Thursday 27 September 2007

Vì ở Cần Thơ trời có mưa

Một số báo đã bắt đầu kêu gọi quyên góp cứu trợ cho nạn nhân vụ sập cầu ở Cần Thơ và gia đinh họ. Đau thương về tinh thần không có gì bù đắp được và mỗi chia sẻ dù bằng lời hay trong im lặng đều cần thiết và quí báu. Nhưng đau thương về vật chất thì hoàn toàn có thể và bắt buộc phải thực hiện được một cách cụ thể bởi những người có trách nhiệm chứ không phải bởi cộng đồng.

Nếu một chiếc máy bay rớt, hãng máy bay hoặc hãng bảo hiểm của họ phải đền bù tổn thất của hành khách theo luật quốc tế, dù máy bay rớt vì con người, kỹ thuật hay thời tiết cũng vậy. Cũng như hãng máy bay phải làm mọi cách bảo vệ nhân mạng hành khách mình, nhà thầu không có quyền đưa công nhân vào chỗ chết. Khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm là ở họ.

Người ta chỉ kêu gọi đến đóng góp tiền bạc của công chúng trong các trường hợp thiên tai, hoặc khi mức thiệt hại vật chất quá cao khiến người gây ra nó không gánh vác nổi. Một công trình 5000 tỉ không thể không có bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm, thì các chủ thầu cũng đủ khả năng đền bù xứng đáng theo luật quốc tế. Và chắc chắn họ phải làm điều này.

Kêu gọi đóng góp tiền bạc từ công chúng tức là công nhận cầu sập do thiên tai, không có người chịu trách nhiệm cho việc đã xảy ra. Dù máy bay có rớt vì mưa, hãng máy bay vẫn phải đền bù cho nạn nhân vì bổn phận của hãng máy bay là chỉ bay khi thấy đủ an toàn.

Đây không phải là thiên tai. Kêu gọi đóng góp từ công chúng là một cách nói rằng vụ này là thiên tai và con người không chịu trách nhiệm.

21 comments:

  1. Đau lòng quá, chị ơi. Nhưng trên báo chí, nhất là báo điện tử còn (bị?) dỡ những bài "nghĩ ngợi" sau vụ sập cầu mà. Giới chức vẫn gọi đó là tai nạn không lường. Tại sao lại tai nạn? Tại sao lại không lường. Nó phải là một thảm họa chứ. 3h55 chiều nay (giờ Bắc Kinh), sau 3 ngày sau vụ tai nạn, em đọc báo thấy nói ước chừng còn 4 người đang kẹt đưới đống đổ nát, nhưng chủ yếu công nhân tự cứu nhau bằng biện pháp thủ công, không có bất kỳ biện pháp ứng cứu nào từ chính phủ và Bộ GTVT đưa ra (sau cuộc họp kín với nhà thầu). Thậm chí ông Bộ trưởng Bộ GTVT còn nói rằng: đến giờ (29/09) nếu còn ai kẹt dưới đống đổ nát thì cũng khó có khả năng sống sót. Thật nhẫn tâm. Vụ bảo hiểm, em có nghe qua, nhưng mấy hôm nay chưa thấy các báo đề cập nhiều. Nhưng em tin rằng, sau thảm họa này sẽ lại kiểm điểm và tự kiểm điểm nghiêm khắc mà thôi. Và người ta vẫn nói về người dân miền Tây chân chất, thật thà, dễ quên đi chuyện đau lòng, hàn gắn vết thương. Có gia đình 4 người con cùng chết, không phải chiến tranh, không phải thiên tai. Làm sao hàn gắn được?

    ReplyDelete
  2. Ngoài đường ở SG còn có trò ôm thùng tiền ra đứng nhận quyên góp của mọi người. Phen này mấy cán bộ xã ko chừng trúng mánh.

    ReplyDelete
  3. Phần cầu sập là trách nhiệm của Cty xây dựng VN. Mà VN thì bảo hiểm chắc cho có thôi...làm gì có chuyện đền bù tất cả nên kêu gọi quyên góp là đúng rồi chị ạ.

    ReplyDelete
  4. Ở hầu hết các nước thì Bộ trưởng chuyên trách từ chức ngay khi có tai nạn với mức độ nghiêm trọng. Thậm chí ở những quốc gia chính trị nhạy cảm đã có đồng chí cán bộ cấp cao kia phải nhảy cầu tự tử... Đây 100% ko phải là thiên tai, 100% là do sự vô trách nhiệm của nhiều người. Không cần cả 1 mớ người ấy phải nhảy cầu, nhưng cần là ít nhất 1 người đứng ra nói rằng: lý do mà cái cầu sập là A, là B...
    Giờ này SG mưa to dã man chị nhỉ, miền Tây chắc cũng vậy...

    ReplyDelete
  5. Em cũng có suy nghĩ như chị khi đọc những tin quyên góp cứu trợ

    ReplyDelete
  6. Còn đây là vụ mua bảo hiểm cho người lao động:
    Anh Nguyễn Quốc Trung, 31 tuổi, đang nằm tại Khoa hồi sức cấp cứu của Quân y viện 121 thều thào kể: Anh ở xã Đông Bình (Bình Minh, Vĩnh Long), nhà chỉ có hơn công vườn, vợ bị bệnh viêm gan, con gái còn nhỏ, được người bạn là Nguyễn Quốc Dũng - Tổ trưởng của Cty TNHH Cơ khí Xây dựng Vĩnh Thịnh rủ vô làm kiếm tiền. Nộp hồ sơ gồm lý lịch, đơn, giấy khám sức khỏe và làm việc được hơn 2 năm rồi nhưng không có hợp đồng lao động, bảo hiểm

    ReplyDelete
  7. chị ơi, nhưng thương họ quá, không giúp đỡ thì làm sao giờ. Ngồi chờ công lý hả chị, thứ đó em không nghĩ có ở VN :) lúc nào cũng kiểm điểm với chả tự phê bình, rỗi hơi, các ông nắm tiền tỷ thì biết quái gì về nỗi đau của người dân nghèo cơ chứ. Nào là công văn, nào là nghị định, toàn rỗi hơi thôi. Thủ tục thôi .
    Thôi thì con người giúp nhau chị ạ.

    ReplyDelete
  8. http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=877 -> cám ơn chị, cho NCTG đăng lại ở đây chị nhé!

    ReplyDelete
  9. Tôi nghĩ cộng đồng đa số là tự nguyện đóng góp, không phải đợi báo chí kêu gọi mới thực hiện. Trừ những công ty muốn PR, không ai vì đọc lời kêu gọi của báo mà đi góp tiền, chỉ vì cảm thương trước những mất mát quá lớn của người nghèo thôi.
    Báo chí chỉ là cơ quan thông báo tin tức và đứng ra nhận chuyển tiền hộ.
    Theo lẽ công bằng thì những bên có trách nhiệm phải đảm bảo đền bù thỏa đáng, nhưng dù sao để tiền đền bù đến được dân bị nạn thì còn lâu lắm. Vấn đề này và việc đóng góp từ cộng đồng không nên gộp chung lại.

    ReplyDelete
  10. Chuyện này vô lý quá chị ah. Sao lại có thể thiếu trách nhiệm như vậy được...

    ReplyDelete
  11. Cho dến ngày hôm nay cuối cùng thì cũng có một vài động thái: Lễ truy điệu tập thể, những lời xin lỗi, hứa hẹn .v.v.. Ngôn từ cũng được lựa chọn kỹ càng và nhẹ nhàng hơn "sự cố sập cầu". Dư luận xã hội cũng đã dịu đi rất nhiều, các báo đài, tổ chức đua nhau thống kê số tiền quyên góp, ủng hộ. Dân mình thật quá dễ dãi, cả tin và nhiều lòng tốt.
    Tôi tự nhủ lòng mình, nếu mỗi khi có dịp đi qua cây cầu, chắc chắn tôi sẽ dừng lại một vài phút, thả xuống dòng sông chút tiền lẻ - giống như ông bà tôi, bố mẹ tôi, những người đi trước tôi vẫn làm... Một chút lộ phí cho nhũng oan hồn được mau chóng siêu thoát.

    ReplyDelete
  12. Việc đóng góp của cộng đồng chỉ góp phần xoa dịu nỗu đau, và hỗ trợ phần nào thiệt hại ban đầu.... chứ không thể, và hoàn toàn không là việc làm thay cho chuyện đền bù của nhà thầu.
    Đang nghĩ vậy, nhưng đọc xong entry của chị, cũng bỗng giật mình, ừ, có khi nào, những đồng tiền đền bù bị ăn quịt.

    ReplyDelete
  13. Dinh ghi vai dong, nhg vai dong khg noi het, chac se fai ghi dai hon moi het y
    Vi nam ngoai co nguoi em trai Ut chet trong 1 tai nan lao dong tren cong truong lien doanh voi nuoc ngoai ma khg co bao hiem.
    Luc do dinh di kien, nhg gia dinh ai cung can, noi be nao em minh cung chet roi.
    Nhg le ra fai viet mot bai bao, de nhg nguoi khac can than chuyen bao hiem

    ReplyDelete
  14. Em ko nghĩ được sâu sắc và thấu đáo như chị trước khi đọc bài viết này. Thật sự là ... những chuyện chỉ có ở Việt Nam. Cám ơn chị. Cho phép em đưa link về blog của mình nhé!

    ReplyDelete
  15. Tui hiểu ý bạn. Mỗi khi gặp nạn, người dân quèn chúng ta tự ôm nhau mà khóc, tự trợ giúp nhau chút đỉnh đã đành. Nhưng xây dựng công trình làm chết công nhân thì dứt khoát đòi hỏi những người có trách nhiệm phải quan tâm.
    Vậy mà có ai ở ngoài top page kêu gọi bạn "tham gia buổi tọa đàm với báo Sài Gòn Tiếp Thị để có một cái nhìn chia sẻ với nạn nhân". người này hơi bị ..u vác cái lu. haha. bày đặt ra vẻ ta đây nhân đạo (xem xong xóa giùm). haha.

    ReplyDelete
  16. Tất cả các báo đang chạy đua hốt tiền của mọi người. Báo này khoe 4 tỉ, báo kia 2,7 tỉ ... Trong khi chẳng báo nào dám oánh thẳng vô trách nhiệm của bộ trưởng và nhà thầu. Sợ vãi. haha.

    ReplyDelete
  17. Nhiều gia đình nạn nhân nói công tác cứu hộ, cứu chữa lúc ban đầu có nhiều thiếu sót lắm, hơi bị bỏ bê, lung tung, không ai chỉ huy, làm thương tật nạn nhân nặng hơn nhưng đâu có báo nào dám nói. Khen không hà.

    ReplyDelete
  18. Mấy tờ báo có đăng báo thu tiền của ai, bao nhiêu nhưng chưa bao giờ thấy đăng báo đã xài như thế nào, cho ai? hehe. Bồ viết bài này đụng chạm đến chủ trương mấy tờ báo nên coi chừng họ phản ứng. Tất cả các báo cho tới giờ này đã thu được trên 10 tỉ đồng rồi đó. Hong biết chừng nào họ mới phát hết cho nạn nhân? Kế hoạch họ ra sao nhỉ?

    ReplyDelete
  19. một tội lỗi " hồn nhiên" nữa.

    ReplyDelete
  20. Tính tới nay, toàn xã hội đã góp được khoảng 40 tỉ đồng cho nạn nhân, trong đó có 9 tỉ đồng của công ty Nhật Bản. Phải nói dân mình thương người thiệt. Nếu tính ra mỗi gia đình nạn nhân phải được gần một tỉ. Nhưng tới giờ mỗi gia đình chỉ mới lãnh được cuốn sổ tiết kiệm chừng 50 triệu đồng kèm theo điều kiện chi tiêu phải có dự toán.

    ReplyDelete
  21. Các tổ chức nhận tiền không công bố kế hoạch cứu trợ. Họ chi cho gia đình nạn nhân theo chủ trương rất khác nhau của từng nơi và giữ lại lâu dài đến 90% tổng quĩ, không đúng yêu cầu của người đóng góp là chi toàn vẹn và tức khắc.
    Bão lũ miền Trung tàn phá dữ dội, người chết và thiệt hại gấp nhiều lần cầu sập Cần Thơ nhưng người dân đã cạn tiền, chính quyền, báo chí không chủ trương, hết hứng khởi. Điều này cho thấy sự lệch lạc về quan niệm và tác động của báo chí trước các tai nạn của người dân.

    ReplyDelete