Thursday 27 September 2007

Vì ở Cần Thơ trời có mưa

Một số báo đã bắt đầu kêu gọi quyên góp cứu trợ cho nạn nhân vụ sập cầu ở Cần Thơ và gia đinh họ. Đau thương về tinh thần không có gì bù đắp được và mỗi chia sẻ dù bằng lời hay trong im lặng đều cần thiết và quí báu. Nhưng đau thương về vật chất thì hoàn toàn có thể và bắt buộc phải thực hiện được một cách cụ thể bởi những người có trách nhiệm chứ không phải bởi cộng đồng.

Nếu một chiếc máy bay rớt, hãng máy bay hoặc hãng bảo hiểm của họ phải đền bù tổn thất của hành khách theo luật quốc tế, dù máy bay rớt vì con người, kỹ thuật hay thời tiết cũng vậy. Cũng như hãng máy bay phải làm mọi cách bảo vệ nhân mạng hành khách mình, nhà thầu không có quyền đưa công nhân vào chỗ chết. Khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm là ở họ.

Người ta chỉ kêu gọi đến đóng góp tiền bạc của công chúng trong các trường hợp thiên tai, hoặc khi mức thiệt hại vật chất quá cao khiến người gây ra nó không gánh vác nổi. Một công trình 5000 tỉ không thể không có bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm, thì các chủ thầu cũng đủ khả năng đền bù xứng đáng theo luật quốc tế. Và chắc chắn họ phải làm điều này.

Kêu gọi đóng góp tiền bạc từ công chúng tức là công nhận cầu sập do thiên tai, không có người chịu trách nhiệm cho việc đã xảy ra. Dù máy bay có rớt vì mưa, hãng máy bay vẫn phải đền bù cho nạn nhân vì bổn phận của hãng máy bay là chỉ bay khi thấy đủ an toàn.

Đây không phải là thiên tai. Kêu gọi đóng góp từ công chúng là một cách nói rằng vụ này là thiên tai và con người không chịu trách nhiệm.

Monday 24 September 2007

Tội lỗi hồn nhiên



Gummersbach, một thị trấn nửa quê nửa chợ cần Cologne, có một cộng đồng nhỏ gồm mười mấy gia đình người Việt Nam sinh sống. Trước họ là Việt kiều tại Pnom Penh từ nhiều đời, khi Pol Pot lên, họ kịp chạy sang Thái Lan, rồi được đưa về đây định cư.

Trong số họ có một cô gái trẻ yêu một cậu trai trẻ. Gia đình cô không ưng, vì họ thù ghét gia đình cậu trai. Cặp tình nhân bèn quyết định có con với nhau để lấy được nhau. Nhưng khi cô gái mang bầu thì gia đình cô càng chống đối quyết liệt hơn. Họ bỏ cô vào buồng khóa lại, vậy là cô phải bỏ học, không thư từ được với người yêu. Cô bị giam trong suốt thời gian mang bầu.

Một buổi sang tháng năm thư ký của một người quen làm luật gia, dân biểu gọi điện thoại nhờ tôi đi làm thong dịch cho ông ta tại một bệnh viện. Tôi đến ăn sáng ở nhà ông, rồi ông đưa tôi lên chỗ ấy, một bệnh viện ở vùng ngoại ô Cologne. Tôi không thích tả một buổi sáng mùa xuân đầy nắng mới ở một vùng đồi núi ngoại ô châu Âu, nó quá đẹp và dễ chịu, nó thường khiến tôi buồn đâu đâu, có lẽ vì nó làm tôi thấy cuộc đời đầy những chuyện loanh quanh, đầy thương nhớ chứ không nhẹ tênh như một ngày đầu mùa. Vào mùa thu, những chiếc lá lìa cành gợi nghĩ đến cái chết, còn những cánh hoa mận, hoa táo lìa cành bay trong gió mùa xuân thì nhẹ tênh, như những cuộc chia ly chưa kịp biết yêu thương.

Tôi được dẫn đến phòng cô gái mang bầu mà tôi nói ở trên, một ngày trước khi con cô chào đời. Ông luật gia dân biểu là người đã xin cho nhóm gia đình tỵ nạn này sang định cư trong khu vực bầu cử của ông, nên hôm nay ông đến tỏ cử chỉ chăm lo đến số người này khi họ có việc.

Cô gái còn vị thành niên. Trên giấy tờ cô mới 16 tuổi, nên cha mẹ đã thay cô ký giấy giao vĩnh viễn đứa con sắp sinh cho sở thanh thiếu niên để họ làm thủ tục cho con nuôi. Tôi nhìn cô, đoán tuổi thật của cô chừng 20 tuổi. Những người mới định cư trẻ thường khai tuổi ít đi để được hưởng những trợ cấp giáo dục hoặc học nghề dài hơn.

Tôi được đưa đến đây để thông dịch, nhưng chỉ thông dịch một chiều, nghĩa là những gì mọi người muốn nói với cô, chứ không có những gì cô muốn nói với họ, vì cô gái hoàn toàn im lìm. Lâu lắm rồi cô không hề mở miệng nói một lời nào với ai. Cô không khóc, không để lộ vẻ chống đối hay khuất phục, buồn hay vui. Cô chỉ im lặng. Cha cô đầy hận thù, có lẽ ông muốn mắng chửi cô. Mẹ cô đầy mệt mỏi, có lẽ bà muốn an ủi cô. Nhưng cô không hề phản kháng để cha có thể mắng chửi, không hề than khóc để mẹ có thể an ủi. Cô chỉ ngồi ở mép giường, im lìm, không nhìn một ai, một vật gì. Cô không đưa tay sờ bụng như những phụ nữ chửa to thường làm. Cô không vén tóc, không co chân lên vịn lấy đầu gối. Cô không chạm lấy thân thể mình.

Bác sĩ đến và muốn nói chuyện với cô. Tôi được yêu cầu thông dịch những lời dặn dò trước ca mổ vào ngày hôm sau. Nhân viên sở thanh thiếu niên và nhân viên y tế quyế định là không chờ cô chuyển dạ đẻ mà sẽ định ngày mổ để lấy đứa bé ra vì như thế sự ràng buộc giữa cô và đứa bé sẽ ít đi. Cô sẽ mang nặng chứ không đẻ đau. Sẽ không nghe tiếng đứa bé khóc chào đời, nhìn người ta cắt rốn cho nó rời nhau mẹ. Cô sẽ vào phòng nằm chờ người ta chụp thuốc mê. Khi tỉnh dậy cô sẽ chỉ còn một mình với một vết thương đã được khâu. Sẽ không còn đứa bé trong bụng hay bất cứ nơi nào trong đời. Mọi chuyện sẽ qua đi như chưa bao giờ có thực.

Tất cả mọi người, bác sĩ, y tá, nhân viên sở thanh thiếu niên, nhân viên xã hội của nhà thờ, kể cả người lau nhà, ai cũng nhờ tôi dịch mãi một câu: Em cần gì không? Tôi giúp được em điều gì không? Và cô luôn luôn lắc đầu. Điều duy nhất cô muốn được giúp, cô biết họ sẽ không làm.

Buổi tối tôi về, lúc nằm trên giường chờ giấc ngủ, tôi tưởng tượng nếu mình là cô gái ấy mình sẽ làm gì đêm nay. Giản dị là tôi sẽ trốn ra khỏi bệnh viện, tìm đến nhà người yêu là cha đứa bé trong bụng hay là đến nhà một người quen rồi nhắn cậu đến gặp. Nhưng có lẽ cô gái không làm thế. Cô không biết tiếng Đức. Có những việc vô cùng quan trọng mà người ta không làm giản dị vì không nói được ngôn ngữ của nơi mình đang ở. Cô sẽ không tưởng tượng được làm sao để hỏi mình đang ở đâu và có tuyến đường xe buýt nào về nơi cô muốn đến hay không. Hoặc cô không có tiền mà không biết hỏi mượn ai. Cô bị gia đình cầm tù suốt nhiều tháng, và cô không tưởng tượng, không sửa soạn sẽ làm gì vào cái đêm duy nhất bên ngoài cái nhà tù ấy. Đêm duy nhất trước khi người ta, những người thân yêu, những nhân viên y tế, xã hội, những người chuyên làm các công tác nhân đạo đưa cô vào phòng gây mê để rạch một vết thương trên bụng cô và với con dao mổ ấy dằn lấy tất cả những gì cô muốn tự định đoạt cho đời mình: ý muốn làm vợ người cô chọn và làm mẹ đứa con của chính mình.

Tôi không biết cô có viết thư cho người yêu hay không. Suốt buổi sáng ở bệnh viện tôi không hề nghĩ đến điều này, không hỏi tôi có giúp đưa cái thư ấy đến tay cậu hay không. Nếu biết điều sắp xảy đến với cô và đứa con cậu sẽ quyết định thế nào và cậu sẽ làm được gì?

Còn cô gái, cũng có thể cô quá mệt mỏi, có thể cô không còn ngay cả can đảm nhỏ nhoi để xin vài đồng xu của người lau nhà và hỏi thăm đường xuống căn tin tìm một cái điện thoại công cộng. Chỉ một năm hay vài tháng sau thôi cô sẽ biết nói tiếng Đức, cô sẽ khỏe mạnh, đi lại tự do, sẽ tự lập hơn nhiều. Lúc đó vết thương mổ ở bụng đã lành hẳn. Nhưng nếu vết thương mất con không chịu lành thì sao? Cô sẽ không có một cách nào được biết con mình sống chết ra sao, ở với ai, được nhìn thấy nó một lần duy nhất. Sở thanh thiếu niên đã liệu trước và ngăn ngừa hiệu quả những người đã cho con rồi lại muốn gặp con. Khi mạnh khỏe, tự lập cô sẽ nghĩ cuộc đời cô và con cô đã hoàn toàn khác hẳn nếu 5 hay 6 giờ sáng ngày hôm đó, tức là ngày mai, cô có một ít can đảm và vài đồng bạc để lần mò đến được một trạm xe buýt mà bỏ trốn. Còn tôi, tôi biết rất rõ trạm xe buýt nằm ở đâu, biết rất rõ là xe buýt ở Đức không hề có người soát vé hoặc tôi có thể cho cô mấy đồng bạc mà cô cần, tại sao tôi không giúp cô?

Tôi chỉ cần ngồi dậy lúc bây giờ là nửa đêm, gọi điện thoại cho một người bạn để mượn xe hoặc nhờ nó đến đưa tôi lên bệnh viện, nghĩ ra một lời nói dối nào đó để người trực đêm cho tôi vào phòng cô. Tôi sẽ vẽ cho cô một cái bản đồ để đi xe buýt, dúi cho cô những đồng bạc mà cô cần, rồi đi về. Phần còn lại là cô và số phận. Tôi chỉ cần một ít ý chí nhỏ nhoi thôi là có thể làm được chuyện này.

Vậy mà tôi cứ nằm mãi trên giường, với hơn một lý do để tôi không đi. Thứ nhất: đây không phải là chuyện của tôi. Thứ hai: cô ấy không hề nhờ tôi. Thứ ba: mọi người từ người thân đến người làm việc xã hội, chuyên môn và uy tín, đều đã quyết định như vậy. Họ hay tôi là những người được đi học và trả lương để sắp xếp xã hội, quyết định một số định mệnh con người? Thứ tư: biết đâu cô gái chỉ muốn chấp nhận tất cả những gì người ta sắp xếp cho cô. Tình yêu của cô dành cho người con trai, cho đứa con sắp chào đời và cho chính mình nó nặng quá, cô chỉ có thể mang nó trong tim chứ không thể gánh trên vai của mình. Và cuối cùng, nếu tôi giúp cô bỏ trốn, dù ở mức độ nào, dù với một cái bản đồ xe buýt và vài đồng bạc hay bằng cách dẫn cô ra xe của bạn tôi đang đậu chờ ở bãi và chở cô đi vì cô không dám đi một mình hoặc không có một nơi nào để đến, thì mọi người: cha mẹ cô, vị dân biểu, nhân viên sở thanh thiếu niên và nhân viên bệnh viện sẽ gán cho tôi những tội gì, tôi có sẽ gặp những lôi thôi về mặt luật pháp hay không vì cô gái còn ở tuổi vị thành niên.

Và tôi nằm mãi mà không có được quyết định nào. Sáng mai cô gái phải mổ. Cô không còn nhiều thì giờ. Ngày nào đứa con còn nằm trong bụng cô, cô còn có thể đem nó đi trốn. Khi nó bị mổ lấy ra rồi thì cô đã mất nó vĩnh viễn.

Và tôi không quyết định. Không quyết định luôn luôn có nghĩa là chối từ. Người ta vẫn thường thụ động và tê liệt vào những khoảnh khắc quan trọng. Và cuộc đời đi vào những ngã rẽ buồn thảm không phải vì chúng ta chọn nó như vậy mà vì chúng ta không quyết định điều ngược lại.

Hôm cô mổ tôi không đến bệnh viện. Hôm sau tôi đến thì cô ngủ, tôi chờ độ hai tiếng rồi bỏ về. Hai hôm sau nữa tôi lại đến. Cô vẫn vậy, hoàn toàn không nói chuyện với ai. Trông cô mệt mỏi, ánh mắt cô nhìn xuống thấp hơn. Cô không nhìn ai dù lạ hay quen. Không để cho ai nắm tay. Tôi ra ngoài nói chuyện với y tá trực.

Cô suốt ngày năm im không nói chuyện. Không ăn uống. Không khóc. Buổi tối, khi mọi người ngủ hết, cô sẽ lần mò theo chỗ có tiếng khóc con nít mà đi. Cô tìm được phòng nơi người ta đặt nôi con của cô. Phòng khóa cửa và cô không được vào. Nhưng phòng có một cửa kính nơi các cô y tá bế các đứa trẻ sơ sinh dơ lên cho cha mẹ phía bên ngoài nhìn vào. Không ai bế con cô đưa cho cô xem. Cô cũng không thể nào biết được con cô nằm nôi nào trong số gần hai mươi cái nôi trong phòng. Tất cả nôi đều đặt cao và có thành, đứng bên ngoài nhìn vào không thể thấy các em bé.

Vậy mà cô bám tựa vào khung kính và đứng như thế nhìn vào phòng mãi, không ai dẫn cô về giường cô được. Ngực cô căng lên, sữa chảy ướt đẫm phần áo phía trước. Cô đứng cho đến lúc ngất đi trước phòng trẻ sơ sinh. Ban ngày cô nằm im lìm trên giường mình không nói năng. Đên đến, khi bệnh viện vắng tanh, cô lại lần mò đến nơi cô tin là con mình nầm và tựa vào tường nhìn vào suốt đêm.

Đây là bản năng cô căng sữa nên tìm con để cho bú hay là một tình yêu tuyệt đối và tuyệt vọng chưa hề bị tình cảnh khuất phục?

Ngay cả tôi cũng bị từ chối cho biết con cô có còn nằm trong phòng sơ sinh hay đã được chuyển đi nơi khác, là con trai hay con gái và có hoàn toàn khỏe mạnh không.

Điều tốt nhất là cô nên quên đi tất cả. Và tất cả sẽ qua đi như một chuyện không có thực.

Còn tôi, tôi đã đến với cô cùng với vị dân biểu. Tôi thông dịch cho cô nghe những gì ông dân biểu, nhân viên sở thanh thiếu niên, nhân viên y tế muốn cho cô biết, chứ không phải những gì cô muốn biết. Với cô, tôi chỉ là một người trong bọn họ. Những người không bình đẳng với cô. Không bình đẳng vì họ quan trọng hơn cô. Vì họ là những con người đại diện cho những guồng máy, còn cô là một người cô đơn.

Tôi bỏ cô ra về. Sẽ không bao giờ tôi gặp lại cô nữa. Bên ngoài, mùa xuân mượt mà, những cánh hoa táo hoa mận mỏng manh, một nửa còn nằm trong ánh nắng ở trên cành, một nửa đã rơi lấm tấm trên đám cỏ mới lên. Bây giờ thì tôi biết tại sao mình không thích đi trong một ngày mới sang mùa hồn nhiên và nhẹ tênh: trái tim chúng ta thụ động, nhưng không vô tội. Sự hồn nhiên của chúng ta, nó không xa với tội lỗi là mấy.

(1998)

(Tựa do anh Nguyễn Trọng Chức đặt)

Friday 21 September 2007

tragic hero?

Có một bức thư của thầy today20 được cô ấy đăng trên blog và Linh đăng lại. Cái thư đó bắt đầu bằng một câu hỏi (“I’m curious what Vietnamese think about “evil”.) và chấm dứt bằng một câu hỏi (“Does Vietnamese have anything like the concept of a tragic hero?”).

Tôi nghĩ tới câu hỏi sau nhiều hơn câu trước. Tôi muốn viết gì đó về một nhân vật bi hùng của người Việt vào ô comment nhưng lạ thay, tôi không tìm được ai. Tôi không có câu trả lời, dù câu hỏi có vẻ rất dễ. Sau một lúc loay hoay tìm kiếm, câu trả lời của tôi cũng giống của Linh là: Việt Nam chỉ có tragic heroine, chứ không có tragic hero. Hầu như mọi nỗi buồn đều chất lên vai người phụ nữ, và họ chỉ trở thành người hùng sau khi đã chịu mọi điều oan khuất; sự hy sinh là đức hạnh đầu tiên, không có nó thì không có gì khác đáng nói. Khác với công thức người hùng của Hy Lạp, cuộc đời của Thúy Kiều và Thị Kính không bước vào ngã rẽ bi thảm sau một lỗi lầm hay nhầm lẫn của chính họ. Vì vậy, sự oan khuất là điều tuyệt đối.

Trong khi với một người phụ nữ sự hy sinh là đức hạnh lớn nhất, thì với một nam nhi nó có thể là một điều cho thấy sự kém cõi. Đàn ông khi cần chỉ nên hy sinh cho tổ quốc hay lý tưởng chứ không nên hy sinh vì mẹ hay vợ, như Thúy Kiều và Thị Kính đã hy sinh vì cha và chồng. Hy sinh cho người khác, tức là đặt tầm quan trọng của mình thấp hơn họ. Nam nhi không thể chấp nhận điều đó.

Đàn ông có thể hy sinh cho tổ quốc hoặc lý tưởng. Nhưng đó là những thứ trừu tượng, quá trừu tượng để thi ca có thể dựng nên tác phẩm về họ. Cái chết viên dũng tướng trên lưng ngựa thuộc về lịch sử, nỗi đợi chờ của người vợ mới thuộc về thi ca. Chúng ta học sử ở trường, sau thời cổ sử thì không còn một người phụ nữ nào nữa. Còn trong các tác phẩm thi ca lớn, rất vắng đàn ông (Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán).

Hay chính vì đàn ông từ chối làm một tragic hero, nên cũng không có hero là đàn ông. Ít ra là trong thi ca. Bởi vì, hình như, bi và hùng định nghĩa lẫn nhau. Không có cái chết, nỗi buồn, sự oan khuất, trăm cay nghìn đắng hay banh ngực dâng tim, người ta không biết lấy gì vẽ nên hình bóng một người hùng. Và rồi, nền văn hóa của chúng ta cũng không cần phải có họ.

x

Niềm tin Thiên chúa giáo ngay từ thuở ban đầu đã gặp mâu thuẫn với quan niệm về cái đẹp và bi kịch của Hy Lạp. Điều quan trọng nhất của Thiên chúa giáo là tự do của ý chí. Tự do chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu. Khi cái tốt và xấu đã được định nghĩa rõ rệt rồi (bởi người khác), thì tự do chẳng còn mấy ý nghĩa. Nên nhiều người sẽ bỏ bớt chữ free trong hai chữ free will. Nhưng dù free will hay will, người ta có sự chọn lựa, có ý chí, và chính ý chí này sẽ quyết định định mệnh của một người. Trong quan niệm về bi kịch Hy Lạp, sự chọn lựa chỉ định nghĩa được phẩm chất của nhân vật, chứ không quyết định được kết cục của câu chuyện. Định mệnh nằm trong tay thần thánh. Nhưng biết đâu, nhiều năm về sau, người ta được nhớ tới qua phẩm chất của mình ngay trong trung tâm cơn bão, chứ không phải qua kết cục của câu chuyện, rằng sau mọi khó khăn anh có được vua gả công chúa và ban thưởng nhiều vàng bạc hay không.

Nhưng chính Thiên chúa giáo cũng không vẽ nổi hình bóng người hùng mà không cần tới sự bi thảm. Bi kịch là định mệnh, mà Thiên chúa giáo thì không chấp nhận định mệnh. Tất cả sự mâu thuẫn này tự để lộ mình qua cách lịch sử Thiên chúa giáo đối xử với nhân vật Judas.

Judas bán Chúa lấy tiền. Và từ đó về sau, thế giới biết được là cái ác, cái xấu có thật, có thể nhìn thấy, kể lại được chứ không phải chỉ là một ý niệm. Sự ganh tỵ và tham lam khiến người ta làm ác. Sự tham lam được lịch sử ghi chép lại là 30 miếng bạc, bằng tiền để mua một nô lệ, một con số cụ thể, chứ không phải là một ý niệm trừu tượng. Sự ganh tỵ thì khó đo đạc hơn một chút, thôi thì cứ để nó hơi trừu tượng, cũng được.

Nhưng nếu Judas không bán Chúa, thì không có tragic hero chết một cái chết được biết trước trên thập tự, không có sự cứu rỗi, không có Thiên chúa giáo. Chắc chắn Jesus biết điều đó. Từ đó suy ra, như Kazantzakis đã làm trong cuốn Thử thách cuối cùng của Chúa, rằng Jesus đã yêu cầu Judas bán mình, chỉ là một bước ngắn. [Quả thật, điều này đã được xác nhận trong những trang Phúc âm của Judas mới tìm được và dịch ra gần đây, tuy rằng tại sao Jesus yêu cầu như vậy, theo Judas, thì khác với ý của Kazantzakis.]

Thiên chúa giáo không chấp nhận bi kịch Hy Lạp, vì không chấp nhận thần thánh và định mệnh, nhưng cuối cùng tragic vẫn là cách duy nhất định nghĩa một hero, và tragic thực sự luôn luôn là một loại định mệnh, vì nó được biết trước. (Ở đây, định mệnh được thay bằng chữ Ý Chúa, dù tôi cũng hoang mang không biết là ý của Chúa cha hay Chúa con, cũng như tôi vẫn hoang mang không biết hai người này là một hay là hai). Nếu chuyện PHẢI xảy ra như vậy, theo Ý Chúa, thì tại sao lại kết tội Judas?

Phải kết tội Judas, vì nếu không có người phản bội, thì không thực sự có sự bi thảm của một người chết oan ức, gánh lấy mọi cái xấu của thế gian để mà cứu rỗi cái xấu ở trong mọi con người.

Nhưng mà Jesus và Judas, ai chịu nhiều oan ức hơn?

Sau cái chết của Jesus trên thập tự, người ta tin rằng tội lỗi là có thật và sự đau đớn cần thiết để rửa xóa tội lỗi. Suffering trở thành nền tảng của tình yêu nhân loại.

Nhưng biết đâu, Jesus đã chết một cái chết hoàn toàn khác. Chẳng hạn như theo một giả thiết, Judas đã tin vào tiên tri của Cựu ước (không tin định mệnh sao lại tin tiên tri nhỉ), rằng một messiah sẽ cứu dân Do thái khỏi tay người La mã. Thấy Jesus càng ngày càng mờ nhạt và chẳng chịu làm gì để đánh La mã, Judas bèn giao Jesus cho lính La mã để buộc Jesus phải kêu gọi khởi nghĩa. Judas tin (cũng theo cựu ước) rằng Jesus bất tử. Đến lúc thấy Jesus chết, và chết rất đau đớn, thì Judas tự tử vì hối hận.

Hoặc theo Phúc âm của Judas, rằng cả Jesus và Judas đều theo Gnosticism (theo đó, thế giới nào dựa vào vật thể/vật chất đã là dựa vào cái ác) và đã ngộ đạo. Hai người cần làm những việc cuối cần làm trên dương thế, rồi đi về cõi bên kia. Không khác vài nhà sư Phật giáo của ta, giác ngộ rồi, đọc đủ từng ấy kinh kệ rồi, thì lên giàn thiêu để về niết bàn.

Nếu như vậy thì evil không có người đại diện [Jesus là ý chí của Chúa biến thành xương thịt, còn cái ác (ý chí của Satan) biến thành xương thịt thì tên của nó là gì? Banality? ("... the Banality of Evil", Hannah Arendt)], sự cứu rỗi bằng nỗi đau cũng không cần thiết. Biết đâu có một sự thật về Jesus khác với sự thật mà chúng ta được biết, mà nếu nó không bị dấu nhẹm đi, thì văn minh phương Tây đã rất khác.

Saturday 8 September 2007

Lần thứ nhì

Tiểu thuyết thứ hai, Mưa ở kiếp sau, nhà Văn Học xuất bản, vừa in xong.

Chân thành cám ơn Hồng Hạnh, Triều An, Hoàng Anh, Lan Anh, Hồng Quang, Nhật Linh.

Friday 7 September 2007

Đêm nghe tiếng em hát

Phòng đợi bến xe đò Đà Lạt – Sài Gòn có nước chè tươi và mứt gừng. Tôi đi chuyến quá nửa đêm một chút. Đêm Đà Lạt không lạnh lắm, nhưng tôi mặc áo khoác, để có hai cái túi to, chôm mứt gừng cho vào túi không thấy cộm. Đây là loại mứt gừng rẻ nhất trong các loại mứt gừng, không làm từ gừng non to củ, mà từ các loại gừng ế chợ, không thể cắt lát đẹp, mà to nhỏ dầy mỏng lung tung. Thường là gừng già đầy xơ, cay, ăn ấm bụng. Tôi thích vậy. Ăn vài miếng, bỏ thêm vài miếng vào túi để dành đi đường. Thấy không ai nói gì, lại chôm thêm vài miếng nữa.

Trên xe, thích nhất là được ngồi chỗ cửa sổ để dựa đầu vào kính xe, cắm hai cái tai nghe của iPod vào hai tai, lơ mơ ngủ. Mỗi lần thức dậy nhìn ra đều không biết mình đang ở đâu, đi đâu, và những cây cỏ hay những căn nhà đóng cửa bên ngoài luôn luôn nhuộm trong một thứ đèn đường rất vàng, rất siêu thực, rất tối, rất nowhere. Và thứ nhạc tôi đang nghe nó sẽ còn lạ lùng hơn. Nó làm cho thời gian mất đi. Không, sai rồi, nó làm cho thời gian không bao giờ mất đi. Khoảnh khắc này sẽ luôn ở lại đâu đó. Thời gian ở trong lồng ngực cùng với hơi thở, vậy mà không có gì trừu tượng như nó. Khi một khoảnh khắc luôn ở lại, tôi không biết là thời gian mất đi hay còn hoài.

Chuyến xe đêm qua tôi thu xếp được chỗ ngồi bên cửa sổ, nhưng không mở được iPod. Đây không phải là lần đầu một cái iPod vô dụng bỏ rơi tôi như một người tình vô dụng tàn nhẫn. Vậy là suốt đêm, suốt chặng đường tôi phải nghe băng nhạc Cô Thắm về làng của anh tài xế phát ra từ cái loa trên đầu. Tôi biết, một lúc nữa thôi, mình sẽ điên. Mứt gừng già đến mấy cũng không làm lòng ấm lại.

Nhưng tôi không điên. Tôi nghe liên miên độ một nghìn một trăm bài. Một bài hát có lời gần như vầy: Em biết anh nghèo nhưng em không chê. Vui tình nghèo duyên thắm mặn nồng. Tôi thấy buồn kinh khủng. Lại một đêm với những ý nghĩ rời rạc nửa đường không đâu vào đâu. Người nghèo thì vẫn còn, nhưng cái “tình nghèo” yên vui hay thơ mộng, tôi không biết nó còn đâu đó hay chăng.

Hoàng Thi Thơ:
Em gái vườn quê. Cuộc đời trong trắng. Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.

Phạm Duy:
Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao.

Cũng có thể những bài thơ đó chưa bao giờ có thật. Trương Tân có dự án “Tuổi thơ xinh đẹp như postcard”. Anh vẽ những tấm postcard, có những đứa trẻ chăn trâu thổi sáo, vui đùa trên cánh đồng gió mát xanh như ngọc. Chiều về chúng bị bố bỏ đói và treo lên đánh, vì trong xóm đang có phong trào thi đua ai đánh con con ngất nhưng mẹ nó không ngất. Các bà mẹ yếu đuối, thấy chồng đánh con tàn ác cứ ngất đi trước khi con mình ngất. Bố phải tìm cách dạy mẹ không được thương hại.

Tuổi thơ tôi biết những người nhà quê vì chiến tranh di cư lên thành phố, sống trong những cái xóm lầm quê lạc chợ, trong những gian nhà quá nhỏ, thắp đèn neon quá sáng và những cái radio mở suốt ngày. Suốt ngày tôi nghe những bài Duyên quê, những tiếng hát Giao Linh hay những anh hề tấu hài cười hệch hệch lẫn trong tiếng người lớn la hét chửi nhau, trẻ con la hét vì bị đánh. Lẫn trong cái nghèo luôn luôn có một thứ uất ức nào đó, ngay cả trong lúc nghe Chế Linh ca.



Rồi trên chuyến xe cơn buồn ngủ đến, tôi nhắm mắt lại. Bao năm đã qua rồi. Không còn là Chế Linh, mà là Phi Nhung gì đó. Vui tình nghèo duyên thắm mặn nồng.

Buồn làm gì, tất cả chỉ vì cái iPod mở không được.

Về đến nhà, mệt, thân thể như được chắp lại từ nhiều mảnh. Mảnh này không biết mảnh kia, mảnh nào cũng rã rời gắng lo cho riêng mình làm sao sống cho qua hết ngày hôm nay.

Ngày mai các mảnh trong người sẽ lại gắn lại với nhau thành một, đời sẽ đẹp và có mứt gừng trong cả hai túi áo.