Thursday 30 August 2007

Ai lạc lõng, ai kiêu hãnh?


lost
ảnh của Kev de Babe


Một cái chai mang nước sạch đến cho chúng ta uống đang làm ô nhiễm dòng nước sạch của trái đất.

Cái chai nhựa này cần ít nhất 20 năm để tự phân hủy. Hai mươi năm nữa nó sẽ biến mất khỏi dòng nước, sau khi đã để lại một ít chất độc hại.

Dĩ nhiên, tôi có thể trách riêng người nào đó vô ý thức đã ném cái chai xuống nước, có lẽ trong một lần đến đây ngắm dòng suối. Chúng ta lưu dấu bước chân mình trên quê hương mình như vậy sao?

Nhưng trách một người vô hình xong, vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Nếu cái chai này không nằm ở đây, nó sẽ nằm trong một bãi rác thành phố, cũng cần 20 năm để biến khỏi mặt đất, cũng để lại một ít ô nhiễm. Nước ta không có hệ thống tái sinh nhựa. Nếu thỉnh thoảng đi chợ bạn nhận được một cái bao ni lông đùng đục và không thơm tho, bạn nên biết ơn những người nghèo suốt ngày bươi móc trong bãi rác, chịu đựng sự hôi hám để giúp tái sinh một phần nhỏ số nhựa chúng ta ném trên quê hương của mình. Cái chai sẽ biến thành một cái bao ni lông, cái bao ni lông lại biến thành một cái bao ni lông, và khi những cái bao ni lông quá nhỏ vất bừa bãi khắp nơi, thì những người sống về nghề bươi rác cũng không buồn nhặt chúng nữa, vì nhặt suốt đời cũng không bán được bao nhiêu tiền.

Cái chai nhân danh sự tinh khiết của nước, làm ô nhiễm dòng nước của mặt đất. Người giàu càng uống nhiều nước tinh khiết trong chai, người nghèo càng phải uống nhiều nước dơ vì những cái chai của người giàu làm cho dơ. Và cá, chim, cây cỏ, mặt đất, bầu trời, nghĩa là tất cả những thứ chúng ta gọi là quê hương.




pride
ảnh của Kev de Babe


Friday 24 August 2007

Sẽ có tựa sau

Mục đích của cuộc sống là gì? Là buổi sáng mở cửa (nếu nhà bạn may mắn có cửa, có lẽ đó là một tảng đá hình tròn, rất nặng, mà bạn hì hục đẩy nó nhích sang một chút để có chỗ bước qua) đi ra ngoài, kiếm chút gì ăn, và buổi chiều tối trở về trong tình trạng chưa chết. Tạm như thế đã.

Trong lúc bạn kiếm gì ăn (để không chết), thì có một số “nhân vật” khác cũng làm như vậy. Con sư tử chẳng hạn. Tác dụng phụ của việc nó có gì ăn (để không chết) là bạn chết. Đó là điều bạn không muốn, nên nếu gặp nó, bạn sẽ bỏ chạy.

Làm thế nào để biết “nhân vật” mình gặp là một con sư tử? Tưởng tượng bạn có một chiếc xe di chuyển được trong chiều thứ tư, tức là chiều thời gian. Bạn sang số tới, đi đến thế kỷ 20 để tìm bài luận văn tả con sư tử của một cô bé học lớp 8 cô giáo bảo viết sau khi lớp đi dã ngoại sở thú về.

Cô bé tả con sư tử cái đầu thế này, mắt, mũi, râu thế này, hai chân trước thế này, hai chân sau thế này, bộ lông thế này. Còn nữa, khá dài. Cô phải tả cẩn thận, không thì bạn gặp một con hà mã lại tưởng đó là con sư tử co giò chạy thì mệt vô ích (vì con hà mã không lưu thông tin về bạn trong danh sách thực đơn today’s specials của nó).

Bạn đã đọc kỹ bài luận văn của cô học sinh. Bây giờ bạn biết một con sư tử nó như thế nào. Nếu gặp một con gì đó to to và có bốn chân, bạn sẽ ngắm nó, so các đặc điểm của nó với những gì cô bé kia đã viết, thế là bạn nhận ra a, đây là con sư tử. Và bạn co giò chạy.

À quên, bạn không co giò chạy, vì con sư tử đã vồ bạn mất rồi. Thế là chiều tối bạn không trở về nhà trong tình trạng chưa chết.

Kiếp sau. Rồi kiếp sau nữa. Rồi kiếp sau nữa. Nửa triệu năm sau.

Bây giờ bạn khôn hơn một chút. Khi gặp một con sư tử, bạn không đứng ngắm nó lâu để ghi nhận đầy đủ thông tin về nó, biết à, đây chắc chắn là một con sư tử, rồi mới bỏ chạy. Bạn nhận ra nó thật nhanh qua một trong số những dấu hiệu cho bạn biết đó là con sư tử, thế là bạn chạy. Nếu không biết cách hiểu những dấu hiệu, bạn khó chiều tối trở về nhà trong tình trạng chưa chết.

Không những hiểu những dấu hiệu báo cho bạn biết có một con sư tử có thể vồ bạn, bạn cũng hiểu những dấu hiệu báo cho bạn biết một có một con nai, hoặc con cá bạn có thể vồ. Còn nhiều nữa, hầu như bất cứ thứ gì, con gì, người nào, bạn thù, bạn cũng nhận ra ngay sau một cái chớp mắt.

Buồn ngủ quá, mai viết tiếp.

Wednesday 22 August 2007

Blogger Việt cần có qui tắc ứng xử

- Bạn có thể ném cà chua vào màn hình của MÌNH khi đang xem blog của người KHÁC, nhưng bạn không được ném đá cục, vì những lý do dễ hiểu.

- Còn nếu bạn muốn ném đá vào màn hình của MÌNH khi đang xem blog của chính MÌNH thì không có qui định nào cho biết nên hay là không nên. Đây là chuyện riêng của bạn, và privacy là chuyện rất được tôn trọng trong quan hệ giữa các bloggers.

- Giáo sư ngành meta-ethics viện đại học Hamburg, Prof. Erich Steinwerfer cho rằng bạn không được ngáp khi xem blog của người khác, ngay cả khi trong phòng chỉ có một mình bạn và cái laptop. Một số đồng nghiệp yêu cầu không nêu tên của ông ở một faculty khác cho rằng tất cả các giáo sư ngành Khoa học Xã hội vì thiếu tiếp xúc với xã hội đã đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức vượt quá khả năng thực hiện của con người nói chung, và giống người có tên là bloggers nói riêng.

Monday 20 August 2007

Không tựa

Mấy hôm nay đọc bài của các bạn trong danh sách friends & favorites. Nhận ra có bao nhiêu người tài, và nhiều người yêu người nữa. Mà ai cũng trẻ hơn mình.


Thế giới sẽ dần tốt đẹp hơn. Thấy vui, cảm động, lẫn chút ngậm ngùi.

Ngậm ngùi cho thế hệ của mình, mà có người gọi là "thế hệ vàng". Tôi chẳng thấy vàng kim gì cả, chỉ thấy một thế hệ lỡ dở trong tất cả mọi chuyện.

Những người sinh cùng năm, học cùng trường với tôi, thời trung học/đầu đại học đã sống qua những năm cuối của chiến tranh, phần lớn đi nước ngoài, phần lớn lở dở chuyện học hành, chuyện lý tưởng, không biết mình thuộc về đâu, mơ hồ về văn hóa, về quê hương. Bất đồng về giá trị, về chính trị làm tan hoang nhiều tình bạn mà khi tuổi trẻ qua rồi không gầy lại được nữa.

Một thế hệ không có bạn để kể câu chuyện của mình. Hoặc là không biết kể. Lâu ngày rồi họ cũng đánh mất lịch sử của mình. Một thế hệ cô đơn khủng khiếp.

Và hoang mang đến nỗi không biết nói gì về nỗi cô đơn ấy.


Nhiều khi muốn đi chết cho rồi, đời dài quá. Nhiều khi muốn sống lại lần nữa, và lần nữa, và lần nữa, vì chằng bao giờ sống xong. Đời lúc nào cũng lỡ dở.


Thursday 16 August 2007

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức [3]

Chúng ta luôn luôn đi tìm những câu chuyện

Xã hội càng phát triển, nghĩa là càng được tổ chức, thì con người càng sống xa quê hương mình. Bạn không cần đi đến sống ở New York hay Moskva để trở thành người xa xứ. Bạn có thể là người xa xứ ngay trên thành phố mình sinh ra.

Tôi không muốn là người quê mùa hay hoài cổ, than thở về những luồng xe cộ, những chiếc thang máy, những bức tường, những lớp lưới B40 bao quanh lan can một căn hộ cao tầng để phòng trộm trong thành phố chúng ta ở bây giờ. Nhiếp ảnh và điện ảnh đã chứng minh rằng bất cứ khung ảnh nào cũng có thể đẹp, nếu biết cách dùng ánh sáng. Thử tưởng tượng tâm tưởng của chúng ta là ánh sáng của nhà nhiếp ảnh. Nếu tâm tưởng ta là thứ ánh sáng lung linh hay đằm thắm, Hà Nội, Sài Gòn hay Frankfurt vẫn có thể đẹp.

Nhưng giữ cho tâm tưởng đằm thắm ở một nơi xa lạ, là chuyện không dễ. Bạn dễ yêu một cái cây hơn một bức tường, một cánh đồng trồng dưa hơn một bãi đậu xe, cho dù các nhà thiết kế đô thị, các kiến trúc sư đã bỏ bao nhiêu tiền và tâm trí để làm một bức tường và một bãi đậu xe đẹp, và dù bạn đã sống bao nhiêu năm bên cạnh bức tường ấy, bãi đậu ấy, đủ để chúng trở nên quen thuộc. Bởi vì bức tường và bãi đậu xe không có câu chuyện nào để kể cho bạn nghe, còn cái cây, cánh đồng dưa thì có. Nếu bạn sinh ra trong thành phố, câu chuyện của cái cây đã nằm trong ký ức của tiền nhân, dù sinh ra ở đâu, bạn vẫn nhớ câu chuyện của chúng.

Tôi sống hai mươi năm ở Đức, mỗi tuần đi chợ hai lần ở siêu thị. Tôi đã quen tất cả những quầy hàng và những thực phẩm bày trên những quầy hàng đó. Những thứ nuôi sống tôi, vậy mà tôi vẫn không có một mối quan hệ nào với chúng, một thứ gì như tình yêu hay là sự biết ơn.

Lần đầu tôi về Việt Nam đi một cái chợ quê với em gái. Em tôi trả giá để mua một mớ chanh. Em tôi nói chanh bán mắc. Bà bán chanh nói rằng từ rằm tới giờ trời không mưa. Con gái bà gánh nước tưới, từ mé sông đến vườn chanh đi qua một ngọn đồi. Rồi chúng tôi nói chuyện với nhau về vườn chanh, về con sông và căn nhà ở chân đồi.

Buổi tối, khi chúng tôi cắt chanh ăn, trái chanh của tôi có một câu chuyện. Tôi biết nó từ một cái cây mọc ở sườn đồi đất nghiêng, có một cô gái gánh nước tưới vườn chanh, cô dậy rất sớm, quấn khăn che bớt mặt và vai, cô đội nón lá, để nắng khỏi ăn da. Tôi hiểu sự quan hệ giữa mình với mặt đất. Trái chanh là quà tặng, không phải là hàng hóa. Tôi là người nhận. Sườn đồi, giòng sông, và cô gái gánh nước, là người cho.

Những trái chanh được bọc trong bao lưới ở siêu thị chưa bao giờ tạo cho tôi thứ tình cảm đằm thắm này. Tôi chỉ đánh giá chúng ngon hoặc dở, đáng tiền mua hay không. Tổ chức đời sống ở thành phố, trong siêu thị, đã cướp lấy những câu chuyện của chúng, cắt mất lịch sử, cắt mất mối quan hệ của chúng với mặt đất. Chúng chỉ còn là hàng hóa thuần túy, tôi ăn chanh, nhưng không biết trái chanh từ đâu mà có. Lâu ngày, từ một con người, tôi trở thành một kẻ tiêu thụ, một consumer vô cảm và vô ơn. Tất cả chúng ta đều trở nên nghèo nàn và buồn bã, vì ở trên một quê hương xa lạ, nơi mọi thứ đã đánh mất câu chuyện của mình.


Postscript
Tôi đã định rằng ở cuối đoạn 3 này sẽ viết phần kết luận. Tôi đã viết hai đoạn trước cùng phần đầu của đoạn này chỉ để được viết phần kết luận của tôi. Nhưng tự nhiên, vào giờ này, tôi chợt không muốn viết nó. Nó là của bạn, không nên là của tôi.

Tôi yêu sách vở, dành kha khá thì giờ để đọc (Tôi không chắc mình đã thuộc về nhóm đọc nhiều sách chưa. Sách, giống như nước, đáng lẽ phải là một danh từ không đếm được). Niềm vui của chữ nghĩa và trí tuệ thường lôi kéo chúng ta vào những giá trị trừu tượng. Hôm qua tôi mới đọc một bài của Theodore Dalrymble so sánh Turgenev và Marx (hai bác này sinh cùng năm, chết cùng năm), thực ra là so sánh cuốn Mumu Manifesto. Tựa bài viết là How – and How Not – to Love Mankind. Đó là sự khác biệt giữa một tình yêu cụ thể dành cho một con người, và tình yêu trừu tượng dành cho nhân loại. Với Turgenev, rừng là một cái cây, mưa là những giọt nước làm cho đám lá cây rũ rượi. Với Marx, rừng là một mảng xanh trên bản đồ, mưa là cơn áp thấp.

Khi muốn nói về tình yêu, tôi nhớ là trái tim tôi lớn bằng nắm tay tôi, và tôi chỉ yêu được những gì bàn tay tôi nắm được mà thôi. Bạn có thể yêu những con người cụ thể, và hiểu rằng họ mang nhân loại trong họ. Bạn không thể yêu nhân loại không thông qua một con người nào. Điều đó quá trừu tượng.

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức [2]

Tôi thích đoạn thơ này của Lưu Quang Vũ:

Phải chăng anh đã mất giấc mơ
Mất tiếng ve và những mùa dưa chín
Anh đã mất cả mây qua lòng giếng
Cả tiếng gà hẻm núi cả cơn mưa

Thật ra là tôi thích bốn chữ những mùa dưa chín. Dù bốn chữ cũng chỉ là từ ngữ, chúng trực tiếp đưa tôi về một nơi chốn, một thời khắc có thật, tôi tiếp xúc với con đường Lưu Quang Vũ đã đi qua bằng giác quan, đúng hơn, bằng ký ức của giác quan, chứ không qua những giá trị trừu tượng như quê hương, tuổi thơ, tình yêu, nỗi nhớ. Tôi thấy được cánh đồng dưa. Tôi cảm được sự nhịp nhàng của năm tháng đi qua cánh đồng ấy chỉ trong một chữ những: những mùa dưa đến và đi.

Có ai đó nói rằng hai bán não của chúng ta cạnh tranh với nhau, nếu bên này mạnh thì bên kia sẽ yếu: ai thích những gì cụ thể, sẽ không thích những gì trừu tượng; ai giỏi tiếp nhận thế giới bằng hình ảnh giỏi, sẽ kém tiếp nhận nó bằng chữ nghĩa; ai giỏi trực giác, sẽ kém suy luận. Điều này hoàn toàn không đúng, da Vinci và Tarkovsky chứng minh rằng sự sâu sắc của bên này đem lại sự sâu sắc của bên kia. Đó là sự tương tác, chứ không phải cạnh tranh.

Thơ haiku và thiền dạy chúng ta tiếp nhận thế giới bằng con đường trực tiếp nhất. Con đường trực tiếp nhất là qua các giác quan, chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm lấy những thứ quanh mình. Bao nhiêu năm tôi tự hỏi chất thơ của phim Tarkovsky được làm bằng gì. Một lần, trong quyển Sculpting with Time, ông đã hé cho tôi thấy một trong những bí mật vừa bình dị vừa sâu sắc nhất của mình: ông học nhìn, như các nhà thơ haiku đã nhìn thế giới quanh họ. Tarkovsky trích dẫn hai câu haiku này:

Trên mỗi cái gai của cành hồng
Đọng lại một giọt sương

Những mùa dưa chín của Lưu Quang Vũ làm người đọc cảm nhận được năm tháng đi qua đời ông thời đó, những giọt sương đọng lại cũng kể cho chúng ta về đêm đã qua. Một đêm có sương rơi.

Có nhiều quan niệm về hạnh phúc. Tôi không cho là hạnh phúc có thật, nó chỉ là một khái niệm trừu tượng với ý nghĩa rất bất định. Còn nếu bảo tôi đi tìm những chữ gần với chữ đó nhất, có lẽ tôi sẽ chọn hai chữ có vẻ ngược nhau nhưng thật ra thì không, đó là Thanh Bình và Nồng Nàn. Peace và Intensity. Trong vườn hồng, ý nghĩa và sự rực rỡ của hoa hồng không làm cho bạn nghĩ rằng trên đời chỉ có hoa hồng. Bạn thấy những giọt sương. Đó là sự thanh bình. Những giọt sương cho kể cho bạn về đêm qua, đó là sự nồng nàn của bạn với cuộc đời: bạn nhìn, và cảm, và hiểu.

Vậy thì hạnh phúc là chạm được những thứ chung quanh. Mọi thứ đều kể một câu chuyện của riêng mình. Những thứ đó làm nên không gian, làm nên thời gian, làm nên quê hương. Bạn đang ở nơi chốn của mình, sống trong thời khắc của mình, chứ không phải đang ở trên một phi thuyền, một trạm không gian trên con đường vằng vặc nối hai hành tinh không quen biết, ở một nơi không có thời gian, không còn lịch sử.

(còn tiếp)

Wednesday 15 August 2007

Máy ảnh

Bao nhiêu năm rồi không chụp ảnh, tự nhiên hôm nay ước ao lạ lùng có được một cái máy ảnh nhỏ.



Khi đi đâu tôi thường không tìm được cớ để mang theo máy chụp ảnh. Có một anh kia sửa xe đạp ở đầu một con hẻm, cũng không có cớ gì để mang theo một cây đàn ghi ta, vậy mà anh cứ mang theo, dựng ở đâu đó. Ai cũng cười, xe chạy ầm ầm thế này thì đàn ai nghe thấy, mà có lẽ anh cũng không hề biết đàn. Có lẽ tôi sẽ bắt chước anh này, đi đâu cũng mang theo cái máy ảnh, hoặc cây đàn piano, dù không biết để làm gì. Ai làm gì được mình đâu ngoài cái việc cười.



Tự nhiên mơ ước chụp được một mớ ảnh phù du (đã là ảnh thì phải phù du) về nhét đầy ổ cứng.

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức [1]

Chúng ta có hai bán não, một bên nhận mặt người quen và ngó núi nhìn mây, một bên học chữ và làm toán. Chúng ta cần cả hai, sự cảm nhận thế giới trực tiếp bằng giác quan, và sự suy nghĩ trừu tượng để nới thế giới đó ra rộng hơn tầm nhìn của mắt. Ngồi chờ mẹ về là một điều cụ thể. Khái niệm về thời gian là một thứ trừu tượng.

Có vẻ như người bình dân thiên về cụ thể, người trí thức thiên về trừu tượng hơn. Người bình dân yêu mẹ, đi xa nhớ bàn tay, giọng nói của mẹ, nhưng không tìm cách nói về ý nghĩa của thứ tình cảm đó như người trí thức. Suy nghĩ trừu tượng giúp ta tìm ra ý nghĩa và giá trị cho những kinh nghiệm của mình. Bát cơm san sẻ là điều cụ thể, lòng nhân là điều trừu tượng, và chính cái giá trị trừu tượng đó nó khiến ta mời một người không quen đang gặp cảnh khó một bát cơm.

Thời đại càng phát triển, thì người ta càng thiên về trừu tượng hơn. Những kinh nghiệm kể lại được bằng chữ viết có vẻ có giá trị hơn những kinh nghiệm mà lời nói, chữ nghĩa không truyền dẫn được. Thang giá trị của chúng ta có vẻ như càng ngày càng nghiêng về những thứ trừu tượng. Chẳng hạn sự thành công có một giá trị cao, có lẽ gần tuyệt đối. Nhưng sự thành công không có mùi vị, hình dạng, nhiệt độ. Chúng ta không hưởng lạc thú nó mang lại bằng các giác quan của mình mà bằng ý nghĩ. Chúng ta tận hưởng ý nghĩa của sự thành công chứ không phải chính nó, vì nó không có đó. Ngược lại, khi ăn một trái cam chúng ta hưởng mùi thơm, vị ngọt chua của nó, bằng vị giác chứ không bằng ý nghĩ hay giá trị.

Người tiền sử biết vẽ trước, rồi mới biết viết sau. Ngày nay hầu như ai cũng biết viết, nhưng rất ít người biết vẽ. Và trong số người biết vẽ, rất ít người vẽ bằng nửa bên phải của não. Chúng ta tiếp nhận thế giới, và chia sẻ nó với mọi người, qua sự trung gian của các biểu tượng và ý nghĩ. Ý nghĩ đặt cho cảm xúc những cái tên. Ý nghĩ làm nên niềm vui, nỗi buồn.

Nhưng các nhà thơ haiku, các vị tu thiền đã sớm biết vì ý nghĩ là thứ dễ sai lệch và phù du, nên niềm vui nỗi buồn nó mang đến cũng bất trắc vô thường như vậy. Họ dạy cho chúng ta đừng quên tiếp xúc với thế giới mình đang sống bằng giác quan, bằng những con đường trực tiếp hơn lời nói và ý nghĩ. Và dù những kinh nghiệm đó không diễn đạt được bằng lời, đừng đặt giá trị của chúng bên dưới những thứ viết được lên giấy.

Tôi ít xem phim, nhưng một phim duy nhất của Tarkovsky đã đem lại cho tôi những cảm xúc lạ thường, cho tôi thấy chiều rộng và sâu mà điện ảnh có thể đạt được. Nó gợi nên tình yêu, sự nể phục, rồi cuối cùng ước vọng được làm phim. Người thứ hai đem lại những xúc động mạnh mẽ như vậy là Chris Marker. Lúc đó, tôi vẫn không hiểu tại sao với tôi Tarkovsky là nhà thơ duy nhất trong số các đạo diễn. Mãi về sau, đọc sách và nhật ký của ông, tôi mới hiểu.

Như van Gogh, Tarkovsky đã từng tự hỏi tại sao một giọt sương, một giải lụa trong một bức tranh khắc gỗ hay một bài thơ haiku của Nhật lại tạo cho họ những xúc động trước đó hội họa Tây phương không đem lại. Các họa sĩ Tây phương, khi vẽ một bức tranh, họ chọn đề tài, rồi sắp đặt bố cục cho bức tranh theo trật tự chính phụ: cái gì quan trọng sẽ có vị trí trung tâm và được rọi sáng, những thứ phụ hơn sẽ nằm ở những góc xa và tối hơn, một chiếc áo vắt ngang lưng ghế, một cái ly uống dở, tuy có vẽ hờ hững nhưng vẫn được sắp đặt để tôn vinh đề tài chính. Khi phác họa bố cục, họa sĩ đã đem vào đó các giá trị, và ý nghĩa. Bố cục của Hiroshige không có thứ lớp trên dưới của sự quan trọng, nó rất thơ, nó làm cho ta cảm giác họa sĩ ngước mắt lên, và những gì ông thấy, ông vẽ, đặt trong những cái khung tình cờ. Có hề gì nếu ta thấy lá tre mà không thấy thân tre, có hề gì nếu trung tâm bức tranh là một khoảng trời trống.

Tarkovsky nói rằng ông là người Slav, và ông thấy gần gũi với Đông phương hơn là Tây phương. Ông nói rằng làm phim là nhìn. Nhìn bằng mắt và bằng cảm xúc, chứ không bằng ý nghĩ hay thang giá trị. Những khung hình của Tarkovsky là những bài thơ. Tôi chưa thấy ai làm thơ bằng celluloid như ông.

(còn tiếp)

Wednesday 8 August 2007

Chỉ còn một ngôn ngữ?

Một cặp vợ chồng tôi quen làm việc ở Lãnh sự Đức tại Sài Gòn rất hãnh diện vì con họ học trường quốc tế dạy bằng tiếng Anh. Viện Goethe ở Hà Nội in các chương trình của họ bằng hai thứ tiếng Anh và Việt, không có tiếng Đức. Tại thành phố 8 triệu dân là Sài Gòn, viện Goethe không tổ chức được một lớp tiếng Đức do người Đức dạy. Họ nói họ không đủ kinh phí. Thực ra là họ không đủ yêu quí tiếng nước họ để làm điều ấy. Ngôn ngữ dùng trong các buổi hội thảo giao lưu văn hóa của các cơ quan văn hóa Pháp là Pháp Việt, trong khi các buổi hội thảo của viện Goethe dùng ngôn ngữ Anh Việt.

Người Đức đã bắt đầu, tôi không biết từ bao giờ, mang mặc cảm về ngôn ngữ của họ, một trong những ngôn ngữ chính xác và sâu sắc nhất thế giới, ngôn ngữ của khoa học, triết học và thi ca. Ngôn ngữ của Goethe và Schiller, Kant và Heidegger, Kafka và Rilke.

Thứ hai tuần này, trong một bài báo đăng trên tờ FAZ, Stefan Klein kể lại một câu chuyện hơi buồn cười và hơi buồn. Tại một buổi hội thảo khoa học ở Berlin với một đề tài rất hay về Khoa học nghiên cứu ý nghĩ, ban tổ chức mới sáu nhà khoa học người Đức, ba người Mỹ, một người Anh. Tất cả đều tuyệt vời. Tất cả đều nói tiếng Anh và một tiếng-gì-như-tiếng-Anh, không có ai nói tiếng Đức, tuy thính giả hoàn toàn chỉ có người Đức. Sáu nhà khoa học người Đức, tuy trình độ chuyên môn rất cao, khi nói tiếng Anh họ tìm chữ hơi cộc kệch và đặt câu hơi ngô nghê, vì không phải là tiếng mẹ đẻ. Bài nói chuyện của họ mất đi nhiều ánh sáng và sự lưu loát mà đáng lẽ chúng đã có, nếu được trình bày bằng tiếng Đức.

Tại sao họ nói tiếng Anh? Vì họ cho là chỉ khi nói tiếng Anh, tầm quan trọng của họ mới được chấp nhận.

Bạn tôi làm cho EU tại Bruxelles nói rằng hầu hết các dự án nghiên cứu quan trọng đều lọt về tay người Anh, vì họ viết tiếng Anh hay hơn những người khác.

Thật đáng đau buồn, dường như ý thức nhân loại và sự đánh giá, nhận chân, càng ngày càng co cụm lại trong thế giới của người nói tiếng Anh và những người không thuộc thế giới này nhưng biết sử dụng ngôn ngữ của nó. Bạn viết một cuốn sách và nếu bạn không viết bằng tiếng Anh hoặc sách bạn chưa được dịch ra tiếng Anh cũng đồng nghĩa với bạn chưa viết ra cuốn sách đó.

Nếu loài người đang trên đường đi đến một ngày chỉ còn một ngôn ngữ, trở lại ngày trước khi tháp Babel làm Chúa nổi cơn thịnh nộ, thì tại sao tôi không vui?

Bởi vì mỗi ngôn ngữ không phải chỉ là phương tiện để người ta nói chuyện với nhau. Mỗi ngôn ngữ là những cánh cửa mở ra, dẫn về cả một nền văn minh, văn hóa, một lịch sử tư tưởng và những thứ làm cho trái tim một nhóm dân rung động. Có những thứ thuộc về quá khứ, ký ức, kỷ niệm và mộng mơ không dịch ra tiếng khác được.

Các cụ ta xưa học tiếng Hán không phải chỉ để nói chuyện với người Tàu. Họ học tiếng Hán để hiểu Khổng, Lão và các nhà thơ. Tương tự như vậy nếu bạn học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức. Nếu tất cả các ngôn ngữ và các nền văn minh đều dịch ra tiếng Anh được, thì chúng ta chỉ cần học một thứ tiếng là hiểu cả thế giới. Điều đó không đúng. Có thể có những bản dịch tiếng Anh tốt của Đỗ Phủ, Baudelaire và Rilke, nhưng bản dịch là bản dịch, có những thứ thuộc về hơi thở không thể chuyển ngữ được. Ngay cả những thứ cứng rắn hơn hơi thở, To Be và Being trong tiếng Anh không đủ để dịch Sein, Seiendes và Dasein của Heidegger, và đó chỉ mới là khởi đầu.

Nếu văn minh, văn hóa thế giới chỉ còn được đọc qua một thứ tiếng Anh, chỉ có lịch sử nước Anh, và những giá trị của người Anh, người Mỹ, còn tồn tại. Trong một thế giới nơi các ngôn ngữ không còn bình đẳng, thế giới đó khó bình đẳng, và nghèo nàn đi.

Sến không chịu nổi

Sài Gòn bão rớt, những cơn mưa chiều. Trong căn phòng văng vắng, nửa ly rượu ấm, một bản nhạc mùi mẫn, bài gì nhỉ, Smooth Operator từ đầu những năm 80, hay nghe cái kèn mùi nhất trong các cây kèn là cây sax thổi một bài night club jazz nào đó mà Billy Holiday đã hát, hay nghe Tuấn Ngọc hát Đôi mắt em rất buồn, Đôi chúng ta rất buồn…

Được sến rất sướng, sướng không chịu nổi.

Tranh sến kiểu Gustav Klimt không có tác dụng gì với tôi. Nhưng các cô gái, các bình hoa đằm thắm của Tô Ngọc Vân vẫn làm cho tôi mềm nhũn. Còn tiểu thuyết? Lâu lắm không đọc gì sến, cuốn sách sến cuối cùng đọc là The Alchemist của Coelho, a fable about following your dreams, cái log line nghe mùi thật.

Không được phép sến là mất nửa cuộc đời (nhớ là cuộc đời có nhiều nửa chứ không phải chỉ có hai nửa).

Sến là gì?

Vài định nghĩa sơ khởi:

1
Chiều nay buồn nhớ em đường xưa lá me bay

Sến là dễ dãi

Người hát, lẫn người nghe hát, đều tự nuông chiều tình cảm và cảm xúc của mình. Những bài hát được viết với hòa âm tròn trịa, mềm mại, bao năm nay vẫn vậy. Không có hợp âm nào trúc trắc, mọi thứ đã được biết rồi và không ai đặt câu hỏi nữa, ngay cả trong cơn buồn, trong nỗi đau, cũng không hỏi. (“Sao em đành bỏ tôi?” không phải là một câu hỏi.) Sự lặp lại làm nên sự sáo rỗng êm tai.

Đến đây, thì sến chấp nhận được. Và tôi thích nghe nhạc sến, xem tranh sến, tốt nhất một ngày chừng 3 lần. Sến theo những định nghĩa tiếp theo thì khó chấp nhận.

2
Em yêu anh bằng cả trái tim em.

Sến là giả dối

Giả vì không thể thật được: Nếu chỉ dùng vào được mỗi một việc là yêu anh, thì con tim em hơi bị vô dụng.

Mà dù có thật thì cũng không có nghĩa gì: Các cô khác ai cũng yêu anh bằng cả trái tim họ cả.

Năm 18 tuổi, tôi đọc được hai câu thơ này của một tác giả nổi tiếng:

Một hôm lỡ vẽ sai đồng bằng Nam Việt
Lúc tẩy đi con đã khóc mấy lần.

Lúc đó hai câu thơ này đã làm thổn thức bao nhiêu trái tim yêu nước.

3
Con cừu non bị lạc mẹ, trời đã tối, mà vẫn chưa tìm được đàn, chưa tìm được đường về. Nó kêu những tiếng be be thảm thiết. Chợt từ bìa rừng có bóng ai đi về phía nó. Thì ra đó là cáo.

Sến là lười

Nhiều tác giả lười biếng, thay vì kể chuyện, họ kể chuyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn.

Viết chuyện ngụ ngôn là đi đường tắt. Chẳng cần phải tả cô gái thích làm diễn viên, chỉ cần gọi cô là cừu non. Chẳng cần phải tả anh đạo điễn Việt kiều, chỉ cần gọi anh là cáo. Thế là mọi người ai cũng biết tất cả về họ.

Có người thẳng thắn nhận là mình đang viết truyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn, nhưng lại cũng có vô số người dùng thủ pháp của thể loại này trong văn mình một cách có ý thức hoặc vô thức nhưng lại cho là mình viết truyện hiện thực hay siêu thực. Kết quả là truyện sến. Một định nghĩa của sến là dùng những hình ảnh đã xài nhiều thành mòn và sáo, còn định nghĩa kia đương nhiên phải theo sau là xếp con người, sự việc vào những cái ngăn kéo.

Thế giới có rất nhiều người, trong mỗi người lại có nhiều người. Con người và lịch sử của họ phức tạp, không cuốn sách nào có thể nói hết. Người ta chỉ nói được một số điểm, vào những thời khắc nào đó. Người đọc cũng không đòi hỏi đọc một quyển sách mà biết được cả thế giới, hoặc cả một thế giới của một con người. Và dù sao, cũng phải chừa chỗ cho họ đọc những sách khác nữa chứ. Người viết truyện ngụ ngôn gọi cô gái thích làm diễn viên là cừu non, anh đạo diễn Việt kiều là cáo, họ chia ô, sắp cả nhân loại vào mười mấy nhóm mà thôi: nhóm cừu, nhóm cáo, nhóm sư tử, nhóm sói, nhóm nai, nhóm chó vân vân, không khác mấy người xem tử vi là mấy. Sau khi sắp ai đó vào nhóm cáo rồi, thì tất cả định nghĩa về người ấy đã có sẵn đầy đủ, không cần nói gì thêm. Và người đó cũng đã bị đóng đinh, hết cục cựa. Nếu có chuyển động gì, thì là trong chuyện hai cái tai cáo mọc dài thêm ra nửa tấc, thế thôi.

Còn nữa, hôm nào không lười thì viết tiếp.

Tuesday 7 August 2007

Tiền giả

Hôm trước vào một ngân hàng nhà nước rút tiền, trong xấp tiền họ đưa, có một tờ tiền giả. Dĩ nhiên là tôi không biết.

Lúc ở siêu thị, cô thu ngân trả lại, nói tờ này là tiền giả, cô không nhận. Tôi hỏi: "Tôi biết làm gì với tờ tiền này bây giờ?"

Một người đứng bên cạnh nói, chị để đi chợ, mấy bà nhà quê không biết phân biệt, họ nhận tuốt.

Wisdom: Ở siêu thị bán nhiều hàng giả, nhưng chỉ nhận tiền thật. Ở chợ nhà quê, chỉ bán hàng thật, nhưng cũng nhận tiền giả.

Tôi quyết định mang tờ tiền giả đến trả lại cái ngân hàng đã đưa nó cho tôi. Tôi là khách hàng ở đó đã mười năm.

Họ không chịu đổi, đòi tịch thu tờ giấy bạc giả.

Unwisdom: Những kinh nghiệm loại này ở Việt Nam không biết làm cho mình già dặn và nhân ái hơn với thời gian, hay là càng ngày càng quạu quọ và hoang mang.

Sau đêm đó,

"... chương cuối cùng trong tác phẩm Và khi tro bụi của em (...) gắn liền với một nỗi buồn trong quá khứ của chị. Vào năm chị 7,8 tuổi, có một đêm chiến tranh đã xảy ra trong ngôi làng chị ở (một làng quê nghèo ở Cà Mau), đêm đó bom nổ, cháy nhà, người chết trước mắt chị, chị đã tận mắt chứng kiến những cảnh thương tâm đó, cuộc tấn công ấy diễn ra suốt đêm và chị đã không thể ngủ được, tờ mờ sáng hôm sau chị đã bỏ nhà ra đi, bỏ cha mẹ và các em của chị trên một chuyến tàu nhỏ và không biết đi về đâu. Ngày ấy chị đã còn quá nhỏ và không thể lý giải vì sao mình làm như vậy, nhưng hình ảnh ấy vẫn ám ảnh chị mãi đến bây giờ. Và chị đã bắt gặp hình ảnh của bản thân mình trong chương cuối của VKTB, thì chị đã hiểu ra một điều đơn giản là chiến tranh quá tàn ác."

Em xin phép chị Lan Tiêu cho em để đoạn thư này của chị ở đây nhen.

Có những điều mà sau khi nó xảy ra, tất cả đều khác hết. Một đứa bé, sau một đêm như thế, bỏ chạy, không hiểu vì sao mình làm như vậy.

Sự quên lãng mênh mông và đáng sợ. Nhưng trí nhớ của trái tim còn kỳ lạ hơn nhiều.