Wednesday 25 October 2006

trong gió dường như




ngày đông cuối cùng của chúng ta trên bãi biển


những con hải âu đã đi rồi


trong gió dường như


có tiếng kêu của chúng vọng lại từ mùa hè trước đó.


 


hai năm sau


anh gửi thư hỏi


em có còn nhớ những con hải âu trên bầu trời mùa đông năm nào?












(Một bài thơ làm đã lâu, tìm được trong đống giấy cũ. Bây giờ ai còn đọc thơ nhỉ?)

Tuesday 24 October 2006

Cảm hứng và cấu trúc






Tản mạn về chuyện viết


 

Ngày xưa, khi viết tôi tin ở cảm hứng và xem thường cấu trúc. Quả thật, nếu có gì đẹp, nó đến nhờ cảm hứng. Từ làn da thịt chạm được bằng tay, đến thứ khói huyễn hoặc ở cuối một con đường, tất cả nằm đó trên trang giấy, không bao giờ do người viết tiên liệu và sắp xếp mà có. Cảm hứng là tất cả. Không có cảm hứng thì không có truyện, không có thơ. Cảm hứng đến và đi như những cơn gió, và ta rất khó lập lịch hẹn giờ với gió.



Tôi chờ đợi gió, và nếu những cơn gió không đến, tôi không làm gì hết. Chỉ chờ. Tôi không dùng thì giờ chờ đợi đó để phác ra cấu trúc cho những câu truyện, bởi vì cấu trúc, hay tổ chức, gần như là từ phản nghĩa với cảm hứng. Tôi sợ vẽ ra sơ đồ làm gió buồn không thổi, vì bản tính của gió yêu tự do. Tôi sợ gió vội chuyển hướng đi tìm những cánh đồng trống đầy cỏ dại ở phía bên kia sông, nơi tôi không biết đường đi đến.



Tôi không màng đến cấu trúc. Kết quả của điều đó là những truyện dài truyện ngắn viết mười năm không xong. Mấy trăm trang viết ra không gắn vào nhau được, như mấy trăm mảnh sành vỡ ra từ bao nhiêu chiếc bình khác biệt, những chiếc bình luôn luôn vô hình với nhau và với tôi.




Một lúc nào đó tôi hiểu rằng viết văn không phải chỉ là chờ đợi những cơn gió. Phần lớn thì giờ tôi là một chị thợ hồ hơn là một nghệ sĩ, tôi không xây gì được nếu không có một bảng vẽ kiến trúc. Cũng có khi, chờ lúc tên kiến trúc sư đi ăn cơm, tôi có thể đổi hướng một bức tường, quay ngược cái bảng vẽ, biến trần thành cái nền nhà, khiến tên kiến trúc sư (cũng chính là tôi) khi quay lại nhìn quẹo cả cổ không còn nhận ra căn nhà hắn đã vẽ. Vẫn được. Dù bản vẽ kiến trúc vẽ ra chỉ để chị thợ hồ trong lúc xây muốn xoay ngang hay xoay ngược gì thì tùy chị, nhưng vẫn phải có bản vẽ.



Và sau nữa tôi nhận ra rằng công việc thợ hồ thường khó không phải vì thiếu gạch mà vì người thợ hồ chỉ được dùng một số gạch nhất định nào đó và đem số gạch dư đổ sông đổ biển. Chị thợ hồ tiếc, ngồi ở bờ sông than khóc hết phần lớn số thời gian xây nhà. Chị phàn nàn với nhà cung cấp vật liệu xây dựng, với từng ấy gạch, phải như ông giao cho tôi đủ xi măng, tôi đã có thể xây căn nhà to gấp năm gấp mười. Nhà giao vật liệu (cũng chính là tôi) vừa cười vừa nói rằng: chị xây nhà bao nhiêu năm rồi không biết sao, rằng gạch không bao giờ hiếm, chỉ có xi măng, chất làm chúng dính lại với nhau, mới luôn luôn hiếm.

Wednesday 18 October 2006

Tại sao tôi đọc tiểu thuyết?

Nếu tiểu thuyết lúc nào cũng hấp dẫn, dễ đọc thì câu hỏi trở nên thừa. Các con tôi không bao giờ hỏi tại sao người ta ăn kem cây. Chúng chỉ hỏi tại sao lại ăn những thứ chúng cho là không hấp dẫn. Con gái tôi cho rằng người ta không cần trồng rau cải hay nuôi cá tôm làm gì, vì con người có thể sống hoàn toàn hạnh phúc nhờ mỗi ngày ăn một bình kẹo dẻo. Tôi giải thích: ăn cà rốt sáng mắt, ăn rau dền luộc bổ máu…

Tại sao không dừng lại ở những cuốn sách đọc dễ như ăn kẹo dẻo, như Tề thiên đại thánh và Harry Potter. Tìm những cuốn sách ít hấp dẫn hơn để làm gì?

Vì đọc tiểu thuyết có lợi ích, giống như ăn rau dền luộc bổ máu?

Chúng ta làm một việc gì đó chỉ khi nào biết được nó có lợi vào việc gì thôi sao?

Ngôn ngữ của chúng ta có một giới từ rất thông dụng là từ “để”. Học bài để thi đậu, đi làm để kiếm tiền, giao tiếp xã hội để có người quen mà nhờ vả, đi du lịch để mở mang kiến thức, nghe bài Cô Thắm về làng để thư giãn. Tôi nghĩ rằng gắn được vế sau của mỗi câu ở phía sau chữ “để” cho mỗi việc tôi làm là tôi có được mục đích lớn của cuộc đời: nó là tổng số của những mục đích nhỏ xíu và nhỏ vừa, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Cho đến một hôm, một người bạn cho rằng tôi không biết sống trong hiện tại. Tôi sống, cùng lắm, chỉ được một nửa. Tôi nói: “Sống mới một nửa mà đã quá khó, sống trọn làm sao làm nổi?” Người bạn hỏi tôi: “Đứng một chân và đứng hai chân, cái nào khó hơn?”

Tôi về nghĩ lại.

Cuộc sống tôi là một chuỗi hoạt động đuổi theo những mục đích ở phía trước. Cuộc đời xảy ra vào ngày mai. Không bao giờ có hôm nay. Không bao giờ có sự ung dung trong hiện tại. Hình như lúc nào tôi cũng đang cố giữ thăng bằng, tôi như người đứng một chân thật.

Ngày chúng tôi còn nhỏ, khi học sinh vật, học về một con thú hay một loại cây nào đó, sách giáo khoa thời trước luôn luôn dạy cho chúng tôi chúng có ích cho chúng ta ra sao. Con chồn cho thịt và lông, con voi kéo gỗ và cho ngà, gỗ bằng lăng dùng làm nhà, cây cầy, bần, đước thì làm than. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vạn vật ở chỗ chúng phục vụ được những mục đích nào của con người mà thôi. Cuối cùng phải đến lúc rừng mất và thú tuyệt chủng. Nếu người ta nghĩ rằng trời sinh ra cái cây là vì cái cây, con voi là vì con voi và để yên cái cây và con voi được ở nơi trời sinh ra nó, thì sẽ còn rừng giữ đất, giữ không khí sạch, ngăn lũ xuống đồng bằng.

Để sống trọn vẹn hơn, theo người bạn học thiền của tôi, khi nói câu nào chỉ cần bỏ đi chữ “để” và cái vế đi sau đó. Đọc sách chứ không phải đọc sách để tích tụ kiến thức cho ngày mai. Nhìn trăng chứ không phải nhìn trăng để tâm hồn thư giãn. Để tâm hồn thư giãn không có gì sai, nhưng nó giới hạn sự nhìn trăng, cũng như đi tìm kiến thức trong một quyển sách loại bỏ những thứ khác trong quyển sách đó không được định nghĩa là kiến thức.

Một hôm, không ai dạy bảo, con tôi tự nhận ra rằng ăn rau lang luộc chấm tương cự đà ngon hơn ăn kẹo dẻo. Con người tự biết rằng các món ngọt ngào, dễ ăn không thôi không đủ nuôi sống mình. Người ta không chỉ cần có Tề thiên đại thánh và Harry Potter.

Tôi đọc tiểu thuyết vì tiểu thuyết không mang mục đích gì cả, nhờ vậy việc đọc của tôi thuần khiết. Trong một bức thư không gửi cho một nhà văn cùng thời vào năm 1865, Tolstoy viết: “Nếu có ai bảo tôi viết một cuốn tiểu thuyết trong đó tôi khẳng định một cách tuyệt đối cái mà tôi cho là quan điểm đúng cho tất cả các vấn đề xã hội, thì quyển tiểu thuyết đó không đáng để tôi dành ra hai tiếng đồng mà viết nó.”

Nếu cầm một cuốn sách lên, đọc được một lúc, tôi nhận ra được ý đồ của tác giả, thì tôi không còn tin quyển sách ấy nữa. Tôi có ngay cảm giác là câu nào, cảnh nào người viết cũng đưa vào để phục vụ cho cái ý đồ ấy, để khẳng định một quan điểm. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết, tôi chỉ muốn được nghe kể chuyện mà thôi. Câu chuyện có đầu có đuôi hoặc thiếu đầu hoặc thiếu đuôi hoặc thiếu cả hai cũng không sao. Nhưng đừng hơn như vậy. Tolstoy cho rằng trong thế giới của nghệ thuật không có chỗ để chứa các công thức giải quyết những vấn đề xã hội.

Kho tàng triết lý của loài người nằm trong các tác phẩm văn học nhiều hơn trong những cuốn sách triết. Nhưng triết trong tiểu thuyết không có hệ thống, không khẳng định, nó bàng bạc giữa có và không, và nó tùy thuộc rất nhiều vào người đọc. Triết trong văn học là những đám mây trên trời, người đọc ngước nhìn và tự tả cho mình: đám mây này hình con thỏ, kia là ông khổng lồ, còn đây là ông câu cá, có cả chiếc thuyền con của ông ấy. Nếu người đọc nhìn mây không thấy ông khổng lồ và ông câu cá thì cũng chẳng sao, mây vẫn là mây, vẫn đẹp và nhất là nhẹ nhàng.

Người viết sách triết tìm cách hoàn tất một hệ thống tư tưởng chặt chẽ. Trong cuốn sách triết nào, phần kết luận cũng là phần quan trọng nhất. Còn người viết tiểu thuyết chỉ kể một câu chuyện, lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người, đôi lúc phân vân không biết viết bao nhiêu thì đủ, bao nhiêu thì thừa. Cái khó trong một bức tranh là những nét không vẽ chứ không phải những nét được vẽ xuống khung vải. Sự khẳng định làm chết nghệ thuật. Những câu nào người viết còn được viết ra không khó bằng những câu phải để trống để cho nó tự thành hình trong đầu hay trong tim người đọc. Một cuốn tiểu thuyết hay, giống như cuộc đời, không bao giờ hoàn tất.

Tiểu thuyết, trong khi không mang mục đích thông tin, chuyên chở kiến thức, lại làm cho ta hiểu về con người, về lòng tin, nơi họ sống, lịch sử, thời tiết, mùa màng… sâu hơn những sách chuyên đề. Cơ quan nhi đồng của Liên hiệp quốc có thể thống kê về số trẻ con được sinh ra trong một năm nào đó ở một nơi nào đó ở Phi châu, số trẻ con đau yếu, được chữa bệnh hoặc không được chữa, chế độ dinh dưỡng của chúng, được đến trường, học nghề hay đi cuốc đất. Đọc những bài viết tỉ mỉ đó, bạn không biết một đứa trẻ khi làm vỡ một cái bát nó có bị đòn hay không; miếng thịt hiếm hoi trong bữa cơm gia đình vào miệng người cha hay đứa con ốm yếu nhất; khi buồn khổ đứa nhỏ úp đầu vào lòng mẹ hay đến ngồi bên một gốc cây; nó mơ những gì và kể giấc mơ của nó cho một cái tượng gỗ, đứa em gái hay là những ngôi sao? Nhà xã hội học có thể cung cấp cho bạn trăm nghìn con số tiêu biểu cho trẻ con ở Phi châu, nhưng qua những con số đó bạn không nhìn thấy một gương mặt, một kiếp sống, một hy vọng nào. Bức tranh càng tiêu biểu, thì cây cỏ trong đó càng mờ nhạt. Nhà văn, trái lại, không biết những con số. Anh ta có một câu chuyện về một đứa bé và một nỗi buồn không đếm được bằng số. Anh ta thức đêm đốt đèn để viết câu chuyện ấy ra, không biết để làm gì.

(Đã đăng trên Thể thao & Văn hóa năm ngoái dưới tên Đoàn Minh Hà)

Bài này viết theo đặt hàng của Phan Thị Vàng Anh. Năm đó Vàng Anh định cùng với một người bạn làm một tờ tạp chí, giấy phép đã ổn định. Tôi được hứa tặng một ít đất để thỉnh thoảng viết về một cuốn tiểu thuyết. Bài này là bài mở đầu cho trang Đọc Tiểu Thuyết. Cuối cùng người bạn của Vàng Anh quyết định làm đại gia kinh tế, chứ không làm đại gia chữ nghĩa, bỏ ý định làm tạp chí. Sự nghiệp bình loạn văn học của tôi chưa bắt đầu đã chấm dứt. Vàng Anh thấy tội nghiệp, mới đưa bài này qua Thể thao & Văn hóa.

Tuesday 17 October 2006

Lịch chiếu Hạt mưa rơi bao lâu




moonfish films cập nhật lịch chiếu phim ở blog này: moonfish films

Sunday 15 October 2006

Cái chết của con hươu cao cổ

Chị là một bác sĩ. Chị đi Ấn độ để ngồi thiền. Chị viết thư cho tôi, kể rằng chị đã ngồi đối diện với một bức vách, một mình, ở một nơi hoàn toàn không có tiếng động, trong ba tháng. Chị ước có thể nói cho tôi biết chị đã tìm thấy gì trong ba tháng này, nhưng đó là một thứ kinh nghiệm người ta không chia sẻ được. Chị viết, chị đã tìm thấy cái phần thật của mình. Điều đó với tôi trừu tượng quá. Chị viết có những thứ tôi tưởng không bao giờ tách được khỏi tôi, nhưng chúng không phải là tôi. Tôi không phải là thân thể tôi, cảm giác của tôi, tình yêu của tôi, tôi không phải là ý nghĩ hay niềm tin tôi mang. “Khi em ngồi thiền, em tách khỏi mình từng lớp những thứ làm em xa lạ với cái bên trong, bên trong tất cả những bên trong, cho đến khi em tìm thấy cái linh hồn tĩnh lặng của em, nó ở bên trên mọi thay đổi. Đó không phải là cái chết, mà là vĩnh hằng."


Cái chết không có thật. Chị biết như vậy. Chúng ta có một linh hồn ở bên ngoài thời gian.


Tôi nhớ đoạn phim trong Sans Soleil của Chris Marker, không phải các khung hình xem đã lâu và đã phôi pha, mà là cái ấn tượng không thể quên được:

Họ bắn con hươu cao cổ. Viên đạn thứ nhất xuyên qua lớp da dầy, xoáy vào thịt đỏ. Con hươu chạy, chợt hai đầu gối trước quị xuống. Nó đứng lên lại, và tiếp tục chạy đi. Họ bắn thêm những viên đạn kế tiếp, từ những lỗ đạn máu của con hươu phun ra, nhiều và đậm như những suối nước đỏ tuôn trào lúc nửa đêm: tim của con hươu đang sống và đang bơm từng giòng máu sẽ không còn chảy trở về cái gian bên kia của con tim ấy nữa. Rồi con hươu ngã xuống, trái tim chỉ còn khoảng không để bơm vào những mạch máu. Nó nằm dưới đất, mắt còn mở. Nó chưa chết. Khi những con kên kên đến, con mắt sẽ là thứ chúng mổ ăn đầu tiên.


Tôi quên hỏi chị rằng những con hươu có linh hồn hay không. Tôi sẽ gửi cho chị một email với câu hỏi này: “Đức Phật có nói những con hươu cao cổ có linh hồn, hay đức Phật không nói gì cả?” Tôi sẽ không tả họ đã bắn con hươu như thế nào và tại sao. Cái chết chạm đến chúng ta có khác gì không khi chúng ta biết rằng nó có thật hay không có thật?

Where is the life?

Where is the life you've lost in living?
Mải lo cuộc sống anh đã bỏ mất đời mình nơi đâu?


T S Eliot

Sunday 8 October 2006

Poetry

Thơ có lẽ là môn nghệ thuật cổ xưa nhất. Người ta học thuộc, rồi đọc, truyền miệng cho nhau những bài thơ mà không cần có sự giúp đỡ của vật chất. Trong khi những hình thức nghệ thuật khác được truyền tải qua vải bố và sơn, giấy và mực in, hay là một ban nhạc đàn giây, thì thơ sống bằng trí nhớ của loài người, một thứ gần với thể khí hơn là thể rắn.





Chúng ta bây giờ sống trong một thế giới vật chất. Theo T.S. Eliot, kiến thức đã thay thế cho chiêm nghiệm, và thông tin đã thay thế cho kiến thức (Where is the wisdom we have lost in knowledge? / Where is the knowledge we have lost in information?). Sống trong thời này chúng ta không muốn nhớ nhiều, vì còn để dành chỗ trong trí cho những thông tin dồn dập hàng ngày. Một bài thơ không có ý nghĩa gì mấy nếu chúng ta không nhớ nó. Vì vậy, bây giờ có rất ít người đọc thơ.



(Hôm qua đưa kịch bản NT nhờ D xem. Một nhân vật chính trong phim là một người làm thơ. Lúc quay lại D nói những người trẻ có lẽ không hiểu cái  động lực đẩy câu chuyện đi. Đối với họ, thơ ít hoặc không có ý nghĩa gì.)

Saturday 7 October 2006

Chuối

Nhà thơ được thế giới biết đến nhiều nhất của Nhật, người đã hoàn chỉnh thể thơ haiku mà chúng ta biết ngày nay, có tên là... Chuối.



Một mùa đông, đệ tử của ông làm cho ông một túp lều. Sau, họ trồng một bụi chuối trong sân. Ông có bài thơ:



Mưa chiều hôm:

tàu chuối

báo tin mưa trước hết



Evening rain:

the basho

speaks of it first


Matsuo Basho (1644 - 1694) tên thật là Matsuo Kinsaku, tên samurai là Matsuo Munefusa, bút danh là Sobo, nhưng sau bài trên ai cũng nhắc đến ông bằng tên Basho, có nghĩa là Chuối.





Một đêm lúc 3 giờ sáng, tôi nằm nghe chương trình Mosaik của đài WDR3 phát lại cho mấy người trực đêm và những tên mất ngủ. Họ phỏng vấn một bác sĩ về hưu tôi không kịp nghe tên trong một hội thơ của người hưu trí, haiku là gì.


Tôi không chú ý đến câu trả lời, vì định nghĩa haiku nghe đã nhiều, và cũng không quan tâm đến mấy cái hội lập ra để mấy bà nội trợ, mấy ông bà già cùng tỉa hoa hồng, nuôi vẹt kiểng hoặc… làm thơ.


Nhưng câu trả lời của ông bác sĩ về hưu nọ thật hay. Đây là những gì tôi còn nhớ được từ câu định nghĩa haiku của ông:


Thơ theo cách hiểu của chúng ta, luôn có một dòng chảy (tiến trình). Thơ kể lại một câu chuyện, một kinh nghiệm, một mạch suy tưởng. Haiku không có những thứ trên. Một bài thơ haiku hoàn toàn nằm trong một khoảnh khắc của hiện tại. Người làm thơ haiku không đem vào thơ hoài niệm, hoặc ước mơ.


Nghe giống nhiếp ảnh quá nhỉ?


Tuy chỉ nằm trong khoảnh khắc, ý niệm về thời gian của thơ haiku có thể mênh mông. Bài này Basho viết khi đến thăm một bãi chiến trường xưa:


Những ngọn cỏ mùa hè

những gì còn lại

của bao giấc mơ binh sĩ



Summer grasses,

All that remains

Of soldiers' dreams


Friday 6 October 2006

Đò dọc, đò ngang

Có lần về quê xưa Quảng Nam, chúng tôi đi đò qua sông.





Hai chị em chèo chống một con đò ngang. Giá thu mỗi người mỗi lần qua đò là 300 đồng. Vì tiền giấy 100 đồng không còn dùng, nên việc thu 300 đồng hơi phức tạp một chút: bạn trả 500, sẽ được thối lại 200 đồng. Nếu bạn có 2 tờ 200, đưa cô lái đò thì cô đành nợ lại bạn 100, lần sau đi sẽ trừ, chứ cô không thối tiền lại được.



Tôi hỏi cô sao cô không lấy giá đi đò là 400 đồng, cô chỉ cười không trả lời. Tôi hỏi cô tôi: Nếu chị em cô đưa đò lấy giá 400 đồng, thì vẫn còn rẻ, đâu có ai tiếc 100 đồng mà không đi. Với lại, cả khúc sông dài chỉ có một con đò ngang, đâu có ai cạnh tranh đâu. Cô tôi trả lời như thế này:



Những nhà khác có đò, lớn cũng bằng đò của nhà chị em cô đó, cũng do hai người chèo chống, họ nhận chuyên chở thứ này thứ nọ, gạch, lá lợp nhà, rau trái, gà vịt cho người đi chợ, hoặc than, củi, vân vân. Trung bình mỗi ngày họ kiếm được 60 ngàn.



Hai chị em cô gái nọ, mỗi ngày đưa chừng 200 khách qua sông, 300 một người, cũng kiếm được 60 ngàn.  Con số này ít có tăng giảm bất ngờ, vì ngày nào cũng có từng ấy người có việc qua sông.



Nếu cô lái đò tăng giá 400 một người, sẽ kiếm được 80 ngàn một ngày. Một nhà khác có đò thấy vậy, sẽ không đi đò dọc chở hàng thuê nữa mà sẽ đi đò ngang.  Số khách chia đôi, mỗi nhà sẽ chỉ còn 40 ngàn.  Vậy là cả hai nhà sẽ bỏ đò ngang đi đò dọc, và dân làng không còn đò để sang sông.



Vì vậy, tiền đò 300 đồng là một con số không thể khác được.