Monday 9 July 2007

Mây

Một cô bạn đã đọc tiểu thuyết mới của tôi trong ba ngày, nhưng mất đến hai tháng để lấy bút chì đánh dấu các đoạn cô ấy nghĩ là tôi nên viết lại. Hai chị em ngồi nói chuyện về việc viết, và tôi chợt nhận ra rằng tôi chưa bao giờ dám dùng từ “nghề viết” cho công việc viết lách của mình. Đôi lần được gọi là “nhà văn”, tôi thấy vui sướng, nhưng trong nỗi vui có rất nhiều băn khoăn. Mãi tới giờ này tôi vẫn còn không biết mình là gì.

Mình không là cái gì có cái hay của nó, tạm gọi là thứ tự do của một người du mục trong lòng. Đường tôi đi có nhiều nhánh vào rừng ra biển, chứ không phải là một đường thẳng. Tôi luôn luôn là một người chờ đợi, vì đến bất cứ đâu cũng là chưa đến nơi. Nhưng vào một lúc nào đó thì mình không là cái gì nó rất không hay. Đó là khi sự bất an trở thành bạn đường. Sự bất an là một thứ luôn luôn muốn nhấc tôi lên khỏi mặt đất. Nếu tôi là nước nó muốn tôi thành mây. Mây là hình ảnh của sự tự do, lang thang. Nhưng làm một đám mây thì buồn lắm, vì không biết mình bắt đầu ở đâu và chấm dứt ở đâu, đời nhẹ đến nổi nếu đời mất đi, nếu mình mất đi, có thể mình cũng không biết điều đó.

Nói chuyện với cô bạn, tôi nhận ra rằng tôi không bao giờ dùng chữ “nhà văn” hay “nghề viết” cho mình và công việc viết lách của mình. Cho đến ngày hôm đó, tôi cho như vậy là hay, vì tôi được cả hai: sự khiêm tốn và tự do. Nhưng sao tôi chợt thấy buồn kinh khủng. Tôi tránh theo nghề viết, tôi chợt hiểu, không phải vì khiêm tốn, mà vì sự bất an truyền kiếp của tên du mục trong lòng nó cứ lãng vãng chờ nhấc tôi lên khỏi mặt đất bắt tôi làm một đám mây vô định và luôn luôn hao hụt. Đến một cái nghề cũng không có, vì quá nhẹ.

Bạn nào đã xem phim HMRBL có thể còn nhớ cảnh chiếc xe ngựa đi qua một cánh đồng trải suốt một chân đồi rộng. Suốt buổi sáng hôm quay tôi đã đi nhặt rác trên cánh đồng (bất tận) đó. Lúc nhặt mới biết người ta vứt bao nhiêu bao ni lông ngoài đồng. Mọi người trong đoàn đều từ chối làm cái việc không mấy danh giá này, không ai đồng nghĩa việc đi làm phim với việc đi nhặt bao ni lông. Vì vậy, họ thiếu chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không phải là hiểu nghệ thuật, có ý tưởng hay, tác phẩm đột phá. Ý tưởng, khi đến, hoặc đi, nó không màng tác giả của nó có chuyên nghiệp hay không. Người chuyên nghiệp là người thấy công việc mình đang làm là trung tâm của đời mình, ít nhất là trong lúc mình làm nó
. Đủ gắn bó và trách nhiệm để đi nhặt bao ni lông trên cánh đồng, nếu mình quyết định điều đó cần thiết cho công việc, bất kể công việc đó hay hay dở.

Cúi nhặt bao ni lông trên đồng chỉ mỏi lưng thôi, chứ không khó. Nhặt bao ni lông trong một trang sách, giữa những chữ viết, ý nghĩ, hình ảnh, cấu trúc… thực khó hơn bao nhiêu lần. Đó là lúc tác phẩm cần sự chuyên nghiệp hơn lúc nào hết. Tác giả phải đứng lui ra để có được khoảng cách giữa mình và tác phẩm, phải dụi mắt, uống nước lạnh, để không đắm chìm trong tình yêu dành cho mọi thứ gì mình viết ra. Rồi lại phải đốt đi đốt lại ngọn đèn cầy bên trong lòng vì nó cứ hay tắt đi khi bụng mình đầy nước lạnh. Không có chút lửa cần thiết, tâm tưởng cũng u tối, theo một cách khác.

Tôi nói với cô bạn rằng tôi viết, nhưng không chọn viết là một nghề, và như vậy, khi tiểu thuyết đến giai đoạn cần sự chịu cực chịu khổ của một người xem việc viết là trung tâm của đời mình, nghĩa là cần đến một người chuyên nghiệp, thì tôi gặp mâu thuẫn mãnh liệt. Thật khó giải thích với mọi người, và với mình, rằng người ta có thể bỏ ra hai năm làm việc nghiêm túc cho một tác phẩm chỉ mang lại đủ tiền ăn sáng cho mấy mẹ con trong hai tuần. Còn nếu viết không phải để kiếm tiền ăn sáng, thì vì cái gì?

Chắc chắn là phải vì một cái gì khác rồi. Tôi biết nó là cái gì. Điều tôi không biết, đó là tình yêu đó – tạm gọi viết là một thứ tình yêu – nó là một chuyện may hay chuyện rủi.

Hỏi rồi không trả lời, rồi cũng không hỏi nữa. Nhưng sự phân vân vẫn ở đó. Tôi đã hiểu là nếu không dám nói việc viết là “nghề viết”, thì khó tiếp tục được. Chưa hoặc là không dám nói. Buồn như mây.

15 comments:

  1. Chị ơi, cho em copy bài này sang blog của em nhé. Không vài hôm nữa chị lại đóng blog thì...

    ReplyDelete
  2. Bản thân đám mây không có khả năng lựa chọn mình là thứ khác, chỉ có thể là các loại mây khác nhau, mang theo mưa, bão, giông và có khi là bóng mát.
    Có lẽ không liên quan, nhưng hôm qua cũng có người gọi em là "mây," lúc nghe thì vui, lúc về nghĩ lại thì thấy buồn.

    ReplyDelete
  3. Em rất chờ đón tiểu thuyết mới của chị. Mong sớm có dịp đọc.
    Em nghĩ người ta có thể có một số lý do để không dám/muốn tự buộc mình vào một chữ nghề. Thứ nhất đó là họ chưa đủ yêu và việc viết với họ hơi giống một thứ trang sức. Với chị, điều đó em cảm thấy không đúng, mà em cảm thấy từ chị có tình yêu (tạm gọi thế) và sự thôi thúc được viết. Lý do thứ hai là ở sự kém tự tin vào tài năng của mình. Cũng không đúng với chị vì theo em, chị là một người viết rất có tài năng. Vậy với chị, tại sao chị không muốn dùng chữ “nghề viết”. Có lẽ do bản chất con người chị không muốn bị buộc vào một từ ngữ, một khái niệm nào đó với tất cả những cách hiểu thông thường của xã hội và cả ấn tượng của bản thân về từ ngữ đó (với cả những cái kitsch trong đó). Tình yêu thì có đủ nhưng sợ hãi trước việc phải dừng lại, phải ràng buộc, sợ mất tự do. Có gì đó làm em liên hệ tới nhân vật cô họa sĩ trong “The Unbearable Lightness of Being”.
    Có lẽ không nên coi việc chị viết văn như một cái nghề mà là một cái nghiệp, một mối duyên định trước, một sự thôi thúc dấn thân.
    Em cũng chỉ nói linh tinh nhân đọc bài của chị thôi, nếu không đúng chị đừng để ý.

    ReplyDelete
  4. Chị ơi,chị viết hay nhỉ.E cũng thích viết văn lắm mà k có năng khiếu...

    ReplyDelete
  5. em thích gọi chị là nhàn văn, nhà đạo diễn vì những việc chị đang làm chí ít nó rất có ý nghĩa đối với em.Chị đừng " đi thả diều đêm nữa nhé" nếu không em sẽ gọi chị là " công chúa' đấy.Cột đám mây kia cho nó hết bay đi, nỗi buồn sẽ ở lại, chị thánh thóat thôi.

    ReplyDelete
  6. Có lúc em nghĩ người viết văn có được gọi là theo nghề văn hay ko cũng giống như cái title vậy - gọi là người viết văn, hay là nhà văn, hay là người thích mang những cái mình suy nghĩ, muốn nói mà ko biết cách diễn tả, phải viết ra thành câu chữ mới hiểu được mình - gọi theo kiểu nào thì sự thật khách quan vẫn là mình viết.
    Em thấy mình ít khi tự nghĩ về mình như là nhà văn, tại người ta, xã hội gọi mình là nhà văn thì mình biết trong lòng người ta mình là nhà văn đó chớ. Mẹ em bảo nhiều khi cái nghề nó chọn mình, nhiều khi nó là cái nghiệp nữa. Biết đâu chừng văn chương cũng thế, đã chọn chị để chị từ đó tiếp tục viết. Vậy rồi lâu lâu có một phút kiểu như reflection time, ngẫm một chút về những chuyện khác ngoài câu chuyện mình viết, cũng là cái hay - coi như chị tạm tách ra khỏi thế giới sáng tác trước khi quay vô lại. Nói chớ giá mà mình ngừng nghĩ đề nghỉ được hoàn toàn trong một khoảnh khắc thôi cũng đã nhẹ đi biết bao nhiêu rồi, chị ha.

    ReplyDelete
  7. Hồi nhỏ Chibura từng muốn trở thành một nhà văn. Lúc đó mẹ lúc nào cũng nói: "Nghè văn nghèo lắm con ạ." Chắc là Chibura chẳng hợp với nghề viết cho lắm. Đến giờ Chibura vẫn chẳng biết mình có cái gì để mà giàu. Trở thành một nhà văn thì có gì xấu? Nhưng mà thật là khó. Cái nghiệp viết lách là do người chọn chứ nó không chọn người.

    ReplyDelete
  8. Em thấy chị cứ tự nhiên như thế, cứ viết vì mình có nhu cầu viết...rồi tự mình cũng tìm được hai chữ "nhà văn" đáng trân trọng trong lòng người đọc. Cái từ đó cũng sẽ đến với chị rất tự nhiên, như mây :)
    Mong đọc tiểu thuyết tiếp theo của chị!

    ReplyDelete
  9. Chào chị Phượng,
    Tiểu thuyết của chị em đã thử đọc nhưng phải thú thật là em đọc không vào. Có lẽ do không hợp hoặc cũng có thể là do đọc trên máy tính nên khó đọc thành ra không dám nhận xét. Nhưng đọc một vài suy nghĩ của chị trên blog đối với công việc viết khá thú vị nên xin mạo muội chia sẻ một tẹo.
    Theo quan điểm của em, không chỉ đối với viết, mà đối với bất cứ công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo của cá nhân, vị trí tốt nhất mà người ta nên đặt nó vào có lẽ nằm ở đâu đó giữa nghề nghiệp và sở thích.
    Nếu chỉ là sở thích thuần túy, sản phẩm của công việc ấy chắc sẽ có nhiều lỗi không đáng có và xác suất để nó trở thành một sáng tạo lớn là rất thấp. Ngược lại, nếu coi nó như một nghề nghiệp thuần túy, thì người ta không thể duy trì được một tình yêu lâu dài với nó và sản phẩm của nó chắc chắn sẽ không bao giờ là những sáng tạo mang tính đột phá.
    Những người thành công trong những công việc như vậy có lẽ là những người biết thời điểm nào thì cần coi công việc ấy như một sở thích, thời điểm nào cần phải coi nó như một nghề nghiệp.
    Nên nếu coi viết chỉ là một thứ gì đó từa tựa tình yêu (trong tự truyện của mình, Marquez đã gọi nó bằng một thuật ngữ rất chính xác là "nỗi đam mê của các thầy tu"), thì có lẽ là chưa đủ.

    ReplyDelete
  10. Tôi khẳng định rằng chị viết hay.
    Chị ạ, theo tôi người ta viết vì hai điều : Viết là nghề là nghiệp và viết đơn giản "vì yêu". Nếu chị chọn rằng "vì yêu", tôi tin có rất nhiều người đang yêu văn chị, mong đọc những tiểu thuyết theo của chị. Với một người viết vậy chẳng phải đã ĐỦ.

    ReplyDelete
  11. Tôi kính trọng những người có quan niệm chuyên môn trong các lãnh vực nghệ thuật. Dù văn hay tranh, kịch hay nhạc, tác phẩm cần người làm ra chúng có đủ sự can đảm và dứt khoát để nói rằng công việc tôi làm là trung tâm của đời tôi, không có gì quan trọng hơn. Và như vậy, người đó sẽ có đủ ý chí và tận tụy để làm những việc cực nhọc và ít mơ màng mà tác phẩm nào cũng cần, bên cạnh sự sáng tạo.
    Thế nhưng tôi cảm thấy khó khăn khi phải hiểu chữ nghệ sĩ (văn sĩ, họa sĩ…) như một danh từ. Tôi thích hiểu chữ đó như một tính từ hơn, mà là một tính từ chịu sự ràng buộc của không gian và thời gian. Vào buổi tối đó, dưới mái hiên đó, sau cơn mưa đó, anh ấy là nghệ sĩ. Vào một buổi tối khác, trong một căn nhà khác, anh ấy không nghệ sĩ. Một người lúc nào cũng nghệ sĩ cũng khó tưởng tượng như một người không bao giờ nghệ sĩ.
    Nghĩ như tôi có mâu thuẫn không? Nếu có, đành chịu.

    ReplyDelete
  12. chị làm em nhớ tới hồi xưa có đọc một câu của một nhà văn Đức (Thomas Mann?) nói rằng Nhà văn là người cảm thấy việc viết lách là khó khăn hơn cả những người khác. Và nói về chữ nghệ sĩ, không biết sao em sợ sợ chữ đó, nghe nó... trưởng giả và trống rỗng làm sao đó. Có lẽ vì những người vỗ ngực xưng tên mình là nghệ sĩ làm em có cảm giác đó vậy :(

    ReplyDelete
  13. Em nghĩ là một nhà văn ko có nghĩa là lúc nào cũng phải đứng trước thế giới như một nhà văn. Chất nghệ sĩ chỉ là một phần của chị thôi, ngoài ra có những thời điểm khác của đời sống hàng ngày như lúc chạy xe, lúc ngồi quán nước, lúc trò chuyện với gia đình - những lúc đó mình đâu có xuất hiện với vai trò là một nhà văn. Người nghệ sĩ chân chính sẽ băn khoăn về danh xưng đó vì họ biết làm nghệ sĩ đích thực phải có trách nhiệm, trình độ, và cái tâm như thế nào, chứ không chỉ vì có một chút chất nghệ sĩ trong mình mà tự gọi ngay mình là nghệ sĩ. Nếu chị băn khoăn như thế này về cách gọi đó, ắt là chị yêu và trân trọng nghiêm túc đời sống, công việc sáng tạo của mình. Cũng bởi vậy nên chị mới tự hỏi mình phải nghệ sĩ đến mức nào để là một người nghệ sĩ thật sự.
    Em suy đoán thế, hy vọng có thể khơi gợi ở chị điều gì đó để giúp chị trả lời thắc mắc trong lòng mình :-) Chúc chị một tuần vui!

    ReplyDelete
  14. em thích cách chị nghĩ về nghệ sĩ.
    Nếu nó ở dạng tính từ nó giải thích được những mâu thuẫn trong chính bản thân nó.

    ReplyDelete
  15. "Vào một buổi tối khác, trong một căn nhà khác, anh ấy không nghệ sĩ. Một người lúc nào cũng nghệ sĩ cũng khó tưởng tượng như một người không bao giờ nghệ sĩ."
    Chị viết thật hay, chắc em đồng ý đến 99% rồi.
    Nhưng em tin có nghệ sỹ lớn, nghệ sỹ chuyên nghiệp.

    ReplyDelete