Friday 21 November 2008

Một đoạn phim rất ngắn, không âm thanh

Chúng tôi đang ngồi trong quán, chung quanh một chiếc bàn nhìn ra đường.

Có một đứa bé bán vé số, một cậu bé trai chỉ độ 3 hay 4 tuổi, đang chơi một mình bên ngoài. Cái cửa kính lớn giữa chúng tôi với cậu cũng ngăn các tiếng động bên ngoài không lọt vào chỗ chúng tôi. Chúng tôi nhìn ngắm cậu như trong một đoạn phim câm.

Cậu bé một tay cầm xấp vé số, nhưng quên bén mình còn phải đi bán nó. Một tay cậu đánh đu ở cái cột điện, say sưa với trò chơi của một đứa bé con. Mặt cậu bé thông minh, xinh xắn và không có chút buồn tủi nào, nhưng thân thể cậu thì gầy ốm, bé choắt.

Chúng tôi nhìn cậu, không nói gì. Nhưng điều lạ lùng xảy ra là chúng tôi bắt đầu quan sát nhau. Chúng tôi chưa bao giờ hỏi nhau chúng tôi nghĩ gì về cách biệt giàu nghèo trong xã hội, về những đứa bé bị ném ra đường không ai bảo vệ. Và giờ đây, chúng tôi lẳng lặng nhìn nhau, để đoán bạn mình đang nghĩ gì, đúng hơn là đang có cảm giác gì khi nhìn thấy cậu bé này. Cậu thực sự còn quá nhỏ, mong manh, và gương mặt cậu quá đẹp (có đứa bé 4 tuổi nào mà không đẹp?)

Cuối cùng có một người đứng dậy vay bạn mấy ngàn để bước ra mua vé số. Vợ anh ấy ngăn lại, cho rằng mua vé số là khuyến khích cho bố mẹ cậu bé bắt cậu ấy đi bán vé số. Vì một lý do nào đó, tôi không biết kết cục ra sao. Bạn tôi có mua giúp cậu bé một tờ vé số hay không thì cũng không quan trọng, vì không ai sẵn sàng cãi nhau vì một cậu bé con bán vé số cả, mà sẽ lẳng lặng chiều lòng nhau, thôi, nếu em nói vậy thì anh không mua vậy. Ba phút sau, sẽ không còn ai nghĩ đến cậu bé nữa.

Chúng ta sống, lơ đễnh với thế giới của mình, với những người cùng chia sẻ thế giới với mình. Khi cặp mắt của một cậu bé buộc chúng ta nhìn thấy cuộc sống của những người khác, trong vài phút, chúng ta thấy bất an. Hình như cách sắp xếp xã hội rất bất công. Hình như chúng ta rất nhẫn tâm bỏ mặc lũ trẻ con với những cha mẹ lợi dụng con em mình. Hình như thành phố rất phũ phàng...

Không phải hình như, mà chắc chắn là vậy.

Nhưng đã từ lâu, chúng ta không biết phải làm gì, nên cũng không có một quan niệm nào nữa. Mua một tờ vé số từ một đứa bé con 4 tuổi, là đúng hay sai?

20 comments:

  1. Em thường không mua vé số (vì đó là cách làm giàu cho cty vé số) mà em sẽ cho tiền (nhưng có một số người lớn bán vé số không nhận tiền, họ nói họ không đi xin!). Có điều em nghĩ phần lớn chúng ta bước qua những số phận đó với lời tự bào chữa "một vài ngàn không đủ để cứu cuộc đời này!", vậy là thôi ;)!
    Thật tình em nghĩ cho tiền hoặc mua vé số cũng chỉ là cách chữa cháy nhất thời. Có những cách khác...

    ReplyDelete
  2. Mình hay mua vé số ...nếu người bán vé số là những ông bà cụ già lọm khọm. Có khi mời họ cùng ngồi ăn sáng và dặn họ hôm sau ghé...ăn sáng. Vì hôm sau họ sẽ có 1 bữa sáng trả tiền sẵn. Còn vé số thì mình mua chỉ để mà mua vì chẳng bao giờ trúng, và không mong trúng bao giờ.:)
    Còn việc đứa bé, giữa mua vé số là 'giúp bố mẹ nó lợi dụng nó' và kg mua vé số, (có thể khiến nó lãnh một trận đòn chiều hôm đó) thì mình -vốn sống cảm tính- sẽ mua vé số.
    Thành phố phũ phàng, còn ta có thể làm gì được, thì cứ làm.:)))

    ReplyDelete
  3. sự bất công tồn tại ngay từ khi chúng ta sinh ra . nhà có nhiều lúc cảm thấy chính cách hành xử của chúng ta là nguyên nhân của sự bất công đó

    ReplyDelete
  4. câu trả lời không nằm ở 2 từ đơn giản là đúng hay sai, cô nhỉ? chỉ là cách chúng ta nhìn cuộc đời với những phận người khác nhau...

    ReplyDelete
  5. Không có đúng, không có sai. Đơn giản làm theo lời trái tim mách bảo. Đi theo đường trái tim dẫn lối.

    ReplyDelete
  6. nếu chúng ta không mua vé số , có chắc đứa bé sẽ bớt bị lợi dụng không ? chắc chắn không . Vì vậy ( với tôi ) nếu không làm gì được chuyện gì lớn thì cũng nên làm một cái gì đó (như mua vé số) để giúp chẳng hạn . Tôi thường mua vé số , chỉ 1 tờ nhưng tôi đưa số tiền thừa (đủ để mua vài tờ) và tôi thường nói chuyện với các em như những người em . Chỉ 1 vài câu thăm hỏi thôi như "eh chàng trai , tên gì đó?" Chắc có bạn nghĩ là bình thường ư ? uh ,nhưng với tôi , tôi nghĩ em sẽ vui lắm và bớt mệt phần nào vì bản thân tôi lúc nhỏ cũng từng đi bán vé số và làm lặt vặt khác. Khi có người hỏi thâm hay chỉ cần nói chuyện thân tình (mà không phải kiểu thương hại) thì tôi vui lắm

    ReplyDelete
  7. “...thế mà trái tim lại thường ngổn ngang trăm mối, khó mà trông cậy được” - Stefano Jacomuzzi.

    ReplyDelete
  8. Mình cũng giống Ếch Ao. Mình lấy môt tờ vé số rồi đưa 10.000, 20.000 d , nói "con khỏi thối nhe". Có lần, hai đứa bé cùng bán vé số, cùng đi chung với nhau, mình mua của hai đứa đều số lượng như nhau rồi lì xì cho hai đứa cũng đều như nhau. Mặt mình vui, mặt hai đứa cũng hớn hở, miệng cười toe toét. Mình nghĩ ít nhất mình đã tặng được cho hai em những giây phút nhẹ nhõm, cho tạm quên đi những buồn tủi của một tuổi thơ nhọc nhằn

    ReplyDelete
  9. Chị à, em cũng đồng ý với cách nghĩ và làm của Ech Ao và Bì Và Tỏi. Mình làm được gì thì cứ làm thôi. Cho dù làm chỉ để chính bản thân mình khỏi áy náy cũng được. Đúng hay sai - chẳng có thời gian suy nghĩ, và cũng chẳng thể trả lời.

    ReplyDelete
  10. Lần nào tới "Tự Do Đồng Khởi" là em có cảm giác rất ấn tượng khi thấy những người buôn gánh bán bưng ở giữa nơi được gọi là sang trọng nhất Sài Gòn. Lâu lâu họ bị lính rượt bèn chạy về hướng Thủ Thiêm hoặc Q4. Bán xôi, cốc ổi, mì gõ, báo ngoại ... em thấy họ bán được. Nhưng bán vé số thì chắc khó vì người giàu thường khinh những trò kiếm tiền may rủi.

    ReplyDelete
  11. Chào chị Phượng Büros .

    ReplyDelete
  12. hoi xua Beo nghe bai hat,ko biet co nho dung loi ko: ai sanh em ra trong cuoc doi, ma ko cho em lam nguoi, tuoi tho em co don lac loai, em nao co toi gi dau.....
    I spent a couple of yrs living in the kitchen and sleeping on the floor.It's sad when we think no one love us. it's good that he's young, so he might not think too much.

    ReplyDelete
  13. hinh nhu ten bai hat la dau cham hoi. amazing, have no idea lam sao ma nho duoc ten nua

    ReplyDelete
  14. Tâm tình: Giúp được gì, bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhìn lên, bao nhiêu là trọc phú rạng rỡ, lạnh lùng trong giàu sang phú quí. Nhìn xuống, hàng hàng lớp lớp người tốt bụng lặn hụp kiếm cơm ăn.
    Kinh doanh: Chuyện chơi mà Nhà nước này cũng giành độc quyền. Dưới áp lực của WTO, khi được mở cửa, em sẽ lập ngay cty Tombola. Cty em bán vé số cực rẻ, trúng cực lớn, lấy lời ít, chơi trên mạng (Xổ số quốc doanh lời 50 %) là em sẽ tiêu diệt mấy cty xổ số quốc doanh ngay. Đội ngũ bán vé số của cty em rất lịch sự chứ hong như cty xổ số quốc doanh lợi dụng trẻ con đi ăn mày doanh thu cho họ. hehe!

    ReplyDelete
  15. Riêng tui thì tui ghét người chăn dắt em nhỏ 4t bán vé số. Dù người này có nạy ra 1.000 lý do hoàn cảnh thì vẫn đáng đánh đòn. Tui còn bít có bà má cắt gân chân con gái mình, người cha ép con nhỏ uống rụ tới chết, người ta bắt cóc và rạch thịt con nít để bắt nó đi xin ăn hiệu quả hơn, người mẹ ném đứa con ra khỏi cửa sổ xe buýt đang chạy. Bạo hành có trong 90 % gia đình Việt Nam. Tui mà có quyền, tui sẽ trừng trị những người này.

    ReplyDelete
  16. em nghĩ dù sao bán vé số cũng là một cách để kiếm tiền nếu gia đình các em quá nghèo (nó khác hẳn với đi xin rồi, đi xin mà nếu trẻ quá nhỏ thì chắc chắn là có người chăn dắt). Nên nếu thấy trẻ bé bán vé số, em sẽ mua. Nếu cứ nghi ngờ chả khác nào bỏ mặc các em mà thôi..

    ReplyDelete
  17. Tuần rồi em mua vé số của cậu bé 4t đó. Bi giờ em đã trúng số rồi nè chị ơi.

    ReplyDelete
  18. cac ban nu than ieu, minh la thu ky cua chi Phuong, lien lac voi minh nhe ~@@:>

    ReplyDelete
  19. Mỗi lần dừng đèn đỏ ở ngã tư Prama 9 và Ratchada, luôn có một vài trẻ nhỏ chạy tới taxi lau kiếng. Mặc dù đôi khi mình cũng tự hỏi là liệu chúng có biết đó là hành động khó gặt hái được gì. Xe ko thuộc về khách nên kiếng có sạch, khách cũng không quan tâm -->không cho tiền. Lái xe taxi, có thể là xe thuê, xe hãng, cũng đâu quan tâm xe sạch hay không -->không cho tiền. Nhìn tụi trẻ như vậy,mình mủi lòng, nghĩ tới con trai ở nhà, thấy đời mình may mắn hơn nhiều đời khác. Lần đầu tiên như vậy, mình rút tiền ra, tính cho chúng thì chồng ngăn lại. "Làm vậy là ủng hộ bóc lộc sức lao động trẻ em, là ủng hộ để nhiều đứa nhỏ bị bắt ra đường đi làm như vậy." Sao mà cứng nhắc? Lại dẫn đến một vấn đề khác. Có phải sau khi lấy nhau là phải áp đặt tư tưởng lên nhau. Lần đó, mình không cho, nhưng lần khác, khi thấy bà mẹ và em bé ngồi xin tiền ở Sukhumvit mình đãcho, bỏ mặc càu nhàu của chồng lúc đó. Quay lại ngã tư Prama9, bây giờ, mỗi lần chúng tới lau kiếng, tự nhiên mình rất nhột, fải len lén quay đi, không dám nhìn vì không biết phải làm gì. Mà tại sao mình có thể cho tiền ăn xin ở Sukhumvit nhưng ko cho ở ngã tư Prama 9 mặc dù đôi khi ko có chồng bên cạnh? Mình đã bị chồng "train" trở nên sắt đá sao?

    ReplyDelete