Saturday 6 December 2008

Bâng quơ trưa chủ nhật

Tôi không còn phân biệt giữa người tốt và người xấu, nếu làm vậy tôi phải tự bắt mình phán xét, tôi không muốn như thế. Tôi chỉ có thể phân biệt, trong công việc và trong đời sống riêng, giữa những người đáng nói và không đáng nói.

Một người có đáng nói hay không tùy thuộc vào không gian và thời gian người ấy lấy mất của tôi. Người ấy tự quyết định đổ đầy bao nhiêu sự hiện hữu của mình, aura của mình trong căn phòng nơi tôi ngồi, đó là không gian. Những ý nghĩ về người ấy vương lại trong đầu tôi bao lâu sau buổi hội ngộ, đó là thời gian.

Rồi có những người thực đáng yêu nhưng chỉ tặng cho tôi đôi ba giây phút, họ giống như những cơn gió, khi đi rồi họ để lại một ít ngỡ ngàng và nhiều mong đợi.

Nhưng dù thế nào, đáng nói hay không đáng nói, tỉnh táo hay mông muội, như gió hay như sông, tôi cũng ước mong chúng ta ấm áp hơn hôm nay. Tôi bắt đầu thấy những người bạn Việt của tôi lạnh hơn những người Đức tôi từng chê lạnh. Và lạnh hơn rất nhiều. Điều gì đã xảy ra với chúng ta vậy? Hay là tội ở tôi tất cả, cố gắng giữ sự bình thản của mình đã quá lâu?

Giải lao

Dĩ nhiên ân phải đền, oán phải trả. Nhưng tại sao phải đền trả đúng người nhỉ?

Man muss vergelten, Gutes und Schlimmes: aber warum gerade an der Person, die uns Gutes oder Schlimmes that?
Nietzsche, Jenseits von Gut und Böse



Một câu nữa, cũng từ cuốn trên:

Thỉnh thoảng vì yêu cả loài người bạn ôm lấy một người nào đó (làm sao có thể ôm lấy tất cả mọi người): nhưng chính điều đó bạn không được phép nói cho người ấy biết.....

Man umarmt aus Menschenliebe bisweilen einen Beliebigen (weil man nicht Alle umarmen kann): aber gerade Das darf man dem Beliebigen nicht verrathen.....

Năm dấu chấm ở cuối câu, Nietzsche dành cho những hiểu lầm đi theo điều không nói.

Sunday 30 November 2008

All you need is love

Anh cứ hát mãi cái câu duy nhất của Beatles (duy nhất vì người ta chỉ cần biết câu ấy là đủ, chẳng cần gì thêm): All You Need Is Love. Suốt đời chúng ta đi tìm tình yêu, rồi buồn, không phải là không có gì để yêu, mà vì yêu quá nhiều người, nhiều thứ, nhiều nơi chốn, nhiều khoảnh khắc, nhiều câu chuyện. Yêu nhiều nhưng sao cái cảm giác thiếu nhau vẫn vương vất mãi. Chúng ta mong ước hội ngộ, tưởng tượng được ngồi với nhau một buổi thì sẽ thôi cô độc. Nhưng khi gặp nhau, mọi người nói rất nhiều, và chẳng nói được với nhau gì mấy. Cảm giác khát khao vẫn luôn quanh đây. Khi ra về, điều còn lại là một lỗ trống, một chút băng không chịu tan nơi vách của trái tim. Chúng ta yên lặng khi ngồi trước mặt nhau, và yên lặng khi trở về với căn phòng của riêng mình. Tôi lên mạng, viết một câu nhỏ nhoi gửi đi vào cyberspace: “Hôm nay buồn quá”, rồi cảm thấy nói câu đó không với ai cả dễ hơn nói với người mình yêu nhất. Với những người mình yêu, chỉ có sự yên lặng.

Nỗi cô đơn lâu ngày thành bạn thân, đằm thắm đến nỗi kỷ niệm tôi yêu mến nhất trong một năm nay không phải là những ngày hay đêm vui chơi với các tình yêu, mà là một đêm ngồi chèo queo trên một chuyến xe đò vắng hiu từ miền Trung với một cái iPod bị hết pin (vì iPod luôn luôn bị hết pin khi mình cần nó nhất). Tôi nhìn ra cửa sổ, những vách núi mờ tối, bóng những cây rừng đến gần rồi đi xa, dường như bất động, dường như mênh mang như chưa bao giờ gắn bó với mặt đất, và tôi nghĩ, tất cả những chuyến đi của tôi từ nay về sau sẽ luôn luôn cô đơn, buồn bã và bất định như thế này, và tim tôi chợt buốt lại như chưa bao giờ nó buốt như thế.

Và tôi lại đi tìm tình yêu, bởi vì all you need is love, tôi cần, không biết bao nhiêu thì đủ, trong khi tôi đã trót yêu quá nhiều thứ, đến nỗi tình yêu đã tràn ra khỏi lồng ngực, chảy lan đi mọi phía. Ôi những tình yêu không có hội ngộ, không có lời lẽ nào, không có con nhện nào giăng tơ nhốt những trái tim lại thôi đừng đi xa nữa. Không ai nói với ai: Hãy ở lại đây đêm nay, ít nhất là đêm nay.

Friday 21 November 2008

Một đoạn phim rất ngắn, không âm thanh

Chúng tôi đang ngồi trong quán, chung quanh một chiếc bàn nhìn ra đường.

Có một đứa bé bán vé số, một cậu bé trai chỉ độ 3 hay 4 tuổi, đang chơi một mình bên ngoài. Cái cửa kính lớn giữa chúng tôi với cậu cũng ngăn các tiếng động bên ngoài không lọt vào chỗ chúng tôi. Chúng tôi nhìn ngắm cậu như trong một đoạn phim câm.

Cậu bé một tay cầm xấp vé số, nhưng quên bén mình còn phải đi bán nó. Một tay cậu đánh đu ở cái cột điện, say sưa với trò chơi của một đứa bé con. Mặt cậu bé thông minh, xinh xắn và không có chút buồn tủi nào, nhưng thân thể cậu thì gầy ốm, bé choắt.

Chúng tôi nhìn cậu, không nói gì. Nhưng điều lạ lùng xảy ra là chúng tôi bắt đầu quan sát nhau. Chúng tôi chưa bao giờ hỏi nhau chúng tôi nghĩ gì về cách biệt giàu nghèo trong xã hội, về những đứa bé bị ném ra đường không ai bảo vệ. Và giờ đây, chúng tôi lẳng lặng nhìn nhau, để đoán bạn mình đang nghĩ gì, đúng hơn là đang có cảm giác gì khi nhìn thấy cậu bé này. Cậu thực sự còn quá nhỏ, mong manh, và gương mặt cậu quá đẹp (có đứa bé 4 tuổi nào mà không đẹp?)

Cuối cùng có một người đứng dậy vay bạn mấy ngàn để bước ra mua vé số. Vợ anh ấy ngăn lại, cho rằng mua vé số là khuyến khích cho bố mẹ cậu bé bắt cậu ấy đi bán vé số. Vì một lý do nào đó, tôi không biết kết cục ra sao. Bạn tôi có mua giúp cậu bé một tờ vé số hay không thì cũng không quan trọng, vì không ai sẵn sàng cãi nhau vì một cậu bé con bán vé số cả, mà sẽ lẳng lặng chiều lòng nhau, thôi, nếu em nói vậy thì anh không mua vậy. Ba phút sau, sẽ không còn ai nghĩ đến cậu bé nữa.

Chúng ta sống, lơ đễnh với thế giới của mình, với những người cùng chia sẻ thế giới với mình. Khi cặp mắt của một cậu bé buộc chúng ta nhìn thấy cuộc sống của những người khác, trong vài phút, chúng ta thấy bất an. Hình như cách sắp xếp xã hội rất bất công. Hình như chúng ta rất nhẫn tâm bỏ mặc lũ trẻ con với những cha mẹ lợi dụng con em mình. Hình như thành phố rất phũ phàng...

Không phải hình như, mà chắc chắn là vậy.

Nhưng đã từ lâu, chúng ta không biết phải làm gì, nên cũng không có một quan niệm nào nữa. Mua một tờ vé số từ một đứa bé con 4 tuổi, là đúng hay sai?

Thursday 30 October 2008

Nếu anh không đến

Nếu anh không đến
Em không có gì đo đạc nỗi cô đơn
Không nghe tiếng thở của linh hồn, và niềm thương nhớ
Một buổi chiều không tiếng động
Một buổi chiều êm

Nếu anh không đến
Em, đã bị xóa đi trong sự nhàn rỗi và nỗi thờ ơ,
Ngồi bên cửa cuối gian phòng này
Không biết trời đã bao giờ có mưa, hay là nắng
Ngàn buổi chiều êm

Nếu anh không đến
Em nhẹ như hương và mềm như khói
Thời gian êm ái đã xóa nhòa tất cả những ngày xanh
Ngàn buổi chiều êm tràn dâng thành biển cả
Không còn cõi bờ, không còn anh

Nếu anh không đến
Đêm yên lành duỗi những ngón tay mềm ve vuốt ngực môi em
Bàn tay chìm vào da thịt, chợt mất rồi biên giới
Có ai chăng thổi hư vô vào chân tóc
Đưa em vào chốn này, hạnh phúc của thinh không

Không còn buổi chiều nào
Không còn nơi đâu
Không còn em


đoàn minh phượng

Tuesday 21 October 2008

Kill the messengers

Tôi ngạc nhiên thấy vẫn có nhiều người cho rằng anh Chiến và anh Hải có tội, vì đã đưa tin không chính xác. Lấy tư cách độc giả, họ đòi hỏi những gì đăng lên báo đều phải là 100% sự thật. Có hai thứ vô lý trong đòi hỏi này: thứ nhất, phóng viên có quyền và điều kiện được biết tất cả một cách trong suốt và minh bạch hay không mà đòi hỏi họ phải biết 100% sự thật, không được phép sai, hoặc thừa, hoặc thiếu. Thứ hai, nếu nói rằng nếu chỉ biết được 99% sự thật, chưa phải là 100%, thì chưa được đăng báo, thì không thể có báo chí điều tra, mà chỉ có báo chí luộc tin.

Anh Chiến và anh Hải không có lỗi, ngay trong trường hợp những tin tức các anh đưa lên báo hoặc là thiếu sót hoặc là có chỗ không đúng. Nếu có lỗi, thì là lỗi các anh đã chọn tiếng Việt để viết, là một thứ ngôn ngữ thiếu chặt chẽ, nên đã không bảo vệ được các anh trong tình huống này. Tình huống mà, với tư cách phóng viên điều tra, các anh không có điều kiện để biết tất cả và kết luận của nó, mà chỉ có thể tường thuật những gì các anh được biết.

Tiếng Pháp và tiếng Đức, thí dụ, có hẳn một thì chia động từ để dùng cho thể loại tường thuật. Tiếng Anh thì có trạng từ allegedly, nghĩa là được cho rằng. Một bị cáo ra trước tòa vẫn còn là một người vô tội cho đến khi tội trạng được chứng minh. Khi tường thuật về tội, tức là lý do bị cáo bị bắt, báo chí chỉ được phép dùng câu đi kèm với chữ allegedly, nghĩa là bị cáo bị gán tội đó, chứ không được phép nói bị cáo đã phạm tội đó. Còn trong tiếng Đức, tường thuật một vụ việc mình được nghe kể lại chứ không trực tiếp là người trong cuộc, mà dùng thì xác định, thì đã là sai văn phạm. Tôi có thể nói hôm qua Sài Gòn trời có mưa, vì hôm qua tôi có mặt ở đây, đã nhìn thấy nước rơi xuống từ trời. Nhưng khi nói hôm qua ở An Giang trời có mưa, thì tôi sẽ dùng một thì khác để chia động từ, qua đó người đọc hiểu rằng tôi đã không có mặt ở An Giang lúc trời mưa. Tuy nhiên, tôi vẫn có quyền tường thuật về cơn mưa đó, vì tôi có thông tin về nó, mà người đọc không có. Cách chia động từ nói rõ vị trí của tôi, và qua đó bảo vệ tôi.

Để ngôn ngữ có thể bảo vệ cho báo chí, báo chí cũng cần giữ vị trí trung dung của mình và không lạm dụng ngôn ngữ như một thứ vũ khí trong tay để đưa ra những phán xét. Báo chí Việt Nam vẫn thường dùng chữ “tên này, ả kia” khi nhắc tên các bị can, chưa kể tới các tĩnh từ đáng lẽ hoàn toàn không có chỗ đứng trong một bài đưa tin, ví dụ như “tên X gian manh, ả Y lăng loàn” vân vân.

Báo chí chỉ tường thuật. Kết luận cuối cùng, luôn luôn nằm ở người đọc. Và họ đủ trưởng thành để làm chuyện đó. Đạo đức của báo chí, là tin ở sự trưởng thành này. Như vậy báo chí có quyền đưa ra những câu hỏi, và nghi vấn, ngay cả giả thuyết, chứ không phải chỉ có những điều hiển nhiên.

Wednesday 8 October 2008

Nhớ rạp xi nê

Hôm nay thèm được vào một rạp tử tế (nghĩa là phải có thảm đỏ, kem que, ngô bỏng, xá xị) xem một phim tử tế thía.

Hoặc phim ít ít tử tế cũng được. Miễn là có sấm chớp hoặc bom nguyên tử ầm ầm kinh người, giật mình té ghế, bầu trời thì rộng mênh, ngút ngút mắt, diễn viên thì đẹp ôi thôi rồi rụng em rời, yêu chồng yêu chéo yêu điên yêu rồ.

Lâu nay dọn về một căn hộ nhỏ giữa chỗ đông người, tập chơi lại nhạc Bach và tập làm sổ chi tiêu. Nhớ Tây Tạng (nơi chưa từng đến), nhớ Hà Nội (nơi đi hoài mà không biết đi đâu, làm gì, gặp ai).

Và hôm nay thì nhớ cái rạp xi nê ở một thành phố nhỏ không tên nào đó giữa mùa đông, trời chiều tối thui, nhớ cái cảm giác mộng mơ lúc đứng sắp hàng mua vé, mua được rồi thì chạy ào qua chỗ bán bắp rang (ngô bỏng).

Và muốn nghe bầu trời nổ tan tành, các tình yêu bay tung tóe.



Sunday 5 October 2008

Trời im vắng

Dạo này đi đâu cũng hay nghe mọi người đem đám nghệ sĩ – họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, đạo diễn vân vân - ra chê. Chê mãi vẫn không thấy nghệ thuật khá lên, người chê phát cáu. Điều này cũng tốt, vì mèo đã biết chê mèo ngắn đuôi. Điều người ta dễ quên, là nghệ sĩ đối với cộng đồng, cũng chỉ là cái đuôi mèo đối với con mèo. Con mèo đẹp sẽ có cái đuôi đẹp. Nhìn đuôi có thể đoán được mèo.

Thật không? Cũng có khi con mèo đẹp hơn cái đuôi của nó. Đuôi mèo không đẹp, nhưng mèo đẹp thì sao?

Chuyện này rất có thể xảy ra. Trẻ con học đọc trước học viết sau. Trình độ thưởng ngoạn dễ dàng đi trước trình độ sáng tạo(*). Thế giới rộng, người dịch sách kiếm tiền, dù không nhiều, vẫn nhiều hơn người viết sách. Tranh ảnh, nhạc, phim, văn của thế giới, đã được chọn lọc và phê bình, khả năng gây thất vọng ít hơn. Người đọc sống trong thế giới bận rộn, nếu phải thất vọng vì một cuốn sách dở sẽ cảm thấy tiếc thời gian mình đã dành để đọc nó, nên tốt nhất là xem tranh, đọc truyện, nghe nhạc, xem phim nước ngoài, ít liều lĩnh. Lựa chọn này hoàn toàn hợp lý. Nghệ thuật trong nước ế, không đem lại tiền cho người làm ra nó. Nhiều người không muốn hoặc không thể dành thì giờ cho tác phẩm. Lựa chọn này cũng hoàn toàn hợp lý.

Nhưng một lúc nào đó một người chợt giật mình. Dân mình đông thế, mà sao nghệ thuật chẳng ra làm sao. Chẳng ra làm sao thì cũng không sao, vì đã có nghệ thuật nước ngoài làm món ăn tinh thần, không ai phải đói khát cả. Nhưng…

Những điều chúng tôi nghĩ, cảm nhận, mơ ước… dấu vết của thời đại chúng tôi, nỗi cô đơn của tôi, tim tôi khi điên rồ hoặc khi tuyệt vọng nó loạn nhịp ra làm sao, sao không ai ghi lại thành lời? Đám nghệ sĩ đâu rồi? Kém quá, kém quá, không bằng Trương Nghệ Mưu.

Thường thì con mèo không để ý tới cái đuôi của mình (nó ngắm đuôi của những con mèo khác). Có một hôm, hoặc một giờ, nó thấy không được hiểu, không có lời, bầu trời của nó im ngăn ngắt, ngay cả khi mưa gió cũng không có tiếng động… nó mới hoảng hốt, dù chỉ trong một giờ.


Lại thêm một bài tản mạn quanh quẩn chẳng biết tính làm sao, không có câu trả lời nào.




(*) Cũng có trường hợp nghệ sĩ đi trước, và vì thế không được hiểu, cô đơn, không được xuất bản. Nhưng trong trường hợp này thì tác phẩm của anh ta đã không trở thành cái đuôi mèo, vì anh ta sáng tác để để nhét dưới gậm giường, xó bếp. Điều kiện đầu tiên cho một tác phẩm nếu muốn được xuất bản - còn quan trọng hơn việc nó cần phải hay - là nó không được vượt quá trình độ thưởng ngoạn của một con số nhất định độc giả, nghĩa là ít ra cũng phải có 1000 người hiểu được (sách hoặc CD thường thấy ghi phía sau là in 1000 bản)

Friday 3 October 2008

Tuần lễ phim Việt Nam 10-16 tháng 10, 2008

CHƯƠNG TRÌNH


MegaStar Vin Com – Hà Nội



Thứ sáu 10.10.08

Vũ Ngọc Đãng
Những cô gái chân dài 11:00 15:45 20:30

Nguyễn Thanh Vân
Đời cát 13:30 18:15


Thứ bảy 11.10.08

Trực Nguyễn
Dòng máu anh hùng 13:15 18:15

Lưu Huỳnh
Áo lụa Hà Đông 10:15 15:30 20:30


Chủ nhật 12.10.08

Nguyễn Quang Dũng
Nụ hôn thần chết 12:15 16:45 21:15

Bùi Thạc Chuyên
Sống trong sợ hãi 10:00 14:30 19:00


Thứ hai 13.10.08

Trực Nguyễn
Dòng máu anh hùng 12:15 16:45 21:15

Lê Bảo Trung
Đẻ mướn 10:00 14:30 19:00


Thứ ba 14.10.08

Nguyễn Quang Dũng
Hồn Trương Ba da hàng thịt 13:00 18:00

Othello Khanh
Sài Gòn nhật thực 10:45 15:45 20:45


Thứ tư 15.10.08


Vũ Ngọc Đãng
Những cô gái chân dài 10:00 14:30 19:00

Đoàn Minh Phượng / Đoàn Thành Nghĩa
Hạt mưa rơi bao lâu 12:00 16:30 21:00


Thứ năm 16.10.08

Nguyễn Quang Dũng
Nụ hôn thần chết 10:15 14:45 19:00

Đào Duy Phúc
Hoài vũ trắng 12:30 17:00 21:15




MegaStar Parkson Hùng Vương – TP. HCM


Thứ sáu 10.10.08

Nguyễn Quang Dũng
Nụ hôn thần chết 10:45 15:00 19:45

Bùi Thạc Chuyên
Sống trong sợ hãi 13:00 17:15


Thứ bảy 11.10.08

Vũ Ngọc Đãng
Những cô gái chân dài 13:00 17:00 21:00

Lưu Huỳnh
Áo lụa Hà Đông 11:00 15:00 19:00


Chủ nhật 12.10.08

Vũ Ngọc Đãng
Những cô gái chân dài 11:00 15:45 20:30

Đoàn Minh Phượng / Đoàn Thành Nghĩa
Hạt mưa rơi bao lâu 13:15 18:00


Thứ hai 13.10.08

Trực Nguyễn
Dòng máu anh hùng 11:00 15:45 20:30

Lê Bảo Trung
Đẻ mướn 13:15 18:00


Thứ ba 14.10.08

Nguyễn Quang Dũng
Hồn Trương Ba da hàng thịt 10:45 15:45 20:30

Othello Khanh
Sài Gòn nhật thực 13:45 18:30


Thứ tư 15.10.08

Phạm Nhuệ Giang
Thung lũng hoang vắng 13:15 18:00

Nguyễn Quang Dũng
Nụ hôn thần chết 11:00 15:45 20:


Thứ năm 16.10.08


Đào Duy Phúc
Sinh mệnh 12:15 17:15

Trực Nguyễn
Dòng máu anh hùng 10:00 15:00 19:45


Saturday 13 September 2008

Tản mạn. Tan tác.

Viết để làm gì?

Vì tôi có một một câu chuyện muốn kể. Có khi không hẳn là một câu chuyện, mà là một thứ gì khác. Thứ gì khác đó có thể đã được đặt tên (như stream of conciousness, hoặc văn trường phái ấn tượng chẳng hạn), hoặc chưa. Nhưng thôi ở đây cứ tạm dùng chữ câu chuyện để nói về cái mà chúng ta muốn kể cho người đọc bằng văn xuôi, dù điều ta kể có thể không phải là một câu chuyện.

Trong một bài tôi đã viết rằng viết là cân bằng giữa cảm hứngcấu trúc. Sao tôi lại quên chữ góp nhặt? Sống luôn luôn, một phần nào đó, đồng nghĩa với quên lãng. Mỗi ngày một số tế bào não chết đi. Ký ức được chuyển qua những tế bào mới, nhưng một phần ký ức sẽ mờ nhạt, rồi một lúc nào đó không còn nữa. Đã mất đi lặng lẽ (có sự mất mát nào của trí nhớ mà không lặng lẽ?). Sống luôn luôn, một phần nào đó, có nghĩa là tản mát. Những ấn tượng, cảm xúc và ý nghĩ không bao giờ tồn tại trên một mảnh đất bằng phẳng. Chúng luôn luôn lặng lờ ở một nơi nào đó lưng chừng trời, như hơi nước, như mây. Chúng bình yên trong một ngày không gió, mang những hình thù nào đó, chiếm những khoảng không gian nào đó. Rồi gió lên, chúng thành những sợi mây mỏng bay đi, lẫn vào nhau, thành những đám mây khác, tan tác, hay rớt xuống thành mưa và không còn đó nữa.

Viết là góp nhặt những đám mây trước khi chúng mất đi: ấn tượng, cảm xúc và ý nghĩ.

Viết để không tan. Viết để chống lại sự mất mát.

Và trong lúc cố nhớ lại mình, hình như tôi có đẩy những bức tường trong căn nhà tôi đang sống lùi ra xa một chút. Những căn phòng sẽ rộng hơn, nhưng có lẽ cũng nhiều góc tối hơn và làm tôi bất an hơn. Cố nhớ lại mình luôn luôn làm tôi thấy chênh vênh và cô đơn.

Người khác sẽ có những lý do khác. Còn tôi, mỗi lần tôi muốn gắn vào việc viết một mục đích gì đó tạm gọi là lý tưởng, thì hầu như tôi sẽ viết không được hoặc viết không ra gì.

Tại sao trong đoạn vừa mới viết ở trên, tôi so sánh trí nhớ của tôi như những đám mây. Tại sao tôi quá nhẹ? Thôi rồi, the unbearable lightness of….

Hôm nay ao ước làm sao, đói khát làm sao sức hút của mặt đất. Nơi tôi đang đứng. Nhớ kinh khủng một điều không biết.

Sunday 24 August 2008

Những mảnh vụn

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về tôi. Tôi sẽ bắt đầu từ hôm nay, phác họa cho bạn một chân dung không sâu sắc lắm, nhưng có đủ những nét chính cho bạn nhận ra tôi. Rồi tôi sẽ trở về tuổi thơ tôi hoặc xa hơn nữa, kể về ông bà tôi đã bỏ quê về thành như thế nào, cha tôi đi học ở đâu, những chi tiết tôi tin là sẽ tạo nên được một lịch sử. Người ta nói về mình, hay về một nhân vật trong một cuốn sách, như thể con người là một đơn vị trọn vẹn có bắt đầu và chấm dứt, trong và ngoài, có bản thể, lịch sử, tương lai.

Thật ra con người là những mảnh vụn. Tuổi thơ của anh ta là những mảnh vụn. Hiểu biết của anh ta là những mảnh vụn. Tình yêu của anh ta là những mảnh vụn. Giấc mơ của anh ta là những mảnh vụn. Nỗi buồn của anh ta là những mảnh vụn. Anh ta viết nhật ký, ghi danh đại học, xưng tội ở nhà thờ, lấy vợ, vào đảng, bỏ nhà ra đi, vẽ hoa hướng dương, ngồi thiền… để gom góp những mảnh vụn lại. Để có cái tôi trọn vẹn. Để buổi sáng thức dậy tôi biết mình là ai.

Ngày mới đi học, cô giáo đưa cho bạn một trang giấy với những dấu chấm có đánh số. Bé con, hãy nối những dấu chấm ấy lại, từ số 1 đến số 20, bé sẽ có một hình người. Ba mươi năm sau: trên một tờ giấy trắng, hãy chấm những dấu chấm: Mỗi kinh nghiệm, trí nhớ, cảm xúc của bạn là một dấu chấm có đánh số, cộng thêm những dấu chấm không phải của bạn nhưng không thể không kể đến chúng: tôn giáo, di sản, văn hóa, trường học, trách nhiệm, triết thuyết, chương trình truyền hình; và cuối cùng là những dấu chấm nằm ở vùng biên giới giữa kinh nghiệm và mộng mị: những mơ màng, nghi ngờ, kinh hãi, phản bội. Nối tất cả những dấu chấm ấy lại, bạn thấy gì? Có phải là một hình người, hình người của bạn không? Bao nhiêu dấu chấm bạn sẽ xóa đi, bao nhiêu dấu phải đổi chỗ, bao nhiêu dấu được vẽ thêm vào, để cho khi nối chúng lại, bạn có được đường viền của một hình người? Hay sâu hơn, the anatomy of a mind?

Truth is not the sum of realities.

Bạn luôn luôn muốn có một trung tâm, muốn được trọn vẹn, muốn có sự liên tục, trong một thế giới bạn có thể dựa vào được. Đồng thời bạn cũng biết hai điều, và hai điều này chắc chắn hơn tất cả những gì bạn mơ ước: một là hạnh phúc không bao giờ lâu hơn những khoảnh khắc; hai là tất cả mọi người đều mong muốn một thế giới yên lành, và gần hết tất cả những sự không yên lành trên thế giới này đều do con người gây ra cả.

Saturday 23 August 2008

Nằm mơ vu vơ

Buổi tối tôi nằm mơ thấy tôi ở một nơi nào tôi không biết. Tôi băng qua một con đường lạ, bước vào một khách sạn. Trong phòng khách sạn, tôi vào phòng tắm. Nhưng mở cửa, tôi không thấy phòng tắm mà thấy một cái sân. Tôi bước ra khoảng sân chung quanh có tường xây. Phía bên kia có một hồ chứa nước xây bằng xi măng, trên thành hồ có để một cái gáo để tôi múc nước tắm. Nhưng tôi không tắm bằng gáo, tôi leo vào hồ. Vách hồ có nhiều rong rêu, nước lành lạnh. Tôi thấy dễ chịu. Tôi nhớ tới chai thuốc gội đầu mình để trong túi trong phòng. Tôi quấn khăn đi về phòng để lấy. Nhưng lúc ở trong phòng tôi không thấy cái túi của tôi đâu.

Tôi thức dậy, thay áo, đi làm. Chiều về tôi chợt nhớ lại cái cảm giác trên da khi cả người tôi được bao kín trong làn nước lành lạnh đầy rong rêu của giấc mơ đêm qua. Một lúc, tôi tự hỏi tại sao tôi mơ thấy cái hồ nước ấy, giấc mơ có nghĩa gì?

Giấc mơ không có ý nghĩa nào cả, chỉ là một giấc mơ, vậy thôi. Tại sao lúc nào người ta cũng cần một ý nghĩa? Trong mơ, tôi không tự hỏi sao mình lại ở một nơi lạ, một nơi không có nước máy, ai đã lấy cái túi trong đó có chai thuốc gội đầu, tiền bạc của mình còn không. Trong mơ, tôi không cần một lý do nào cho việc tôi ở đó, cũng không cần tiền bạc hay một tương lai nào.

Tôi kể cho A nghe về giấc mơ. Cô ấy lẵng lặng ngồi nghe một lúc. Thấy tôi im, cô ấy hỏi: “Rồi sao nữa?”. Tôi không có gì để kể thêm. A thất vọng vì chuyện của tôi không ra chuyện. Cô ấy chờ chực những câu chuyện như lũ ếch nhái chờ mưa. Thế giới của chúng ta nó như thế: đầy hình ảnh và sự kiện, nhưng không có những câu chuyện.

Nhưng không có những câu chuyện chúng ta biết rút từ đâu ra một chút ý nghĩa để mà sống qua ngày hôm nay và những ngày kế đó? Ý nghĩa như những mẩu bánh khô bỏ vào túi khi đi đường, lúc ngủ thì ôm chặt để được đôi phần yên tâm: đây, tôi có cảm xúc, tôi biết suy nghĩ, tôi hiểu được một ít về cuộc đời

Không có chút ý nghĩa, chúng ta sợ mình biến mất.

Sunday 13 July 2008

Những điều chưa biết

Tôi có một cô bạn rất sợ thú vật vì cô không biết chúng nghĩ gì. Buổi tối, một con mèo đi vào giường cô lúc cô ngủ. Thân thể mềm mượt của nó chạm vào người cô. Cô thức giấc hoảng kinh như bị ma quỉ chạm phải. Cô không biết con mèo nghĩ gì, tính gì trong cái đầu nhỏ của nó. Người ta không thể hiểu được mèo, cũng như không thể hiểu được ma quỉ.

Tôi cũng có một người bạn khác nói chỉ yêu cây cỏ và thú vật, vì con người đã mất sự hồn nhiên. Làm sao mình có thể biết người toan tính những gì, yêu hay ghét, thật hay giả. L’enfer, c’est les autres. Chúng ta không thể hiểu được người khác, cũng như không thể hiểu ma quỉ.

Vậy thì chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn lường được, kiểm soát được suy nghĩ, sự thôi thúc và hành động của những người chung quanh. Chúng ta đặt ra những qui luật cho cuộc sống chung, đặt ra những giá trị và khuôn phép xã hội. Rồi các viện thống kê và các trường đại học làm những nghiên cứu xem con người muốn gì trong những điều kiện nào đó. Hoặc nếu họ không biết họ muốn gì thì sẽ có cả một nền công nghệ thông tin quảng cáo nói cho họ biết họ muốn gì. Một thế giới an toàn là một thế giới trong đó con người không làm những gì thường xưa giờ không ai làm, những điều không biết trước. Chúng ta luôn luôn muốn biết trước.

Và rồi chúng ta chán ứ đi khi sống cuộc đời tuần này là sự lặp lại của tuần trước, người này là sự lặp lại của người kia, đâu rồi cuộc phiêu lưu, đâu rồi sự sáng tạo, đâu những nỗi mơ màng và niềm chênh vênh. Đâu rồi sự duy nhất của mỗi người được sinh ra.

Đâu rồi điều bất ngờ kỳ diệu sự duy nhất đó mang lại?