Tôi chọn tiếng Việt để viết. Lựa chọn này không hoàn toàn dễ đối với một người đã sống trên 20 năm quan trọng - quan trọng vì là thời gian tìm chỗ đứng của mình giữa mọi người - ở bên ngoài và hầu như không có dịp tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi đã phải đi học lại tiếng Việt. Khó khăn thứ hai, nhỏ hơn, là tôi phải bỏ lại đàng sau tất cả những gì mình có lúc đó. Tôi không có tiếng tăm gì ở Đức, nhưng "không có tiếng tăm gì" là so mình với người khác, chứ nếu chỉ so với chính mình, thì đó là tất cả những gì tôi có, và vứt đi tất cả những gì mình có cũng không phải là chuyện dễ làm.
Tại sao tôi lại chọn như vậy? Vì tôi yêu nước chăng? Tôi không biết hai chữ "yêu nước" có nghĩa gì, nhưng chắc chắn là tôi không yêu nước hơn một người đánh cá hay một cô thợ may nào mình tình cờ gặp.
Tôi không biết tại sao, và cũng không tự hỏi. Tuần trước, đọc những bài tranh luận sôi nổi trên blog của một bạn so sánh văn hóa Việt với văn hóa phương Tây, tôi mới tự hỏi: Tôi có lựa chọn (lúc đó tôi đang viết báo và làm phim bằng tiếng Đức và tiếng Anh), và tại sao tôi lại lựa chọn tiếng Việt?
Tiếng Việt không dễ. Ngữ vựng Việt rất giàu có để tả các loại mưa mù, mưa vần vũ, mưa nhạt nhòa, mưa bụi, mưa sa… và những tâm trạng buồn heo mây, buồn quay quắt, day dứt, buồn thoang thoảng, mênh mang. Nhưng khi cần sự chính xác, hoặc trừu tượng, thì từ ngữ Việt giống như gió, mờ nhạt và không chịu để cho người viết đặt để mình vào những nơi cố định. Tiếng Việt đôi khi không chính xác. Nhất là khi dùng cho khoa học, luật pháp, triết học. Khi tôi vác cái bằng tú tài ở Việt Nam của mình đi nộp xin nhập học đại học ở Đức, người ta không thừa nhận vì câu quan trọng nhất trong mảnh bằng cấp được viết như sau: ĐMP đã đậu tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông với điều kiện được bộ Quốc gia Giáo dục phê chuẩn. Họ nói bằng này còn phải được bộ phê chuẩn thì mới có giá trị. Tôi nói: Họ đã phê chuẩn rồi, nếu không có giá trị thì cấp bằng làm gì? Cả trường tôi lẫn cái bộ giáo dục sau 75 đã đóng cửa, mỗi người đi một nẻo, không còn ai để hỏi. Tôi vào đại học học trễ mất mấy năm cũng vì cái câu đó.Tiếng Việt viết ra rồi, được hiểu như thế nào, vẫn còn tùy vào lòng tốt của người đọc.
Những năm không được nhập học oan ức ở Đức khiến tôi khắc tâm điều này: không được viết những câu tùy tâm người đọc, nghĩa là tìm cách viết chính xác và rõ ràng chừng nào tốt chừng ấy. Việc này cũng không dễ. Nhiều khi chỉ cần nói về một cái gì đó tương đương một chữ trong tiếng Anh, tôi phải viết cả câu, hoặc hai, bằng tiếng Việt. Mà hễ đã viết dài, thì nghĩa dễ đi lên đi xuống. Một sợi dây thì không dễ đặt ngay ngắn bằng một viên gạch.
Dù yêu tiếng nước tôi, tôi cũng biết tiếng Việt là một thứ khá quan trọng trong số rất nhiều thứ làm vướng sự phát triển của chúng ta. Anh tôi học kỹ thuật. Anh tôi hỏi tôi có biết tại sao kỹ thuật Đức đứng hàng đầu thế giới không? Câu trả lời là vì họ yêu sự chính xác. Khi họ ghép hai miếng thép lại với nhau, họ biết nếu hai miếng thép được mài dũa chính xác, thì khi ghép lại chúng khít khao, vững chắc. Và cái máy chạy tốt vì các bộ phận không lỏng lẻo. Triết lý giản dị như vậy. Việt Nam đủ người trí tuệ, nhưng không đủ người mài dũa những miếng thép cho đến khi chúng thực sự chính xác, nên nhiều khi trí tuệ chỉ để in thành sách.
Tại sao tôi chọn tiếng Việt? Lý do yêu nước có thể để qua một bên rồi, như đã nói ở trên.
Tôi chọn tiếng Việt vì nếu tôi viết tiếng nước ngoài, người Việt sẽ không đọc. Tại sao tôi cần có độc giả người Việt?
Vì tôi quí người Đức, chứ không yêu họ. (Dĩ nhiên tôi có những người bạn Đức và tôi yêu họ, nhưng điều này không dính dáng tới việc tôi đang nói). Không đủ yêu để mỗi chữ tôi viết ra đêm đêm là viết cho họ.
Người Đức họ đầy đủ quá, mà tâm lý bình thường của con người là hay yêu những gì còn hơi thiếu, hơi mong manh, chứ không yêu những gì tròn trịa cứng cáp. Một quả cầu đầy đặn, mặt của nó phẳng quá, tôi không biết gieo bất cứ hạt mầm nào ở bất cứ chỗ nào mà tôi nghĩ nó có thể bén rễ được.
Người Việt sống vào một thời mà mọi thứ còn chông chênh. Tôi viết giữa đời chông chênh, ở một nơi còn nhiều người cũng còn nhiều lo toan, bất an và chênh vênh như tôi. Gọi nơi đó là gì đây? Quê hương?
Em đọc đâu đó nói rằng ngôn ngữ còn một vấn đề nữa là luôn chậm hơn so với thay đổi của kinh nghiệm. Thời hiện đại mọi thứ thay đổi quá nhanh trong khi ngôn ngữ chúng ta dùng vẫn phần nhiều được hình thành từ những kinh nghiệm của những trăm năm đổ về trước. Và gần như người ta bị cầm tù trong thời đại mình. Cũng là một bề của ngôn ngữ.
ReplyDeleteCòn 1 điều nữa có lẽ ít người ý thức rõ: tiếng Việt vốn là của một phương thức tư duy khác, kiểu thao tác KHÁC. Nó lại chấp chới mất quãng trăm năm giữa dòng với người Pháp nên trong tiếng Việt có cả sự loay hoay, chông chênh có màu xoay xở ấy.
ReplyDeleteTheo em biết thì tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ chặt chẽ nhất, nó chặt chẽ đến mức người ta khó có thể hiểu sai ý nghĩa được, còn tiếng Việt lại quá lỏng lẻo, một câu đôi khi có thể hiểu. Nhưng cũng bởi sự thiếu chặt chẽ mà nó linh hoạt và uyển chuyển. Tiếng Việt để viết văn, làm thơ hay truyện tiếu lâm thì rất hay nhưng khó dùng để viết sách khoa học hay triết học vì nó sẽ khó hiểu và nhiều khi dễ làm người ta hiểu sai. Vì tiếng Việt không nhiều từ tương đương trong các ngành trên. Chúng ta mất một khoảng thời gian dài trong lịch sử trong lúc thế giới đang phát triển khoa học kỹ thuật và triết học. Dễ thấy là tiếng Việt chậm ra đời các từ mới so với các ngôn ngữ khác trong khi ở thời đại bây giờ ngày càng có nhiều khái niệm mới. Em ở Nga đọc các sách kỹ thuật thấy có nhiều từ mượn của Anh và Đức nhưng đọc cũng dễ hiểu, khi có các khái niệm mới thì họ thường nghĩ ra một từ mới tương đương hoặc mượn luôn từ tiếng Anh. Sau này có nhiều từ chuyên ngành em không làm sao tìm ra được từ tương ứng trong tiếng Việt. Ở Việt Nam muốn làm kỹ sư giỏi thì buộc phải thành thạo ngoại ngữ để đọc được tài liệu nước ngoài.
ReplyDeleteEm không nói khoa học kỹ thuật ở VN chưa phát triển vì ngôn ngữ khoa học kỹ thuật ở VN chưa phát triển. Em chỉ nói một kỹ sư muốn có trình độ cao nhất thiết phải thành thạo ngoại ngữ để đọc sách nước ngoài vì ở VN thiếu nhiều sách chuyên ngành. Một trong những lý do là người ta gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển ngữ. Lấy ví dụ như hệ điều hành Windows tiếng Việt, nhiều người dùng máy vi tính thành thạo gặp khó khăn trong lúc sử dụng HĐH này vì không hiểu một số thuật ngữ do cách dùng từ trong Nam và ngoái Bắc khác nhau, chưa thống nhất. Nhiều chỗ dịch tối nghĩa và khó hiểu.
ReplyDeleteỞ nước ngoài khi có một khái niệm mới thì thường phát sinh ra từ mới để chỉ khái niệm đó. Nền khoa học kỹ thuật ở VN chưa phát triển đến mức đó nên chưa có từ tương đương, lâu dần thành ra thiếu nhiều. Một số thạc sĩ và tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về VN giảng dạy kể lại thỉnh thoảng cũng gặp phải bối rồi vì có những thuật ngữ không biết dịch sang tiếng Việt thế nào nên phải giải thích dài dòng.
Tư duy trong việc dùng từ phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người nói. Việc dùng từ thiếu chính xác ít phổ biến trong khoa học vì nó đòi hỏi sự chính xác cao, mà nó hay gặp ở các bộ môn xã hội. Vì thế nên mới có một số từ có nghĩa bị thay đổi theo thời gian do cách dùng từ không chính xác của số đôn người. Không phải ai cũng hiểu rõ ngôn ngữ mình đang nói. Ở Nga trong một số trường đại học sinh viên vẫn phải học bộ môn tiếng Nga.
Chị Phượng biết nhiều ngôn ngữ, vậy chị có nhận xét gì về những ngôn ngữ đấy không ạ?
ReplyDeleteNgôn ngữ dùng trong khoa học kỹ thuật ở VN chưa phát triển chủ yếu là vì nền khoa học kỹ thuật ở VN chưa phát triển. Tôi tin là mệnh đề này có nhiều cơ sở.
ReplyDeleteNền khoa học kỹ thuật ở VN chưa phát triển chủ yếu là vì ngôn ngữ khoa học kỹ thuật ở VN chưa phát triển. Tôi tin là mệnh đề này không có hoặc có rất ít cơ sở.
Trong khoa học xã hội và nhân văn, tôi cũng tin rằng có 2 mệnh đề tương đương như vậy. Một cái có cơ sở. Cái còn lại có rất ít cơ sở.
Trần Quốc Tuấn nói "binh cốt giỏi chứ không cốt nhiều". Câu này (trong văn cảnh của TQT đặt ra) chính xác có 2 nghĩa: trong việc binh đao tướng phải giỏi; tướng giỏi hành sự vốn không nhất thiết phải cần nhiều lính, mà cần nhất là những người lính hòan thành chính xác nhiệm vụ mình đặt ra.
ReplyDeleteViệc sử dụng ngôn ngữ cũng là một thách thức tương đương như vậy. Khi người viết hoặc nói cảm thấy thiếu từ, không phải khi nào cũng thực sự là do thiếu từ. Thiếu tư duy chính xác khi dùng từ mới là nguyên nhân thường gặp hơn. Trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, chuyện này lại càng thường gặp. Ở châu Âu tôi không biết thế nào, chứ ở Mỹ thì tôi thấy phổ biến như vậy. Người Mỹ có tư duy thực dụng và trực quan đấy, nhưng không phải là không biết thỏa hiệp mập mờ. Chẳng hạn như bộ môn lịch sử kinh tế (một chuyên ngành trong lịch sử) trước đây rất thịnh. Nhưng đó là thời "hòn đất còn chưa biết nói năng". Tới khi ngành kinh tế lượng (thống kê trong kinh tế) phát triển thì mới tòi ra là trước đây anh nói sai nhiều quá. Vậy là từ đó mọi luận điểm cần có căn cứ số liệu chân thật, kô phải cứ nghe chừng hợp lý là chấp nhận được. Ngành lịch sử kinh tế vì vậy mà dẹp tiệm, nhường đường cho bộ môn kinh tế lịch sử (một chuyên ngành trong kinh tế).
Lại nói về tư duy. Có được tư duy mạch lạc là điều khó. Tôi đã từng ở trong tình cảnh như thế này. Mình vừa nghiên cứu một vấn đề suốt mấy tháng trời. Tới lúc gặp được thày được 20 phút đã tòi ra ngay lỗi tư duy. Lần gặp đó thất bại. Một tháng sau lại chuẩn bị gặp thày. Bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu cảm nhận, giờ phải gói gọn lại một cách chuẩn xác nhất, ấn tượng nhất trong 15 phút. Khi đó mới thấy rằng mình không thiếu từ. Cái mình thiếu là cái khác.
Con người suy nghĩ bằng ngôn ngữ, nên ngôn ngữ ảnh hưởng đến suy nghĩ rất nhiều. Sự khác biệt giữa các ngôn ngữ không những nằm ở một số từ không thể dịch chính xác được, nhưng còn nằm, phần lớn, ở lôgic của ngôn ngữ (tôi vừa dò chữ "logic" trên "The Free Vietnamese Dictionary Project" của đại học Leipzig và họ không có chữ tương đương, lôgic là chữ tương đương). Lôgic của ngôn ngữ hướng dòng chảy của tư duy và có khi của tình cảm nữa. Quan sát mấy đứa trẻ sử dụng ngôn ngữ khác nhau sống chung, đã thấy chúng lập luận khác nhau vì đi theo dòng chảy của ngôn ngữ mình dùng.
ReplyDeleteApomethe,
ReplyDeleteChị chưa biết đủ để trả lời câu hỏi của em.
Tiếng nào cũng khó. Chị nghe nói là nếu mình để quá 11 tuổi mới
học một thứ tiếng nào đó, thì nó không bao giờ trở thành mẹ đẻ của mình. Cho nên, cuối cùng, tiếng Việt vẫn là tiếng dễ nhất, với điều kiện anh là người Việt (xin nói thêm, điều kiện này đã được đáp ứng, yêu cầu thừa nhận bằng cấp).
Tiếng Anh dễ học nhất, cho nên chắc chắn sẽ trở thành ngôn ngữ của trái đất.
Người ta chỉ nghĩ tiếng Anh đễ cho đến khi bắt đầu học cách đọc Shakespeare chẳng hạn.
Shakespeare dùng nhiều từ cổ, chứ không dùng nhiều từ khó. Nhưng tại sao mình thấy khó đọc? Để hiểu Shakespeare, việc đầu tiên phải hiểu là văn phạm tiếng Anh thời đó khác với bây giờ, nó thoáng.
Người làm thơ có thể đặt từ vào nơi ông ta thích, vị trí từ trong câu đi theo nhạc hơn là theo văn phạm. Mình đã quen với văn phạm bây giờ, tìm cách giải mã câu theo cái khuôn mình đã quen, nên không hiểu Shakespeare. Chị được dạy là bỏ đi cấu trúc cầu mình vì quen cho nên mong, và lắng nghe vần điệu, để nghe được Shakespeare.
Đọc có thấy Anh ngữ của Shakespeare giống Việt ngữ của mình bây giờ không, nhất là trong thi ca?
Đọc entry này của chị Phượng cảm động quá, vì cảm thấy mình được yêu :).
ReplyDeleteChị ơi, em cảm ơn chị vì đã lựa chọn viết bằng tiếng Việt :)
ReplyDelete