Friday 10 July 2009

Quê hương [2]

In Prague a cart --
a one-horse wagon
passes the Old Jewish Cemetery.
The cart is full of longing for another city,
I am the driver.


Ở Prague một chuyến xe --
độc mã.
đi qua nghĩa trang Do thái xưa.
Chuyến xe chở đầy ước vọng ôi một thành phố khác,
Tôi là người đánh xe.

[Nazim Hikmet, Prague Dawn]

Quê hương [1]

Tôi nào có hiểu quê hương có nghĩa là gì. Người ta thường nghĩ càng lớn lên, người ta càng hiểu chữ đó, nhưng với tôi điều đó chắc chắn không đúng. Có một năm nào đó khi tôi còn trẻ hơn bây giờ, trong một căn phòng ở một thành phố nào đó, (căn phòng có một khung cửa sổ đặt trên một cái mái nghiêng, vì cửa đặt ở mái nên nhìn qua nó tôi chỉ thấy bầu trời, và không bao giờ nhìn thấy thành phố - có khi tôi nhìn thấy trăng, vào những đêm đường đi của trăng tình cờ đi ngang qua cái khung vuông đó) tôi đã nghĩ tôi hoàn toàn biết quê hương là gì. Lúc đó nó dễ dàng đến nỗi tôi không hề nghĩ một lời giải thích. Ở quê tôi, trẻ con vừa biết thở đã thở lấy quê hương vào người, thì cần gì lời giải thích.

Nhưng năm đó tôi biết quê hương là gì chỉ vì tôi không nhìn thấy nó. Tôi đã xa thành phố của chúng tôi mười mấy năm. Ký ức luôn chực phủ xuống tôi như một buổi chiều mây vần vũ của tuổi thơ, cũng vừa chực đổ vỡ và tan tác đi trong một cái chớp mắt. Trí nhớ là thứ vừa thăm thẳm vừa bấp bênh, tôi không nương tựa vào nó được. Khi tình yêu vừa mãnh liệt vừa mờ xóa, tôi ngước nhìn lên khung trời bên ngoài cửa sổ. Đó là nơi duy nhất không có sự khác biệt nào giữa vầng trăng ký ức và vầng trăng của đêm nay, nơi này. Mọi thứ chợt trở nên rất rõ ràng, vằng vặc, đơn giản và tuyệt đối, như cái đường cong của mặt trăng, màu trắng, và sáng, trên một cái nền trời vừa dầy và nặng như nhung và cũng vừa trong suốt như một mảnh thủy tinh đen có các cạnh bằng những đường thẳng tinh tươm và thuần khiết.

Quê hương cũng làm bằng những đường nét sắc, giản dị và trắng vằng vặc như mặt trăng đó, như tất cả những con trăng nào. Quả thật, dù ở thời nào, vẫn chỉ có một con trăng và nó không thể khác đi được. Quê hương không có một ý nghĩa nào khác vì ý nghĩa của nó tuyệt đối, và vô hạn, nó phủ lên tất cả mặt đất, mọi thế kỷ, mọi đời người.

Nhưng hôm nay, lạ thay, trong sự vĩnh viễn an lành đó lại có một buổi như hôm nay, chênh vênh và hoang tàn. Tôi chợt không biết, dù bằng sự hiểu biết của trí tuệ hay của cảm xúc, quê hương mình ở đâu. Sự hoang mang của tôi còn tệ hại hơn: có một thứ gì gọi là quê hương hay không?

Monday 6 April 2009

Đi đâu bây giờ?




Ai chọn "Đến một chỗ khác..." xin viết chỗ nào vào phần comment.

Cám ơn các bạn nhen.




Photo by amy b123 via flickr

Rủ nhau chuyển nhà về đâu bây giờ các bạn ơi?




Blogspot

15


Wordpress

2


Multiply

2


Cứ ở lại 360º

13


Đến một chỗ khác không phải là 4 nơi trên

4





Sign in to vote

Wednesday 7 January 2009

Thành phố lạ

Có một lần, tôi đến một thành phố lạ. Ở cái khách sạn nhỏ có vài người biết nói chút ít tiếng Anh, giống tôi, và nếu hết xà phòng hay cần một cái khăn, tôi có thể nói cho họ biết được. Nhưng khi bước ra đường, thì tôi hoàn toàn không có cách gì để hỏi đường hay nói chuyện với một ai. Tôi cũng không có một cái máy ảnh mang theo người, để ít ra mọi người có lý do để nhìn tôi và gửi tặng một nụ cười mà chiếc máy ảnh sẽ lưu lại. Tôi đi lẫn vào mọi người, vào chợ của họ, ăn trong những cái quán nhỏ nơi tôi không biết tên thức ăn mà gọi... tôi vừa ở trong thành phố đó vừa không ở trong đó vì tôi không hòa vào câu chuyện của mọi người trong đó được. Đó là một cảm giác khó tả, và tôi thích nó hơn là không thích. Có lẽ tôi nhìn thấy nhiều hơn, vì không còn chút bận tâm nào về ngôn ngữ. Khi không có lời để nói và nghe, ngôn ngữ bị tắt đi, thì tôi cũng không bận tâm về ý nghĩa, về lý lẽ. Tôi chỉ ở đó, và lang thang, nhìn cái này cái nọ, và cảm thấy một chút cô đơn nữa. Trong hai tuần ở đó, hình như tôi cũng ít hay nhiều ở bên ngoài lịch sử của chính tôi. Giống như là tôi đi vắng với chính mình, tôi ở một nơi mà con người thường ngày của tôi không biết, không tìm ra tôi để đòi hỏi này nọ.



Rồi tôi về lại thành phố của mình. Một năm sau, khi cảm thấy cô đơn, như hôm nay, tôi lại muốn đi đến một thành phố nơi tôi không hiểu ngôn ngữ của họ và họ không hiểu ngôn ngữ của tôi, cũng không hiểu ngôn ngữ thứ ba, là tiếng Anh. Tôi thích cảm giác lạc loài ở một nơi như vậy hơn là lạc loài ở ngay chính thành phố của mình. Sự lạc loài ở một thành phố lạ là sự lạc loài ở bên ngoài, còn ở thành phố của mình nó ở bên trong. Ở đây, ngồi nói chuyện với bạn bè, mắt nhìn những gương mặt bạn bè, nhưng mắt đã focus ở một nơi nào khác, không một nơi nào cả. Ở đây, ngồi chung bàn với những người tưởng quen mà lạ, nghĩa là không có hy vọng gì người ta còn biết nhau. Ở một thành phố lạ, khi cô đơn, tôi nhớ là tôi có ngày được về nhà. Ở đây thì không.

Sài Gòn và Hà Nội khác một ngày cách đây 10 năm. Khác, cuối cùng, có lẽ chỉ ở một điểm thôi. Xưa người ta có nhiều giấc mơ. Và vì có nhiều giấc mơ, họ có những giấc mơ chung. Nay, những giấc mơ đã tan mất đi nhiều, chỉ còn lại ít ỏi những giấc mơ mơ một mình. Nay người ta sống nhiều mục đích và ít giấc mơ. Đường đi đến mục đích là những con đường ngắn, rõ ràng, và điều đạt được thì cụ thể. Khi đã có mục đích rồi, người ta không còn gì phải lang thang tìm kiếm. Con đường đi theo một giấc mơ thì bất định và dài, vì chân trời của những giấc mơ luôn luôn rộng. Người ta thường tự hỏi mình đang ở nơi nào, đường còn bao xa. Người ta còn tìm kiếm, và khi tìm, người ta nhận ra những người bạn. Đường đi rộng, đủ chỗ để người ta chia nó với kẻ đồng hành. Và đủ dài, để người ta còn thì giờ nhìn nhau, những ánh mắt nhìn không bị sự thờ ơ làm mất nét.