Sunday 24 August 2008

Những mảnh vụn

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về tôi. Tôi sẽ bắt đầu từ hôm nay, phác họa cho bạn một chân dung không sâu sắc lắm, nhưng có đủ những nét chính cho bạn nhận ra tôi. Rồi tôi sẽ trở về tuổi thơ tôi hoặc xa hơn nữa, kể về ông bà tôi đã bỏ quê về thành như thế nào, cha tôi đi học ở đâu, những chi tiết tôi tin là sẽ tạo nên được một lịch sử. Người ta nói về mình, hay về một nhân vật trong một cuốn sách, như thể con người là một đơn vị trọn vẹn có bắt đầu và chấm dứt, trong và ngoài, có bản thể, lịch sử, tương lai.

Thật ra con người là những mảnh vụn. Tuổi thơ của anh ta là những mảnh vụn. Hiểu biết của anh ta là những mảnh vụn. Tình yêu của anh ta là những mảnh vụn. Giấc mơ của anh ta là những mảnh vụn. Nỗi buồn của anh ta là những mảnh vụn. Anh ta viết nhật ký, ghi danh đại học, xưng tội ở nhà thờ, lấy vợ, vào đảng, bỏ nhà ra đi, vẽ hoa hướng dương, ngồi thiền… để gom góp những mảnh vụn lại. Để có cái tôi trọn vẹn. Để buổi sáng thức dậy tôi biết mình là ai.

Ngày mới đi học, cô giáo đưa cho bạn một trang giấy với những dấu chấm có đánh số. Bé con, hãy nối những dấu chấm ấy lại, từ số 1 đến số 20, bé sẽ có một hình người. Ba mươi năm sau: trên một tờ giấy trắng, hãy chấm những dấu chấm: Mỗi kinh nghiệm, trí nhớ, cảm xúc của bạn là một dấu chấm có đánh số, cộng thêm những dấu chấm không phải của bạn nhưng không thể không kể đến chúng: tôn giáo, di sản, văn hóa, trường học, trách nhiệm, triết thuyết, chương trình truyền hình; và cuối cùng là những dấu chấm nằm ở vùng biên giới giữa kinh nghiệm và mộng mị: những mơ màng, nghi ngờ, kinh hãi, phản bội. Nối tất cả những dấu chấm ấy lại, bạn thấy gì? Có phải là một hình người, hình người của bạn không? Bao nhiêu dấu chấm bạn sẽ xóa đi, bao nhiêu dấu phải đổi chỗ, bao nhiêu dấu được vẽ thêm vào, để cho khi nối chúng lại, bạn có được đường viền của một hình người? Hay sâu hơn, the anatomy of a mind?

Truth is not the sum of realities.

Bạn luôn luôn muốn có một trung tâm, muốn được trọn vẹn, muốn có sự liên tục, trong một thế giới bạn có thể dựa vào được. Đồng thời bạn cũng biết hai điều, và hai điều này chắc chắn hơn tất cả những gì bạn mơ ước: một là hạnh phúc không bao giờ lâu hơn những khoảnh khắc; hai là tất cả mọi người đều mong muốn một thế giới yên lành, và gần hết tất cả những sự không yên lành trên thế giới này đều do con người gây ra cả.

Saturday 23 August 2008

Nằm mơ vu vơ

Buổi tối tôi nằm mơ thấy tôi ở một nơi nào tôi không biết. Tôi băng qua một con đường lạ, bước vào một khách sạn. Trong phòng khách sạn, tôi vào phòng tắm. Nhưng mở cửa, tôi không thấy phòng tắm mà thấy một cái sân. Tôi bước ra khoảng sân chung quanh có tường xây. Phía bên kia có một hồ chứa nước xây bằng xi măng, trên thành hồ có để một cái gáo để tôi múc nước tắm. Nhưng tôi không tắm bằng gáo, tôi leo vào hồ. Vách hồ có nhiều rong rêu, nước lành lạnh. Tôi thấy dễ chịu. Tôi nhớ tới chai thuốc gội đầu mình để trong túi trong phòng. Tôi quấn khăn đi về phòng để lấy. Nhưng lúc ở trong phòng tôi không thấy cái túi của tôi đâu.

Tôi thức dậy, thay áo, đi làm. Chiều về tôi chợt nhớ lại cái cảm giác trên da khi cả người tôi được bao kín trong làn nước lành lạnh đầy rong rêu của giấc mơ đêm qua. Một lúc, tôi tự hỏi tại sao tôi mơ thấy cái hồ nước ấy, giấc mơ có nghĩa gì?

Giấc mơ không có ý nghĩa nào cả, chỉ là một giấc mơ, vậy thôi. Tại sao lúc nào người ta cũng cần một ý nghĩa? Trong mơ, tôi không tự hỏi sao mình lại ở một nơi lạ, một nơi không có nước máy, ai đã lấy cái túi trong đó có chai thuốc gội đầu, tiền bạc của mình còn không. Trong mơ, tôi không cần một lý do nào cho việc tôi ở đó, cũng không cần tiền bạc hay một tương lai nào.

Tôi kể cho A nghe về giấc mơ. Cô ấy lẵng lặng ngồi nghe một lúc. Thấy tôi im, cô ấy hỏi: “Rồi sao nữa?”. Tôi không có gì để kể thêm. A thất vọng vì chuyện của tôi không ra chuyện. Cô ấy chờ chực những câu chuyện như lũ ếch nhái chờ mưa. Thế giới của chúng ta nó như thế: đầy hình ảnh và sự kiện, nhưng không có những câu chuyện.

Nhưng không có những câu chuyện chúng ta biết rút từ đâu ra một chút ý nghĩa để mà sống qua ngày hôm nay và những ngày kế đó? Ý nghĩa như những mẩu bánh khô bỏ vào túi khi đi đường, lúc ngủ thì ôm chặt để được đôi phần yên tâm: đây, tôi có cảm xúc, tôi biết suy nghĩ, tôi hiểu được một ít về cuộc đời

Không có chút ý nghĩa, chúng ta sợ mình biến mất.