Nghệ thuật luôn luôn là thử nghiệm. Làm ra một tác phẩm nghệ thuật luôn luôn là đi tìm một cái gì đó chưa được nói, cái mới có thể ở hình thức, có thể ở nội dung, có thể ở cả hai. Van Gogh vẽ bao nhiêu lần hoa hướng dương và không có cái nào tươi đẹp bằng cái hoa thật. Lý tưởng về cái đẹp của van Gogh đã vượt qua cái đẹp của hoa hướng dương, ông muốn vẽ sự thôi thúc nào đó bên trong mà ông chưa biết, phải vẽ ra để nhìn thấy nó.
Thử nghiệm luôn luôn đi kèm với ít nhiều liều lĩnh và bất an. Trong lúc làm và sau đó. Trong lúc làm anh bất an vì anh chưa có khuôn thước để đặt tác phẩm của mình cạnh đó xem mình hoàn chỉnh được mấy phần (người vẽ hoa lan ngày xưa có thể so cái hoa lan trên giấy và cái hoa lan thật, sự hoàn hảo nằm trong tầm tay). Sự bất an còn đó khi tác phẩm thử nghiệm đã hoàn thành. Tôi hiểu nó chưa, sự thôi thúc ở trong tôi? Đặt nó vào khung rồi, nó ra sao? Người xem, nghe, đọc, sẽ nhìn thấy gì, có cảm xúc nào?
Hiếm khi đám đông mở lòng cho cái mới. Khuynh hướng mạnh nhất luôn luôn là khuynh hướng bảo tồn và giữ gìn biên giới. Những người đương thời của van Gogh không ngó tới tranh ông. Chúng ta chỉ ngưỡng mộ ông sau khi biên giới của cái đẹp đã được những người đi trước chúng ta nới rộng ra rồi để bao gồm van Gogh vào trong. Khi ngưỡng mộ ông, chúng ta vẫn nằm trong khu vực bên trong biên giới an toàn của sự thưởng lãm.
Để đọc được sách, xem được tranh, nghe được nhạc, chúng ta đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức để hiểu cái đẹp và phương tiện chuyển tải cái đẹp. Chúng ta học ý nghĩa của những biểu tượng, làm quen với chúng, quen đến nỗi những thứ mới đầu hiểu bằng đầu sau quen chúng ta tưởng là hiểu bằng máu, bằng trực giác. Nhà văn bắt đầu câu bằng: "Mây xám giăng…" Chúng ta đã quen với từ ngữ và quen không những với hình ảnh mà cả với tình cảm mà nó gợi lên đến nỗi chúng ta nhìn thấy, cảm thấy được bầu trời buồn thật nhanh, giống như bởi một thứ trực giác. Tất cả các phương pháp học đều là vậy: dùng cái này để chỉ cái kia, thu gom cả một bầu trời vào trên dưới mười mẫu tự. Ai đã đi học chữ, đã xem văn, đều có được sự tưởng tượng giống như trực giác để chuyển biến mười mẫu tự thành một bầu trời trong mắt mình.
Dù muốn dù không, chúng ta nhìn thấy cái đẹp nhờ có một hệ thống các khuôn mẫu đã ăn sâu vào máu. Bầu trời xám, cánh hoa rơi, giòng nước chảy, mặt trời rực rỡ, gió hiu hiu, tất cả những thứ đó nói về tâm trạng con người nhiều hơn là về thiên nhiên. Những khuôn mẫu này giúp chúng ta hiểu được người khác. Không có chúng thì không có sự giải bày và tiếp nhận, nghĩa là không có nghệ thuật. Mặt trái của chúng là sự an tâm chúng tạo ra dễ biến chúng ta thành những người bảo thủ. Tôi đã học xong 24 chữ cái rồi, đừng ai thêm vào đó nữa. Cái mới, cái chưa biết, sẽ làm tôi thấy bất an, từ một người nắm rõ một ngôn ngữ tôi biến thành một người hoang mang vì chưa hiểu hết thứ mình thấy. Một sự bảo thủ tuyệt đối sẽ làm sông ngưng chảy và nghệ thuật đứng lại. Cái cây nghìn năm vẫn vậy thì vẫn là cái cây, nhưng giòng sông ngưng chảy thì không còn là giòng sông, bởi vì thuộc tính duy nhất của nó là chảy.
Không phải chỉ có người làm, mà người đọc, xem, nghe, nhìn, cũng phải mở lòng ra với ở vùng biên giới.
Nếu có ai hỏi tôi là người tiến bộ hay người bảo thủ, tôi nghĩ tôi là người thứ hai nhiều hơn người thứ nhất, vì tôi rất trân trọng cái cũ, yêu quí vô biên những thứ con người đã làm ra, viết ra, vẽ ra, để cho vang lên… những thứ thuộc về di sản nhân loại, đến nỗi tôi nghĩ đi tiếp con đường của họ là lý do để chúng ta tiếp tục sống, không có họ, ý nghĩa của sự có mặt của con người trên trái đất sẽ bị lung lay kinh khủng. Tôi mơ ước người làm nghệ thuật và người thưởng ngoạn mở lòng mình ra để biên giới nghệ thuật luôn luôn được nới ra thêm, chứ tôi không phải là người có quan niêm đập phá để tạo nên cái mới.
Tôi là một người bảo thủ, với quan niệm rằng nghệ thuật luôn luôn là thử nghiệm. Mỗi tác phẩm.
Thử nghiệm cái mới đâu có nghĩa là phải đạp đổ cái cũ. Em nghĩ tất cả những bước phát triển của nghệ thuật đều dựa trên nền tảng của những cái cũ. Âm nhạc của Mozart, Beethoven cho đến nhạc đương đại cũng đều bắt nguồn từ Bình quân luật của Bach. Em cũng từng có ý nghĩ giống chị về tranh Đông Hồ, có lần em hỏi mấy anh họa sĩ em quen là sao tranh Đông Hồ nhìn mãi nó cũng như thế mà không có những sáng tạo mới, nhìn mãi không có sự thay đổi thấy chán quá. Em cũng luôn ngưỡng mộ những người dám thể nghiệm và có khả năng sáng tạo những cái mới. Vì khi học theo một trường phái, một phong cách thì khó để vượt ra khỏi khuôn khổ đã có sẵn. Luôn có một nỗi sợ vô hình từ người nghệ sĩ, sợ rằng sự thay đổi không được chấp nhận, sợ mình không tạo nên được tác phẩm mới, có lẽ đấy là nỗi bất an mà chị nói đến.
ReplyDeleteTôi muốn nói nghệ sĩ phải thử nghiệm mình trong mỗi tác phẩm, xin đừng hiểu lầm tôi tuyên dương cho ngành "Nghệ thuật thử nghiệm" (experimental art) đã trở thành một thứ trường phái với những qui luật của nó và hình như, về mặt nội tâm / nội dung, chẳng có thử nghiệm gì mấy. Chỉ thử nghiệm các chất liệu mới, cách trình bày mới và đôi khi, các cảm giác mới mà thôi.
ReplyDeleteChị viết rất hay về nghệ thuật, nhưng em vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Em cũng đồng ý với chị rằng nghệ thuật luôn luôn là thử nghiệm, từ xưa đã vậy, thế nhưng tại sao trong số rất nhiều những thử nghiệm diễn ra cùng thời điểm thì chỉ có một số ít đọng lại? Không thể dựa vào biên giới nghệ thuật ở trên để giải thích, vậy chúng phải có điểm gì đặc biệt, ngoài sự may mắn. Và cốt lõi của điều đặc biệt ấy có phải nó vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ xưa đến giờ không?
ReplyDelete"biên giới nghệ thuật luôn luôn được nới ra thêm"
ReplyDeleteVề cái này, em nghĩ liều một phát, nếu biên giới nghệ thuật cứ mở mãi đến vô cùng, tức là chẳng còn biên giới gì hết nữa, liệu nghệ thuật có hóa thành hỗn mang không? Hay bản thân nó vẫn tự nhiên chọn lọc theo "một cái gì đó"? Điều ấy chắc em ko được thấy ở đời mình đâu, em nghĩ thế. Hiện nay em chỉ ngại sức ép của thị trường có thể làm biến dạng đường đi của nghệ thuật.
Em không có chuyên môn, nghĩ sao nói vậy, mong được học hỏi chị nhiều. :)
HY ơi, may mà "vẫn thấy thiếu một cái gì đó", nếu không thiếu, thì đây đã là một tiểu luận, không phải, đại luận về nghệ thuật rồi. 2 4 6 không có định nghĩa cho nghệ thuật, hoặc là có, nhưng luôn luôn thiếu. Mỗi tác phẩm hay mình xem được lại thêm vào định nghĩa mình đang có.
ReplyDelete"Nghệ thuật là thử nghiệm", nhưng khi đặt lại thứ tự chữ thành "thử nghiệm nghệ thuật" - hay bỏ đi bớt một chữ thành "nghệ thuật thử nghiệm" (experimental art) thì 2 4 6 thành thật là rất sợ, vì khi chữ "thử nghiệm" viết lớn và chữ "nghệ thuật" viết nhỏ thì thường thường là tối đa tân hình thức và tối thiểu nội dung.
em nghĩ là khi làm nghệ thuật (hic, nói chữ làm nghệ thuật thấy nó... ghê ghê sao đó, em tự thấy dị ứng với chữ này cũng như chữ 'làm nghệ sỹ' vậy) thì thử nghiệm cho đến lúc mình thấy mình có vẻ như đã hiểu, có vẻ như đã cạn rồi mới chuyển sang thử nghiệm điều khác, thì cái lân thử nghiệm cuối cùng thường là cái được nhiều người biết đến vì có vẻ hoàn hảo nhưng thường lại không còn độ trong sáng hoặc tinh khiết như lần đầu. Ví dụ phim của Kim Ki Duk, xem vài phim thì thấy hay, nhưng xem hoài, vẫn thấy không có gì mới, cứ lặp đi lặp lại hoài, mỗi lúc một nhàm chán hơn, so với những phim trước thì ít những lỗi vặt vãnh nhưng lại không còn cảm giác như trước. Nên thấy là thử nghiệm tới đâu, thử nghiệm bao lâu cũng khó thật :)
ReplyDeleteHehe, em làm phim bài tập cũng tranh thủ 'thử nghiệm', làm một phim viễn tưởng-tâm lý/ một phim tình cảm hài/ một phim bi :D Cuối cùng thấy cứ đi lòng vòng không biết thiệt ra mình làm cái gì ít dở nhất, xong cứ thấy sao sao, không biết là nên cứ theo một cái cho tới cùng có hay hơn không.
Phim Kim Ki Duk nhiều vô lý và được yêu bởi những vô lý / vô nghĩa. Chẳng hạn cái chết của cô gái trong Samaritan Girls. Đó là một phim hay, minimalist, cuộc đời thật nhẹ và buồn, đó là Unbearable Lightness of Being. Càng về sau thì Kim Ki Duk càng đánh vào hiệu ứng tâm lý. Sự vô lý / vô nghĩa vẫn còn đó, nhưng Lightness mất đi (ngoại lệ: 3-Iron) nên cái huyền diệu trong Samaritan Girls cũng không còn. Hiệu ứng tâm lý làm cho phim nặng nề. Nếu làm một phim nặng nề, thì thông điệp của nó cũng phải tương xứng, không thì giống như lấy đại bác đi bắn chim.
ReplyDeleteEm cũng thích Samaritan Girls cảm thấy nó ám ảnh hơn các phim sau này của Kim Ki Duk.
ReplyDeleteVề định nghĩa nghệ thuật, em nghĩ ví dụ của chị về tranh thủy mặc chưa hẳn đúng. Cũng tương tự, thơ Đường áp dụng các nguyên tắc rất nghiêm ngặt về mặt hình thức nhưng lại buộc các nhà thơ phải có những thử nghiệm khác để tạo ra cho sáng tác của mình sự độc đáo riêng.
Em chưa xem phim này, dạo này kiêng các cứ nặng nề :(
ReplyDeletekhi đọc bài này của chị em cảm nhận hai điều : nghệ thuật nên thử nghiệm cái mới . Người đọc nên mở lòng cái mới.
ReplyDeleteEm đồng ý quan điểm này, nếu phát triển và tiến bộ dựa trên sự thay đổi thì nên làm phải không chị ?