Thursday 20 December 2007

Lý do nên đội mũ bảo hiểm

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=234881&ChannelID=3

Bị đánh vì không đội mũ bảo hiểm

TT - Lúc 19g đêm 19-12, hai sinh viên Trường cao đẳng Đông Á (Quảng Nam) bị lực lượng tuần tra gồm cảnh sát giao thông và nhân viên đội trật tự đô thị TP Tam Kỳ đánh trọng thương.

Vụ việc xảy ra ngay trước quán phở số 1, đường Phan Chu Trinh, có rất đông người dân chứng kiến. Hai người bị đánh là Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1987) và Nguyễn Đình Vũ (1988) kể: khi họ chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm đến địa điểm trên thì bị lực lượng tuần tra đuổi theo, ép vào lề đường, một người dùng gậy đánh tới tấp vào lưng, đầu khiến Thọ bị rách mí mắt, chảy nhiều máu...

Ông Phạm Hữu Cúc - khối phố trưởng khối phố 1 - chứng kiến sự việc từ đầu cho biết chính ông đã chạy ra can vì thấy hai người bị đánh quá nặng. Hiện trường còn có nhiều vết máu và đôi dép bỏ lại.

Ông Nguyễn Đình Diêm - trưởng Công an TP Tam Kỳ - cho biết sẽ làm rõ vụ việc và xử lý nếu người của đội tuần tra có sai phạm. Theo ông Diêm, hai thanh niên bị CSGT dùng roi điện gí vào người, ngã xuống chứ không bị đánh…

Doãn Hoàng


Khi ra đường không phải chỉ cần đội mũ bảo hiểm mà còn cần phải mặc áo giáp bằng sắt dù trời nóng.

Entry for December 20, 2007

Một tờ báo Canada gọi những người biểu tình là nationalists. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nationalist. Tôi chống chủ nghĩa dân tộc, vì những tai ương mà nó đã đem đến cho thế giới hồi đầu thế kỷ.

Nhưng khi cộng đồng thế giới thiếu bình đẳng và vô cảm, thì chúng tôi lấy gì bảo vệ lịch sử của mình? Lấy gì để bảo vệ những dòng sông và những mái đình, bảo vệ ký ức, tình yêu và những giấc mơ của riêng một dân tộc?

Có lẽ rồi chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường sau khi Hoàng Sa và Trường Sa đã mất, đường biển khu vực rơi vào sự kiểm soát của người Tàu. Nếu bất lực trước việc mất một phần lãnh thổ, đừng để mất mát nhiều hơn nữa.


Xin nhớ lấy một điều, là trong mọi hoàn cảnh không để bị đồng hóa về văn hóa. Phải thở bằng ngực của mình. Không yêu ghét bằng trái tim của người Tàu, tôn vinh các giá trị họ dạy cho ta. Cultural Imperialism ghê gớm hơn bạn tưởng.

Wednesday 19 December 2007

Làm cách nào để biết?

(Không thấy ai đăng, đem lên blog chơi vài bữa.)

Câu hỏi phỏng vấn Đoàn Minh Phượng


Và khi tro bụi được viết bằng thứ văn nhiều khi gợi cho độc giả cảm giác “người viết không phải là người Việt”. Chị có nghĩ vậy không? Thế nào là “văn của người Việt?” Văn phong của chị có liên quan thế nào đến cuộc sống và trải nghiệm cá nhân của chị?

Khi ở nước ngoài, tôi là người Việt. Khi về nước, tôi là một người không hẳn là người Việt. Cách viết của tôi cũng vậy, nó là của một người Việt sống ở đâu đó nên thiếu chất Việt. Đó là do người ta nói, chứ trước đó tôi không biết điều đó. Tôi luôn nghĩ rằng tôi viết bằng tiếng Việt.

Chị thường đọc những nhà văn nào? Chị tự thấy mình chịu ảnh hưởng nhà văn nào khi viết Và khi tro bụi?

Nếu mình biết trước cuốn sách mình sắp viết chịu ảnh hưởng một ai đó thì không nên viết. Tôi chỉ có thể nói về một hoặc hai trong số những cuốn sách quan trọng đối với tôi, từ những thời đại và trường phái rất khác nhau. Ảnh hưởng nếu có, tuy có thể sâu nhưng chắc chắn là rất mơ hồ vì mênh mang.

Antoine de Saint-Exupéry nổi tiếng vì một cuốn sách nhỏ rất đẹp viết cho trẻ con, còn tác phẩm lớn nhất viết cho người lớn của ông thì không viết xong. Tôi nghĩ cuốn “Citadelle” là một trong những cuốn quan trọng nhất với tôi, và sự dở dang của nó luôn luôn làm cho tôi muốn viết.

Nhưng thời của ông không phải là thời của tôi.

Hầu như nhà văn nào cũng nghĩ thời của mình đầy chông chênh. Có lẽ vì nếu sống trong một thế giới thăng bằng, họ đã không viết. Biết vậy, nhưng tôi vẫn tiếp tục nghĩ, như họ đã nghĩ, rằng thời của chúng ta, của tôi, là chông chênh nhất. Với những hoài nghi và lơ đãng bây giờ, chúng ta mất đi nhiều sự quyết liệt và những nét đậm viết xuống có thể làm rách giấy. Khi cái chết bị cướp đi ý nghĩa thì cái sống cũng nhạt đi. Tôi đọc cuốn “City of Glass” của Paul Auster và thấy một thành phố New York bị mất nét, nhạt nhòa trong cái nhìn của một người cố gắng làm cho xong một sứ mệnh nhỏ trong thành phố đó và rồi (hình như) chết vì nó mà vẫn không biết sứ mạng đó ra sao và mình đánh mất nó lúc nào. Trong lúc tâm tưởng còn vướng lại trong sự hoang mang đó, tôi đọc một ít bài thơ Phục Hưng, lúc dư âm của thời Trung cổ còn rất rõ, thời mà thi ca gần như luôn được hiểu là meditatio mortis, sự chiêm nghiệm về cái chết, trong truyền thống của Socrates, người đã nói rằng sứ mạng sâu xa nhất của triết học “luôn luôn là theo đuổi cái chết và sự qua đời”. Nhân vật của tôi tự hỏi câu hỏi mà trước đó rất lâu, dài như ký ức của loài người, người ta đã hỏi. Câu đó là: “Cái chết là sự chia ly, hay đoàn tụ?” Tôi mở đầu cuốn truyện bằng câu trả lời của Vaughan: cái chết là sự trở về, nghĩa là đoàn tụ. Nhưng khi truyện bắt đầu thì sự hoài nghi làm nhòa hết hình ảnh đó.

Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê rời Việt Nam sang Pháp năm 14 tuổi, viết bằng tiếng Pháp và, nếu tôi không lầm, mang một tâm thế khác với hầu hết các nhà văn Việt Nam; cô không mấy tỏ ra đau đáu với quê nhà Việt Nam, hay, như chính lời cô nói, cô “khước từ những tình cảm lệ thuộc”. Nói cách khác, Linda Lê hình như không gặp vấn đề khi “hội nhập”, cô đường hoàng bước vào ngôi nhà văn chương Pháp như thể đó là nhà mình, tuy cô vẫn tự nhận là “người ngoại quốc viết tiếng Pháp với niềm kiêu hãnh”. Chị có nghĩ rằng nếu chị rời Việt Nam ở một lứa tuổi tương tự như Linda Lê thì chị sẽ khác chị bây giờ, có thể sẽ viết bằng tiếng Đức, và cuốn sách đầu tiên của chị không phải là về một cuộc chạy trốn/tìm lại bản ngã?

Vào năm 14, 15 tuổi bao hạt giống tình yêu và các mơ ước đã gieo, cây non đã mọc. Đem cây ấy đi trồng trên một mảnh đất khác, dưới những cơn mưa khác, nó có thể trở thành một cái cây khác nếu nó muốn. Còn nếu không muốn, nó vẫn có đủ những thứ bên trong để định nghĩa mình. Lịch sử văn học thế giới có rất nhiều những nhà văn di dân, có người chọn nơi mình đến, có người chọn nơi mình từ đó bước đi để làm quê hương trong lòng, có người không chọn một nơi nào cả. Có người thấy một con tầu, một hòn đảo hợp với mình hơn tất cả các quê hương khác, như Conrad chẳng hạn.

Nhà văn đoạt giải Nobel văn chương 2007 O. Pamuk, trong Chương 1 cuốn hồi ký Istanbul của mình đã viết: “Conrad, Nabokov, Naipaul là những nhà văn nổi tiếng bởi đã tìm được cách di cư giữa các ngôn ngữ, các nền văn hóa, các xứ sở, lục địa, thậm chí giữa các nền văn minh. Trí tưởng tượng của họ được nuôi dưỡng bằng sự lưu vong, một dưỡng chất không phải qua cội rễ mà qua tình trạng không cội rễ.” Theo chị, đằng nào hơn: gắn chặt vào cội rễ Việt, hay tìm thấy dưỡng chất tinh thần cho mình trong hoàn cảnh “không cội rễ”? Nói cách khác, trở thành “công dân thế giới” thì hơn, hay “là người Việt” thì hơn?

Thật ra, một người sinh ra, lớn lên rồi chết trên quê hương của mình vẫn có thể là một người lưu vong. Ở Đức thời chiến tranh đã có hẳn một trường phái tên là “Innere Emigration” (“sự lưu vong bên trong”). Sau chiến tranh, nó không còn lý do chính trị để tồn tại nữa, nhưng sự lạc loài trong lòng thì vẫn có thể tồn tại bất cứ ở đâu, lúc nào, với ai.
“Công dân thế giới” là một cụm từ tôi luôn luôn tránh dùng. Những người nổi tiếng, giỏi giang hoặc giàu có, đi về giữa những thành phố lớn, toan tính những chương trình quốc tế, thường được gọi hay tự nhận là “công dân thế giới”. Họ hiểu gì về cuộc đời những người ở sống trong sa mạc, của những người khuân vác qua các rặng núi đầy tuyết, họ biết gì về việc làm người ở một nơi nào đó trên trái đất? Tôi thì kêu về Cà Mau nhìn những đứa trẻ chăn vịt như Nguyễn Ngọc Tư đang nhìn cũng chưa làm được, làm người Việt còn chưa xong nói gì tới làm công dân thế giới.

Với Paris 11 tháng 8 T mất tích, Thuận - nhà văn người Việt ở nước ngoài từng được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam trước chị - dường như đang rất nghiêm túc và tâm huyết dấn mình vào những thử nghiệm văn chương. Nếu tiếp tục viết văn, chị có sẽ tự cam kết sẽ tiến hành những thử nghiệm văn chương không? Nếu không, những thử nghiệm nào là quan trọng hơn đối với chị?

Tôi cũng nghĩ như bạn là Thuận theo đuổi việc viết văn một cách nghiêm túc. Có vẻ như cô ấy không đặt cho mình mục đích nào quan trọng hơn trong đời, nên có thể tập trung được. Cô ấy cũng còn trẻ, nên có thể ung dung tiến hành những thử nghiệm, là chuyện cần làm trong mọi ngành nghệ thuật. Tôi thì thường hoang mang giữa những công việc khác nhau, và cũng không còn trẻ. Tôi viết, vì đôi khi thấy mình không thể không viết, sáng ngủ dậy nhìn người trong gương không biết đó là ai nên phải viết để tìm lại một cái gì đó, một con người nào đó đang mất dần trong lúc bận làm ăn. Và một câu chuyện - những mẩu chuyện, muốn được kể, giống như những giọt đọng lại từ hơi nước, để có được một hình thù, chút sức nặng và có thể rơi xuống. Viết vì lý đo đó, có chỗ cho thử nghiệm không? Có lẽ không. Nếu tôi làm phim, thì sẽ có những thử nghiệm. Thử nghiệm cách chạm được khán giả của mình qua giác quan và cả vô thức của họ. Công việc đó sẽ thú vị. Nhưng cuối cùng viết vẫn quan trong hơn. Làm phim có thể là một đam mê, viết thì không có gì để mê, nhưng lại là chuyện cần thiết.

Những trải nghiệm và suy tư nào trong quá trình làm phim và các việc khác đã giúp ích cho chị trong quá trình viết văn? Chị có tin ở khả năng cộng sinh giữa các thể loại nghệ thuật khác nhau không? Bộ phim sắp tới của chị - nếu có - liệu có thể mang dấu ấn của một đạo diễn mà bản thân là người viết tiểu thuyết không?

Tôi nghĩ văn và phim là hai hình thức nghệ thuật cạnh tranh với nhau, vì cùng mang mục đích kể chuyện. Bạn mất bao lâu để đọc “Chiến tranh và hòa bình”? Phim thì chỉ 2 tiếng, hoặc 2, 3 lần 2 tiếng. Peter Brook dựng sử thi “Mahabharata” 9 tiếng, nhưng muốn bán được DVD thì phải cắt xuống còn 3 tiếng, vẫn còn làm cho nhiều người thở than vì quá dài.

Người xem phim rất ít kiên nhẫn. Có lẽ vì giữa hai định nghĩa: phim là một hình thức giải trí; và: phim là một hình thức nghệ thuật, định nghĩa đầu vẫn lấn áp hơn. Một phần tư thế kỷ trước, Tarkovsky nói rằng làm phim là đắp tượng (không phải bằng đất sét mà) bằng thời gian. Tôi nhìn quanh, trong số các đạo diễn đương đại tôi chỉ biết có một đạo diễn Nga Yevgeni Yufit là còn ung dung dùng thời gian như chất liệu để sáng tác, còn thì người ta phải kể chuyện theo cái nhịp mà công chúng đòi hỏi (xin nói rõ là tôi rất ít xem phim, nên chắc chắn bỏ sót nhiều người khác cùng quan niệm với Tarkovsky về điểm này). Riêng việc phân công đạo diễn và người dựng phim là hai người, đủ biết công nghệ làm phim không xem thời gian là chất liệu của người sáng tác. Bạn có thể tưởng tượng một nhạc sĩ chỉ viết các nốt nhạc và giao việc chia nhịp cho một người khác không? Nhưng với phim thì như vậy đó.

Trở lại với câu hỏi về sự cộng sinh giữa văn và phim. Phim, vì ít “mất” thời gian, nên sẽ cướp đi nhiều người xem của văn học. Nếu được xem như một phương tiện chuyển tải, thì phim là phương tiện ít dân chủ vì dùng nhiều hiệu ứng để điều khiển tình cảm người xem. Trong khi sách chỉ có bảng chữ cái, chất liệu của người viết, cuối cùng, có phải chính là lý trí, xúc cảm, ký ức và trí tưởng tượng của người đọc hay không?

Ai đó có thể suy luận một cách không phải không có cơ sở rằng, giải thưởng đang được trao cho các nhà văn ở nước ngoài như một động thái chứng tỏ sự đổi mới trong cách nghĩ của Hội Nhà văn Việt Nam về “tác giả người Việt ở nước ngoài”, chứ không thuần túy bởi giá trị tự thân của tác phẩm. Chị có nghĩ vậy không? Chị có đến nhận giải thưởng không?

Nếu giải thưởng được trao không phải bởi giá trị tự thân của tác phẩm, thì tôi sẽ không có lý do gì để nhận. Nhưng làm cách nào để biết được tại sao có giải thưởng đây?

Trần Tiễn Cao Đăng thực hiện

Monday 10 December 2007

Về nghỉ ngơi thôi?

Không mua hàng Tàu, đi du lịch Tàu, nghe nhạc Tàu, xem phim Tàu để phản đối việc xâm chiếm lãnh thổ.

Không thể vừa mê say phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu tuyên truyền cho chủ nghĩa Đại quốc, vừa la lối khi bọn nó cướp đất của mình.

Phải tìm kiếm Cultural Emancipation, không đương nhiên chấp nhận các giá trị của Tàu là chuẩn mực từ đời này qua đời khác.

(Tựa lấy từ entry này của Người Buôn Gió)

Monday 3 December 2007

Túm tóc tát tai

Năm đó, chúng tôi quyết định cho con trai vào lớp 1 trường Việt. Vì không có hộ khẩu, không hy vọng gì xin vào được trường công. Chúng tôi tìm được một trường tư ở quận 3.

Tôi xin gặp ban giám hiệu, nói rằng con tôi học mẫu giáo ở nước ngoài, tiếng Việt chỉ học ở nhà, đọc và viết không bằng các bạn cùng lứa trong nước. Ban giám hiệu rất tử tế, hứa hẹn sẽ hết lòng nâng đỡ cho em hội nhập.

Chỉ trong vòng một tuần lễ đầu, em bị cô giáo 2 lần một tay túm tóc, một tay tát vào mặt vì em không đọc được hoặc đọc không đủ lớn. Đến chiều má vẫn còn dấu tay. Kim bị sốc kinh khủng vì từ bé chưa biết mùi "giáo dục" ở quê mẹ.

Nhà trường đã thất hứa, và cô giáo quá hung bạo. Tôi phải cho con chuyển trường. Nhưng ít nhất cũng phải đến túm tóc tát tai cô giáo đã chứ.

Tôi tưởng tượng một người phụ nữ ác độc, thô bạo. Nhưng khi đến lớp, tôi chỉ gặp một bà khá già, lụm khụm. Tôi phân vân không biết đó là cô giáo hay bà lao công. Khi mấy đứa trẻ xác nhận với tôi đó là cô giáo, tôi bắt đầu hỏi lý do bà đánh trẻ. Tôi nhận ra bà giáo không hiểu tôi nói gì, vì lãng tai nặng. Tôi vừa nói vừa la hét vào tai bà ấy, nhưng bà ấy cũng không hiểu hoặc là giả vờ không hiểu, trả lời không đâu vào đâu.

"Trẻ con mới vào lớp 1, không biết đọc thì dạy cho em đọc, chứ sao lại túm tóc đánh?"
"A, đây là lớp 1B, còn lớp 1A thì ở dãy bên kia. Có đến 4 lớp 1."
"Mới nhập học đã bị đánh như thế làm sao em mong tới trường nữa?"
"Tôi đi dạy đã hơn 30 năm."
"Làm cô giáo lâu năm không có nghĩa là có quyền đánh trẻ con."
"Trước tôi dạy trường công, hưu rồi chuyển qua trường tư. Học trò cả ngày la ầm ầm chịu không nổi."

Tôi ngạc nhiên, lãng tai như vậy sao lại chịu không nổi tiếng ồn. Lúc đó bọn học trò ngồi thin thít trong lớp, không có đứa nào dám động đậy.

Lúc rời trường, tôi hoang mang hơn lúc đến. Tôi vừa nói chuyện với một người lãng tai nhưng không muốn nhận điều đó, hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh mình vì không nghe, không hiểu. Một người già, tướng khổ sở, bà ấy ở ngoài đường, nếu xòe tay ra, chắc chắc bạn sẽ móc tiền bỏ vào đó kèm một lời hỏi thăm. Một người bạn không chắc đã mất trí hay còn.

Hình ảnh một hung thần như thế sao? Tôi làm gì với bà ấy đây?

Kim nói rất giỏi, nhưng từ đó, nhất định không chịu học đọc tiếng Việt.

Monday 26 November 2007

Câu chuyện giáo dục

Không phải chuyện sản xuất 2 trăm ngàn tiến sĩ. Chuyện nhỏ hơn nhiều.

Cháu tôi, 11 tuổi, mỗi ngày đi học vác đi vác về 1 tấn sách vở. Lỡ quên quyển vở, cây thước thì bị đánh, bị phạt, nên con bé không dám theo thời khóa biểu để bớt ở nhà những thứ không cần, cứ mang đi hết cho chắc ăn. Cặp nặng quá, đi học oằn hết cả người. Xương nó còn non, mang sức nặng không cân bằng lâu ngày người có thể bị oặt sang một bên. Cách giải quyết nhanh chóng hiệu quả nhất trước mắt là cho cháu mang ba lô, để sức nặng của sách vở chia đều ra hai vai. Nhưng nhà trường (ở ngay TP HCM, không phải ở quê) không cho phép, bắt học sinh phải mang cặp và chỉ được phép xách cặp bằng một tay.

Chuyện này đã có người nói trên báo khoảng 5 năm nay rồi. Mà tới nay, cả hai cái bộ Y tế và bộ Giáo dục cũng không hợp sức giải cứu mấy đứa bé. Tại sao người lớn cứ suốt ngày tìm cách hãm hại trẻ con vầy nè trời?

Wednesday 21 November 2007

The Retreat

Henry Vaughan
1621 - 1695

The Retreat

Happy those early days, when I
Shin’d in my Angel-infancy!
Before I understood this place
Appointed for my second race,
Or taught my soul to fancy aught
But a white celestial thought:
When yet I had not walk’d above
A mile or two from my first Love,
And looking back—at that short space—
Could see a glimpse of His bright face:
When on some gilded cloud, or flow’r,
My gazing soul would dwell an hour,
And in those weaker glories spy
Some shadows of eternity:
Before I taught my tongue to wound
My Conscience with a sinful sound,
Or had the black art to dispense
A several sin to ev’ry sense,
But felt through all this fleshly dress
Bright shoots of everlastingness.

O how I long to travel back,
And tread again that ancient track!
That I might once more reach that plain
Where first I left my glorious train;
From whence th’ enlightned spirit sees
That shady City of Palm-trees.
But ah! my soul with too much stay
Is drunk, and staggers in the way!
Some men a forward motion love,
But I by backward steps would move;
And when this dust falls to the urn
In that state I came, return.

Saturday 27 October 2007

Đường nào ra biển?

Hình như TT là tờ đưa tin về giải thưởng năm nay của HNV đầu tiên. Hình như lúc đầu tựa báo là “Không có giải thơ và phê bình văn học”. Dùng một câu phủ định (negative phrase) để làm tựa hoặc câu đầu bài, là điều một người mới tập viết báo cũng phải tránh. Is the glass half empty or half full? Thông thường, một giải thưởng, đáng lẽ phải half full, phải là một tin vui cái đã. Báo TT năm nay dường như không thấy vui.

Một giải thưởng văn học không làm cho tác phẩm hay hay dở hơn bản thân nó. Nói một cách tuyệt đối, giải thưởng không đóng góp làm tăng hay giảm giá trị tác phẩm.

Nhưng giờ phút này, ở đây, giải thưởng này có ý nghĩa với tôi. Tôi tin rằng chúng ta cần có các giải văn học. Lúc này là lúc người viết dễ bỏ cuộc nhất, họ ở nowhere land. Phần lớn người đọc trí thức chê văn học của người Việt viết, còn người đọc không trí thức thì không màng tới văn học. Vậy còn lại ai, ở đâu? Người viết không những không tìm được gạo tiền, mà cũng không có đất để ngồi, nước để uống. Nowhere.

Vào các diễn đàn trên mạng, tôi thường thấy người ta chê các người viết trẻ rã rời, và luôn luôn có một người nào đó nhảy vào kết luận: “Tớ thì tớ không bao giờ đọc truyện Việt Nam, phí thì giờ vô ích.” Thất vọng đem lại định kiến, định kiến tàn phá môi trường văn học, rồi môi trường buồn thảm đem lại sự thất vọng. Một cái vòng trong rất nhiều cái vòng của thời chúng ta.

Số người viết ở nước ta không nhiều. Trong môi trường này, điều đó dễ hiểu. Chắc chắn là có nhiều người tài năng đáng lẽ đã viết, nếu có một môi trường, một không khí tốt hơn. Cứ vài thế kỷ có thể có một thiên tài từ trời rơi xuống bất kể môi trường ra sao, nhưng chuyện đó hiếm. Thông thường thì phải có rất nhiều người bắt đầu đi, để có vài người đến nơi. Các bạn có xem phim các con rùa biển đi đẻ trứng trên động cát không? Các bạn có nhớ sau khi trứng nở có bao nhiêu con rùa con không ra được đến biển không? Vì yếu sức hoặc bị chim ăn, vô số chết trên đường. Số ra đến biển rất ít, ít một cách vô vọng. Nhưng con số dù ít ỏi, tất cả loài rùa vẫn phải sống cho ngày đẻ trứng. Đến mùa, các con rùa lớn lặn lội hàng chục ngàn cây số, quay về những bãi mà chúng biết, vất vả đi lên động cát, đẻ một ổ trứng, hoàn toàn không biết có con rùa con nào từ những cái trứng mình đẻ sẽ đến được biển không. Qui luật của thiên nhiên bắt rất nhiều con phải chết trên đường để chỉ vài con sót lại như vậy, thì qui luật của văn học không có lý do gì mà ít hà khắc hơn.

Nhưng hiện giờ, chúng ta có rất ít trứng trên cát. Những còn rùa lớn không màng đi đẻ trứng, cũng không ai khuyến khích cả. Chỉ có một sự lạnh lùng khủng khiếp.

Tôi chỉ là một con rùa nhỏ chưa ra được đến biển. Trên đường bò ra, đã lắm lúc muốn lăn quay chỏng bốn chân lên trời chết cho rồi, như thế khỏe hơn. Một con rùa lười biếng như thế thì làm sao biết hiến kế gì để cứu loài rùa biển.

Tôi chỉ có 2 xu này: (tôi rất kém trong suy nghĩ chính trị, nhưng cũng cứ nói ra suy nghĩ của mình) nó như sau: Các giải văn học cần được củng cố, cần gây được lòng tin, cần có một giá trị nào đó. Để còn có gì gây kích thích cho người viết, chứ cứ bắt dòng văn học phải “chảy âm thầm”, lâu ngày không ra nắng, có lúc sẽ tắt mất.

Còn làm sao để giữ uy tín cho một giải văn học tên tuổi lâu đời trong một thời như thế này, thì tôi không biết. Tôi không biết tác phẩm dịch của Hữu Việt và VKTB có phần nào làm nổi việc đó hay không. Nếu không làm nổi, ít nhất tôi cũng sẽ không làm gì gây hại thêm nữa, như việc từ chối giải thưởng chẳng hạn.

Friday 26 October 2007

Yên ắng

Trích bài của Bảo Anh, đăng trên phongdiep.net:

"Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, sau khi ra mắt (năm 2006) đã được giới thiệu trên báo Tuổi trẻ - vốn được coi là một trong những nơi có những chiêu thức PR hiệu quả (ví như trường hợp làm với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư), tuy nhiên sau đó, dư âm về cuốn sách từ phía độc giả cho tới nay vẫn khá yên ắng.

(...)

Dự báo trong nhiều ngày tới đây, câu chuyện giải thưởng sẽ tiếp tục bị đào xới. Chỉ vì người ta thấy hồ nghi. Và một giả định được nêu ra: Các thành viên trong Hội đồng giải thưởng có dám đứng ra, từng người một, giải trình về lá phiếu mình đã bỏ. Tại sao không phải A mà lại là B? Kiểu như thế. Chúng ta có làm được không?"


Bắt đầu được ném đá nhẹ nhàng rồi đây.


Thursday 25 October 2007

Trên bàn có hoa cúc

Tôi ăn tối một mình trong một quán nhỏ, ở một tỉnh nhỏ, ở Đức. Các bàn đều có người ngồi, nhưng quán không ồn, vì ai cũng nói khẽ. Vì đi một mình, tôi được sắp ngồi ở cái bàn tròn nhỏ nhất của quán, gần nơi máng áo khoác.

Mọi người nói chuyện rì rào, bao nhiêu người, bao nhiêu là câu chuyện. Nhưng từ nơi tôi ngồi, ngôn ngữ không có ý nghĩa gì cả, chẳng hơn những thứ khác của căn phòng, những thứ góp vào để tạo một không khí nào đó. Như ánh sáng từ nến, như nhiệt độ trong phòng, như tranh trên tường, hoa trong bình, và mùi thức ăn vừa dễ chịu vừa buồn nản trong không khí tôi thở. Rồi có khi, tâm trạng con người, tâm trạng của tôi, trong giờ khắc này, sự buồn nản dễ chịu này, cũng chỉ là một thứ trang trí, góp vào, để căn phòng có đủ các thứ làm nên một cái quán.

Trên bàn có 6 cái hoa cúc vàng nhỏ và 3 cái hoa hồng tường vi nhỏ màu hồng nhạt, cũng nhỏ, cắm trong một cái bình gốm có quai trước kia dùng đựng rượu vang nhưng lâu lắm rồi không ai mang rượu vang ra bàn trong những chiếc bình như vậy nữa. Bây giờ người ta dùng chúng để cắm hoa. Cạnh bình hoa có một cây cắm nến. Nến đang cháy. Hoa nhỏ và nến cũng tạo nên một chút đằm thắm nhỏ nhoi, cũng là một thứ quê hương nào đó, tầm thường quá không ai đặt tên cho nó, không ai nhớ, hay là quên.

Tôi lạnh lùng với thứ quê hương đó. Thật bất công. Tôi uống rượu và muốn biết khi ra về mình có hài lòng đã đến đây hay không. Người ta chỉ muốn nói về sự hài lòng hay không hài lòng của mình, không ai nghĩ tới những cái hoa cúc nhỏ, chúng ở đó trong chiếc bình đó, trong ánh sáng đó, để tạo cho tôi một chút đằm thắm dù rắng tôi sẽ không bao giờ nhớ tới chúng khi bước khỏi cái quán này. Giản dị vì chúng quá nhỏ, giá rất rẻ. Còn những hoa hồng nhỏ cuối thu, trời đã lạnh, chúng còn đó vì đã được trồng trong nhà kính. Rời nhà kính để đên đây mang lại chút đằm thắm nhỏ cho tôi, chúng sẽ không bao giờ nở. Những cánh hoa sẽ héo trước khi mở ra, mở ra các lớp cánh của hoa hồng.

Vậy đó, một đêm có rất nhiều thứ, thứ nào cũng nhỏ, như một bức tranh chỉ có hoa cỏ làm nền chứ không có nhân vật chính. Xúc cảm của tôi cũng vậy, ký ức của tôi cũng vậy, tất cả đều nhỏ nhoi và mờ nhạt. Ngay cả một nỗi nhớ để hồn phách mình trôi vào đó, cũng không có.

Thursday 27 September 2007

Vì ở Cần Thơ trời có mưa

Một số báo đã bắt đầu kêu gọi quyên góp cứu trợ cho nạn nhân vụ sập cầu ở Cần Thơ và gia đinh họ. Đau thương về tinh thần không có gì bù đắp được và mỗi chia sẻ dù bằng lời hay trong im lặng đều cần thiết và quí báu. Nhưng đau thương về vật chất thì hoàn toàn có thể và bắt buộc phải thực hiện được một cách cụ thể bởi những người có trách nhiệm chứ không phải bởi cộng đồng.

Nếu một chiếc máy bay rớt, hãng máy bay hoặc hãng bảo hiểm của họ phải đền bù tổn thất của hành khách theo luật quốc tế, dù máy bay rớt vì con người, kỹ thuật hay thời tiết cũng vậy. Cũng như hãng máy bay phải làm mọi cách bảo vệ nhân mạng hành khách mình, nhà thầu không có quyền đưa công nhân vào chỗ chết. Khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm là ở họ.

Người ta chỉ kêu gọi đến đóng góp tiền bạc của công chúng trong các trường hợp thiên tai, hoặc khi mức thiệt hại vật chất quá cao khiến người gây ra nó không gánh vác nổi. Một công trình 5000 tỉ không thể không có bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm, thì các chủ thầu cũng đủ khả năng đền bù xứng đáng theo luật quốc tế. Và chắc chắn họ phải làm điều này.

Kêu gọi đóng góp tiền bạc từ công chúng tức là công nhận cầu sập do thiên tai, không có người chịu trách nhiệm cho việc đã xảy ra. Dù máy bay có rớt vì mưa, hãng máy bay vẫn phải đền bù cho nạn nhân vì bổn phận của hãng máy bay là chỉ bay khi thấy đủ an toàn.

Đây không phải là thiên tai. Kêu gọi đóng góp từ công chúng là một cách nói rằng vụ này là thiên tai và con người không chịu trách nhiệm.

Monday 24 September 2007

Tội lỗi hồn nhiên



Gummersbach, một thị trấn nửa quê nửa chợ cần Cologne, có một cộng đồng nhỏ gồm mười mấy gia đình người Việt Nam sinh sống. Trước họ là Việt kiều tại Pnom Penh từ nhiều đời, khi Pol Pot lên, họ kịp chạy sang Thái Lan, rồi được đưa về đây định cư.

Trong số họ có một cô gái trẻ yêu một cậu trai trẻ. Gia đình cô không ưng, vì họ thù ghét gia đình cậu trai. Cặp tình nhân bèn quyết định có con với nhau để lấy được nhau. Nhưng khi cô gái mang bầu thì gia đình cô càng chống đối quyết liệt hơn. Họ bỏ cô vào buồng khóa lại, vậy là cô phải bỏ học, không thư từ được với người yêu. Cô bị giam trong suốt thời gian mang bầu.

Một buổi sang tháng năm thư ký của một người quen làm luật gia, dân biểu gọi điện thoại nhờ tôi đi làm thong dịch cho ông ta tại một bệnh viện. Tôi đến ăn sáng ở nhà ông, rồi ông đưa tôi lên chỗ ấy, một bệnh viện ở vùng ngoại ô Cologne. Tôi không thích tả một buổi sáng mùa xuân đầy nắng mới ở một vùng đồi núi ngoại ô châu Âu, nó quá đẹp và dễ chịu, nó thường khiến tôi buồn đâu đâu, có lẽ vì nó làm tôi thấy cuộc đời đầy những chuyện loanh quanh, đầy thương nhớ chứ không nhẹ tênh như một ngày đầu mùa. Vào mùa thu, những chiếc lá lìa cành gợi nghĩ đến cái chết, còn những cánh hoa mận, hoa táo lìa cành bay trong gió mùa xuân thì nhẹ tênh, như những cuộc chia ly chưa kịp biết yêu thương.

Tôi được dẫn đến phòng cô gái mang bầu mà tôi nói ở trên, một ngày trước khi con cô chào đời. Ông luật gia dân biểu là người đã xin cho nhóm gia đình tỵ nạn này sang định cư trong khu vực bầu cử của ông, nên hôm nay ông đến tỏ cử chỉ chăm lo đến số người này khi họ có việc.

Cô gái còn vị thành niên. Trên giấy tờ cô mới 16 tuổi, nên cha mẹ đã thay cô ký giấy giao vĩnh viễn đứa con sắp sinh cho sở thanh thiếu niên để họ làm thủ tục cho con nuôi. Tôi nhìn cô, đoán tuổi thật của cô chừng 20 tuổi. Những người mới định cư trẻ thường khai tuổi ít đi để được hưởng những trợ cấp giáo dục hoặc học nghề dài hơn.

Tôi được đưa đến đây để thông dịch, nhưng chỉ thông dịch một chiều, nghĩa là những gì mọi người muốn nói với cô, chứ không có những gì cô muốn nói với họ, vì cô gái hoàn toàn im lìm. Lâu lắm rồi cô không hề mở miệng nói một lời nào với ai. Cô không khóc, không để lộ vẻ chống đối hay khuất phục, buồn hay vui. Cô chỉ im lặng. Cha cô đầy hận thù, có lẽ ông muốn mắng chửi cô. Mẹ cô đầy mệt mỏi, có lẽ bà muốn an ủi cô. Nhưng cô không hề phản kháng để cha có thể mắng chửi, không hề than khóc để mẹ có thể an ủi. Cô chỉ ngồi ở mép giường, im lìm, không nhìn một ai, một vật gì. Cô không đưa tay sờ bụng như những phụ nữ chửa to thường làm. Cô không vén tóc, không co chân lên vịn lấy đầu gối. Cô không chạm lấy thân thể mình.

Bác sĩ đến và muốn nói chuyện với cô. Tôi được yêu cầu thông dịch những lời dặn dò trước ca mổ vào ngày hôm sau. Nhân viên sở thanh thiếu niên và nhân viên y tế quyế định là không chờ cô chuyển dạ đẻ mà sẽ định ngày mổ để lấy đứa bé ra vì như thế sự ràng buộc giữa cô và đứa bé sẽ ít đi. Cô sẽ mang nặng chứ không đẻ đau. Sẽ không nghe tiếng đứa bé khóc chào đời, nhìn người ta cắt rốn cho nó rời nhau mẹ. Cô sẽ vào phòng nằm chờ người ta chụp thuốc mê. Khi tỉnh dậy cô sẽ chỉ còn một mình với một vết thương đã được khâu. Sẽ không còn đứa bé trong bụng hay bất cứ nơi nào trong đời. Mọi chuyện sẽ qua đi như chưa bao giờ có thực.

Tất cả mọi người, bác sĩ, y tá, nhân viên sở thanh thiếu niên, nhân viên xã hội của nhà thờ, kể cả người lau nhà, ai cũng nhờ tôi dịch mãi một câu: Em cần gì không? Tôi giúp được em điều gì không? Và cô luôn luôn lắc đầu. Điều duy nhất cô muốn được giúp, cô biết họ sẽ không làm.

Buổi tối tôi về, lúc nằm trên giường chờ giấc ngủ, tôi tưởng tượng nếu mình là cô gái ấy mình sẽ làm gì đêm nay. Giản dị là tôi sẽ trốn ra khỏi bệnh viện, tìm đến nhà người yêu là cha đứa bé trong bụng hay là đến nhà một người quen rồi nhắn cậu đến gặp. Nhưng có lẽ cô gái không làm thế. Cô không biết tiếng Đức. Có những việc vô cùng quan trọng mà người ta không làm giản dị vì không nói được ngôn ngữ của nơi mình đang ở. Cô sẽ không tưởng tượng được làm sao để hỏi mình đang ở đâu và có tuyến đường xe buýt nào về nơi cô muốn đến hay không. Hoặc cô không có tiền mà không biết hỏi mượn ai. Cô bị gia đình cầm tù suốt nhiều tháng, và cô không tưởng tượng, không sửa soạn sẽ làm gì vào cái đêm duy nhất bên ngoài cái nhà tù ấy. Đêm duy nhất trước khi người ta, những người thân yêu, những nhân viên y tế, xã hội, những người chuyên làm các công tác nhân đạo đưa cô vào phòng gây mê để rạch một vết thương trên bụng cô và với con dao mổ ấy dằn lấy tất cả những gì cô muốn tự định đoạt cho đời mình: ý muốn làm vợ người cô chọn và làm mẹ đứa con của chính mình.

Tôi không biết cô có viết thư cho người yêu hay không. Suốt buổi sáng ở bệnh viện tôi không hề nghĩ đến điều này, không hỏi tôi có giúp đưa cái thư ấy đến tay cậu hay không. Nếu biết điều sắp xảy đến với cô và đứa con cậu sẽ quyết định thế nào và cậu sẽ làm được gì?

Còn cô gái, cũng có thể cô quá mệt mỏi, có thể cô không còn ngay cả can đảm nhỏ nhoi để xin vài đồng xu của người lau nhà và hỏi thăm đường xuống căn tin tìm một cái điện thoại công cộng. Chỉ một năm hay vài tháng sau thôi cô sẽ biết nói tiếng Đức, cô sẽ khỏe mạnh, đi lại tự do, sẽ tự lập hơn nhiều. Lúc đó vết thương mổ ở bụng đã lành hẳn. Nhưng nếu vết thương mất con không chịu lành thì sao? Cô sẽ không có một cách nào được biết con mình sống chết ra sao, ở với ai, được nhìn thấy nó một lần duy nhất. Sở thanh thiếu niên đã liệu trước và ngăn ngừa hiệu quả những người đã cho con rồi lại muốn gặp con. Khi mạnh khỏe, tự lập cô sẽ nghĩ cuộc đời cô và con cô đã hoàn toàn khác hẳn nếu 5 hay 6 giờ sáng ngày hôm đó, tức là ngày mai, cô có một ít can đảm và vài đồng bạc để lần mò đến được một trạm xe buýt mà bỏ trốn. Còn tôi, tôi biết rất rõ trạm xe buýt nằm ở đâu, biết rất rõ là xe buýt ở Đức không hề có người soát vé hoặc tôi có thể cho cô mấy đồng bạc mà cô cần, tại sao tôi không giúp cô?

Tôi chỉ cần ngồi dậy lúc bây giờ là nửa đêm, gọi điện thoại cho một người bạn để mượn xe hoặc nhờ nó đến đưa tôi lên bệnh viện, nghĩ ra một lời nói dối nào đó để người trực đêm cho tôi vào phòng cô. Tôi sẽ vẽ cho cô một cái bản đồ để đi xe buýt, dúi cho cô những đồng bạc mà cô cần, rồi đi về. Phần còn lại là cô và số phận. Tôi chỉ cần một ít ý chí nhỏ nhoi thôi là có thể làm được chuyện này.

Vậy mà tôi cứ nằm mãi trên giường, với hơn một lý do để tôi không đi. Thứ nhất: đây không phải là chuyện của tôi. Thứ hai: cô ấy không hề nhờ tôi. Thứ ba: mọi người từ người thân đến người làm việc xã hội, chuyên môn và uy tín, đều đã quyết định như vậy. Họ hay tôi là những người được đi học và trả lương để sắp xếp xã hội, quyết định một số định mệnh con người? Thứ tư: biết đâu cô gái chỉ muốn chấp nhận tất cả những gì người ta sắp xếp cho cô. Tình yêu của cô dành cho người con trai, cho đứa con sắp chào đời và cho chính mình nó nặng quá, cô chỉ có thể mang nó trong tim chứ không thể gánh trên vai của mình. Và cuối cùng, nếu tôi giúp cô bỏ trốn, dù ở mức độ nào, dù với một cái bản đồ xe buýt và vài đồng bạc hay bằng cách dẫn cô ra xe của bạn tôi đang đậu chờ ở bãi và chở cô đi vì cô không dám đi một mình hoặc không có một nơi nào để đến, thì mọi người: cha mẹ cô, vị dân biểu, nhân viên sở thanh thiếu niên và nhân viên bệnh viện sẽ gán cho tôi những tội gì, tôi có sẽ gặp những lôi thôi về mặt luật pháp hay không vì cô gái còn ở tuổi vị thành niên.

Và tôi nằm mãi mà không có được quyết định nào. Sáng mai cô gái phải mổ. Cô không còn nhiều thì giờ. Ngày nào đứa con còn nằm trong bụng cô, cô còn có thể đem nó đi trốn. Khi nó bị mổ lấy ra rồi thì cô đã mất nó vĩnh viễn.

Và tôi không quyết định. Không quyết định luôn luôn có nghĩa là chối từ. Người ta vẫn thường thụ động và tê liệt vào những khoảnh khắc quan trọng. Và cuộc đời đi vào những ngã rẽ buồn thảm không phải vì chúng ta chọn nó như vậy mà vì chúng ta không quyết định điều ngược lại.

Hôm cô mổ tôi không đến bệnh viện. Hôm sau tôi đến thì cô ngủ, tôi chờ độ hai tiếng rồi bỏ về. Hai hôm sau nữa tôi lại đến. Cô vẫn vậy, hoàn toàn không nói chuyện với ai. Trông cô mệt mỏi, ánh mắt cô nhìn xuống thấp hơn. Cô không nhìn ai dù lạ hay quen. Không để cho ai nắm tay. Tôi ra ngoài nói chuyện với y tá trực.

Cô suốt ngày năm im không nói chuyện. Không ăn uống. Không khóc. Buổi tối, khi mọi người ngủ hết, cô sẽ lần mò theo chỗ có tiếng khóc con nít mà đi. Cô tìm được phòng nơi người ta đặt nôi con của cô. Phòng khóa cửa và cô không được vào. Nhưng phòng có một cửa kính nơi các cô y tá bế các đứa trẻ sơ sinh dơ lên cho cha mẹ phía bên ngoài nhìn vào. Không ai bế con cô đưa cho cô xem. Cô cũng không thể nào biết được con cô nằm nôi nào trong số gần hai mươi cái nôi trong phòng. Tất cả nôi đều đặt cao và có thành, đứng bên ngoài nhìn vào không thể thấy các em bé.

Vậy mà cô bám tựa vào khung kính và đứng như thế nhìn vào phòng mãi, không ai dẫn cô về giường cô được. Ngực cô căng lên, sữa chảy ướt đẫm phần áo phía trước. Cô đứng cho đến lúc ngất đi trước phòng trẻ sơ sinh. Ban ngày cô nằm im lìm trên giường mình không nói năng. Đên đến, khi bệnh viện vắng tanh, cô lại lần mò đến nơi cô tin là con mình nầm và tựa vào tường nhìn vào suốt đêm.

Đây là bản năng cô căng sữa nên tìm con để cho bú hay là một tình yêu tuyệt đối và tuyệt vọng chưa hề bị tình cảnh khuất phục?

Ngay cả tôi cũng bị từ chối cho biết con cô có còn nằm trong phòng sơ sinh hay đã được chuyển đi nơi khác, là con trai hay con gái và có hoàn toàn khỏe mạnh không.

Điều tốt nhất là cô nên quên đi tất cả. Và tất cả sẽ qua đi như một chuyện không có thực.

Còn tôi, tôi đã đến với cô cùng với vị dân biểu. Tôi thông dịch cho cô nghe những gì ông dân biểu, nhân viên sở thanh thiếu niên, nhân viên y tế muốn cho cô biết, chứ không phải những gì cô muốn biết. Với cô, tôi chỉ là một người trong bọn họ. Những người không bình đẳng với cô. Không bình đẳng vì họ quan trọng hơn cô. Vì họ là những con người đại diện cho những guồng máy, còn cô là một người cô đơn.

Tôi bỏ cô ra về. Sẽ không bao giờ tôi gặp lại cô nữa. Bên ngoài, mùa xuân mượt mà, những cánh hoa táo hoa mận mỏng manh, một nửa còn nằm trong ánh nắng ở trên cành, một nửa đã rơi lấm tấm trên đám cỏ mới lên. Bây giờ thì tôi biết tại sao mình không thích đi trong một ngày mới sang mùa hồn nhiên và nhẹ tênh: trái tim chúng ta thụ động, nhưng không vô tội. Sự hồn nhiên của chúng ta, nó không xa với tội lỗi là mấy.

(1998)

(Tựa do anh Nguyễn Trọng Chức đặt)

Friday 21 September 2007

tragic hero?

Có một bức thư của thầy today20 được cô ấy đăng trên blog và Linh đăng lại. Cái thư đó bắt đầu bằng một câu hỏi (“I’m curious what Vietnamese think about “evil”.) và chấm dứt bằng một câu hỏi (“Does Vietnamese have anything like the concept of a tragic hero?”).

Tôi nghĩ tới câu hỏi sau nhiều hơn câu trước. Tôi muốn viết gì đó về một nhân vật bi hùng của người Việt vào ô comment nhưng lạ thay, tôi không tìm được ai. Tôi không có câu trả lời, dù câu hỏi có vẻ rất dễ. Sau một lúc loay hoay tìm kiếm, câu trả lời của tôi cũng giống của Linh là: Việt Nam chỉ có tragic heroine, chứ không có tragic hero. Hầu như mọi nỗi buồn đều chất lên vai người phụ nữ, và họ chỉ trở thành người hùng sau khi đã chịu mọi điều oan khuất; sự hy sinh là đức hạnh đầu tiên, không có nó thì không có gì khác đáng nói. Khác với công thức người hùng của Hy Lạp, cuộc đời của Thúy Kiều và Thị Kính không bước vào ngã rẽ bi thảm sau một lỗi lầm hay nhầm lẫn của chính họ. Vì vậy, sự oan khuất là điều tuyệt đối.

Trong khi với một người phụ nữ sự hy sinh là đức hạnh lớn nhất, thì với một nam nhi nó có thể là một điều cho thấy sự kém cõi. Đàn ông khi cần chỉ nên hy sinh cho tổ quốc hay lý tưởng chứ không nên hy sinh vì mẹ hay vợ, như Thúy Kiều và Thị Kính đã hy sinh vì cha và chồng. Hy sinh cho người khác, tức là đặt tầm quan trọng của mình thấp hơn họ. Nam nhi không thể chấp nhận điều đó.

Đàn ông có thể hy sinh cho tổ quốc hoặc lý tưởng. Nhưng đó là những thứ trừu tượng, quá trừu tượng để thi ca có thể dựng nên tác phẩm về họ. Cái chết viên dũng tướng trên lưng ngựa thuộc về lịch sử, nỗi đợi chờ của người vợ mới thuộc về thi ca. Chúng ta học sử ở trường, sau thời cổ sử thì không còn một người phụ nữ nào nữa. Còn trong các tác phẩm thi ca lớn, rất vắng đàn ông (Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán).

Hay chính vì đàn ông từ chối làm một tragic hero, nên cũng không có hero là đàn ông. Ít ra là trong thi ca. Bởi vì, hình như, bi và hùng định nghĩa lẫn nhau. Không có cái chết, nỗi buồn, sự oan khuất, trăm cay nghìn đắng hay banh ngực dâng tim, người ta không biết lấy gì vẽ nên hình bóng một người hùng. Và rồi, nền văn hóa của chúng ta cũng không cần phải có họ.

x

Niềm tin Thiên chúa giáo ngay từ thuở ban đầu đã gặp mâu thuẫn với quan niệm về cái đẹp và bi kịch của Hy Lạp. Điều quan trọng nhất của Thiên chúa giáo là tự do của ý chí. Tự do chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu. Khi cái tốt và xấu đã được định nghĩa rõ rệt rồi (bởi người khác), thì tự do chẳng còn mấy ý nghĩa. Nên nhiều người sẽ bỏ bớt chữ free trong hai chữ free will. Nhưng dù free will hay will, người ta có sự chọn lựa, có ý chí, và chính ý chí này sẽ quyết định định mệnh của một người. Trong quan niệm về bi kịch Hy Lạp, sự chọn lựa chỉ định nghĩa được phẩm chất của nhân vật, chứ không quyết định được kết cục của câu chuyện. Định mệnh nằm trong tay thần thánh. Nhưng biết đâu, nhiều năm về sau, người ta được nhớ tới qua phẩm chất của mình ngay trong trung tâm cơn bão, chứ không phải qua kết cục của câu chuyện, rằng sau mọi khó khăn anh có được vua gả công chúa và ban thưởng nhiều vàng bạc hay không.

Nhưng chính Thiên chúa giáo cũng không vẽ nổi hình bóng người hùng mà không cần tới sự bi thảm. Bi kịch là định mệnh, mà Thiên chúa giáo thì không chấp nhận định mệnh. Tất cả sự mâu thuẫn này tự để lộ mình qua cách lịch sử Thiên chúa giáo đối xử với nhân vật Judas.

Judas bán Chúa lấy tiền. Và từ đó về sau, thế giới biết được là cái ác, cái xấu có thật, có thể nhìn thấy, kể lại được chứ không phải chỉ là một ý niệm. Sự ganh tỵ và tham lam khiến người ta làm ác. Sự tham lam được lịch sử ghi chép lại là 30 miếng bạc, bằng tiền để mua một nô lệ, một con số cụ thể, chứ không phải là một ý niệm trừu tượng. Sự ganh tỵ thì khó đo đạc hơn một chút, thôi thì cứ để nó hơi trừu tượng, cũng được.

Nhưng nếu Judas không bán Chúa, thì không có tragic hero chết một cái chết được biết trước trên thập tự, không có sự cứu rỗi, không có Thiên chúa giáo. Chắc chắn Jesus biết điều đó. Từ đó suy ra, như Kazantzakis đã làm trong cuốn Thử thách cuối cùng của Chúa, rằng Jesus đã yêu cầu Judas bán mình, chỉ là một bước ngắn. [Quả thật, điều này đã được xác nhận trong những trang Phúc âm của Judas mới tìm được và dịch ra gần đây, tuy rằng tại sao Jesus yêu cầu như vậy, theo Judas, thì khác với ý của Kazantzakis.]

Thiên chúa giáo không chấp nhận bi kịch Hy Lạp, vì không chấp nhận thần thánh và định mệnh, nhưng cuối cùng tragic vẫn là cách duy nhất định nghĩa một hero, và tragic thực sự luôn luôn là một loại định mệnh, vì nó được biết trước. (Ở đây, định mệnh được thay bằng chữ Ý Chúa, dù tôi cũng hoang mang không biết là ý của Chúa cha hay Chúa con, cũng như tôi vẫn hoang mang không biết hai người này là một hay là hai). Nếu chuyện PHẢI xảy ra như vậy, theo Ý Chúa, thì tại sao lại kết tội Judas?

Phải kết tội Judas, vì nếu không có người phản bội, thì không thực sự có sự bi thảm của một người chết oan ức, gánh lấy mọi cái xấu của thế gian để mà cứu rỗi cái xấu ở trong mọi con người.

Nhưng mà Jesus và Judas, ai chịu nhiều oan ức hơn?

Sau cái chết của Jesus trên thập tự, người ta tin rằng tội lỗi là có thật và sự đau đớn cần thiết để rửa xóa tội lỗi. Suffering trở thành nền tảng của tình yêu nhân loại.

Nhưng biết đâu, Jesus đã chết một cái chết hoàn toàn khác. Chẳng hạn như theo một giả thiết, Judas đã tin vào tiên tri của Cựu ước (không tin định mệnh sao lại tin tiên tri nhỉ), rằng một messiah sẽ cứu dân Do thái khỏi tay người La mã. Thấy Jesus càng ngày càng mờ nhạt và chẳng chịu làm gì để đánh La mã, Judas bèn giao Jesus cho lính La mã để buộc Jesus phải kêu gọi khởi nghĩa. Judas tin (cũng theo cựu ước) rằng Jesus bất tử. Đến lúc thấy Jesus chết, và chết rất đau đớn, thì Judas tự tử vì hối hận.

Hoặc theo Phúc âm của Judas, rằng cả Jesus và Judas đều theo Gnosticism (theo đó, thế giới nào dựa vào vật thể/vật chất đã là dựa vào cái ác) và đã ngộ đạo. Hai người cần làm những việc cuối cần làm trên dương thế, rồi đi về cõi bên kia. Không khác vài nhà sư Phật giáo của ta, giác ngộ rồi, đọc đủ từng ấy kinh kệ rồi, thì lên giàn thiêu để về niết bàn.

Nếu như vậy thì evil không có người đại diện [Jesus là ý chí của Chúa biến thành xương thịt, còn cái ác (ý chí của Satan) biến thành xương thịt thì tên của nó là gì? Banality? ("... the Banality of Evil", Hannah Arendt)], sự cứu rỗi bằng nỗi đau cũng không cần thiết. Biết đâu có một sự thật về Jesus khác với sự thật mà chúng ta được biết, mà nếu nó không bị dấu nhẹm đi, thì văn minh phương Tây đã rất khác.

Saturday 8 September 2007

Lần thứ nhì

Tiểu thuyết thứ hai, Mưa ở kiếp sau, nhà Văn Học xuất bản, vừa in xong.

Chân thành cám ơn Hồng Hạnh, Triều An, Hoàng Anh, Lan Anh, Hồng Quang, Nhật Linh.

Friday 7 September 2007

Đêm nghe tiếng em hát

Phòng đợi bến xe đò Đà Lạt – Sài Gòn có nước chè tươi và mứt gừng. Tôi đi chuyến quá nửa đêm một chút. Đêm Đà Lạt không lạnh lắm, nhưng tôi mặc áo khoác, để có hai cái túi to, chôm mứt gừng cho vào túi không thấy cộm. Đây là loại mứt gừng rẻ nhất trong các loại mứt gừng, không làm từ gừng non to củ, mà từ các loại gừng ế chợ, không thể cắt lát đẹp, mà to nhỏ dầy mỏng lung tung. Thường là gừng già đầy xơ, cay, ăn ấm bụng. Tôi thích vậy. Ăn vài miếng, bỏ thêm vài miếng vào túi để dành đi đường. Thấy không ai nói gì, lại chôm thêm vài miếng nữa.

Trên xe, thích nhất là được ngồi chỗ cửa sổ để dựa đầu vào kính xe, cắm hai cái tai nghe của iPod vào hai tai, lơ mơ ngủ. Mỗi lần thức dậy nhìn ra đều không biết mình đang ở đâu, đi đâu, và những cây cỏ hay những căn nhà đóng cửa bên ngoài luôn luôn nhuộm trong một thứ đèn đường rất vàng, rất siêu thực, rất tối, rất nowhere. Và thứ nhạc tôi đang nghe nó sẽ còn lạ lùng hơn. Nó làm cho thời gian mất đi. Không, sai rồi, nó làm cho thời gian không bao giờ mất đi. Khoảnh khắc này sẽ luôn ở lại đâu đó. Thời gian ở trong lồng ngực cùng với hơi thở, vậy mà không có gì trừu tượng như nó. Khi một khoảnh khắc luôn ở lại, tôi không biết là thời gian mất đi hay còn hoài.

Chuyến xe đêm qua tôi thu xếp được chỗ ngồi bên cửa sổ, nhưng không mở được iPod. Đây không phải là lần đầu một cái iPod vô dụng bỏ rơi tôi như một người tình vô dụng tàn nhẫn. Vậy là suốt đêm, suốt chặng đường tôi phải nghe băng nhạc Cô Thắm về làng của anh tài xế phát ra từ cái loa trên đầu. Tôi biết, một lúc nữa thôi, mình sẽ điên. Mứt gừng già đến mấy cũng không làm lòng ấm lại.

Nhưng tôi không điên. Tôi nghe liên miên độ một nghìn một trăm bài. Một bài hát có lời gần như vầy: Em biết anh nghèo nhưng em không chê. Vui tình nghèo duyên thắm mặn nồng. Tôi thấy buồn kinh khủng. Lại một đêm với những ý nghĩ rời rạc nửa đường không đâu vào đâu. Người nghèo thì vẫn còn, nhưng cái “tình nghèo” yên vui hay thơ mộng, tôi không biết nó còn đâu đó hay chăng.

Hoàng Thi Thơ:
Em gái vườn quê. Cuộc đời trong trắng. Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.

Phạm Duy:
Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao.

Cũng có thể những bài thơ đó chưa bao giờ có thật. Trương Tân có dự án “Tuổi thơ xinh đẹp như postcard”. Anh vẽ những tấm postcard, có những đứa trẻ chăn trâu thổi sáo, vui đùa trên cánh đồng gió mát xanh như ngọc. Chiều về chúng bị bố bỏ đói và treo lên đánh, vì trong xóm đang có phong trào thi đua ai đánh con con ngất nhưng mẹ nó không ngất. Các bà mẹ yếu đuối, thấy chồng đánh con tàn ác cứ ngất đi trước khi con mình ngất. Bố phải tìm cách dạy mẹ không được thương hại.

Tuổi thơ tôi biết những người nhà quê vì chiến tranh di cư lên thành phố, sống trong những cái xóm lầm quê lạc chợ, trong những gian nhà quá nhỏ, thắp đèn neon quá sáng và những cái radio mở suốt ngày. Suốt ngày tôi nghe những bài Duyên quê, những tiếng hát Giao Linh hay những anh hề tấu hài cười hệch hệch lẫn trong tiếng người lớn la hét chửi nhau, trẻ con la hét vì bị đánh. Lẫn trong cái nghèo luôn luôn có một thứ uất ức nào đó, ngay cả trong lúc nghe Chế Linh ca.



Rồi trên chuyến xe cơn buồn ngủ đến, tôi nhắm mắt lại. Bao năm đã qua rồi. Không còn là Chế Linh, mà là Phi Nhung gì đó. Vui tình nghèo duyên thắm mặn nồng.

Buồn làm gì, tất cả chỉ vì cái iPod mở không được.

Về đến nhà, mệt, thân thể như được chắp lại từ nhiều mảnh. Mảnh này không biết mảnh kia, mảnh nào cũng rã rời gắng lo cho riêng mình làm sao sống cho qua hết ngày hôm nay.

Ngày mai các mảnh trong người sẽ lại gắn lại với nhau thành một, đời sẽ đẹp và có mứt gừng trong cả hai túi áo.

Thursday 30 August 2007

Ai lạc lõng, ai kiêu hãnh?


lost
ảnh của Kev de Babe


Một cái chai mang nước sạch đến cho chúng ta uống đang làm ô nhiễm dòng nước sạch của trái đất.

Cái chai nhựa này cần ít nhất 20 năm để tự phân hủy. Hai mươi năm nữa nó sẽ biến mất khỏi dòng nước, sau khi đã để lại một ít chất độc hại.

Dĩ nhiên, tôi có thể trách riêng người nào đó vô ý thức đã ném cái chai xuống nước, có lẽ trong một lần đến đây ngắm dòng suối. Chúng ta lưu dấu bước chân mình trên quê hương mình như vậy sao?

Nhưng trách một người vô hình xong, vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Nếu cái chai này không nằm ở đây, nó sẽ nằm trong một bãi rác thành phố, cũng cần 20 năm để biến khỏi mặt đất, cũng để lại một ít ô nhiễm. Nước ta không có hệ thống tái sinh nhựa. Nếu thỉnh thoảng đi chợ bạn nhận được một cái bao ni lông đùng đục và không thơm tho, bạn nên biết ơn những người nghèo suốt ngày bươi móc trong bãi rác, chịu đựng sự hôi hám để giúp tái sinh một phần nhỏ số nhựa chúng ta ném trên quê hương của mình. Cái chai sẽ biến thành một cái bao ni lông, cái bao ni lông lại biến thành một cái bao ni lông, và khi những cái bao ni lông quá nhỏ vất bừa bãi khắp nơi, thì những người sống về nghề bươi rác cũng không buồn nhặt chúng nữa, vì nhặt suốt đời cũng không bán được bao nhiêu tiền.

Cái chai nhân danh sự tinh khiết của nước, làm ô nhiễm dòng nước của mặt đất. Người giàu càng uống nhiều nước tinh khiết trong chai, người nghèo càng phải uống nhiều nước dơ vì những cái chai của người giàu làm cho dơ. Và cá, chim, cây cỏ, mặt đất, bầu trời, nghĩa là tất cả những thứ chúng ta gọi là quê hương.




pride
ảnh của Kev de Babe


Friday 24 August 2007

Sẽ có tựa sau

Mục đích của cuộc sống là gì? Là buổi sáng mở cửa (nếu nhà bạn may mắn có cửa, có lẽ đó là một tảng đá hình tròn, rất nặng, mà bạn hì hục đẩy nó nhích sang một chút để có chỗ bước qua) đi ra ngoài, kiếm chút gì ăn, và buổi chiều tối trở về trong tình trạng chưa chết. Tạm như thế đã.

Trong lúc bạn kiếm gì ăn (để không chết), thì có một số “nhân vật” khác cũng làm như vậy. Con sư tử chẳng hạn. Tác dụng phụ của việc nó có gì ăn (để không chết) là bạn chết. Đó là điều bạn không muốn, nên nếu gặp nó, bạn sẽ bỏ chạy.

Làm thế nào để biết “nhân vật” mình gặp là một con sư tử? Tưởng tượng bạn có một chiếc xe di chuyển được trong chiều thứ tư, tức là chiều thời gian. Bạn sang số tới, đi đến thế kỷ 20 để tìm bài luận văn tả con sư tử của một cô bé học lớp 8 cô giáo bảo viết sau khi lớp đi dã ngoại sở thú về.

Cô bé tả con sư tử cái đầu thế này, mắt, mũi, râu thế này, hai chân trước thế này, hai chân sau thế này, bộ lông thế này. Còn nữa, khá dài. Cô phải tả cẩn thận, không thì bạn gặp một con hà mã lại tưởng đó là con sư tử co giò chạy thì mệt vô ích (vì con hà mã không lưu thông tin về bạn trong danh sách thực đơn today’s specials của nó).

Bạn đã đọc kỹ bài luận văn của cô học sinh. Bây giờ bạn biết một con sư tử nó như thế nào. Nếu gặp một con gì đó to to và có bốn chân, bạn sẽ ngắm nó, so các đặc điểm của nó với những gì cô bé kia đã viết, thế là bạn nhận ra a, đây là con sư tử. Và bạn co giò chạy.

À quên, bạn không co giò chạy, vì con sư tử đã vồ bạn mất rồi. Thế là chiều tối bạn không trở về nhà trong tình trạng chưa chết.

Kiếp sau. Rồi kiếp sau nữa. Rồi kiếp sau nữa. Nửa triệu năm sau.

Bây giờ bạn khôn hơn một chút. Khi gặp một con sư tử, bạn không đứng ngắm nó lâu để ghi nhận đầy đủ thông tin về nó, biết à, đây chắc chắn là một con sư tử, rồi mới bỏ chạy. Bạn nhận ra nó thật nhanh qua một trong số những dấu hiệu cho bạn biết đó là con sư tử, thế là bạn chạy. Nếu không biết cách hiểu những dấu hiệu, bạn khó chiều tối trở về nhà trong tình trạng chưa chết.

Không những hiểu những dấu hiệu báo cho bạn biết có một con sư tử có thể vồ bạn, bạn cũng hiểu những dấu hiệu báo cho bạn biết một có một con nai, hoặc con cá bạn có thể vồ. Còn nhiều nữa, hầu như bất cứ thứ gì, con gì, người nào, bạn thù, bạn cũng nhận ra ngay sau một cái chớp mắt.

Buồn ngủ quá, mai viết tiếp.

Wednesday 22 August 2007

Blogger Việt cần có qui tắc ứng xử

- Bạn có thể ném cà chua vào màn hình của MÌNH khi đang xem blog của người KHÁC, nhưng bạn không được ném đá cục, vì những lý do dễ hiểu.

- Còn nếu bạn muốn ném đá vào màn hình của MÌNH khi đang xem blog của chính MÌNH thì không có qui định nào cho biết nên hay là không nên. Đây là chuyện riêng của bạn, và privacy là chuyện rất được tôn trọng trong quan hệ giữa các bloggers.

- Giáo sư ngành meta-ethics viện đại học Hamburg, Prof. Erich Steinwerfer cho rằng bạn không được ngáp khi xem blog của người khác, ngay cả khi trong phòng chỉ có một mình bạn và cái laptop. Một số đồng nghiệp yêu cầu không nêu tên của ông ở một faculty khác cho rằng tất cả các giáo sư ngành Khoa học Xã hội vì thiếu tiếp xúc với xã hội đã đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức vượt quá khả năng thực hiện của con người nói chung, và giống người có tên là bloggers nói riêng.

Monday 20 August 2007

Không tựa

Mấy hôm nay đọc bài của các bạn trong danh sách friends & favorites. Nhận ra có bao nhiêu người tài, và nhiều người yêu người nữa. Mà ai cũng trẻ hơn mình.


Thế giới sẽ dần tốt đẹp hơn. Thấy vui, cảm động, lẫn chút ngậm ngùi.

Ngậm ngùi cho thế hệ của mình, mà có người gọi là "thế hệ vàng". Tôi chẳng thấy vàng kim gì cả, chỉ thấy một thế hệ lỡ dở trong tất cả mọi chuyện.

Những người sinh cùng năm, học cùng trường với tôi, thời trung học/đầu đại học đã sống qua những năm cuối của chiến tranh, phần lớn đi nước ngoài, phần lớn lở dở chuyện học hành, chuyện lý tưởng, không biết mình thuộc về đâu, mơ hồ về văn hóa, về quê hương. Bất đồng về giá trị, về chính trị làm tan hoang nhiều tình bạn mà khi tuổi trẻ qua rồi không gầy lại được nữa.

Một thế hệ không có bạn để kể câu chuyện của mình. Hoặc là không biết kể. Lâu ngày rồi họ cũng đánh mất lịch sử của mình. Một thế hệ cô đơn khủng khiếp.

Và hoang mang đến nỗi không biết nói gì về nỗi cô đơn ấy.


Nhiều khi muốn đi chết cho rồi, đời dài quá. Nhiều khi muốn sống lại lần nữa, và lần nữa, và lần nữa, vì chằng bao giờ sống xong. Đời lúc nào cũng lỡ dở.


Thursday 16 August 2007

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức [3]

Chúng ta luôn luôn đi tìm những câu chuyện

Xã hội càng phát triển, nghĩa là càng được tổ chức, thì con người càng sống xa quê hương mình. Bạn không cần đi đến sống ở New York hay Moskva để trở thành người xa xứ. Bạn có thể là người xa xứ ngay trên thành phố mình sinh ra.

Tôi không muốn là người quê mùa hay hoài cổ, than thở về những luồng xe cộ, những chiếc thang máy, những bức tường, những lớp lưới B40 bao quanh lan can một căn hộ cao tầng để phòng trộm trong thành phố chúng ta ở bây giờ. Nhiếp ảnh và điện ảnh đã chứng minh rằng bất cứ khung ảnh nào cũng có thể đẹp, nếu biết cách dùng ánh sáng. Thử tưởng tượng tâm tưởng của chúng ta là ánh sáng của nhà nhiếp ảnh. Nếu tâm tưởng ta là thứ ánh sáng lung linh hay đằm thắm, Hà Nội, Sài Gòn hay Frankfurt vẫn có thể đẹp.

Nhưng giữ cho tâm tưởng đằm thắm ở một nơi xa lạ, là chuyện không dễ. Bạn dễ yêu một cái cây hơn một bức tường, một cánh đồng trồng dưa hơn một bãi đậu xe, cho dù các nhà thiết kế đô thị, các kiến trúc sư đã bỏ bao nhiêu tiền và tâm trí để làm một bức tường và một bãi đậu xe đẹp, và dù bạn đã sống bao nhiêu năm bên cạnh bức tường ấy, bãi đậu ấy, đủ để chúng trở nên quen thuộc. Bởi vì bức tường và bãi đậu xe không có câu chuyện nào để kể cho bạn nghe, còn cái cây, cánh đồng dưa thì có. Nếu bạn sinh ra trong thành phố, câu chuyện của cái cây đã nằm trong ký ức của tiền nhân, dù sinh ra ở đâu, bạn vẫn nhớ câu chuyện của chúng.

Tôi sống hai mươi năm ở Đức, mỗi tuần đi chợ hai lần ở siêu thị. Tôi đã quen tất cả những quầy hàng và những thực phẩm bày trên những quầy hàng đó. Những thứ nuôi sống tôi, vậy mà tôi vẫn không có một mối quan hệ nào với chúng, một thứ gì như tình yêu hay là sự biết ơn.

Lần đầu tôi về Việt Nam đi một cái chợ quê với em gái. Em tôi trả giá để mua một mớ chanh. Em tôi nói chanh bán mắc. Bà bán chanh nói rằng từ rằm tới giờ trời không mưa. Con gái bà gánh nước tưới, từ mé sông đến vườn chanh đi qua một ngọn đồi. Rồi chúng tôi nói chuyện với nhau về vườn chanh, về con sông và căn nhà ở chân đồi.

Buổi tối, khi chúng tôi cắt chanh ăn, trái chanh của tôi có một câu chuyện. Tôi biết nó từ một cái cây mọc ở sườn đồi đất nghiêng, có một cô gái gánh nước tưới vườn chanh, cô dậy rất sớm, quấn khăn che bớt mặt và vai, cô đội nón lá, để nắng khỏi ăn da. Tôi hiểu sự quan hệ giữa mình với mặt đất. Trái chanh là quà tặng, không phải là hàng hóa. Tôi là người nhận. Sườn đồi, giòng sông, và cô gái gánh nước, là người cho.

Những trái chanh được bọc trong bao lưới ở siêu thị chưa bao giờ tạo cho tôi thứ tình cảm đằm thắm này. Tôi chỉ đánh giá chúng ngon hoặc dở, đáng tiền mua hay không. Tổ chức đời sống ở thành phố, trong siêu thị, đã cướp lấy những câu chuyện của chúng, cắt mất lịch sử, cắt mất mối quan hệ của chúng với mặt đất. Chúng chỉ còn là hàng hóa thuần túy, tôi ăn chanh, nhưng không biết trái chanh từ đâu mà có. Lâu ngày, từ một con người, tôi trở thành một kẻ tiêu thụ, một consumer vô cảm và vô ơn. Tất cả chúng ta đều trở nên nghèo nàn và buồn bã, vì ở trên một quê hương xa lạ, nơi mọi thứ đã đánh mất câu chuyện của mình.


Postscript
Tôi đã định rằng ở cuối đoạn 3 này sẽ viết phần kết luận. Tôi đã viết hai đoạn trước cùng phần đầu của đoạn này chỉ để được viết phần kết luận của tôi. Nhưng tự nhiên, vào giờ này, tôi chợt không muốn viết nó. Nó là của bạn, không nên là của tôi.

Tôi yêu sách vở, dành kha khá thì giờ để đọc (Tôi không chắc mình đã thuộc về nhóm đọc nhiều sách chưa. Sách, giống như nước, đáng lẽ phải là một danh từ không đếm được). Niềm vui của chữ nghĩa và trí tuệ thường lôi kéo chúng ta vào những giá trị trừu tượng. Hôm qua tôi mới đọc một bài của Theodore Dalrymble so sánh Turgenev và Marx (hai bác này sinh cùng năm, chết cùng năm), thực ra là so sánh cuốn Mumu Manifesto. Tựa bài viết là How – and How Not – to Love Mankind. Đó là sự khác biệt giữa một tình yêu cụ thể dành cho một con người, và tình yêu trừu tượng dành cho nhân loại. Với Turgenev, rừng là một cái cây, mưa là những giọt nước làm cho đám lá cây rũ rượi. Với Marx, rừng là một mảng xanh trên bản đồ, mưa là cơn áp thấp.

Khi muốn nói về tình yêu, tôi nhớ là trái tim tôi lớn bằng nắm tay tôi, và tôi chỉ yêu được những gì bàn tay tôi nắm được mà thôi. Bạn có thể yêu những con người cụ thể, và hiểu rằng họ mang nhân loại trong họ. Bạn không thể yêu nhân loại không thông qua một con người nào. Điều đó quá trừu tượng.

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức [2]

Tôi thích đoạn thơ này của Lưu Quang Vũ:

Phải chăng anh đã mất giấc mơ
Mất tiếng ve và những mùa dưa chín
Anh đã mất cả mây qua lòng giếng
Cả tiếng gà hẻm núi cả cơn mưa

Thật ra là tôi thích bốn chữ những mùa dưa chín. Dù bốn chữ cũng chỉ là từ ngữ, chúng trực tiếp đưa tôi về một nơi chốn, một thời khắc có thật, tôi tiếp xúc với con đường Lưu Quang Vũ đã đi qua bằng giác quan, đúng hơn, bằng ký ức của giác quan, chứ không qua những giá trị trừu tượng như quê hương, tuổi thơ, tình yêu, nỗi nhớ. Tôi thấy được cánh đồng dưa. Tôi cảm được sự nhịp nhàng của năm tháng đi qua cánh đồng ấy chỉ trong một chữ những: những mùa dưa đến và đi.

Có ai đó nói rằng hai bán não của chúng ta cạnh tranh với nhau, nếu bên này mạnh thì bên kia sẽ yếu: ai thích những gì cụ thể, sẽ không thích những gì trừu tượng; ai giỏi tiếp nhận thế giới bằng hình ảnh giỏi, sẽ kém tiếp nhận nó bằng chữ nghĩa; ai giỏi trực giác, sẽ kém suy luận. Điều này hoàn toàn không đúng, da Vinci và Tarkovsky chứng minh rằng sự sâu sắc của bên này đem lại sự sâu sắc của bên kia. Đó là sự tương tác, chứ không phải cạnh tranh.

Thơ haiku và thiền dạy chúng ta tiếp nhận thế giới bằng con đường trực tiếp nhất. Con đường trực tiếp nhất là qua các giác quan, chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm lấy những thứ quanh mình. Bao nhiêu năm tôi tự hỏi chất thơ của phim Tarkovsky được làm bằng gì. Một lần, trong quyển Sculpting with Time, ông đã hé cho tôi thấy một trong những bí mật vừa bình dị vừa sâu sắc nhất của mình: ông học nhìn, như các nhà thơ haiku đã nhìn thế giới quanh họ. Tarkovsky trích dẫn hai câu haiku này:

Trên mỗi cái gai của cành hồng
Đọng lại một giọt sương

Những mùa dưa chín của Lưu Quang Vũ làm người đọc cảm nhận được năm tháng đi qua đời ông thời đó, những giọt sương đọng lại cũng kể cho chúng ta về đêm đã qua. Một đêm có sương rơi.

Có nhiều quan niệm về hạnh phúc. Tôi không cho là hạnh phúc có thật, nó chỉ là một khái niệm trừu tượng với ý nghĩa rất bất định. Còn nếu bảo tôi đi tìm những chữ gần với chữ đó nhất, có lẽ tôi sẽ chọn hai chữ có vẻ ngược nhau nhưng thật ra thì không, đó là Thanh Bình và Nồng Nàn. Peace và Intensity. Trong vườn hồng, ý nghĩa và sự rực rỡ của hoa hồng không làm cho bạn nghĩ rằng trên đời chỉ có hoa hồng. Bạn thấy những giọt sương. Đó là sự thanh bình. Những giọt sương cho kể cho bạn về đêm qua, đó là sự nồng nàn của bạn với cuộc đời: bạn nhìn, và cảm, và hiểu.

Vậy thì hạnh phúc là chạm được những thứ chung quanh. Mọi thứ đều kể một câu chuyện của riêng mình. Những thứ đó làm nên không gian, làm nên thời gian, làm nên quê hương. Bạn đang ở nơi chốn của mình, sống trong thời khắc của mình, chứ không phải đang ở trên một phi thuyền, một trạm không gian trên con đường vằng vặc nối hai hành tinh không quen biết, ở một nơi không có thời gian, không còn lịch sử.

(còn tiếp)

Wednesday 15 August 2007

Máy ảnh

Bao nhiêu năm rồi không chụp ảnh, tự nhiên hôm nay ước ao lạ lùng có được một cái máy ảnh nhỏ.



Khi đi đâu tôi thường không tìm được cớ để mang theo máy chụp ảnh. Có một anh kia sửa xe đạp ở đầu một con hẻm, cũng không có cớ gì để mang theo một cây đàn ghi ta, vậy mà anh cứ mang theo, dựng ở đâu đó. Ai cũng cười, xe chạy ầm ầm thế này thì đàn ai nghe thấy, mà có lẽ anh cũng không hề biết đàn. Có lẽ tôi sẽ bắt chước anh này, đi đâu cũng mang theo cái máy ảnh, hoặc cây đàn piano, dù không biết để làm gì. Ai làm gì được mình đâu ngoài cái việc cười.



Tự nhiên mơ ước chụp được một mớ ảnh phù du (đã là ảnh thì phải phù du) về nhét đầy ổ cứng.

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức [1]

Chúng ta có hai bán não, một bên nhận mặt người quen và ngó núi nhìn mây, một bên học chữ và làm toán. Chúng ta cần cả hai, sự cảm nhận thế giới trực tiếp bằng giác quan, và sự suy nghĩ trừu tượng để nới thế giới đó ra rộng hơn tầm nhìn của mắt. Ngồi chờ mẹ về là một điều cụ thể. Khái niệm về thời gian là một thứ trừu tượng.

Có vẻ như người bình dân thiên về cụ thể, người trí thức thiên về trừu tượng hơn. Người bình dân yêu mẹ, đi xa nhớ bàn tay, giọng nói của mẹ, nhưng không tìm cách nói về ý nghĩa của thứ tình cảm đó như người trí thức. Suy nghĩ trừu tượng giúp ta tìm ra ý nghĩa và giá trị cho những kinh nghiệm của mình. Bát cơm san sẻ là điều cụ thể, lòng nhân là điều trừu tượng, và chính cái giá trị trừu tượng đó nó khiến ta mời một người không quen đang gặp cảnh khó một bát cơm.

Thời đại càng phát triển, thì người ta càng thiên về trừu tượng hơn. Những kinh nghiệm kể lại được bằng chữ viết có vẻ có giá trị hơn những kinh nghiệm mà lời nói, chữ nghĩa không truyền dẫn được. Thang giá trị của chúng ta có vẻ như càng ngày càng nghiêng về những thứ trừu tượng. Chẳng hạn sự thành công có một giá trị cao, có lẽ gần tuyệt đối. Nhưng sự thành công không có mùi vị, hình dạng, nhiệt độ. Chúng ta không hưởng lạc thú nó mang lại bằng các giác quan của mình mà bằng ý nghĩ. Chúng ta tận hưởng ý nghĩa của sự thành công chứ không phải chính nó, vì nó không có đó. Ngược lại, khi ăn một trái cam chúng ta hưởng mùi thơm, vị ngọt chua của nó, bằng vị giác chứ không bằng ý nghĩ hay giá trị.

Người tiền sử biết vẽ trước, rồi mới biết viết sau. Ngày nay hầu như ai cũng biết viết, nhưng rất ít người biết vẽ. Và trong số người biết vẽ, rất ít người vẽ bằng nửa bên phải của não. Chúng ta tiếp nhận thế giới, và chia sẻ nó với mọi người, qua sự trung gian của các biểu tượng và ý nghĩ. Ý nghĩ đặt cho cảm xúc những cái tên. Ý nghĩ làm nên niềm vui, nỗi buồn.

Nhưng các nhà thơ haiku, các vị tu thiền đã sớm biết vì ý nghĩ là thứ dễ sai lệch và phù du, nên niềm vui nỗi buồn nó mang đến cũng bất trắc vô thường như vậy. Họ dạy cho chúng ta đừng quên tiếp xúc với thế giới mình đang sống bằng giác quan, bằng những con đường trực tiếp hơn lời nói và ý nghĩ. Và dù những kinh nghiệm đó không diễn đạt được bằng lời, đừng đặt giá trị của chúng bên dưới những thứ viết được lên giấy.

Tôi ít xem phim, nhưng một phim duy nhất của Tarkovsky đã đem lại cho tôi những cảm xúc lạ thường, cho tôi thấy chiều rộng và sâu mà điện ảnh có thể đạt được. Nó gợi nên tình yêu, sự nể phục, rồi cuối cùng ước vọng được làm phim. Người thứ hai đem lại những xúc động mạnh mẽ như vậy là Chris Marker. Lúc đó, tôi vẫn không hiểu tại sao với tôi Tarkovsky là nhà thơ duy nhất trong số các đạo diễn. Mãi về sau, đọc sách và nhật ký của ông, tôi mới hiểu.

Như van Gogh, Tarkovsky đã từng tự hỏi tại sao một giọt sương, một giải lụa trong một bức tranh khắc gỗ hay một bài thơ haiku của Nhật lại tạo cho họ những xúc động trước đó hội họa Tây phương không đem lại. Các họa sĩ Tây phương, khi vẽ một bức tranh, họ chọn đề tài, rồi sắp đặt bố cục cho bức tranh theo trật tự chính phụ: cái gì quan trọng sẽ có vị trí trung tâm và được rọi sáng, những thứ phụ hơn sẽ nằm ở những góc xa và tối hơn, một chiếc áo vắt ngang lưng ghế, một cái ly uống dở, tuy có vẽ hờ hững nhưng vẫn được sắp đặt để tôn vinh đề tài chính. Khi phác họa bố cục, họa sĩ đã đem vào đó các giá trị, và ý nghĩa. Bố cục của Hiroshige không có thứ lớp trên dưới của sự quan trọng, nó rất thơ, nó làm cho ta cảm giác họa sĩ ngước mắt lên, và những gì ông thấy, ông vẽ, đặt trong những cái khung tình cờ. Có hề gì nếu ta thấy lá tre mà không thấy thân tre, có hề gì nếu trung tâm bức tranh là một khoảng trời trống.

Tarkovsky nói rằng ông là người Slav, và ông thấy gần gũi với Đông phương hơn là Tây phương. Ông nói rằng làm phim là nhìn. Nhìn bằng mắt và bằng cảm xúc, chứ không bằng ý nghĩ hay thang giá trị. Những khung hình của Tarkovsky là những bài thơ. Tôi chưa thấy ai làm thơ bằng celluloid như ông.

(còn tiếp)

Wednesday 8 August 2007

Chỉ còn một ngôn ngữ?

Một cặp vợ chồng tôi quen làm việc ở Lãnh sự Đức tại Sài Gòn rất hãnh diện vì con họ học trường quốc tế dạy bằng tiếng Anh. Viện Goethe ở Hà Nội in các chương trình của họ bằng hai thứ tiếng Anh và Việt, không có tiếng Đức. Tại thành phố 8 triệu dân là Sài Gòn, viện Goethe không tổ chức được một lớp tiếng Đức do người Đức dạy. Họ nói họ không đủ kinh phí. Thực ra là họ không đủ yêu quí tiếng nước họ để làm điều ấy. Ngôn ngữ dùng trong các buổi hội thảo giao lưu văn hóa của các cơ quan văn hóa Pháp là Pháp Việt, trong khi các buổi hội thảo của viện Goethe dùng ngôn ngữ Anh Việt.

Người Đức đã bắt đầu, tôi không biết từ bao giờ, mang mặc cảm về ngôn ngữ của họ, một trong những ngôn ngữ chính xác và sâu sắc nhất thế giới, ngôn ngữ của khoa học, triết học và thi ca. Ngôn ngữ của Goethe và Schiller, Kant và Heidegger, Kafka và Rilke.

Thứ hai tuần này, trong một bài báo đăng trên tờ FAZ, Stefan Klein kể lại một câu chuyện hơi buồn cười và hơi buồn. Tại một buổi hội thảo khoa học ở Berlin với một đề tài rất hay về Khoa học nghiên cứu ý nghĩ, ban tổ chức mới sáu nhà khoa học người Đức, ba người Mỹ, một người Anh. Tất cả đều tuyệt vời. Tất cả đều nói tiếng Anh và một tiếng-gì-như-tiếng-Anh, không có ai nói tiếng Đức, tuy thính giả hoàn toàn chỉ có người Đức. Sáu nhà khoa học người Đức, tuy trình độ chuyên môn rất cao, khi nói tiếng Anh họ tìm chữ hơi cộc kệch và đặt câu hơi ngô nghê, vì không phải là tiếng mẹ đẻ. Bài nói chuyện của họ mất đi nhiều ánh sáng và sự lưu loát mà đáng lẽ chúng đã có, nếu được trình bày bằng tiếng Đức.

Tại sao họ nói tiếng Anh? Vì họ cho là chỉ khi nói tiếng Anh, tầm quan trọng của họ mới được chấp nhận.

Bạn tôi làm cho EU tại Bruxelles nói rằng hầu hết các dự án nghiên cứu quan trọng đều lọt về tay người Anh, vì họ viết tiếng Anh hay hơn những người khác.

Thật đáng đau buồn, dường như ý thức nhân loại và sự đánh giá, nhận chân, càng ngày càng co cụm lại trong thế giới của người nói tiếng Anh và những người không thuộc thế giới này nhưng biết sử dụng ngôn ngữ của nó. Bạn viết một cuốn sách và nếu bạn không viết bằng tiếng Anh hoặc sách bạn chưa được dịch ra tiếng Anh cũng đồng nghĩa với bạn chưa viết ra cuốn sách đó.

Nếu loài người đang trên đường đi đến một ngày chỉ còn một ngôn ngữ, trở lại ngày trước khi tháp Babel làm Chúa nổi cơn thịnh nộ, thì tại sao tôi không vui?

Bởi vì mỗi ngôn ngữ không phải chỉ là phương tiện để người ta nói chuyện với nhau. Mỗi ngôn ngữ là những cánh cửa mở ra, dẫn về cả một nền văn minh, văn hóa, một lịch sử tư tưởng và những thứ làm cho trái tim một nhóm dân rung động. Có những thứ thuộc về quá khứ, ký ức, kỷ niệm và mộng mơ không dịch ra tiếng khác được.

Các cụ ta xưa học tiếng Hán không phải chỉ để nói chuyện với người Tàu. Họ học tiếng Hán để hiểu Khổng, Lão và các nhà thơ. Tương tự như vậy nếu bạn học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức. Nếu tất cả các ngôn ngữ và các nền văn minh đều dịch ra tiếng Anh được, thì chúng ta chỉ cần học một thứ tiếng là hiểu cả thế giới. Điều đó không đúng. Có thể có những bản dịch tiếng Anh tốt của Đỗ Phủ, Baudelaire và Rilke, nhưng bản dịch là bản dịch, có những thứ thuộc về hơi thở không thể chuyển ngữ được. Ngay cả những thứ cứng rắn hơn hơi thở, To Be và Being trong tiếng Anh không đủ để dịch Sein, Seiendes và Dasein của Heidegger, và đó chỉ mới là khởi đầu.

Nếu văn minh, văn hóa thế giới chỉ còn được đọc qua một thứ tiếng Anh, chỉ có lịch sử nước Anh, và những giá trị của người Anh, người Mỹ, còn tồn tại. Trong một thế giới nơi các ngôn ngữ không còn bình đẳng, thế giới đó khó bình đẳng, và nghèo nàn đi.

Sến không chịu nổi

Sài Gòn bão rớt, những cơn mưa chiều. Trong căn phòng văng vắng, nửa ly rượu ấm, một bản nhạc mùi mẫn, bài gì nhỉ, Smooth Operator từ đầu những năm 80, hay nghe cái kèn mùi nhất trong các cây kèn là cây sax thổi một bài night club jazz nào đó mà Billy Holiday đã hát, hay nghe Tuấn Ngọc hát Đôi mắt em rất buồn, Đôi chúng ta rất buồn…

Được sến rất sướng, sướng không chịu nổi.

Tranh sến kiểu Gustav Klimt không có tác dụng gì với tôi. Nhưng các cô gái, các bình hoa đằm thắm của Tô Ngọc Vân vẫn làm cho tôi mềm nhũn. Còn tiểu thuyết? Lâu lắm không đọc gì sến, cuốn sách sến cuối cùng đọc là The Alchemist của Coelho, a fable about following your dreams, cái log line nghe mùi thật.

Không được phép sến là mất nửa cuộc đời (nhớ là cuộc đời có nhiều nửa chứ không phải chỉ có hai nửa).

Sến là gì?

Vài định nghĩa sơ khởi:

1
Chiều nay buồn nhớ em đường xưa lá me bay

Sến là dễ dãi

Người hát, lẫn người nghe hát, đều tự nuông chiều tình cảm và cảm xúc của mình. Những bài hát được viết với hòa âm tròn trịa, mềm mại, bao năm nay vẫn vậy. Không có hợp âm nào trúc trắc, mọi thứ đã được biết rồi và không ai đặt câu hỏi nữa, ngay cả trong cơn buồn, trong nỗi đau, cũng không hỏi. (“Sao em đành bỏ tôi?” không phải là một câu hỏi.) Sự lặp lại làm nên sự sáo rỗng êm tai.

Đến đây, thì sến chấp nhận được. Và tôi thích nghe nhạc sến, xem tranh sến, tốt nhất một ngày chừng 3 lần. Sến theo những định nghĩa tiếp theo thì khó chấp nhận.

2
Em yêu anh bằng cả trái tim em.

Sến là giả dối

Giả vì không thể thật được: Nếu chỉ dùng vào được mỗi một việc là yêu anh, thì con tim em hơi bị vô dụng.

Mà dù có thật thì cũng không có nghĩa gì: Các cô khác ai cũng yêu anh bằng cả trái tim họ cả.

Năm 18 tuổi, tôi đọc được hai câu thơ này của một tác giả nổi tiếng:

Một hôm lỡ vẽ sai đồng bằng Nam Việt
Lúc tẩy đi con đã khóc mấy lần.

Lúc đó hai câu thơ này đã làm thổn thức bao nhiêu trái tim yêu nước.

3
Con cừu non bị lạc mẹ, trời đã tối, mà vẫn chưa tìm được đàn, chưa tìm được đường về. Nó kêu những tiếng be be thảm thiết. Chợt từ bìa rừng có bóng ai đi về phía nó. Thì ra đó là cáo.

Sến là lười

Nhiều tác giả lười biếng, thay vì kể chuyện, họ kể chuyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn.

Viết chuyện ngụ ngôn là đi đường tắt. Chẳng cần phải tả cô gái thích làm diễn viên, chỉ cần gọi cô là cừu non. Chẳng cần phải tả anh đạo điễn Việt kiều, chỉ cần gọi anh là cáo. Thế là mọi người ai cũng biết tất cả về họ.

Có người thẳng thắn nhận là mình đang viết truyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn, nhưng lại cũng có vô số người dùng thủ pháp của thể loại này trong văn mình một cách có ý thức hoặc vô thức nhưng lại cho là mình viết truyện hiện thực hay siêu thực. Kết quả là truyện sến. Một định nghĩa của sến là dùng những hình ảnh đã xài nhiều thành mòn và sáo, còn định nghĩa kia đương nhiên phải theo sau là xếp con người, sự việc vào những cái ngăn kéo.

Thế giới có rất nhiều người, trong mỗi người lại có nhiều người. Con người và lịch sử của họ phức tạp, không cuốn sách nào có thể nói hết. Người ta chỉ nói được một số điểm, vào những thời khắc nào đó. Người đọc cũng không đòi hỏi đọc một quyển sách mà biết được cả thế giới, hoặc cả một thế giới của một con người. Và dù sao, cũng phải chừa chỗ cho họ đọc những sách khác nữa chứ. Người viết truyện ngụ ngôn gọi cô gái thích làm diễn viên là cừu non, anh đạo diễn Việt kiều là cáo, họ chia ô, sắp cả nhân loại vào mười mấy nhóm mà thôi: nhóm cừu, nhóm cáo, nhóm sư tử, nhóm sói, nhóm nai, nhóm chó vân vân, không khác mấy người xem tử vi là mấy. Sau khi sắp ai đó vào nhóm cáo rồi, thì tất cả định nghĩa về người ấy đã có sẵn đầy đủ, không cần nói gì thêm. Và người đó cũng đã bị đóng đinh, hết cục cựa. Nếu có chuyển động gì, thì là trong chuyện hai cái tai cáo mọc dài thêm ra nửa tấc, thế thôi.

Còn nữa, hôm nào không lười thì viết tiếp.

Tuesday 7 August 2007

Tiền giả

Hôm trước vào một ngân hàng nhà nước rút tiền, trong xấp tiền họ đưa, có một tờ tiền giả. Dĩ nhiên là tôi không biết.

Lúc ở siêu thị, cô thu ngân trả lại, nói tờ này là tiền giả, cô không nhận. Tôi hỏi: "Tôi biết làm gì với tờ tiền này bây giờ?"

Một người đứng bên cạnh nói, chị để đi chợ, mấy bà nhà quê không biết phân biệt, họ nhận tuốt.

Wisdom: Ở siêu thị bán nhiều hàng giả, nhưng chỉ nhận tiền thật. Ở chợ nhà quê, chỉ bán hàng thật, nhưng cũng nhận tiền giả.

Tôi quyết định mang tờ tiền giả đến trả lại cái ngân hàng đã đưa nó cho tôi. Tôi là khách hàng ở đó đã mười năm.

Họ không chịu đổi, đòi tịch thu tờ giấy bạc giả.

Unwisdom: Những kinh nghiệm loại này ở Việt Nam không biết làm cho mình già dặn và nhân ái hơn với thời gian, hay là càng ngày càng quạu quọ và hoang mang.

Sau đêm đó,

"... chương cuối cùng trong tác phẩm Và khi tro bụi của em (...) gắn liền với một nỗi buồn trong quá khứ của chị. Vào năm chị 7,8 tuổi, có một đêm chiến tranh đã xảy ra trong ngôi làng chị ở (một làng quê nghèo ở Cà Mau), đêm đó bom nổ, cháy nhà, người chết trước mắt chị, chị đã tận mắt chứng kiến những cảnh thương tâm đó, cuộc tấn công ấy diễn ra suốt đêm và chị đã không thể ngủ được, tờ mờ sáng hôm sau chị đã bỏ nhà ra đi, bỏ cha mẹ và các em của chị trên một chuyến tàu nhỏ và không biết đi về đâu. Ngày ấy chị đã còn quá nhỏ và không thể lý giải vì sao mình làm như vậy, nhưng hình ảnh ấy vẫn ám ảnh chị mãi đến bây giờ. Và chị đã bắt gặp hình ảnh của bản thân mình trong chương cuối của VKTB, thì chị đã hiểu ra một điều đơn giản là chiến tranh quá tàn ác."

Em xin phép chị Lan Tiêu cho em để đoạn thư này của chị ở đây nhen.

Có những điều mà sau khi nó xảy ra, tất cả đều khác hết. Một đứa bé, sau một đêm như thế, bỏ chạy, không hiểu vì sao mình làm như vậy.

Sự quên lãng mênh mông và đáng sợ. Nhưng trí nhớ của trái tim còn kỳ lạ hơn nhiều.

Friday 27 July 2007

Nghề nào an toàn?

Lâu rồi tôi có đọc một bài viết, bây giờ đã quên mất ở đâu. Bài đó nói rằng trong các nghề trong ngành nghệ thuật, nghề viết văn là nguy hiểm nhất. Cứ xem trong số nhà văn tôi yêu, đã có bao nhiêu người tự tử hoặc là gần như thế: Ernest Hemingway, Stefan Zweig, Virgina Woolf, Sylvia Plath, Heinrich von Kleist, Yukio Mishima, Jack London, Ryunosuke Akutagawa. Kế đến là nghề họa sĩ.. Làm nhạc có vẻ là nghề ít nguy hiểm. Trong danh sách tự tử không thấy có nhạc sĩ. Schumann tuy có đi bộ xuống sông Rhein, nhưng vì được cứu nên tên không nằm trong danh sách. Vì sao viết nhạc ít nguy hiểm hơn viết văn? Vì nghề viết văn cô đơn nên dễ phát rồ, hay vì nhạc sĩ không có khả năng tính toán cái chết cho mình như những nhà văn, vốn rất giỏi sắp xếp cái chết cho các nhân vật của mình?

Nghề văn nguy hiểm tương đương với nghề đào than đá.

Monday 9 July 2007

Mây

Một cô bạn đã đọc tiểu thuyết mới của tôi trong ba ngày, nhưng mất đến hai tháng để lấy bút chì đánh dấu các đoạn cô ấy nghĩ là tôi nên viết lại. Hai chị em ngồi nói chuyện về việc viết, và tôi chợt nhận ra rằng tôi chưa bao giờ dám dùng từ “nghề viết” cho công việc viết lách của mình. Đôi lần được gọi là “nhà văn”, tôi thấy vui sướng, nhưng trong nỗi vui có rất nhiều băn khoăn. Mãi tới giờ này tôi vẫn còn không biết mình là gì.

Mình không là cái gì có cái hay của nó, tạm gọi là thứ tự do của một người du mục trong lòng. Đường tôi đi có nhiều nhánh vào rừng ra biển, chứ không phải là một đường thẳng. Tôi luôn luôn là một người chờ đợi, vì đến bất cứ đâu cũng là chưa đến nơi. Nhưng vào một lúc nào đó thì mình không là cái gì nó rất không hay. Đó là khi sự bất an trở thành bạn đường. Sự bất an là một thứ luôn luôn muốn nhấc tôi lên khỏi mặt đất. Nếu tôi là nước nó muốn tôi thành mây. Mây là hình ảnh của sự tự do, lang thang. Nhưng làm một đám mây thì buồn lắm, vì không biết mình bắt đầu ở đâu và chấm dứt ở đâu, đời nhẹ đến nổi nếu đời mất đi, nếu mình mất đi, có thể mình cũng không biết điều đó.

Nói chuyện với cô bạn, tôi nhận ra rằng tôi không bao giờ dùng chữ “nhà văn” hay “nghề viết” cho mình và công việc viết lách của mình. Cho đến ngày hôm đó, tôi cho như vậy là hay, vì tôi được cả hai: sự khiêm tốn và tự do. Nhưng sao tôi chợt thấy buồn kinh khủng. Tôi tránh theo nghề viết, tôi chợt hiểu, không phải vì khiêm tốn, mà vì sự bất an truyền kiếp của tên du mục trong lòng nó cứ lãng vãng chờ nhấc tôi lên khỏi mặt đất bắt tôi làm một đám mây vô định và luôn luôn hao hụt. Đến một cái nghề cũng không có, vì quá nhẹ.

Bạn nào đã xem phim HMRBL có thể còn nhớ cảnh chiếc xe ngựa đi qua một cánh đồng trải suốt một chân đồi rộng. Suốt buổi sáng hôm quay tôi đã đi nhặt rác trên cánh đồng (bất tận) đó. Lúc nhặt mới biết người ta vứt bao nhiêu bao ni lông ngoài đồng. Mọi người trong đoàn đều từ chối làm cái việc không mấy danh giá này, không ai đồng nghĩa việc đi làm phim với việc đi nhặt bao ni lông. Vì vậy, họ thiếu chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không phải là hiểu nghệ thuật, có ý tưởng hay, tác phẩm đột phá. Ý tưởng, khi đến, hoặc đi, nó không màng tác giả của nó có chuyên nghiệp hay không. Người chuyên nghiệp là người thấy công việc mình đang làm là trung tâm của đời mình, ít nhất là trong lúc mình làm nó
. Đủ gắn bó và trách nhiệm để đi nhặt bao ni lông trên cánh đồng, nếu mình quyết định điều đó cần thiết cho công việc, bất kể công việc đó hay hay dở.

Cúi nhặt bao ni lông trên đồng chỉ mỏi lưng thôi, chứ không khó. Nhặt bao ni lông trong một trang sách, giữa những chữ viết, ý nghĩ, hình ảnh, cấu trúc… thực khó hơn bao nhiêu lần. Đó là lúc tác phẩm cần sự chuyên nghiệp hơn lúc nào hết. Tác giả phải đứng lui ra để có được khoảng cách giữa mình và tác phẩm, phải dụi mắt, uống nước lạnh, để không đắm chìm trong tình yêu dành cho mọi thứ gì mình viết ra. Rồi lại phải đốt đi đốt lại ngọn đèn cầy bên trong lòng vì nó cứ hay tắt đi khi bụng mình đầy nước lạnh. Không có chút lửa cần thiết, tâm tưởng cũng u tối, theo một cách khác.

Tôi nói với cô bạn rằng tôi viết, nhưng không chọn viết là một nghề, và như vậy, khi tiểu thuyết đến giai đoạn cần sự chịu cực chịu khổ của một người xem việc viết là trung tâm của đời mình, nghĩa là cần đến một người chuyên nghiệp, thì tôi gặp mâu thuẫn mãnh liệt. Thật khó giải thích với mọi người, và với mình, rằng người ta có thể bỏ ra hai năm làm việc nghiêm túc cho một tác phẩm chỉ mang lại đủ tiền ăn sáng cho mấy mẹ con trong hai tuần. Còn nếu viết không phải để kiếm tiền ăn sáng, thì vì cái gì?

Chắc chắn là phải vì một cái gì khác rồi. Tôi biết nó là cái gì. Điều tôi không biết, đó là tình yêu đó – tạm gọi viết là một thứ tình yêu – nó là một chuyện may hay chuyện rủi.

Hỏi rồi không trả lời, rồi cũng không hỏi nữa. Nhưng sự phân vân vẫn ở đó. Tôi đã hiểu là nếu không dám nói việc viết là “nghề viết”, thì khó tiếp tục được. Chưa hoặc là không dám nói. Buồn như mây.