Friday 21 September 2007

tragic hero?

Có một bức thư của thầy today20 được cô ấy đăng trên blog và Linh đăng lại. Cái thư đó bắt đầu bằng một câu hỏi (“I’m curious what Vietnamese think about “evil”.) và chấm dứt bằng một câu hỏi (“Does Vietnamese have anything like the concept of a tragic hero?”).

Tôi nghĩ tới câu hỏi sau nhiều hơn câu trước. Tôi muốn viết gì đó về một nhân vật bi hùng của người Việt vào ô comment nhưng lạ thay, tôi không tìm được ai. Tôi không có câu trả lời, dù câu hỏi có vẻ rất dễ. Sau một lúc loay hoay tìm kiếm, câu trả lời của tôi cũng giống của Linh là: Việt Nam chỉ có tragic heroine, chứ không có tragic hero. Hầu như mọi nỗi buồn đều chất lên vai người phụ nữ, và họ chỉ trở thành người hùng sau khi đã chịu mọi điều oan khuất; sự hy sinh là đức hạnh đầu tiên, không có nó thì không có gì khác đáng nói. Khác với công thức người hùng của Hy Lạp, cuộc đời của Thúy Kiều và Thị Kính không bước vào ngã rẽ bi thảm sau một lỗi lầm hay nhầm lẫn của chính họ. Vì vậy, sự oan khuất là điều tuyệt đối.

Trong khi với một người phụ nữ sự hy sinh là đức hạnh lớn nhất, thì với một nam nhi nó có thể là một điều cho thấy sự kém cõi. Đàn ông khi cần chỉ nên hy sinh cho tổ quốc hay lý tưởng chứ không nên hy sinh vì mẹ hay vợ, như Thúy Kiều và Thị Kính đã hy sinh vì cha và chồng. Hy sinh cho người khác, tức là đặt tầm quan trọng của mình thấp hơn họ. Nam nhi không thể chấp nhận điều đó.

Đàn ông có thể hy sinh cho tổ quốc hoặc lý tưởng. Nhưng đó là những thứ trừu tượng, quá trừu tượng để thi ca có thể dựng nên tác phẩm về họ. Cái chết viên dũng tướng trên lưng ngựa thuộc về lịch sử, nỗi đợi chờ của người vợ mới thuộc về thi ca. Chúng ta học sử ở trường, sau thời cổ sử thì không còn một người phụ nữ nào nữa. Còn trong các tác phẩm thi ca lớn, rất vắng đàn ông (Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán).

Hay chính vì đàn ông từ chối làm một tragic hero, nên cũng không có hero là đàn ông. Ít ra là trong thi ca. Bởi vì, hình như, bi và hùng định nghĩa lẫn nhau. Không có cái chết, nỗi buồn, sự oan khuất, trăm cay nghìn đắng hay banh ngực dâng tim, người ta không biết lấy gì vẽ nên hình bóng một người hùng. Và rồi, nền văn hóa của chúng ta cũng không cần phải có họ.

x

Niềm tin Thiên chúa giáo ngay từ thuở ban đầu đã gặp mâu thuẫn với quan niệm về cái đẹp và bi kịch của Hy Lạp. Điều quan trọng nhất của Thiên chúa giáo là tự do của ý chí. Tự do chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu. Khi cái tốt và xấu đã được định nghĩa rõ rệt rồi (bởi người khác), thì tự do chẳng còn mấy ý nghĩa. Nên nhiều người sẽ bỏ bớt chữ free trong hai chữ free will. Nhưng dù free will hay will, người ta có sự chọn lựa, có ý chí, và chính ý chí này sẽ quyết định định mệnh của một người. Trong quan niệm về bi kịch Hy Lạp, sự chọn lựa chỉ định nghĩa được phẩm chất của nhân vật, chứ không quyết định được kết cục của câu chuyện. Định mệnh nằm trong tay thần thánh. Nhưng biết đâu, nhiều năm về sau, người ta được nhớ tới qua phẩm chất của mình ngay trong trung tâm cơn bão, chứ không phải qua kết cục của câu chuyện, rằng sau mọi khó khăn anh có được vua gả công chúa và ban thưởng nhiều vàng bạc hay không.

Nhưng chính Thiên chúa giáo cũng không vẽ nổi hình bóng người hùng mà không cần tới sự bi thảm. Bi kịch là định mệnh, mà Thiên chúa giáo thì không chấp nhận định mệnh. Tất cả sự mâu thuẫn này tự để lộ mình qua cách lịch sử Thiên chúa giáo đối xử với nhân vật Judas.

Judas bán Chúa lấy tiền. Và từ đó về sau, thế giới biết được là cái ác, cái xấu có thật, có thể nhìn thấy, kể lại được chứ không phải chỉ là một ý niệm. Sự ganh tỵ và tham lam khiến người ta làm ác. Sự tham lam được lịch sử ghi chép lại là 30 miếng bạc, bằng tiền để mua một nô lệ, một con số cụ thể, chứ không phải là một ý niệm trừu tượng. Sự ganh tỵ thì khó đo đạc hơn một chút, thôi thì cứ để nó hơi trừu tượng, cũng được.

Nhưng nếu Judas không bán Chúa, thì không có tragic hero chết một cái chết được biết trước trên thập tự, không có sự cứu rỗi, không có Thiên chúa giáo. Chắc chắn Jesus biết điều đó. Từ đó suy ra, như Kazantzakis đã làm trong cuốn Thử thách cuối cùng của Chúa, rằng Jesus đã yêu cầu Judas bán mình, chỉ là một bước ngắn. [Quả thật, điều này đã được xác nhận trong những trang Phúc âm của Judas mới tìm được và dịch ra gần đây, tuy rằng tại sao Jesus yêu cầu như vậy, theo Judas, thì khác với ý của Kazantzakis.]

Thiên chúa giáo không chấp nhận bi kịch Hy Lạp, vì không chấp nhận thần thánh và định mệnh, nhưng cuối cùng tragic vẫn là cách duy nhất định nghĩa một hero, và tragic thực sự luôn luôn là một loại định mệnh, vì nó được biết trước. (Ở đây, định mệnh được thay bằng chữ Ý Chúa, dù tôi cũng hoang mang không biết là ý của Chúa cha hay Chúa con, cũng như tôi vẫn hoang mang không biết hai người này là một hay là hai). Nếu chuyện PHẢI xảy ra như vậy, theo Ý Chúa, thì tại sao lại kết tội Judas?

Phải kết tội Judas, vì nếu không có người phản bội, thì không thực sự có sự bi thảm của một người chết oan ức, gánh lấy mọi cái xấu của thế gian để mà cứu rỗi cái xấu ở trong mọi con người.

Nhưng mà Jesus và Judas, ai chịu nhiều oan ức hơn?

Sau cái chết của Jesus trên thập tự, người ta tin rằng tội lỗi là có thật và sự đau đớn cần thiết để rửa xóa tội lỗi. Suffering trở thành nền tảng của tình yêu nhân loại.

Nhưng biết đâu, Jesus đã chết một cái chết hoàn toàn khác. Chẳng hạn như theo một giả thiết, Judas đã tin vào tiên tri của Cựu ước (không tin định mệnh sao lại tin tiên tri nhỉ), rằng một messiah sẽ cứu dân Do thái khỏi tay người La mã. Thấy Jesus càng ngày càng mờ nhạt và chẳng chịu làm gì để đánh La mã, Judas bèn giao Jesus cho lính La mã để buộc Jesus phải kêu gọi khởi nghĩa. Judas tin (cũng theo cựu ước) rằng Jesus bất tử. Đến lúc thấy Jesus chết, và chết rất đau đớn, thì Judas tự tử vì hối hận.

Hoặc theo Phúc âm của Judas, rằng cả Jesus và Judas đều theo Gnosticism (theo đó, thế giới nào dựa vào vật thể/vật chất đã là dựa vào cái ác) và đã ngộ đạo. Hai người cần làm những việc cuối cần làm trên dương thế, rồi đi về cõi bên kia. Không khác vài nhà sư Phật giáo của ta, giác ngộ rồi, đọc đủ từng ấy kinh kệ rồi, thì lên giàn thiêu để về niết bàn.

Nếu như vậy thì evil không có người đại diện [Jesus là ý chí của Chúa biến thành xương thịt, còn cái ác (ý chí của Satan) biến thành xương thịt thì tên của nó là gì? Banality? ("... the Banality of Evil", Hannah Arendt)], sự cứu rỗi bằng nỗi đau cũng không cần thiết. Biết đâu có một sự thật về Jesus khác với sự thật mà chúng ta được biết, mà nếu nó không bị dấu nhẹm đi, thì văn minh phương Tây đã rất khác.

13 comments:

  1. Em nghĩ đến Nguyễn Trãi và nỗi oan khiên của ông khi đọc phần luận anh hùng của chị, cho dù ông ta không phải là võ tướng. Em cũng không tìm ra một hình mẫu tragic hero của VN, em chỉ biết một ít về chất thép ẩn giấu trong mớ kiến thức hạn hẹp về những nhân vật lịch sử.

    ReplyDelete
  2. "Nhưng nếu Judas không bán Chúa, thì không có tragic hero chết một cái chết được biết trước trên thập tự, không có sự cứu rỗi, không có Thiên chúa giáo"
    Đây là một giả định à-la-kazantzakis. Hiện thực, dù là 2000 năm trước, chắc không đơn giản như thế. Trước khi Judas bán Chúa, thì Jesus đã bị truy tìm. Việc của Judas chỉ là chỉ ra Jesus ở đâu và hôn lên má người. Nếu Judas có không bán, ai bảo Chúa sẽ không chết đau khổ? Nhất là nếu Chúa đã giáng trần để chết. Vấn đề chỉ là tìm phương tiện chết. Không có phương tiện này thì sẽ có phương tiện khác. Kết luận không có Judas sẽ không có Thiên chúa giáo liệu có quá simplify không?
    Và Thiên Chúa đã đưa ra một khái niệm after-life, không phải ở trần thế này. Trong ngày phán xét cuối cùng, người làm theo ý Chúa, tin Chúa và yêu Chúa sẽ nhận được sự cứu rỗi tối hậu. Nếu Judas làm theo ý Chúa để chịu mọi oan khuất trong miệng thế gian, có thể ở cái ngày phán xét ấy, Chúa sẽ tẩy rửa mọi đau thương để ban cứu rỗi cho Judas lắm chứ :-D
    Và nếu như đại diện của Evil là Banality, sự cứu rỗi bằng nỗi đau vẫn cần thiết chứ. Vì nỗi đau và sự hy sinh có lẽ là một trong những thứ hiếm hoi để vượt lên banality :D

    ReplyDelete
  3. e là khách! cho e vài lời. E hòan tòan ko thích christian. Bởi vì những điều mà Kinh thánh ghi chép nhiều khi thật mâu thuẩn. Đọc bài này của chị ( hình như blog này của 1 woman nên cho phép e gọi bằng chị cho thân mật nhé) e thấy mình giải tỏa được phần nào.
    Đối với e, tuy không tin lắm vào bác mác và lê, nhưng cũng phải thừa nhận rằng họ đã có nhận xét đúng về bản chất của tôn giáo. Và đặc biệt thể hiện rõ hơn qua lịch sử ngàn năm của nó. Bi kịch thay, con người cần có 1 nóc nhà niềm tin. Và tôn giáo là liều thuốc đổ thừa tốt nhất.
    tuy ko ủng hộ nhưng e cũng ko mún chối bỏ sự thật hiển nhiên rằng nhiều trường hợp thì tôn giáo giúp con người ta tốt hơn. E có rất nhiều người bạn là người công giáo và e cũng rất yêu mến họ.
    nếu sự không thích điều này làm chị khó chịu thì xóa comment này đi nhé.

    ReplyDelete
  4. Azzurri:
    Tuy Nguyễn Trãi có làm thơ, nhưng bi kịch của ông thuộc về lịch sử, chứ không thuộc về thi ca. Không ai đã đem bi kịch đó vào một tác phẩm lớn, để chúng ta có thể nói là qua đó có một tư tưởng, hay ít ra là một quan niệm thẩm mỹ về bi kịch trong nghệ thuật Việt Nam.
    Chị cũng ngờ rằng tuy được yêu, Nguyễn Trãi được xem là một kẻ thất bại hơn là một người hùng.

    ReplyDelete
  5. today20:
    Trước hết xin cám ơn em đã đăng bức thư nọ của ông giáo sư.
    Judas đã quá nổi tiếng nên không còn có thể làm đại diện cho chính mình nữa, mà đã trở thành một ý niệm: kẻ phản Chúa. Không có Judas Iscariot thì sẽ có một Judas khác, vì sự bội phản đã là một phần tất yếu của câu chuyện (theo Phúc âm của những đồ đệ khác, tức là theo Tân Ước).
    Còn nói rằng không có Judas (không có sự phản Chúa) thì không có Thiên Chúa giáo chỉ là một cách nói. Most probably sẽ có một Thiên Chúa giáo without the concept of suffering, without purgatory.
    Không có Judas, Jesus khó có cái chết bi tráng. Thứ nhất Jesus khá thỏa hiệp với quân La Mã (khi được hỏi có nên đóng thuế cho quân đóng chiếm không, J trả lời: "Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar"). Thứ hai, quân La mã không xem Jesus là nguy hiểm lắm, họ đã sẵn sàng để ông đi nếu dân Do thái quyết định như vậy. Thời đó người ta chết oan, chết thảm bởi lính La mã thiếu gì. Cái chết của Jesus đáng nói vì J chết về tay môn đệ thân quí nhất của mình.

    ReplyDelete
  6. Cám ơn M et C đã viết comment.

    ReplyDelete
  7. hoặc giả cũng có thể các nhân vật lịch sử đã quá thông minh để không phải tạo ra một tragic hero nào cho văn chương viết lách.

    ReplyDelete
  8. Lại bấm nhầm nút làm xóa mất cái comment rất hay của VuDao rồi? Buồn quá. Dành chút thì giờ post lại nhé. Cám ơn em nhiều.

    ReplyDelete
  9. 1 cái concept parallel của Việt Nam thì em chưa biết thế nào, nhưng trong những tiểu luận triết học của mình Francois Jullien đã đối chiếu rất hay 2 hệ hình tư duy KHÁC nhau là truyền thống Hy-lạp và truyền thống Trung Hoa. Trong những tiểu luận này (đã có bản dịch ở VN) tất cả những vấn đề trên đã được xem xét 1 cách tường minh và tinh tế, chị 2 4 6 có thể tìm thấy 1 vài lý giải thú vị :)
    -----------
    (...vì) hành động chính là cái đối tượng riêng biệt của huyền thoại (muthos) được quan niệm như là truyện kể hành động, bằng thể loại này văn minh châu Âu đã bắt đầu.(...) Dù là Thượng Đế của truyền thống Do Thái-Kytô giáo hay là của Timée, Thượng đế nào cũng làm cho thế giới hiện tồn bằng hành động sáng tạo; và đặc điểm của nhân vật anh hùng là in hành động của mình lên thế giới trong khi đương đầu với nó; với anh hùng ca, văn học đã bắt đầu bằng việc kể những hành động đáng ghi nhớ được tôn thành chiến công, rồi bi kịch đã dàn cảnh chúng (đặc điểm của sân khấu, - Aristote nói với chúng ta, thời bấy giờ chưa có thuật ngữ cho cái mà chúng ta gọi là nhân vật - là biểu hiện những con người như là "những người đương hành động", prattontes).
    (...)Bởi lẽ Trung Hoa đã không xây dựng một thiên truyện lớn về sáng thế, cũng không quan tâm đến việc giải thích sự đăng quang của thế giới bằng 1 hành động sáng tạo nào đó (truyện Nữ Oa trộn bùn không phục vụ cho tư tưởng); không có 1 dấu vết anh hùng ca nào, trong thời Cổ đại Trung Hoa, do đó cũng chẳng có sân khấu tiếp theo anh hùng ca như ở phương Tây chúng ta): bấy nhiêu sự thiếu vắng gợi ý cho chúng ta trở về thăm dò những biểu tượng của chúng ta từ đâu đến với chúng ta. Bởi lẽ chúng ta không chỉ phát hiện ra rằng tư tưởng Trung Hoa không đi vào con đường tôn thờ hành động-anh hùng hay bi kịch, mà chúng ta, điều này căn bản hơn, còn thấy rằng nó đã không chọn con đường giải thích thực tại bằng hành động.
    (FJ-Bàn về tính hiệu quả, IV,2,tr82, bản dịch Hoàng Ngọc Hiến)

    ReplyDelete
  10. (Bàn 1 chút về chữ KHÁC trong truyền thống phương Tây-theo Nguyên Ngọc).
    Trong quan niệm Cơ-đốc giáo, khái niệm này tất yếu liên quan đến khái niệm về Chúa, Đấng Sáng Tạo. Chúa chính là "Người Khác" cao nhất, tự đủ với chính mình, nhưng trong tình yêu vô tận của Người, Người đã tạo ra con người theo hình ảnh của Người và giống như Người, bằng ngay việc đó tạo ra Cái Khác (Altérité-alter=khác). Chúa là Kẻ khác đối với con người, và ngược lại-Chúa, vốn Vô tận, vừa là rất khác với vừa là rất gần với con người.
    (...) Eva là giống với Adam và khác với Adam. Từ sự khác nhau giữa họ, họ hoàn thiện cho nhau để làm nên lứa đôi sinh sôi, nhân lên, và như vậy tham gia vào sáng tạo. Đấy chính là nguồn gốc của "mối Quan hệ với Kẻ Khác". Kẻ Khác giống như tấm gương soi lại cho chính ta. Hắn khiến cho ta có ý thức về ta, trong chừng mực hắn là cái hắn với sự khác biệt của hắn, và cho phép ta là chính ta với sự khác của ta.
    Như vậy khái niệm "KHÁC" gắn với mối quan hệ:
    Chúa/Con người
    Adam/Eva
    Ta/Ngươi
    -------
    Lời người dịch, Minh triết phương Đông và triết học phương Tây/Minh triết hay thể tạng khác của Triết học-La sageges ou L'autre de la philosophie; FJ, Nguyên Ngọc dịch.

    ReplyDelete
  11. Đứng từ ngoài nhìn vào sự đối chiếu tinh tế đó của FJ, sẽ rất thú vị khi phát hiện ra tình thế oái oăm của Tiếng Việt khi mà về mặt ngữ pháp thì chịu ảnh hưởng của phương Tây-qua đó ảnh hưởng đến lối nghĩ-trong khi cái tiềm ẩn trong vùng sâu lại nhuốm màu sơn Tàu đen kịt và nữa, không biết dưới đó cái cật tre bây giờ có màu gì :)
    Những so sánh và nhận xét sẽ trở lên tủn mủn khi không có sự ý thức 1 cách có hệ thống về bản thân hệ hình tư duy mà ta đang sử dụng. Nó dễ dẫn đến ba phải, thiếu 1 căn cốt để đứng vững và có ích. Chính FJ đã khởi đi từ điểm mốc như vậy.
    -------
    (...)Bởi lẽ, theo con đường gián tiếp, chúng ta trước sau sẽ làm công việc thăm dò cả một hậu cảnh lý thuyết; cùng với vấn đề những chiến lược ý nghĩa, thì cái cách tinh thần quan hệ với thực tại phải được xem xét lại một cách tổng thể. Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã không tránh khỏi những câu hỏi liên tiếp như sau: Ngộ nhỡ thế giới đối với chúng ta chẳng phải là một đối tượng biểu thị, biểu tượng [repre'sentation] và bản thân nghĩa bóng đâu có nhằm biểu thị - trên một bình diện "tượng trưng" [symbolique]? Hoặc ngộ nhỡ tính khái quát chẳng phải là cái mà tư tưởng nhắm tới và như vậy thì lời nói chẳng có xu hướng định nghĩa (để xây dựng một thế giới phổ quát của các bản chất) [une universalite' d'essences] mà thiên về tự chuyển đổi [se moduler] - để nương sát với hoàn cảnh? Tóm lại, nếu như nỗ lực của ý thức không đảm nhiệm việc phân đôi cái thực tại để lập nó làm cơ sở siêu nghiệm [transcendance] (của Bản thể hay Thượng đế); và, nếu như cái mà chúng ta tìm tòi để nói về thế giới, để làm cho nó khả niệm [intelligible] chẳng phải là "Chân lý" nữa? Hoặc giả nếu như ta đặt câu hỏi từ phía bên kia, phía đối lại: vậy thì những định kiến lý thuyết nào - đương ở tình trạng bị vùi lấp - đã chế định [conditionner] những phương thức đoán giải [interpretation] của chính chúng ta? Chế định tới mức chúng ta xem chúng là hiển nhiên, ngỡ chúng là "Lý trí".
    (...) Có một điều phải tính đến là cái quan điểm khác này mà "Trung Hoa" cung cấp cho chúng ta không phải là có sẵn, lại phải làm thế nào xây dựng được nó. Giữa Trung Hoa và Hy Lạp, bàn về diễn ngôn [discours], tôi tìm cách dần dần "dựng lên" thành quan điểm. Chứ không làm hai cột song song. Bởi lẽ tôi không tin ở khả năng chia trang giấy làm đôi: bên này là Trung Hoa, bên kia là Hy Lạp. Nói đúng hơn tôi nghĩ rằng cái cách làm nổi bật sắp thành hàng ngay lập tức sự khác biệt chỉ dẫn tới chỗ làm cho nó cằn cỗi. Bởi lẽ những chiến lược ý nghĩa ta chỉ hiểu được từ bên trong, nương theo logic cá thể của chúng. Từ đó sự suy tư ở đây có dáng dấp tiến trình. Vòng đi vòng lại và trở đi trở lại - công việc này là một sự đi lần lần, bước tiếp bước. Nhưng rồi, từ trạm này đến trạm nọ, quang cảnh biến đổi, một toàn cảnh dần dần phác hoạ. Do đó, đôi khi tôi kêu gọi sự kiên trì của độc giả. Bởi lẽ những hiệu quả của ý nghĩa không thể tóm tắt được và tôi chỉ biết được ý nghĩa của những văn bản Trung Hoa bằng cách tìm hiểu kỹ càng những lời chú giải về chúng. Trực diện là Trung Hoa - gián tiếp là Hy Lạp. Nhưng có khi cái tôi tìm cách đến gần hơn cả lại là Hy Lạp. Quả thực chúng ta càng tiến lên thì càng có cơ quay trở về. Cuộc du hành này tới viễn xứ của sự "tinh vi" của ý nghĩa là một lời mời đi ngược trở lên tư tưởng của chúng ta.
    Phần mở đầu - ĐƯỜNG VÒNG VÀ LỐI VÀO - FRANCOIS JULLIEN - "LE DETOUR ET L'ACCES - STRATÉGIES DU SENS EN CHINE, EN GRÈCE"

    ReplyDelete
  12. Nếu xét trên bình diện lịch sử thì tragic hero có hàng đống vì về nguyên tắc đằng sau mỗi cuộc khởi nghĩa thất bại xác suất xuất hiện một tragic hero là rất lớn. Nguyễn Trãi, Chàng Lía, Phạm Hồng Thái, Đề Thám, Lê Lai, Đặng Dung, Nguyễn Văn Trỗi... đều có thể coi là những tragic hero của lịch sử VN.
    Trên bình diện thi ca thì số lượng tragic hero có lẽ cũng chẳng ít hơn số lượng tragic heroine. Nếu coi Thúy Kiều là một tragic heroine (mặc dù là hàng Si-no nhập lậu) thì tại sao lại không thể coi Từ Hải là một tragic hero? Tương tự, Thị Kính là một tragic heroine thì Thạch Sanh chẳng lẽ không đủ tiêu chuẩn làm tragic hero hay sao? Còn Chinh phụ ngâm, nếu để ý thì những đoạn bi tráng nhất và có lẽ cũng là những đoạn đẹp nhất lại là những đoạn miêu tả cảnh chiến trường, trận mạc. (Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi...)

    ReplyDelete
  13. doc bai` nay` thay hay qua' hi` hi` nhieu dieu mi`nh tu truoc den gi`o chua de y' . hi`hi` . cai' nay` cung lam` minh suy nghi~ nhieu den cuoc song that ngoai` doi`.
    khi nao` ranh va` ban o Tp.HCM thi` cho phep minh` moi ban di uong cafe va noi tiep ve chuyen nay` nhe', tat nhien la` neu ban co`n hu'ng thu' ban` ve^` no'.

    ReplyDelete