Monday, 30 April 2007

Có trí thức vì lịch sử cần họ

Trong danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu thế giới của tạp chí Prospect, có 14 người Anh, 38 người Mỹ, chỉ có 3 người Pháp, 3 người Đức, các nước Đông Âu 2 người. Á châu được vài người.

Nhà báo Thierry Chervel, trong một bài phỏng vấn, đã hỏi triết gia Pháp Bernhard-Henri Levy có phải cuộc sống trí thức của Âu châu đã dời nhà qua Mỹ rồi chăng. Levy, tuy cho rằng danh sách của Prospect chỉ là của Prospect, nhưng hoàn toàn đồng ý rằng Mỹ là nơi cuộc sống trí thức sinh động nhất – từ 30 năm nay ông vẫn ngỡ trung tâm của các tư tưởng thế giới là Paris. Trung tâm đó đã dời về New York.

Chervel hỏi tiếp là tại sao ở Pháp và ở Đức thiếu hẳn một thế hệ trí thức. Levy tránh câu trả lời bằng cách nói rằng đã nói đến trí thức thì không nên dùng tiếng "thế hệ". Thế hệ là một thứ gì dấy lên rồi lụi tàn, trong khi thời gian của trí thức là một thứ thời gian rất lạ lùng. Một người trí thức là một người chợt nhiên bắt đầu suy tư, như thể các bản văn khai sáng của Kant vừa mới được viết hôm qua.

Chervel không chịu cho qua. Không nói đến thế hệ, nhưng cũng còn bản đúc kết tình hình của lịch sử tư tưởng chứ. Nhớ lại những năm 60, nhớ lại Sartre… nhưng nay thì? Levy nói rằng trình độ tư tưởng được quyết định bởi những đòi hỏi của lịch sử. Lịch sử tạo ra cái bục diễn đàn nơi các nhà trí thức leo lên bắc ghế ngồi. Những câu hỏi được lịch sử ném ra, và các nhà trí thức tìm câu trả lời. Vấn đề thế hệ không đáng nói. Đáng nói là có những câu hỏi mới hay không. Đời sống trí thức buồn tẻ vì thiếu những câu hỏi. Còn những câu hỏi được đặt ra hiện nay, thì chúng chỉ làm cho người ta thấy bất ổn, có lẽ tê dại đi.

Những câu hỏi đó là những câu hỏi nào?

Câu hỏi về Hồi giáo cực đoan; về vấn đề khủng bố; về các thế lực chống lại nền triết học Khai sáng; và cuối cùng, câu hỏi là chúng ta học được gì, còn nhớ lại, giữ lại được gì từ phái suy nghĩ độc lập (chống lại cách suy nghĩ của người thừa hành nhận lệnh trên) trong hai, ba mươi năm qua.

(Phần còn lại của bài phỏng vấn xoay quanh cuốn sách mới của Levy về nước Mỹ, American Vertigo.)

Sunday, 29 April 2007

Ma hiền thích đùa

Hôm qua đi về nhà quê chơi bằng xe máy. Trước khi đi, em gái hỏi:
- Lâu quá không bà không chạy Honda. Còn biết lái không vậy?

- Hồi đó tui là anh hùng xa lộ. Một lần biết bơi cả đời biết bơi. Cứ ném xuống biển khơi thì dù dở hơi vẫn cứ bơi.

*
Chúng tôi ngồi ở mé sông ngắm mặt trời xuống bên trên đám dừa nước bên kia sông. Chim cò về tổ bay đầy trời . Mây trôi hững hờ trong bầu trời rộng, nhuốm màu vàng tái hay tím nhạt. Chúng tôi ăn cá nướng trui và uống nước dừa. Toàn những thứ dân nhà quê bày ra để làm thổn thức những trái tim thành phố lênh đênh. Dân nhà quê ngày nào cũng thấy cò trắng và cò đen, dừa xanh và mây tím. Có thấy đẹp không? Không biết. Có yêu nơi đây không? Không biết. Người thành phố thì yêu mến miền quê lắm lắm. Nhưng bảo ngủ lại một đêm mai đi cấy hay bơi trong ao sen rút ngó sen thì ai cũng nói: Thôi em về, mai có hẹn rồi.

*
Trời đã tối. Suốt ngày uống nước dừa hơi nhiều, phải đi ra phía sau nhà có chút việc. Lúc bước ra khỏi cửa sau, thấy một con bé, cũng người thành phố, thập thò ở sân sau đầy băn khoăn lo lắng.
- Cô đi ra "ngoài đó" hả cô? Cho em đi theo cô với. Em cần đi tự nãy giờ, mà sợ ma không dám đi.

Từ đây ra ngôi nhà nhỏ "ngoài đó" phải băng qua một đoạn đường đê một bên là ao cá, một bên là ruộng. Không xa lắm, cũng không tối lắm. Bé này gần lấy chồng rồi mà còn sợ ma không dám đoái. Tôi thích nhát con nít:
- Ừ, ở quê ma kinh lắm, cưng đừng đi đâu một mình, nhất là trên đê. Ma ở dưới mương, thò tay rút cổ chưn cưng té ùm xuống sình đó.

*
Mười phút sau chào về xong xuôi, mọi người leo lên xe về nhà. Tôi chở con trai ngồi phía sau, đi theo đoàn xe vài chiếc ra đường lớn. Xe đi trên những đoạn đê khá rộng, nhưng hơi quanh co. Hai bên đê là ruộng và mương. Ở một chỗ rẽ cũng hơi tối, tôi chưa kịp biết gì thì Á á... Ái... ÙM.. mm..m...ÙM... mmm...

Má và con trai bay xuống sình trước, chiếc Suzuki theo sau, nhưng nhờ vướng phải cái cọc, nó không chìm.

Loi ngoi dưới sình một lúc, dân quê xúm lại kéo lên. Sình sâu, trời tối, không có hy vọng gì cứu được cái điện thoại di động và đôi dép. Của đi thay người, mẹ con lành lặn cả, lại được tắm sình mà không phải vào spa.

*
Mấy người nhà quê bàn tán với nhau:
- Đường đê rộng như vầy mà lái xe làm sao bay xuống mương được hay thiệt.
- Chắc xe hông có đèn hông thấy đường.
- Hay là xỉn?
- Hay là ma kéo chưn?

Saturday, 28 April 2007

On writing | quotes & excerpts

A note sounds. Then it sounds again. But everything has changed.
Paul Griffiths

Một khi anh có sáng tác viết lách được ra cái gì đó - với anh rất có thể nó là ngẫu phát - ra với cộng đồng nó sẽ vang vọng xô dạt như là những ngẫu phát khác, sai biệt vô chừng.
Tung H

Ngoài ra, viết văn đâu có gì khác hơn là mơ một giấc mơ có lối đi.

Jorge Luis Borges


Precision is the soul of the artist's work.
Gustav Mahler

A painter's moments of illumination must not come to him through his consciousness (any more than do those of any other artist). His discoveries, mysterious even to him, must bypass the long road of deliberation and go so fast into his work that he has no time to notice the transition. If he lies in wait for them, observes them, holds them back, they will turn to dust like the gold in the fairy-tale.
Rainer Maria Rilke (about Cézanne)

to have grown old in so many mirrors,
to have sought in vain the marble gaze of the statues,
to have questioned lithographs, encyclopedias, atlases,
to have seen the things that men see,
death, the sluggish dawn, the plains,
and the delicate stars,
and to have seen nothing, or almost nothing
except the face of a girl from Buenos Aires
a face that does not want you to remember it.

Jorge Luis Borges

Life knows us not and we do not know life - we don't even know our own thoughts. Half the words we use have no meaning whatever and of the other half each man understands each word after the fashion of his own folly and conceit. Faith is a myth, and beliefs shift like mists on the shore; thoughts vanish; words, once pronounced, die; and the memory of yesterday is as shadowy as the hope of tomorrow.
Joseph Conrad

Tuesday, 24 April 2007

I have spent many sleepless nights and bloody days in battle...

... fighting men for their women.


phuong: tui cứ hay nghĩ về 1 nơi nào đó êm đềm

tui muốn về quê ở đâu đó

nhưng tui đâu còn quê nữa

má sống ở thành thị, các liên hệ với bà con ở quê đã đứt hết

gia đình tui đã thực sự mất quê rồi, đô thị hóa hoàn toàn

và luôn luôn tiếc rẻ một cánh đồng, một cái lu nước, bờ sông

một cái lu nước như ở nhà dì Thư

bây giờ trời nóng, nhớ mùa mưa

bolo: nóng thiệt. ngày tui tắm mấy lần.

phuong: tui mới đọc một bài viết hay lắm

phuong: bài nói về lý luận văn học trong ánh sáng của darwin

bolo: vậy ha.

hình như tui thích những bài viết cảnh báo, phân tích về sự xuống cấp của loài người.

phuong: con người là con người

bolo: hình như tui lúc nào cũng lo ngại mơ hồ về tương lai ko sáng sủa của con người.

các con mình sống trong đó.

phuong: nhưng cũng là con vật, một con vật thuộc loài có xương sống, có vú, một con khỉ, một con tinh tinh

bolo: biết suy nghĩ.

phuong: cái lịch sử đó còn nặng trong chúng ta

bolo: nhưng suy nghĩ này còn bản năng.

nguời ta, động vật nửa người nửa thú. hehe.

phuong: mấy người tin vào tôn giáo muốn bóc con người ra khỏi lịch sử đó, nâng cao nó lên, gần như thần tiên vậy

con người tưởng thiệt

tự giả dối như điên

bolo: hehe. đó chính là sự kiêu ngạo của con người.

chết ở chỗ đó.

họ coi thường trái đất.

phuong: tác giả kể lại hồi học tiến sĩ, đọc Iliad của homer

bolo: and?

phuong: trường thi nói về chiến tranh

bolo: tui biết.

phuong: máu chảy như suối

người chết quá trời

người ta nói với binh lính câu này:

bolo: what?

phuong: "ai chưa hãm hiếp được vợ của một người thành troy nào đó, thì chưa vội về nhà"

bolo: chà, gê wá.

đồ mọi.

phuong: tác giả kể cứ loay hoay hoài không giải thích được sự khát máu

bởi vì tác giả nghi ngờ các động cơ khác của chiến tranh

bolo: hay.

phuong: nên không làm bài được

bolo: động cơ thực là gì?

phuong: tự nhiên tình cờ, tác giả lượm được cuốn "con tinh tinh trần trụi" , một cuốn sách dòng darwin

bolo: à.

phuong: và tác giả ráp hai cuốn lại, thì mọi việc đều khớp

và trở nên rõ ràng

bolo: cho tới giờ, ai làm chiến tranh cũng nói mình chính nghĩa. hehe.

động cơ gây chiến tranh?

phuong: thì ra các loại chính nghĩa chỉ để che đậy cái con tinh tinh trần trụi

bolo: chiến tranh thực chất là đi giết người qui mô lớn.

phuong: nói tóm lại thì nó rất ngắn và rõ ràng:

bolo: chính xác. tui từng nghĩ vậy.

phuong: người ta đánh nhau để dành đàn bà

bolo: đúng.

của cải.

+đất đai, nhà cửa.

đó là lý do chính chính chính.

phuong: đối với đàn ông, đất đai, nhà cửa là để dụ đàn bà

tại vì đàn bà ham đất đai, tiền bạc, quyền lực

nên đàn ông kiếm những thứ đó về để dụ đàn bà

y như con khỉ chúa

bolo: ya.

phuong: hồi thời homer, đàn ông nào có chút tiền, quyền đều có vợ và các nô lệ tình dục mà họ coi là của cải

y như con tinh tinh trần trụi, không cho các con yếu hơn có vợ, nó muốn dành hết về mình

và các con cái thì thích đi theo mấy con mạnh và được dâng nhiều thức ăn

thời homer: cũng có nạn bóp mũi con gái chết vì con gái không làm ra tiền, ko đóng góp cho dòng họ, chỉ đi làm vợ, trở thành của cải của những dòng họ khác

bolo: ya.

phuong: thời homer: một mặt bé gái sơ sinh bị giết, một mặt mấy người giàu dành hết vợ và nô lệ gái

bolo: tui có một thắc mắc: đã từng có chế độ mẫu hệ.

phuong: không có chế độ mẫu hệ nào tồn tại quá mức các bộ lạc

bolo: nhưng vì sao tới những thời đại phụ nữ bị coi rẻ rúng cực kỳ.

phuong: vì phụ nữ không giỏi chiến tranh, cho nên ko cướp được đất

mà bị cướp

bolo: chắc đến khi chế độ nô lệ phát sinh.

thì chế độ mẫu hệ sơ khai bị diệt vong.

phuong: cho nên khi xã hội chuyển từ bộ lạc sang quốc gia, thì các xã hội phụ nữ bị tiêu diệt hết

vì đánh thua mà

phuong: trở lại thời homer:

nhiều bé gái sơ sinh bị giết, và những người giàu có nhiều vợ, đương nhiên sẽ bị thiếu phụ nữ

cho những người bình thường

chiến tranh xảy ra là để cướp đàn bà về làm nô lệ tình dục, đó là ý chính, thời xa xưa

sau này thì chiến tranh xảy ra là để dành đất đai quyền lực, mà đất đai quyền lực là để dụ phụ nữ, thì cũng như nhau

con đực đánh nhau để dành con cái

còn mấy cái chính nghĩa này nọ là để hoa hòe bên ngoài thôi

bolo: dồng ý.

phuong: con đực dành con cái rồi bơm tinh trùng vào càng nhiều con cái càng tốt, đó là lý tưởng của con tinh tinh

bolo: thời hiện đại, tui nghĩ ngoài nhu cầu phụ nữ, thì nhu cầu quyền lực, danh vọng, của cải ... cũng là những nhu cầu hiện đại.

phuong: những nhu cầu hiện đại đó: quyền lực, danh vọng, của cải... đối với con đực cũng là để cho con cái ham

bolo thấy mấy ông có tiền có của có quyền rồi là ham đi kiếm gái là vậy

đem tiền của ra để biến con gái trẻ thành của mình

nghĩa là ham quyền, tiền cũng vì con cái

còn con cái ham quyền, tiền, vì những thứ đó bảo đảm cho nó nuôi được con trong điều kiện tốt nhứt

bolo: ya.

phuong: tui đồng ý với ông này là ko thể tách rời văn học khỏi khoa học được

vì những đóng góp của khoa học để chúng ta hiểu bản chất con người rất sâu rộng

bolo: ya.

phuong: văn học đi đường riêng, tự một mình đi tìm bản chất con người thì là một con đường còn xa hơn tự nó đã là một con đường xa, thật là dài

ví dụ khổng tử nói nhân chi sơ, tính bản thiện

đỗ lỗi hết những xấu xa của con người cho giáo dục và xã hội

phuong: tính bản thiện, cộng thêm một hệ thống đạo đức tốt đẹp, mà sao mấy ngàn năm con người cứ đánh nhau, đè nhau, đốt nhà cướp của, hãm hiếp phụ nữ hoài?

bolo: giả dối.

tui tin rằng, trong con người lun có bản năng thú.

một người tốt lun đè nén con thú đó.

qua hàng ngàn năm, con thú nhỏ dần.

hiện tại, con thú trong con người vẫn còn lớn.

con người hiện đại vẫn lun có một phần thú.

nếu con người phấn đấu tốt, có thể vài ngàn năm nữa, con người sẽ là con người thực sự.

nhưng con đường ấy còn xa.

phuong: có thể lý trí và sự yêu cái đẹp (cũng là một bản năng) làm cho con người tốt dần lên

bolo: con người hiện đại vẫn có một số người thực sự hoàn thiện.

số đó ít oi.

phuong: nhưng chuyện chưa ngã ngũ

hiện bây giờ thì các qui tắc kinh tế điều khiển thế giới

bolo: ya. karl marx nói đúng. thế giới này được điều khiển bởi qui luật tư bản.

phuong: sợ là ko bao giờ thoát khỏi những qui luật này

bolo: của cải là tư bản khi nó được dùng để sản sinh thêm.

đạt được tư bản lớn nhất là mơ ước của từng con người hiện đại.

để có phụ nữ đẹp. hehe.

phuong: he he

hôm nay tui lại thấy buồn

bolo: nếu tui 30 tuổi và là một nhà tư bản lớn, tui sẽ hành động hợp qui luật.

phuong: đúng rồi

bolo: tạo thêm tư bản và sở hữu nhiều phụ nữ đẹp.

nếu tui ko làm thế, tui tự diệt vong.

phuong: cho nên câu hỏi hôm nay không phải là cái gì đúng cái gì sai, mà con cơ bản hơn nữa

bolo: người hiện đại thành công phải là một nhà tư bản.

phuong: tui muốn nói là câu hỏi ngày xưa các cụ đặt ra dầu sao cũng còn dễ hơn câu hỏi bây giờ mình đặt cho mình

phuong: các cụ chỉ hỏi: tôi làm thế nào thì đúng, thế nào thì sai?

còn mình thì hỏi: tôi có mặt ở đây là đúng, hay là sai?

bolo: câu này hay.

phuong: cứ giữ gìn nòi giống hoài để làm gì vậy?

bolo: câu hỏi này đúng.

phuong: tàn sát đồng loại, tàn sát thiên nhiên, làm lụi tàn trái đất để giữ gìn dòng giống của TÔI


Bài được nói tới trong chat chit là Evolution of the Theses của Johathan Gottschall

Saturday, 21 April 2007

Cho-Điên-Lun

Đọc chuyện Cho xách súng đi giết người lần lượt, hết người này đến người kia, mới hiểu là tất cả anh hùng Hoa kỳ đều tập trung về Hollywood hết rồi, không còn một ai ở ngoài. Trong lúc Cho bắn người khác, các nạn nhân kế tiếp, thay vì chờ đến lượt mình, không ai ném Cho cái ghế hay chạy ào vào ôm Cho.

Các anh hùng Hollywood thì: Tay không anh chấp thằng đó nào súng laser nào bom megakill kỹ thuật số nào ống phản lực cá nhân, nó cho nổ nát cái công trường để dọa anh anh vẫn sống nhăn và núm mắc cổ chưn vật nó xuống cái ình như không.

Chúng ta nên tập trung xem phim đừng có mất thì giờ để ý mấy cái chuyện bên ngoài nữa, không hay bằng trong phim.

Thursday, 19 April 2007

Cái tủ lạnh hai cửa

Có người cứ thích chui vô cái tủ lạnh.


Hồi con em út đi lấy chồng, lâu rồi, cả nhà xúm lại nghĩ mua cái gì làm quà cưới cho có ý nghĩa .

Tụi tui quyết định món quà có ý nghĩa nhứt là một cái tủ lạnh hai cửa. Không phải cửa trên và cửa dưới, hay hai cửa mở ra hai bên như cái tủ lạnh rộng thênh thang của nhà giàu đâu. Mà là cửa trước và cửa sau. Không ai biết có cái cửa sau. Bạn mở cửa trước tủ lạnh ra, chui vào tủ, và thông ra cửa sau của tủ lạnh, bạn đi ra một con hẻm bí mật dẫn tới… bất cứ nơi nào bạn muốn (trái đất này là của bạn mà). Bao giờ chán, bạn lại đi vô cửa sau tủ lạnh, rồi trở về nhà bếp gia đình.

Nghĩa là, lúc hai vợ chồng đương xem vê tê vê gì đó, hay đang cãi lộn, hay ti vi hết phim đang sửa soạn đi ngủ, chồng đang đánh răng, bạn có thể nói, đói bụng quá, xuống bếp kiếm chút gì ăn. Quả thực, bạn xuống bếp, chui vào tủ lạnh, và biến mất.

Bạn ra bờ sông Seine làm được vài bài thơ, đủ cho nửa tập thơ mỏng mỏng, hay là rủ con bạn đi thụt bi da, hay chạy vô Chợ lớn đá đá mấy cái thùng lon không rồi ăn cháo quẩy một mình, hay làm gì đó ai biết.

Khi bạn làm thơ xong hoặc là trả tiền cháo tính thêm quẩy xong, quay về, dĩ nhiên vô nhà bằng cửa sau tủ lạnh, mở cửa trước tủ lạnh đi vào bếp, leo lên phòng ngủ, thì chồng bạn mới đánh răng xong đang cằn nhằn sao đôi dép ướt mem hay đại loại gì đó. Và bạn cũng ở đó, không hề vừa đi đâu về, vì rõ ràng đâu có ai mở cửa nhà đi ra ngoài hồi nào đâu.

Cái tủ lạnh hai cửa bảo đảm được rằng em gái tôi vừa lấy được chồng, vợ chồng thuận tình ta quản lý đời nhau, đi thưa về trình, mà em tôi cũng vừa mạng tui tui muốn đi đâu và đi bao lâu kệ tui. Tui ăn cháo quẩy hay không ăn cháo quẩy ở Tản Đà hay không ở đâu cả thì không dính dáng tới ai hết, kể cả chồng yêu, dù chữ tắt tên anh và em yêu có viết lồng qua lồng lại quấn quít nhau trong cái thiệp cưới cũng vậy.

Chuyện dễ vậy, món quà nhỏ vậy mà cuối cùng không làm được. Cái tủ lạnh hai cửa vì thiếu cái cục gì đó không giữ được độ lạnh. Để bảo đảm thực phẩm gia đình được bảo quản đúng tiêu chuẩn iso, anh chồng thay nó bằng một cái tủ lạnh ba cửa. Tiếc là cửa nào cũng quay ra phía trước.

A time for us

Tôi thích cách viết của J.M Coetzee và John Banville nhất trong các lối hành văn của các tác giả viết tiếng Anh đương đại.

Viết thế nào cho câu hay?

Câu trả lời chúng ta đã đọc nhiều lần rồi, trong các cuốn sách dạy viết. Các thầy giáo ngữ văn và ngay cả các nhà văn cũng thường khuyên viết trong sáng, giản dị, chính xác. Be clear, unaffected, accurate.

Văn của Banville trong sáng, giản dị, chính xác. Nhưng dĩ nhiên, các yếu tố này không giải thích được gì về cái đẹp của văn ông. Dĩ nhiên phải có thứ gì khác nữa sách vở không thể dạy.

Phải đọc chậm, mới "nghe" được lời văn. Văn có âm nhạc riêng của nó. Tại sao khi nghe nhạc, bạn sẵn sàng dành đúng lượng thời gian mà tác giả bản nhạc muốn bạn dành cho nó, nhưng lại không sẵn sàng dành đủ thì giờ để nghe lấy cái nhịp trong sách và trong phim? Vì việc chính của nhạc không phải là kể chuyện, nhạc không sống nhờ vào biết cách gợi sự tò mò. Khi nghe nhạc người ta ung dung buông mình vào bản nhạc. Khi đọc sách hay xem phim, trái lại, người ta mau mau muốn biết chuyện gì xảy ra sau chuyện gì, và sau đó thì sao nữa… cho đến cuối cuốn sách, hoặc cuốn phim thì người đọc, người xem biết hết câu chuyện. Biết rồi thì không cần đọc lại, xem lại. Câu chuyện đã thuộc về bạn. Một bản nhạc thì bạn cứ nghe lại hoài, vì bạn không bao giờ thực sự "nắm" được nó như bạn "nắm" một câu chuyện.

Đây là một điều tôi không muốn (dù có muốn cũng không thể) thay đổi. Tôi chỉ tiếc, cái tiếc này thường làm cho tôi buồn bã và chán nản, rằng khi đọc sách, xem phim người ta chỉ đi theo câu chuyện, đòi được biết cái sắp tới và cái kết cục, mà quên rằng chúng ta, và tất cả các câu chuyện của chúng ta, đều cần ở bên trong một nơi chốn nào đó – không gian, và một khoảnh khắc nào đó – thời gian. Chỉ đi theo việc này tiếp nối việc kia của câu chuyện, mau mau đừng bắt tôi chờ lâu, chúng ta không hưởng được cái đẹp của nơi chốn và khoảnh khắc. Hãy để việc đọc sách, xem phim là một kinh nghiệm, chứ đừng xem nó đơn giản là phương tiện để bạn có thêm hiểu biết hay kiến thức. Khi đọc xong một cuốn sách, xem xong một bộ phim, câu hỏi đầu tiên đừng nên là: Câu chuyện trong sách / phim có hay không. Ý tưởng hay thông điệp có sâu sắc không. Câu hỏi đầu tiên nên là: Tôi đã ở trong sách / phim như thế nào. Tôi đã chia sẻ, đã có mặt trong những nơi chốn và những khoảnh khắc trong truyện như thế nào. Đó có phải là một kinh nghiệm tôi sẽ còn nhớ lâu hay không.

Trở lại với Banville. Tôi hiểu thêm được vài điều về ngôn ngữ khi tôi đọc văn ông. Tôi hiểu vì tôi dành nhiều thì giờ mà chỉ đọc một đoạn ngắn, chỉ nửa trang.

Tôi hiểu rằng nhà văn, có lẽ trong vô thức lẫn ý thức, biết rằng từ ngữ - ở đây tôi muốn nói từ ngữ chứ không phải ý tưởng - có trọng lượng nặng nhẹ. Nếu câu nhạc lấy quãng và hợp âm làm trọng lượng, thì từ ngữ trong câu, với trọng lượng của chúng, làm cho câu chùng xuống, hoặc bay cao, hoặc buông lơi ở lưng chừng trời. Nhà văn rất biết mình xây tường bằng gạch hay bằng mây – hay bằng một chất liệu gì đó ở giữa mây và gạch. Một bờ rào bằng đá, hay bằng những thanh gỗ, hay bằng hoa dâm bụt, tuy vẫn là bờ rào, tuy vẫn nói lên được những thứ sâu xa như nhau, chúng có thể đong đưa mơ màng hay bất động vì sức nặng của chính mình. Chọn lựa là của nhà văn.

Tôi vừa đọc một đoạn văn dịch, và người dịch không hiểu gì cả về trọng lượng của từ ngữ, về âm nhạc và ý nhị của câu. Người dịch dùng từ ngữ đáng lẽ chỉ được dùng trong triết học, và xây chúng – những viên gạch năm mười cân, vào trong một bức vách bằng phên tre. Người viết chỉ muốn cất một cái chòi bằng gỗ và lá, mà người dịch lại bê vào đó gạch đá và bê tông cốt sắt, lầm lẫn rằng trọng lượng của từ ngữ cũng chính là trọng lượng của tư tưởng.

Người dịch, thay vì vật vã với những từ ngữ nói được nhiều (những từ này thường nặng) để bao trùm được cái chữ mình không dịch được, hãy ngồi xuống trong căn nhà, hiểu và cảm được chất liệu và trọng lượng của chất liệu người viết đã dùng để xây căn nhà đó. Hãy tạo lại được cái không gian và thời gian ấy bằng một ngôn ngữ khác. Bởi vì văn (hoặc phim) không phải chỉ là câu chuyện, không phải chỉ là ý tưởng. Đọc không phải chỉ để biết. Đọc phải là một kinh nghiệm.

Dear friends,

Càng ngày tôi càng có cảm giác là số người đọc blog tôi rất ít, và tôi cũng chỉ muốn viết cho số ít này.

Tôi trân trọng những người đọc có lên tiếng và không lên tiếng bằng nhau (tôi thường rất ít lên tiếng ở các blog tôi đọc), tôi không thể dựa vào việc có lên tiếng hay không mà nhận ra bạn có đọc hay không và chúng ta đồng cảm với nhau ở mức nào.

Nếu bạn đã add tôi trong một phút "bồng bột" và rồi quên béng mất chuyện đó, hoặc nếu blog tôi làm cho bạn chán, hãy xóa tên tôi nhé. Tôi thật sự mong mỏi như vậy và rất biết ơn bạn về việc này.

Monday, 16 April 2007

Cùng lắm thì chết

Latest from my friends and favorites


heocoidangthuong:

Cùng lắm thì chết. Sao phải buồn ??


Con gio la:

Nước Mỹ, có điều gì mà khiến nhiều người không ngủ, không khóc, không vui, không buồn đến vậy?


Phan Ý Yên:

Em có dạ nào...anh hãy xáo măng!

Thanh Ngọc:

Thỉnh thoảng anh có cái tính ẩm ương là thẫn thờ ...nhớ. Nhớ một cách dị dạng, nhớ đến rệu rã cả cơ thể.

Harry Nguyen:

chỉ im lặng để tự sống - tự yêu và tự bóp ghẹt con tim - bóp ghẹt sự yếu đuối - để mỗi sớm mai bước ra đường ta vẫn sẽ là…


Tung H:

Ngài D nói đúng - chúng ta, tôi và anh đều đang làm cái việc phù phiếm là tự viết cho mình một kịch bản mà bản thân chúng ta sẽ là một vai chính.

Phố Đậu Hủ:

Tu nhien them chet qua di mat!


kEnna:

Ken tự sát...Súng này chắc cũng đi cà thọt, hoặc chảy máu, hoặc cũng làm cho điên...


dungbetha:

sợi tóc đẫm máu


..₪₪KINA₪₪..:

Tự dưng nửa đêm giật mình thức giấc, khóc cho đã rồi ngủ tiếp là sao?

c'u me`o:

trái tim tao đang chết / nằm chèm bẹp trong góc kẹt / mày lại bị đá ra ngoài

Tùng H:

Những ghi chép vô tình thờ ơ trên mặt bàn. Những lời độc thoại trong cơn say. Những bài thơ như vô tình dửng dưng, như ngả ngớn ngông nghênh. Độc giả của anh, họ sẽ tự vấn, họ sẽ ngờ ngợ và thấy thương mến xen lẫn tò mò về anh. Anh dẫn họ vào mê cung, rồi bỏ mặc đấy. Rồi tuỳ tiện nói gì thì nói, làm gì thì làm. Anh hả hê và thương xót nhìn họ lạ lẫm ngờ nghệch trong mê lộ. Lúc họ nản lòng là lúc họ muốn thoát ra. Nhưng làm sao được. Kẻ tạo ra mê lộ này còn chẳng ra được huống chi là họ.

Saturday, 14 April 2007

Ai yêu ai không yêu Trăm năm cô đơn?

Trăm năm nắn nót

Trích bài Có nên đập phá một tượng thần? Của Nguyễn Đăng Thường, đăng trên talawas

Để rộng đường dư luận, sau đây là bản dịch một bài nhận định tuy ngắn nhưng hàm súc, của Jonathan Bate về nhà văn Gabriel García Márquez trong mục "Millenium Reputations" (tạm dịch: "Những tiếng tăm của thiên niên kỷ") để trả lời câu hỏi: "Tác giả, hay cuốn sách nào, của 1000 năm vừa qua, đã được đánh giá quá cao?", đăng trên tờ Sunday Telegraph ra ngày 19 tháng 9 năm 1999. Tựa đề do tôi đặt. Tác giả Jonathan Bate, sinh năm 1958, là một chuyên gia về Shakespeare. Từ năm 1991 đến năm 2003 ông giảng dạy văn chương Anh tại Đại học Liverpool (Anh). Ông đang giảng dạy Shakespeare và văn chương trung đại tại Đại học Warwich (Anh), và cũng kiêm thêm chức vụ Governor (ủy viên hội đồng quản trị) của kịch đoàn Royal Shakespeare Company (Luân Đôn).

Nguyễn Đăng Thường


Tờ New York Times đã mô tả cuốn truyện Trăm năm cô đơn (1967) của Gabriel García Márquez như "tác phẩm văn chương đầu tiên kể từ sau Sáng thế ký mà toàn thể nhân loại cần phải đọc qua". Đây là trò tán tụng lố bịch nhứt mà tôi đã gặp. Cần phải đọc à? Cuốn truyện tự ve vuốt sự khéo léo của nó đến mức không đọc nổi.

Đại khái, nó vẫn được đánh giá như tác phẩm đã khai trương thể loại "hiện thực thần kỳ" pha trộn lối tự sự thực tế hiển nhiên của tiểu thuyết tả chân truyền thống với những cái vô lý dị kỳ như thăng thiên và "thuật giả kim" (alchemy).

García Márquez đã ở tư thế điển hình nhứt của ông khi một phụ nữ đương phơi đồ bỗng dưng bay bổng lên không trung.

Các hợp chất khác của hiện thực thần kỳ là những người bô-hê-miên, những gái điếm có quả tim vàng, những người lùn, những kẻ bịp bợm, và vô số nhân vật lẫn lộn nhau rất khó phân biệt đến mức bạn cần có một bảng gia hệ nếu muốn theo dõi cốt chuyện. García Márquez và các đệ tử của ông là bọn trí thức đô thành giả vờ khâm phục cái khôn ngoan giản dị của giai cấp nông dân. Các huyền thoại, chuyện thần tiên, chuyện dân gian là những thức tự chúng đã tuyệt diệu rồi. Thế nhưng, sẽ là một điều ngớ ngẩn vô cùng nếu ta nghĩ rằng pha trộn chúng với những mẩu chuyện vặt vãnh trong gia đình sẽ làm tiêu tan lòng tự mãn của giới trung lưu ở thời đại chúng ta.

Cứ hy vọng rằng Trăm năm cô đơn sẽ không đẻ ra trăm năm tiểu thuyết nắn nót, lê thê, được đánh giá quá cao. Quá đủ rồi, vì nó đã gợi hứng cho những cuốn truyện đầy những lõm lồi thái quá như Nights at the Circus của Angela Carter, và Midnight's Children của Salman Rushdie.


Nguồn: Nguyễn Đăng Thường: Có nên đập phá một tượng thần? – talawas 2007
[Tôi không đưa link vào một website mà nhiều người cho là không nên đọc. Các bạn có đường vào, thì xin cứ vào để xem cả bài viết của Nguyễn Đăng Thường và tự chịu trách nhiệm chuyện mình làm]

Friday, 13 April 2007

Viết bằng tiếng gì?

Tôi chọn tiếng Việt để viết. Lựa chọn này không hoàn toàn dễ đối với một người đã sống trên 20 năm quan trọng - quan trọng vì là thời gian tìm chỗ đứng của mình giữa mọi người - ở bên ngoài và hầu như không có dịp tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi đã phải đi học lại tiếng Việt. Khó khăn thứ hai, nhỏ hơn, là tôi phải bỏ lại đàng sau tất cả những gì mình có lúc đó. Tôi không có tiếng tăm gì ở Đức, nhưng "không có tiếng tăm gì" là so mình với người khác, chứ nếu chỉ so với chính mình, thì đó là tất cả những gì tôi có, và vứt đi tất cả những gì mình có cũng không phải là chuyện dễ làm.

Tại sao tôi lại chọn như vậy? Vì tôi yêu nước chăng? Tôi không biết hai chữ "yêu nước" có nghĩa gì, nhưng chắc chắn là tôi không yêu nước hơn một người đánh cá hay một cô thợ may nào mình tình cờ gặp.

Tôi không biết tại sao, và cũng không tự hỏi. Tuần trước, đọc những bài tranh luận sôi nổi trên blog của một bạn so sánh văn hóa Việt với văn hóa phương Tây, tôi mới tự hỏi: Tôi có lựa chọn (lúc đó tôi đang viết báo và làm phim bằng tiếng Đức và tiếng Anh), và tại sao tôi lại lựa chọn tiếng Việt?

Tiếng Việt không dễ. Ngữ vựng Việt rất giàu có để tả các loại mưa mù, mưa vần vũ, mưa nhạt nhòa, mưa bụi, mưa sa… và những tâm trạng buồn heo mây, buồn quay quắt, day dứt, buồn thoang thoảng, mênh mang. Nhưng khi cần sự chính xác, hoặc trừu tượng, thì từ ngữ Việt giống như gió, mờ nhạt và không chịu để cho người viết đặt để mình vào những nơi cố định. Tiếng Việt đôi khi không chính xác. Nhất là khi dùng cho khoa học, luật pháp, triết học. Khi tôi vác cái bằng tú tài ở Việt Nam của mình đi nộp xin nhập học đại học ở Đức, người ta không thừa nhận vì câu quan trọng nhất trong mảnh bằng cấp được viết như sau: ĐMP đã đậu tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông với điều kiện được bộ Quốc gia Giáo dục phê chuẩn. Họ nói bằng này còn phải được bộ phê chuẩn thì mới có giá trị. Tôi nói: Họ đã phê chuẩn rồi, nếu không có giá trị thì cấp bằng làm gì? Cả trường tôi lẫn cái bộ giáo dục sau 75 đã đóng cửa, mỗi người đi một nẻo, không còn ai để hỏi. Tôi vào đại học học trễ mất mấy năm cũng vì cái câu đó.Tiếng Việt viết ra rồi, được hiểu như thế nào, vẫn còn tùy vào lòng tốt của người đọc.

Những năm không được nhập học oan ức ở Đức khiến tôi khắc tâm điều này: không được viết những câu tùy tâm người đọc, nghĩa là tìm cách viết chính xác và rõ ràng chừng nào tốt chừng ấy. Việc này cũng không dễ. Nhiều khi chỉ cần nói về một cái gì đó tương đương một chữ trong tiếng Anh, tôi phải viết cả câu, hoặc hai, bằng tiếng Việt. Mà hễ đã viết dài, thì nghĩa dễ đi lên đi xuống. Một sợi dây thì không dễ đặt ngay ngắn bằng một viên gạch.

Dù yêu tiếng nước tôi, tôi cũng biết tiếng Việt là một thứ khá quan trọng trong số rất nhiều thứ làm vướng sự phát triển của chúng ta. Anh tôi học kỹ thuật. Anh tôi hỏi tôi có biết tại sao kỹ thuật Đức đứng hàng đầu thế giới không? Câu trả lời là vì họ yêu sự chính xác. Khi họ ghép hai miếng thép lại với nhau, họ biết nếu hai miếng thép được mài dũa chính xác, thì khi ghép lại chúng khít khao, vững chắc. Và cái máy chạy tốt vì các bộ phận không lỏng lẻo. Triết lý giản dị như vậy. Việt Nam đủ người trí tuệ, nhưng không đủ người mài dũa những miếng thép cho đến khi chúng thực sự chính xác, nên nhiều khi trí tuệ chỉ để in thành sách.

Tại sao tôi chọn tiếng Việt? Lý do yêu nước có thể để qua một bên rồi, như đã nói ở trên.

Tôi chọn tiếng Việt vì nếu tôi viết tiếng nước ngoài, người Việt sẽ không đọc. Tại sao tôi cần có độc giả người Việt?

Vì tôi quí người Đức, chứ không yêu họ. (Dĩ nhiên tôi có những người bạn Đức và tôi yêu họ, nhưng điều này không dính dáng tới việc tôi đang nói). Không đủ yêu để mỗi chữ tôi viết ra đêm đêm là viết cho họ.

Người Đức họ đầy đủ quá, mà tâm lý bình thường của con người là hay yêu những gì còn hơi thiếu, hơi mong manh, chứ không yêu những gì tròn trịa cứng cáp. Một quả cầu đầy đặn, mặt của nó phẳng quá, tôi không biết gieo bất cứ hạt mầm nào ở bất cứ chỗ nào mà tôi nghĩ nó có thể bén rễ được.

Người Việt sống vào một thời mà mọi thứ còn chông chênh. Tôi viết giữa đời chông chênh, ở một nơi còn nhiều người cũng còn nhiều lo toan, bất an và chênh vênh như tôi. Gọi nơi đó là gì đây? Quê hương?

Monday, 9 April 2007

Giải oan

Nhà thơ Trần Tiến Dũng phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
Đăng trên damau.org
(tôi đem về đây nguyên văn, có sắp xếp lại cách trình bày câu hỏi / trả lời cho dễ đọc.)

1.
Được biết lịch sử văn học của địa danh Phương Bối Am - Bảo Lộc gắn liền với người an trú trong quá khứ, thiền sư - nghệ sĩ Thích Nhất Hạnh và người an trú trong hiện tại, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn. Vì ngày nay có nhiều kẻ hậu bối chưa từng biết qua, xin ông kể lại mối nhân duyên ấy cũng như mối liên hệ lúc này giữa ông và Sư Ông Làng Mai.

Khoan nói tới cái não trạng hồn nhiên vô số tội, ở đây tôi muốn nói với anh như là một kẻ săn tin cho đài nào cũng được, nhất là BBC. Rất bình dị và thú vị là mấy câu hỏi anh nêu. Vượt tầm mức quốc gia đáng có và phải có, chúng đụng tới cái gì lớn lao vừa rất truyền thống, vừa rất hiện đại. Ngoài tôi ra chắc chắn không có ai thay thế để trả lời đâu. Nhưng tránh những cái nhạy cảm quá dễ đưa tới ngộ nhận còn lâu mới đạt tới pháp đàm, tôi tạm không nói đến hai câu 1 và 5. Xin lần lượt trả lời những câu còn lại.

2.
Sau khoảng thời gian dài 40 năm, hôm nay ông nhìn nhận gì về việc dư luận thế giới cho rằng: Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhân vật có ảnh hưởng về tư tưởng và tâm linh chỉ sau Đức Lạt Lai Đạt Ma. Với ông có gì khác biệt giữa thầy Nhất Hạnh một người anh văn nghệ, bạn tu hành và Sư Ông Làng Mai, một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng của thế giới đương đại.

Vâng, đúng như anh nói “Dư luận thế giới cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là nhân vật có tầm ảnh hưởng về tư tưởng và tâm linh chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.” Nhưng đó là thống kê với tinh thần top-ten xuất phát từ cả một nền văn hóa độc thần chịu hết xiết. À, xin lỗi nghe, “thầy Nhất Hạnh một người anh văn nghệ” hồi nào? Còn “Một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng của thế giới đương đại” thì đúng thôi, nhưng quá rõ ràng là cái thế giới đương đại đó là thế giới của bọn “sùng bái tiếng chó tru mèo mửa” (tác giả viết trên blog) cỡ Mai Cồ dơ dáy của Mỹ và mới đây Bi-Rên gớm ghiếc của Hàn mà tờ báo lớn nhất nước là Tuổi Trẻ đã kêu than không biết bao giờ Việt Nam mới có!!! Nhất là, nhất là, chẳng hạn bọn thơ ca Tân Hình Thức nhảm nhí trong và ngoài nước, nhảm nhí còn hơn bọn bám cứng truyền thống bằng cách chỉ ôm lựu đạn thúc thủ trong một hốc kẹt nào đó.

Còn “Giải Oan”? Ủa, từ Làng Mai - Pháp, qua Mỹ gần hơn mà! Hãy giải oan cho cả một dân tộc quá dư thừa vật chất nhưng hoàn toàn thiếu sót tâm linh. Nhé, Sư Ông! Rồi còn thừa đô la cứ đổ về Việt Nam, giải oan cho bao nhiêu người… Cứ xem đô la là tiềm năng của đất nước, chứ không phải cho bất cứ ai nửa sống nửa chết từ thuở mấy ông kẹ cứ nằng nặc đòi làm “bạn dân” cho đến “đầy tớ nhân dân.”

3.
Ý kiến cá nhân ông về Pháp Môn Thiền của thiền sư Nhất Hạnh? Ông có tin rằng một khi Pháp môn ấy được phép phổ biến rộng ở trong nước sẽ làm thay đổi tương lai của Phật Giáo Việt Nam không?

Không, tôi gần như không phân biệt Tịnh Độ, Thiền Tông và Mật Giáo gì cả. Tôi không thấy có gì khác nhau, chẳng hạn, giữa “tình yêu” và “tình dục,” “trong sáng” và “trong háng,” “ngoại tình” và “nội tình”… làm sao! Nhưng tôi biết chỉ có đứa ngu mới đòi bỏ hai thời công phu, làm cách mạng vụn vặt và xuẩn ngốc khi đổi từ “Phật” thành “Bụt” dù tôi vẫn không phân biệt nổi “Đạo Phật đi vào cuộc đời” khác với “Đạo Phật đi vào cặp đùi,” ví dụ, khác ở chỗ nào.

Ừ đúng. Nhưng đâu cần “pháp môn ấy được phổ biến sâu rộng trong nước sẽ làm thay đổi tương lai của Phật Giáo Việt Nam”! Hiện tất cả chủa chiền ở Việt Nam ít ra đều theo… độc thần giáo mà! Hỏi nhỏ với các thầy trụ trì thì rõ. Cao Điểm Thời Mạt Pháp! Thà cứ làm ra mặt như những anh em người Chăm ở Ninh Thuận và theo đạo Tin Lành thật… đông vui. Không sao đâu, cả hành tinh đều vậy, “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn” mà! Wait and see!

4.
Thông tin gần đây cho biết Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam lần thứ hai với Phật sự làm Đại Đàn Tràng Chẩn Tế Giải Oan ở tầm vóc quốc gia cho các nạn nhân chiến tranh. Chính kiến của ông về việc này ra sao?

Ồ Chẩn tế! Tốt lắm chứ, dẫu sặc mùi biểu dương lực lượng mà Phương Đông nói chung và Phật Giáo nói riêng đã né từ trong ruột. Thế gian pháp đó. Đang đói gần chết thấy nửa củ khoai sùng, đớp liền, thoát nạn, từ từ tính sau. Có lựu đạn vớ vẩn chứ không có bom tấn uy nghi đâu mà sợ. Còn giải oan? Tốt lắm. Nhưng trước hết không phải giải oan cho Việt Nam mà phải giải oan cho Mỹ và Va Ti Can, hai tác nhân lớn nhất đầy đọa trái đất này dưới chiêu bài gì gì đó, mệt quá, vì ai cũng biết. Ông Nietzsche ơi, Cơ Đốc Giáo không phải nguy hại riêng cho thời đại ông đã sống mà cho mọi thời đại, vì nó là độc thần, là “duy ngã độc tôn” nằm sâu trong xương cốt của cả nhân loại bao gồm cả người Việt Nam và Phật tử Việt Nam! Đã tới lúc phải nói thẳng, nói thật, rằng hai hòn đá bọc nhung cạ nhau mãi chỉ tổ làm rách nhau chứ làm sao ra lửa được.

5.
Dư luận văn nghệ đồn rằng trong chuyến về Việt Nam lần trước Thiền sư Thích Nhất Hạnh có ghé thăm ông và Phương Bối Am, có đặt vấn đề với vợ ông chuyện trở về sở hữu lại Phương Bối Am – Nơi ngày xưa Thiền sư an trú. Lời đồn đó có đúng không và quyết định của cá nhân ông ra sao?

(Không có câu trả lời.)

6.
Bây giờ những người hâm mộ ông và dư luận báo chí đều gọi ông bằng biệt danh Sơn Núi. Con đường của một thi sĩ thường có khuynh hướng nhập với xa lộ của các đạo sư. Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu thưa ông?

Tôi thích hỗn danh Sơn Núi mà kẻ tức khí đặt ra ngầm ý bảo đó là đồ… vô chính phủ, đồ… dơ dáy. Chứ hoàn toàn không phải tôi tự đặt như Nguyễn Đạt nào đó ẩn ức đã viết trên mạng một tờ báo hải ngoại dù biết rất rõ khoản đó.

Ừ đúng, “Con đường của một thi sĩ thường có khuynh hướng nhập với xa lộ của các đạo sư,” nhưng đó là những thi sĩ què đầy rẫy trong và ngoài nước. May mà trước đó quá lâu tôi đã từng biết:

Khi thơ ca
Đang ngáp
Thì đạo pháp
Không nên tiếp sức
Mọi ẩn ức
Đồ bỏ
Với chuông mõ
Các thứ

Mà có tờ báo nào trong ngoài chịu đăng đâu, dù tôi biết họ đang bế tắc quá nặng nề, thi sĩ lẫn tăng sĩ.

“Thưa thi sĩ Sơn Núi, bây giờ ông đang ở đâu, đi đâu, đến đâu thưa ông?”

Trịnh trọng quá nhưng được quá. Tôi đang ở đây, không phải Nga, Tàu, Mỹ, Pháp gì cả. Vui vẻ. Trong chảo lửa. Nhưng chưa ca… bài ca con cá nó sống vì nước. Tuy vậy, thỉnh thoảng… điên đầu nghe đài RFA hay BBC gì gì đó của ông giới thiệu cái bản gì gì đó “Đường tới vinh quang” với câu mở: “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi… để ta khắc tên mình lên đó” của cái thằng xuẩn trí nào đó. Nhưng không sao, trước 75, tôi đã có một bài ngắn trong thi phẩm Tịnh Khẩu:

Tôi định có một ngày nào thật thảnh thơi
Leo lên trời
Ỉa

Mà lúc đó chưa có sợi nano, để NASA có thể làm thang vũ trụ, cho… khế cơ khế lý, đông tây kim cổ hòa điệu như global village. Và biết đâu sau này sẽ có vị dễ dàng đem xuống cuốn Tân Tân Ước thế cho Tân Ước… lão hóa! Như cái nền áo phông chính hiệu của một em mang từ Mỹ về đang đi đứng rất chảnh trong sân chùa. Vâng, “Relax XXX. Just believe me!” Vâng, còn chỗ nào mà Freud, Jung… và đủ kích cỡ giáo chủ không đáp ứng được thì đã có… súng! Tôi có súng nhiều nhất. Tin tôi đi. Bắt buộc phải tin. Không tin tôi bắn. Hơn hẳn mọi quốc gia, nhiều chính khách Mỹ nói thẳng thừng Mỹ không có bạn thâm niên mà chỉ có bạn chiến lược. Cho thật sự trọn vẹn, Mỹ hãy đẩy mạnh tư tưởng thực dụng đáng nể của mình bằng cách in lên áo phông bán nửa tiền hay cho không với hàng chữ ngắn gọn, HÃY TIN TAO ĐI, NẾU KHÔNG TAO BẮN.

(Trần Tiến Dũng ơi, “TAO” là Thượng Đế, là Mỹ Quốc, là Cái Ngã đều đúng. Tôi quá mệt, viết lếu láo, nhưng đừng thêm thắt, sửa đổi chút gì. Bằng không, nhất định đừng đăng. Rất cám ơn.)

Bảo Lộc, 20/03/2007


Ghi thêm:
Tựa Giải oan là của tôi chứ không phải của tác giả cuộc phỏng vấn
Tôi muốn biết thêm về Nguyễn Đức Sơn, nhưng tìm bằng Google không có kết quả. Nếu ai có link gì cho xin nhé.
đmp

Sunday, 8 April 2007

Đa diện hay phiến diện?

Nhiều người cầm bút bị ám ảnh, sợ người khác cho là mình phiến diện. Hình như không có ý kiến thì thôi, hễ có ý kiến thế nào cũng bị cho là phiến diện. Bạn sẽ đọc được nhiều bài viết như thế này:

Đầu bài: khen trước.
"Trước hết và trên hết, từ gần ba mươi năm nay, báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ đóng một vai trò hết sức quan trọng và tích cực cho đời sống nhân văn, kinh tế và xã hội của cộng đồng người Việt, đồng thời… "

Thân bài: chê sau.
"Báo chí Việt ở Hoa Kỳ, cho đến giờ này, vẫn chưa đạt đến một trình độ chuyên môn xứng đáng với không gian tự do ngôn luận của nó; trái lại, phần lớn vẫn còn biểu hiện của sự bất lực, thiếu trình độ chuyên môn, nhiều khi biểu lộ tinh thần ích kỷ, vô trách nhiệm…"

Kết luận: tràn đầy hy vọng.
"Đến lúc đó, và hy vọng rằng khi ấy, báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ, như là một tập thể đa dạng, nhưng có tổ chức, có khả năng điều chỉnh chính mình, sẽ xứng đáng hơn với lý tưởng và chức năng của truyền thông."(*)

(*) Nguyễn Hữu Liêm, "Một trăn trở về báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ". talawas, 2007. [Tôi chỉ mượn bài này, một cách tình cờ, để làm thí dụ cho một bố cục rất thông dụng của các bài phê bình trên báo và trên mạng, trong và ngoài nước. Tôi hoàn toàn không có hiểu biết hay ý kiến gì về nội dung của bài trên]


Phải nói tốt trước, nói không tốt sau, và kết luận trong tinh thần xây dựng, để không ai trách mình phiến diện. Kiểu viết này thông dụng đến nổi tốt hơn bạn nên bỏ qua đoạn đầu và đoạn cuối của bài, nếu muốn biết tác giả muốn nói gì.

Tròn trĩnh chu đáo như vậy có cần thiết không?

1
Có một cái cây, trồng ở giữa đường làng, ai đi qua đi lại cũng nhìn thấy. Chẳng ai cần bạn tả nó từ đủ mọi hướng và đầy thiện ý. Nếu tả, hãy chỉ cho tôi thấy cái cây từ một góc nhìn khác, hay trong một ánh sáng riêng của bạn mà tôi chưa biết. Dĩ nhiên người tả cái cây có thể đúng, có thể sai, nhưng ít nhất đã nói ra được cái mình muốn nói một cách trực tiếp và can đảm. Sự rào đón: "Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực và tầm quan trọng nhất định của cái cây…" làm cho người viết khó bị tấn công, nhưng không phải như vậy là xem thường người đọc sao vì ông ta bắt họ đọc những đoạn hoàn toàn thừa và sáo?

2
Kinh nghiệm của tôi là những nhà phê bình nhiều thành kiến thì thích dùng cái bố cục rào đón này. Nó tạo cảm giác rằng bài đa diện, an toàn, khiến cho người đọc dễ mờ mắt không nhìn thấy sự phiến diện thực sự của tác giả ngay khi ông ta đi vòng vòng chung quanh cái cây để tả nó từ mọi phía. Thiếu hiểu biết hoặc thành kiến thì có đi bao nhiêu vòng vẫn không thấy gì.

3
Nếu người đọc chấp nhận những bài viết "phiến diện" vì người viết không nhìn cái cây từ mọi hướng, mà chỉ nhìn từ nơi người ấy chọn, thì tốt cho cái cây hơn, vì người ta không đốn nó đi để làm bột giấy in những bài viết lê thê mở đầu bằng: "Không thể phủ nhận những đóng góp blah blah blah…"

Tuesday, 3 April 2007

Tiếng kiều đồng vọng

Tựa sách mượn từ một câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Dường như trên nóc bên thềm

Tiếng kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng


Đoàn Minh Phượng
Tiếng kiều đồng vọng

Tiểu thuyết


Chương 1 - 6/24

(Thật ra tác giả vẫn mong người đọc đọc cả cuốn chứ chỉ đọc vài chương làm gì. Sẽ đóng cửa link này trong vài ngày nữa)

Nghệ thuật luôn luôn là thử nghiệm

Nghệ thuật luôn luôn là thử nghiệm. Người thợ mộc đóng được cái bàn đầu tiên, cái bàn là một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng rồi những cái bàn lập lại nhau, hình ảnh cái bàn trong đầu chúng ta trở thành cố định, không chuyển hóa nữa. Cái bàn ngưng, thôi không còn là một tác phẩm nghệ thuật. Xưa tôi xem tranh thủy mặc Trung quốc, tôi nghĩ đó là nghệ thuật. Sau tôi không nghĩ như vậy nữa, vì lý tưởng về cái đẹp trong tranh thủy mặc không thay đổi, vẽ tranh cũng theo những kỹ thuật nghiêm ngặt như đóng một cái bàn và ít chứa khoảng trống cho sự chuyển hóa.

Nghệ thuật luôn luôn là thử nghiệm. Làm ra một tác phẩm nghệ thuật luôn luôn là đi tìm một cái gì đó chưa được nói, cái mới có thể ở hình thức, có thể ở nội dung, có thể ở cả hai. Van Gogh vẽ bao nhiêu lần hoa hướng dương và không có cái nào tươi đẹp bằng cái hoa thật. Lý tưởng về cái đẹp của van Gogh đã vượt qua cái đẹp của hoa hướng dương, ông muốn vẽ sự thôi thúc nào đó bên trong mà ông chưa biết, phải vẽ ra để nhìn thấy nó.

Thử nghiệm luôn luôn đi kèm với ít nhiều liều lĩnh và bất an. Trong lúc làm và sau đó. Trong lúc làm anh bất an vì anh chưa có khuôn thước để đặt tác phẩm của mình cạnh đó xem mình hoàn chỉnh được mấy phần (người vẽ hoa lan ngày xưa có thể so cái hoa lan trên giấy và cái hoa lan thật, sự hoàn hảo nằm trong tầm tay). Sự bất an còn đó khi tác phẩm thử nghiệm đã hoàn thành. Tôi hiểu nó chưa, sự thôi thúc ở trong tôi? Đặt nó vào khung rồi, nó ra sao? Người xem, nghe, đọc, sẽ nhìn thấy gì, có cảm xúc nào?

Hiếm khi đám đông mở lòng cho cái mới. Khuynh hướng mạnh nhất luôn luôn là khuynh hướng bảo tồn và giữ gìn biên giới. Những người đương thời của van Gogh không ngó tới tranh ông. Chúng ta chỉ ngưỡng mộ ông sau khi biên giới của cái đẹp đã được những người đi trước chúng ta nới rộng ra rồi để bao gồm van Gogh vào trong. Khi ngưỡng mộ ông, chúng ta vẫn nằm trong khu vực bên trong biên giới an toàn của sự thưởng lãm.

Để đọc được sách, xem được tranh, nghe được nhạc, chúng ta đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức để hiểu cái đẹp và phương tiện chuyển tải cái đẹp. Chúng ta học ý nghĩa của những biểu tượng, làm quen với chúng, quen đến nỗi những thứ mới đầu hiểu bằng đầu sau quen chúng ta tưởng là hiểu bằng máu, bằng trực giác. Nhà văn bắt đầu câu bằng: "Mây xám giăng…" Chúng ta đã quen với từ ngữ và quen không những với hình ảnh mà cả với tình cảm mà nó gợi lên đến nỗi chúng ta nhìn thấy, cảm thấy được bầu trời buồn thật nhanh, giống như bởi một thứ trực giác. Tất cả các phương pháp học đều là vậy: dùng cái này để chỉ cái kia, thu gom cả một bầu trời vào trên dưới mười mẫu tự. Ai đã đi học chữ, đã xem văn, đều có được sự tưởng tượng giống như trực giác để chuyển biến mười mẫu tự thành một bầu trời trong mắt mình.

Dù muốn dù không, chúng ta nhìn thấy cái đẹp nhờ có một hệ thống các khuôn mẫu đã ăn sâu vào máu. Bầu trời xám, cánh hoa rơi, giòng nước chảy, mặt trời rực rỡ, gió hiu hiu, tất cả những thứ đó nói về tâm trạng con người nhiều hơn là về thiên nhiên. Những khuôn mẫu này giúp chúng ta hiểu được người khác. Không có chúng thì không có sự giải bày và tiếp nhận, nghĩa là không có nghệ thuật. Mặt trái của chúng là sự an tâm chúng tạo ra dễ biến chúng ta thành những người bảo thủ. Tôi đã học xong 24 chữ cái rồi, đừng ai thêm vào đó nữa. Cái mới, cái chưa biết, sẽ làm tôi thấy bất an, từ một người nắm rõ một ngôn ngữ tôi biến thành một người hoang mang vì chưa hiểu hết thứ mình thấy. Một sự bảo thủ tuyệt đối sẽ làm sông ngưng chảy và nghệ thuật đứng lại. Cái cây nghìn năm vẫn vậy thì vẫn là cái cây, nhưng giòng sông ngưng chảy thì không còn là giòng sông, bởi vì thuộc tính duy nhất của nó là chảy.

Không phải chỉ có người làm, mà người đọc, xem, nghe, nhìn, cũng phải mở lòng ra với ở vùng biên giới.

Nếu có ai hỏi tôi là người tiến bộ hay người bảo thủ, tôi nghĩ tôi là người thứ hai nhiều hơn người thứ nhất, vì tôi rất trân trọng cái cũ, yêu quí vô biên những thứ con người đã làm ra, viết ra, vẽ ra, để cho vang lên… những thứ thuộc về di sản nhân loại, đến nỗi tôi nghĩ đi tiếp con đường của họ là lý do để chúng ta tiếp tục sống, không có họ, ý nghĩa của sự có mặt của con người trên trái đất sẽ bị lung lay kinh khủng. Tôi mơ ước người làm nghệ thuật và người thưởng ngoạn mở lòng mình ra để biên giới nghệ thuật luôn luôn được nới ra thêm, chứ tôi không phải là người có quan niêm đập phá để tạo nên cái mới.

Tôi là một người bảo thủ, với quan niệm rằng nghệ thuật luôn luôn là thử nghiệm. Mỗi tác phẩm.