Tôi thích cách viết của J.M Coetzee và John Banville nhất trong các lối hành văn của các tác giả viết tiếng Anh đương đại.
Viết thế nào cho câu hay?
Câu trả lời chúng ta đã đọc nhiều lần rồi, trong các cuốn sách dạy viết. Các thầy giáo ngữ văn và ngay cả các nhà văn cũng thường khuyên viết trong sáng, giản dị, chính xác. Be clear, unaffected, accurate.
Văn của Banville trong sáng, giản dị, chính xác. Nhưng dĩ nhiên, các yếu tố này không giải thích được gì về cái đẹp của văn ông. Dĩ nhiên phải có thứ gì khác nữa sách vở không thể dạy.
Phải đọc chậm, mới "nghe" được lời văn. Văn có âm nhạc riêng của nó. Tại sao khi nghe nhạc, bạn sẵn sàng dành đúng lượng thời gian mà tác giả bản nhạc muốn bạn dành cho nó, nhưng lại không sẵn sàng dành đủ thì giờ để nghe lấy cái nhịp trong sách và trong phim? Vì việc chính của nhạc không phải là kể chuyện, nhạc không sống nhờ vào biết cách gợi sự tò mò. Khi nghe nhạc người ta ung dung buông mình vào bản nhạc. Khi đọc sách hay xem phim, trái lại, người ta mau mau muốn biết chuyện gì xảy ra sau chuyện gì, và sau đó thì sao nữa… cho đến cuối cuốn sách, hoặc cuốn phim thì người đọc, người xem biết hết câu chuyện. Biết rồi thì không cần đọc lại, xem lại. Câu chuyện đã thuộc về bạn. Một bản nhạc thì bạn cứ nghe lại hoài, vì bạn không bao giờ thực sự "nắm" được nó như bạn "nắm" một câu chuyện.
Đây là một điều tôi không muốn (dù có muốn cũng không thể) thay đổi. Tôi chỉ tiếc, cái tiếc này thường làm cho tôi buồn bã và chán nản, rằng khi đọc sách, xem phim người ta chỉ đi theo câu chuyện, đòi được biết cái sắp tới và cái kết cục, mà quên rằng chúng ta, và tất cả các câu chuyện của chúng ta, đều cần ở bên trong một nơi chốn nào đó – không gian, và một khoảnh khắc nào đó – thời gian. Chỉ đi theo việc này tiếp nối việc kia của câu chuyện, mau mau đừng bắt tôi chờ lâu, chúng ta không hưởng được cái đẹp của nơi chốn và khoảnh khắc. Hãy để việc đọc sách, xem phim là một kinh nghiệm, chứ đừng xem nó đơn giản là phương tiện để bạn có thêm hiểu biết hay kiến thức. Khi đọc xong một cuốn sách, xem xong một bộ phim, câu hỏi đầu tiên đừng nên là: Câu chuyện trong sách / phim có hay không. Ý tưởng hay thông điệp có sâu sắc không. Câu hỏi đầu tiên nên là: Tôi đã ở trong sách / phim như thế nào. Tôi đã chia sẻ, đã có mặt trong những nơi chốn và những khoảnh khắc trong truyện như thế nào. Đó có phải là một kinh nghiệm tôi sẽ còn nhớ lâu hay không.
Trở lại với Banville. Tôi hiểu thêm được vài điều về ngôn ngữ khi tôi đọc văn ông. Tôi hiểu vì tôi dành nhiều thì giờ mà chỉ đọc một đoạn ngắn, chỉ nửa trang.
Tôi hiểu rằng nhà văn, có lẽ trong vô thức lẫn ý thức, biết rằng từ ngữ - ở đây tôi muốn nói từ ngữ chứ không phải ý tưởng - có trọng lượng nặng nhẹ. Nếu câu nhạc lấy quãng và hợp âm làm trọng lượng, thì từ ngữ trong câu, với trọng lượng của chúng, làm cho câu chùng xuống, hoặc bay cao, hoặc buông lơi ở lưng chừng trời. Nhà văn rất biết mình xây tường bằng gạch hay bằng mây – hay bằng một chất liệu gì đó ở giữa mây và gạch. Một bờ rào bằng đá, hay bằng những thanh gỗ, hay bằng hoa dâm bụt, tuy vẫn là bờ rào, tuy vẫn nói lên được những thứ sâu xa như nhau, chúng có thể đong đưa mơ màng hay bất động vì sức nặng của chính mình. Chọn lựa là của nhà văn.
Tôi vừa đọc một đoạn văn dịch, và người dịch không hiểu gì cả về trọng lượng của từ ngữ, về âm nhạc và ý nhị của câu. Người dịch dùng từ ngữ đáng lẽ chỉ được dùng trong triết học, và xây chúng – những viên gạch năm mười cân, vào trong một bức vách bằng phên tre. Người viết chỉ muốn cất một cái chòi bằng gỗ và lá, mà người dịch lại bê vào đó gạch đá và bê tông cốt sắt, lầm lẫn rằng trọng lượng của từ ngữ cũng chính là trọng lượng của tư tưởng.
Người dịch, thay vì vật vã với những từ ngữ nói được nhiều (những từ này thường nặng) để bao trùm được cái chữ mình không dịch được, hãy ngồi xuống trong căn nhà, hiểu và cảm được chất liệu và trọng lượng của chất liệu người viết đã dùng để xây căn nhà đó. Hãy tạo lại được cái không gian và thời gian ấy bằng một ngôn ngữ khác. Bởi vì văn (hoặc phim) không phải chỉ là câu chuyện, không phải chỉ là ý tưởng. Đọc không phải chỉ để biết. Đọc phải là một kinh nghiệm.
Em đang đọc bản dịch của The Sea nhưng mà thấy khó cảm thế nào ấy. Không biết tại thiếu kiên nhẫn hay tại...người dịch. :D
ReplyDeleteEm nghĩ dịch vất vả ở chỗ mỗi ngôn ngữ có màu sắc khác nhau. Để chuyển một đoạn văn/thơ từ một thứ tiếng sang một thứ tiếng khác đòi hỏi khả năng thấu hiểu (ko chỉ hiểu) cả hai ngôn ngữ cũng như đặt mình vào vị trí của tác giả, vào nội dung, vào những từ ngữ được dùng để ko hiểu sai.
ReplyDelete"Đọc không phải chỉ để biết. Đọc phải là một kinh nghiệm." Em rất thích nhận xét này của chị :)
"hãy ngồi xuống trong căn nhà, hiểu và cảm được chất liệu và trọng lượng của chất liệu người viết đã dùng để xây căn nhà đó. Hãy tạo lại được cái không gian và thời gian ấy bằng một ngôn ngữ khác. Bởi vì văn (hoặc phim) không phải chỉ là câu chuyện, không phải chỉ là ý tưởng. Đọc không phải chỉ để biết. Đọc phải là một kinh nghiệm."
ReplyDeleteEm sẽ nhớ những lời này, thỉnh thoảng em đọc chỉ để mà đọc và quên đi nhưng đa phần thì ghi nhớ, nhưng đôi khi cũng để bản thân chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi lối viết của tác giả..
Bài viết này của chị làm em nhớ lại cảm giác của em lúc đọc "Và khi tro bụi".
ReplyDeleteHôm đó em đọc ở văn phòng, định đọc 1 chút nhưng rồi kg rứt ra được và đã dành suốt 4 tiếng từ 11h trưa đến gần 3h chiều cho nó.
Văn của chị đẹp và tinh tế. Em thích
Chào chị, chị có nhiều comment và entry làm em phải dừng lại mà ngẫm ngẫm, nghĩ nghĩ. Cái entry này hay quá, làm em không thể không liều mà comment được chị ạ!
ReplyDeleteMấy ngày nay em chúi mũi vào viết một bài báo cáo, cũng ngắn thôi, nhưng yêu cầu rộng. Thế là em đọc, đọc, và đọc đến hụt hơi bao nhiêu là tạp chí, sách, web,... Việc sử dụng các kỹ năng đọc trở thành cần thiết - skimming, scanning, đọc chéo,... vì không thế thì không "hiệu quả".
Các đọc ấy nó ngấm vào em cũng hơi lâu rồi, chỉ nổi nhất là vào lúc này, đủ để em nhận ra. Vì như chị đã nói đấy, em cần biết chứ không phải cần trải nghiệm. Nhưng đó là đọc những mục tình hình khoa học!
Thế mà chẳng hiểu sao nó cũng ngấm vào cách đọc sách, cách nghe nhạc của em nữa! Em thích nhất là truyện của Tô Hoài - lúc em còn bé ấy - rồi Thạch Lam, rồi thơ của Nguyễn Trãi, sách của OSHO và truyện ngắn của O.Henry,... Không phải chỉ vì nội dung, mà còn vì cái gì đó mơ hồ trong giọng văn, trong cách dùng lời thoại, và như chị nói, cách dùng từ ngữ! Từ ngữ có thể gợi nên những cảm xúc, lúc thăng, lúc trầm, hệt như nhạc vậy! Đôi khi đang buồn, chỉ cần đọc lại 1 từ, 1 câu, hay một đoạn ngắn của O.Henry hay OSHO là em đã cảm thấy quá ổn rồi! Thế mà giờ em thấy em thực dụng quá chị ạ! Cả nghe nhạc cũng thế! Người ta buông mình vào bản nhạc, còn em thì cố "nắm" cho được nó, để cuối cùng, khi bản nhạc đã dứt, người ta có thể đỏ hoe, có thể hân hoan,... em lại ngồi ngẩn ngơ với cảm giác chông chênh, tiếc nuối!
Em cảm ơn chị! Chị viết, tình cờ em đọc. Đột nhiên em nhìn được em rõ hơn! ^^
Em chào chị.
ReplyDeleteEm cũng có bệnh đọc và xem chỉ để lấy nội dung. Em biết là rất dở nhưng em chả biết làm cách nào khác. Nó như phản ứng tự nhiên của em, một con người càng lúc càng cho mình ít thì giờ với một cuốn sách và phim thì chỉ để coi giải trí, nói chính xác hơn là coi để mà có thể nói là "coi cái đó rồi". Cái vội vàng này cũng lan sang cả việc đi lại nữa. Đi đến đấy đi, trong một ngày thôi là "đi hết" ấy mà. Đi để nói là "đi rồi", rất dở.
Nhưng mà em cũng hy vọng là kiểu như "tiềm thức" của mình nó có thể sẽ giữ lại cho mình một cái gì đó đẹp đẹp, đọc một quyển sách chỉ cần giữ lại cảm giác thôi. Còn thì, như rất nhiều người khác, "đợi khi nghỉ hưu có nhiều thì giờ sẽ đọc lại".
Chính bài này của chị, từ đây, sẽ thay đổi cách em xem phim, đọc sách hay trải nghiệm một điều gì đó. Để nó thực sự là một kinh nghiệm chứ không chỉ là thu thập kiến thức. Em cảm ơn chị nhiều hí, chị Phượng!
ReplyDeleteBài viết này sâu sắc lắm chị ah. Em nhận ra nhiều điều hơn về việc sao mình không thể cảm nhận được chiều sâu của nhiều tác phẩm.
ReplyDeleteĐôi khi cũng có vấn đề thời gian mà người ta cũng khó vượt qua, phải không chị!