật giáo không có thần.
Chắc Phật giáo gần với Vô thần (Atheism) hơn mấy tôn giáo kia. Chỉ gần hơn thôi, chứ cũng còn xa xa.
Từ chỗ em thấy thì Phật không cần ý niệm "Thần" nên căn bản không cần thiết phải phân biệt "hữu" hay "vô". Nhưng Phật giáo nếu được định nghĩa dễ dàng 1 chút (xét cho cùng làm sao chỉ cái nào là Phật giáo) ở Vn có màu Thần Phật...bala..bala..rõ ràng. Nhưng cũng phải nói lại: Phật có loại trừ cái gì đâu? Nguyên lai Ấn độ chẳng phải là mảnh đất Bà la môn đấy sao? Mấy vị tăng ở chùa VN có nói thế này khi xưa lúc em hỏi ý tương tự "Chúng tôi nương theo đó để phương tiện giáo hoá". Phải rồi. Càng quan sát càng thấy khó có chỗ đặt lời. Nếu lòng từ bi chỉ là khái niệm dành cho mấy bạn elite thì dễ dọn cảnh rồi. Nhưng còn chín chín phần còn lại đang sống dở đó, trong 1 đoạn truyền thống te tua đó, không nghĩ đến thì thôi, muốn điểm hoá phải đâu nói vài câu rồi bỏ đó?
ReplyDeleteNgày đó mình im lặng, phải chi bây giờ thì đã nói "Đấy là phần của thế gian. Tội cho các thầy mắc kẹt rồi". Cái này nhiều người kể: rằng khi mới biết tâm thường ham Đốn Giáo; được 1 chặng muốn tham cứu Nguyên Thuỷ; hiểu chút chút rồi lại ngậm ngùi thấy Đại Thừa xe lớn mênh mông.
Nhưng nói lại chút, biết đâu cái độc thần mà ông kia ám chỉ lại có 3 lớp. Lớp 1 là Thần thiệt, thần xuất thế gian. Lớp 2 là Thần nhập thế thị hiện TW. Lớp 3 chung quy đều là hoá thân của Vishnu hết ráo? Nói đi nói lại bề nào cũng lợi khẩu cả.
Nói thêm chút về phương tiện. Theo em thấy mỗi sự đều có nhiều cách để nhìn. Mỗi người được lựa chọn và khế hợp 1 chỗ nào đó. Nên cần thiết là để nguyên cái mối đa đoan đó. Ví như việc gọi Phật là Bụt thì có khác gì lối lập ngôn xằng quấy của ông Rừng Rú kia đâu? Nếu để biện giải thì chẳng phải là cùng để chuyển tâm thế đấy thôi. Còn như Giải Oan thì lấy Từ Bi làm gốc. Từ Bi vốn có thể quán hết oan lầm thì tại sao không thể từ bất cứ phương tiện nào mà để khơi lòng Từ Bi? Một khi đã nảy mầm thì cơ sự sẽ khác dần đi chăng? Vậy mới nói phương tiện dễ nói khó dùng thật.
ReplyDeleteNhưng chung quy mình đâu có biết thầy Nhất Hạnh là ai? Ông Rừng Rú là ai? Mình chỉ y nơi cái mình thấy, chỗ mình biết mình phỏng chừng vậy. Cốt sao có ích cho mình. Biết nói ra là phiến diện nhưng phiến diện trong đa đoan thì có hề gì? Mình thấy việc làm, lời nói của họ thì mình dừng ở đó, không suy diễn nữa thế nên cũng đỡ mệt.
Mấy năm trước nghe lóm được 1 đoạn băng nói chuyện của thầy NH với trí thức, sv; thấy có bạn hỏi quan điểm của Thầy về việc phá thai; thấy Thầy đáp đúng mà không trúng nên từ đó cũng không theo dõi nữa. Hôm nay ham vui làm con chí, phương tiện nói bừa. Chị 2 4 6 đọc xong làm ơn xoá dùm khỏi mắc kẹt. Chơi nhà người nổi tiếng nói năng khó lắm :(
"Chơi nhà người nổi tiếng nói năng khó lắm :("
ReplyDeletechị ph nhảm nhí như con chí, chán như con gián, bữa nay thêm nổi tiếng như con kiến nữa. hic.
Nếu đọc các bài viết của các trí thức Việt đầu thế kỷ trước thì thấy văn phong của họ bạo dạn và sáng sủa. Cốt gợi tả trúng tinh thần của sự vật hơn là cầu đúng lý tòan diện. Thiết nghĩ đó là đặc thù của văn chương phương Đông vốn từ xưa đã vậy. Tất nhiên sự tiếp cận cọ xát với văn hóa phương Tây cũng tăng phần năng lượng của các cụ lên một tầng nữa. Năng lượng của sự muốn được biểu đạt và truyền bá.
ReplyDeleteNhưng sau đó là cả một thế kỷ dài những nhà trí thức không được tồn tại thực sự đúng với vị trí của họ: tiên phong mở đường về văn hóa. Cả xã hội lâm vào tình cảnh vàng thau lẫn lộn. Ai cũng phải bươn chải và vật lộn để tồn tại. Văn chương hay tư tưởng trở thành hàng hóa trong một cái chợ mà nhu cầu sinh tồn là tối cao. Thói nơm nớp cầu tòan từ đó mà ra.
Ngày hôm nay thời thế lại một lần đổi khác. Nhưng nhìn chung giới tri thức vẫn còn chưa tích lũy đủ năng lượng. Nếu có ai đó dám mở miệng thì có lẽ cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là hết chuyện. Điều ấy hòan tòan mang tính cá nhân. Tôi không tin đó là do bản tính người Việt tiểu nông, tiểu khí, hay sợ động trọng tĩnh gì đó. Vài năm nữa hẳn là sẽ có nhiều trò hay.
...buồn như con chuồn chuồn ;)
ReplyDeleteEm đọc xong 6 chương TKDV của chị rồi, không biết trong phần sau của truyện có từ "giải oan" không.
Comment của Tùng thì sao phải xóa nhỉ? Chả sao cả. :)
Mình cũng không biết thầy Nhất Hạnh là ai. Một bữa vô mạng, tình cờ đọc một đoạn của thầy giảng Kiều. Đại khái:
ReplyDelete1
Kiều khổ vì ham chơi đàn. Ai bảo đánh đàn buồn làm chi cho cái khổ nó buộc vô mình.
Lựa chi những bậc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người
Kim Trọng đã nhắc vậy mà chưa chịu nghe, còn đổ lỗi cho trời nữa chứ:
Rằng: Quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!
2
Sau Kiều khổ quá, mới sáng mắt ra, bỏ ngón đàn ấy đi:
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa.
Từ đó Kiều sướng.
3
Các Phật tử nhớ lấy: Cái tâm là tất cả. Think Positive. Không có suy nghĩ buồn, chơi với người buồn, đọc sách buồn, nghe nhạc buồn.
4
Nguyễn Du viết ra Truyện Kiều là để dạy chúng ta bài học đó. Thấy Vân không? Nó không có chơi nhạc buồn, nên nó sướng tới chết.
Còn giảng Kiều dài lắm, tới cả cuốn sách. Tui chỉ đọc bao nhiêu đó rồi "từ đó cũng không theo dõi nữa."
Tùng:"Thầy đáp đúng mà không trúng..."
ReplyDeleteTùng là bậc thầy về ngôn ngữ.
Bàn về câu này có thể viết một tiểu luận. Sự khác biệt giữa "đúng" (correct) và "trúng" (apt) trong tiếng Anh không tinh tế như trong tiếng Việt. Nhưng trong tiếng Việt, có được bao nhiêu người hiểu như Tùng hiểu?
Dân ta nói gì cũng ngay ngáy sợ người ta nói mình nói sai, nên chỉ lo nói làm sao cho đúng, không sai, chứ không lo nói làm sao cho trúng.
Chị bắt đầu hiểu tại sao sách vở ta thiếu liều lĩnh, thiếu những hiệp sĩ cưỡi ngựa bắn tên, Don Quixote đi cũng được. Chúng ta chỉ loanh quanh trong đúng sai và cảm xúc, chứ chưa dám có tư tưởng.
Nhớ nhé, trong chữ "tư tưởng" có chữ "tư".
Bạn có thể vào thử trang blog thơ của Sơn Núi: http://blog.360.yahoo.com/thonguyenducson
ReplyDeleteCòn mọi nhận xét phán đoán lèng èng, có lẽ lão Sơn cũng không cần. Thật sự, lão đã vô nhiễm.
ReplyDelete