Tuesday 21 October 2008

Kill the messengers

Tôi ngạc nhiên thấy vẫn có nhiều người cho rằng anh Chiến và anh Hải có tội, vì đã đưa tin không chính xác. Lấy tư cách độc giả, họ đòi hỏi những gì đăng lên báo đều phải là 100% sự thật. Có hai thứ vô lý trong đòi hỏi này: thứ nhất, phóng viên có quyền và điều kiện được biết tất cả một cách trong suốt và minh bạch hay không mà đòi hỏi họ phải biết 100% sự thật, không được phép sai, hoặc thừa, hoặc thiếu. Thứ hai, nếu nói rằng nếu chỉ biết được 99% sự thật, chưa phải là 100%, thì chưa được đăng báo, thì không thể có báo chí điều tra, mà chỉ có báo chí luộc tin.

Anh Chiến và anh Hải không có lỗi, ngay trong trường hợp những tin tức các anh đưa lên báo hoặc là thiếu sót hoặc là có chỗ không đúng. Nếu có lỗi, thì là lỗi các anh đã chọn tiếng Việt để viết, là một thứ ngôn ngữ thiếu chặt chẽ, nên đã không bảo vệ được các anh trong tình huống này. Tình huống mà, với tư cách phóng viên điều tra, các anh không có điều kiện để biết tất cả và kết luận của nó, mà chỉ có thể tường thuật những gì các anh được biết.

Tiếng Pháp và tiếng Đức, thí dụ, có hẳn một thì chia động từ để dùng cho thể loại tường thuật. Tiếng Anh thì có trạng từ allegedly, nghĩa là được cho rằng. Một bị cáo ra trước tòa vẫn còn là một người vô tội cho đến khi tội trạng được chứng minh. Khi tường thuật về tội, tức là lý do bị cáo bị bắt, báo chí chỉ được phép dùng câu đi kèm với chữ allegedly, nghĩa là bị cáo bị gán tội đó, chứ không được phép nói bị cáo đã phạm tội đó. Còn trong tiếng Đức, tường thuật một vụ việc mình được nghe kể lại chứ không trực tiếp là người trong cuộc, mà dùng thì xác định, thì đã là sai văn phạm. Tôi có thể nói hôm qua Sài Gòn trời có mưa, vì hôm qua tôi có mặt ở đây, đã nhìn thấy nước rơi xuống từ trời. Nhưng khi nói hôm qua ở An Giang trời có mưa, thì tôi sẽ dùng một thì khác để chia động từ, qua đó người đọc hiểu rằng tôi đã không có mặt ở An Giang lúc trời mưa. Tuy nhiên, tôi vẫn có quyền tường thuật về cơn mưa đó, vì tôi có thông tin về nó, mà người đọc không có. Cách chia động từ nói rõ vị trí của tôi, và qua đó bảo vệ tôi.

Để ngôn ngữ có thể bảo vệ cho báo chí, báo chí cũng cần giữ vị trí trung dung của mình và không lạm dụng ngôn ngữ như một thứ vũ khí trong tay để đưa ra những phán xét. Báo chí Việt Nam vẫn thường dùng chữ “tên này, ả kia” khi nhắc tên các bị can, chưa kể tới các tĩnh từ đáng lẽ hoàn toàn không có chỗ đứng trong một bài đưa tin, ví dụ như “tên X gian manh, ả Y lăng loàn” vân vân.

Báo chí chỉ tường thuật. Kết luận cuối cùng, luôn luôn nằm ở người đọc. Và họ đủ trưởng thành để làm chuyện đó. Đạo đức của báo chí, là tin ở sự trưởng thành này. Như vậy báo chí có quyền đưa ra những câu hỏi, và nghi vấn, ngay cả giả thuyết, chứ không phải chỉ có những điều hiển nhiên.

7 comments:

  1. "Miệng nhà quan có gan có thép".Thời nào cũng vậy, nếu quan có quyền thì quan muốn nói gì thì nói. làm gì có chuyện đúng sai nếu quyền sinh sát trong tay quan chứ không phải đúng sai trong pháp luật, tình người. em chẳng tin vào chuyện đúng sai gì trong chuyện này, tất cả mọi chuyện, từ đầu đến cuối từ đưa tin trên báo đến xử án, đúng sai gì cũng từ ý chý chủ quan của những lực lượng có quyền thế thôi.

    ReplyDelete
  2. ^^ tiếng Đức xem ra hay nhỉ.

    ReplyDelete
  3. em nghĩ logic này của chị không ổn chút nào: vấn đề không phải là ngôn ngữ như là một cái gì đó bị áp đặt cho người sử dụng, mà là người sử dụng lựa chọn cách sử dụng như thế nào chứ. Tiếng Việt thì cũng có đủ mọi thứ cách nói giả định hay thức điều kiện hay gì gì khác thôi.

    ReplyDelete
  4. Nếu chị vẫn tin mình đang có báo chí thì quả là một sự lãng mạn quá lớn và... hơi phí :-D

    ReplyDelete
  5. Vâng, đồng ý với Nhị Linh là người sử dụng vân có thể lựa chọn cách sử dụng để nói điều mình muốn nói. Nhưng trong khi tiếng Việt đủ uyển chuyển và tinh tế để viết văn và làm thơ, thì lại không có sự chính xác của khoa học khi người ta dùng ngôn ngữ để bắt bẻ buộc tội nhau. Khi một câu viết ra có thể được hiểu hơi khác nhau một chút thôi, thì ngôn ngữ đó đã không thích hợp để làm ngôn ngữ tòa án.
    Vì không có luật lệ trong ngôn ngữ để xác định vị trí của mình là người tường thuật, nhà báo cũng dễ đánh mất khoảng cách giữa người đưa tin và người kết luận.

    ReplyDelete
  6. Thật ra phải nhận là chuyện ngôn ngữ là chuyện quá nhỏ. Chủ blog chỉ thắc mắc tại sao vẫn có độc giả qui lỗi cho anh Chiến và anh Hải. Hầu như không ai có điều kiện để biết được tin các anh ấy đưa đúng bao nhiêu và sai bao nhiêu. Quan trọng là hai anh đã viết về những gì các ấy biết được qua người khác. Đó là cách duy nhất để lấy tin. Và nếu điều này rõ ràng rồi, thì tại sao vẫn có độc giả qui lỗi cho người đưa tin?

    ReplyDelete
  7. Báo chí VN có hai dòng: 6 tờ báo có ý thức tiến bộ xã hội, 700 tờ còn lại chỉ là bồi bút thậm chí còn kiếm tiền bằng cách đi hoạnh hoẹ doanh nghiệp. Vì vậy mà ng dân không tin tưởng báo chí VN, kẹt lắm phải mua một tờ để biết tin tức.
    Những tờ báo hay chọc ghẹo đang bị chính quyền dùng tòa án và nhà tù để răn đe. Vì vậy mà báo chí VN ngày càng dở. Thiếu thông tin, ng dân đổ xô xem báo nước ngoài. Thế là cả chính quyền và báo chí VN đều bị thiệt.

    ReplyDelete