Friday 29 September 2006

Stars, hide your fires.

Stars, hide your fires.
Let not light see my black and deep desires.
(Macbeth)

 

Không phải tâm lý là tất cả. Đừng nghĩ anh có thể dùng tâm lý để giải thích cho mọi nhân cách và hành động của mọi nhân vật, trong truyện hay ngoài đời. Khi đọc truyện hay xem phim, cũng đừng lấy đó làm thước đo, cho rằng một nhân vật chỉ đáng tin khi tác diễn giải được tâm lý nhân vật ấy một cách thuyết phục.

Hãy chấp nhận rằng chúng ta không hiểu tâm lý của Macbeth. Shakespeare không gắng thuyết phục ta rằng Macbeth bị sự ham muốn quyền lực làm mờ cả tim lẫn mắt; chúng ta không thấy sự phản trắc là điều tất yếu. (Tolstoy từng nói rằng Macbeth không có động lực để giết vua).  Nhưng không những chấp nhận câu chuyện được kể, chúng ta còn thấy Macbeth là một nhân vật thật hơn sự thật. Sự thật về con người được nối sâu, nới rộng khi chiếc cổng ngăn giữa sự có thể và không thể biết được được mở ra. Ở vùng biên giới, ở nơi địa đầu đó bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Câu chuyện của Macbeth nằm ở nơi ấy: mịt mùng, đầy hoài nghi và hoang mang.

Mâu thuẫn là đây: chúng ta tìm thấy mình trong vùng tranh tối tranh sáng nhiều hơn ngoài nắng trời rực rỡ.

11 comments:

  1. Vậy Hamlet có phải là một trường hợp như Macbeth không? Người đọc có thực sự hiểu được động lực của Hamlet không? Anh ta hành động theo ý chí hay chỉ là một công cụ của số phận?
    Harold Bloom có cuốn sách gọi là Shakespeare- The Invention of Human Being, vi theo ong ta, Shakespeare là một thiên tài trong việc tái tạo thế nào là con người.

    ReplyDelete
  2. Xin trích vài câu trong cuốn Where Shall Wisdom Be Found của Harold Bloom:
    “Chúng ta không thể biết Don Quixote và Hamlet tin vào điều gì, bởi vì họ bên ngoài giới hạn của chúng ta. Don Quixote biết mình là ai, ngay cả Hamlet của màn V cũng bắt đầu hiểu điều gì có thể biết được.
    Cervantes đặt Don Quixote khá gần chúng ta, trong khi Hamlet luôn luôn xa xôi, và đòi hỏi nhiều suy ngẫm.”
    Harold Bloom viết tuyệt vời. Nhưng sách của ông khó đọc. Không phải vì ông viết khó, mà vì điều kiện để đọc Bloom là bạn đã đọc xong hầu hết các cuốn sách quan trọng của nhân loại bên phía Tây rồi, điều không dễ làm được trước năm 60 tuổi.

    ReplyDelete
  3. Lionel Abel viết: “Now, we know very little about the psychology of any figure in any real tragedy.” Chúng ta cũng không hiểu Hamlet, nếu tâm lý học là phương tiện duy nhất để hiểu một nhân vật trong một vở bi kịch.
    Abel cho rằng chúng ta càng quan tâm tới tâm lý học thì càng không hiểu bi kịch theo truyền thống Hy lạp vì chúng ta cố gắng giải thích mọi thứ trong một thứ ánh sáng khác với thứ ánh sáng từ những ngọn lửa của họ.
    Với đa số, chữ tragedy là một chữ Hy lạp, và tất cả các vở bi kịch thực sự đều mang truyền thống Hy lạp. Nhưng W.H. Auden lại cho là có hai loại bi kịch: bi kịch Hy lạp và bi kịch Thiên chúa giáo.
    Người Hy lạp xưa tin ở định mệnh. Những diễn biến trong một bi kịch, cũng như trong một thần thoại, là tất yếu.
    Người theo Thiên chúa giáo tin ở ý chí. Con người sinh ra là để chịu thử thách, và qua sự chọn lựa của mình giữa cái tốt và cái xấu, sẽ đến gần Chúa hay gần Quỷ hơn. Có chọn lựa là có cơ hội, và như vậy, trong mỗi khúc quanh của vở bi kịch luôn luôn có hai con đường. Nếu vậy thì tai ương không phải là không tránh được, nó chỉ xảy ra khi người ta chọn sai, khi người ta phạm tội.
    Lionel Abel nhìn thấy mâu thuẫn trong một vở bi kịch Thiên chúa giáo theo định nghĩa của Auden: Nếu nhân vật có sự chọn lựa giữa tốt và xấu, thì vở kịch trở thành một bài học đạo đức. Và nếu đã là một vở kịch dạy đạo đức, thì, theo Aristotle, nó phải có một happy end. Hegel cho rằng người viết kịch phải làm tất cả để cứu nhân vật của mình về mặt đạo đức, nếu không cứu được, để cho anh ta phạm tội, tai ương xảy đến, thì người xem sẽ tin rằng tai ương đó tất yếu, có nghĩa là có định mệnh. Mà hễ có định mệnh tức là ý chí không có nghĩa gì: không phù hợp với niềm tin Thiên chúa giáo. Còn nếu happy end là đương nhiên, thì bi kịch có còn thực sự là bi kịch hay không?

    ReplyDelete
  4. Câu chị trích dẫn về phân chia bi kịch thành bi kịch Thiên chúa giáo và bi kịch Hy Lạp hay nhưng liệu có thực thế không? Đúng là trong bi kịch Hy Lạp, mọi việc không ra khỏi bàn tay của số phận, nhưng người ta vẫn thấy được cái ý chí của con người trong đó. Điển hình là Oedipus của Sophocles- một nhân vật bi kịch vĩ đại, có thể so sánh với Hamlet. Oedipus và Hamlet, họ là sản phẩm của số phận, của một lời nguyền, là con tin của một bóng ma? Hay họ là những nhân vật có ý chí thực sự, và họ đã lựa chọn con đường tới số phận đó?. Cũng chẳng thể nào có được câu trả lời duy nhất được, nhưng chính đó là lý do khiến chúng ta cảm thấy mình gần gũi với Oedipus và Hamlet hơn, cho dù họ vẫn luôn bí ẩn, xa xôi, tượng trưng cho cái giới hạn mà con người không vượt qua bằng óc phân tích hay lý lẽ được.
    Tại sao Shakespeare vĩ đại? Là vì ông có được sự tiên cảm. Không chỉ là nhà phân tích tâm lý thiên tài về những động cơ, ham muốn... của con người mà ông còn biết đâu là những khoảng tối trong cái gọi là phần hồn của con người. Mà với khoảng tối này, người ta không thể đo đếm rành mạch được, chỉ có thể gợi nó ra được thôi, bằng Hamlet, bằng Macbeth, bằng King Lear.
    Một điểm nữa để có thể tạm coi là khác biệt giữa bi kịch Thiên chúa giáo và bi kịch Hy Lạp có thể còn là khía cạnh đạo đức chăng? Bi kịch Hy Lạp hình như không rõ ràng lắm về quan niệm đạo đức tốt xấu. Oedipus tốt hay xấu? Creon phơi xác con trai Oedipus, kẻ thù của thành Thebes là đúng hay là sai? Không ai biết chắc cả. Số phận chứ không phải đạo đức mới là mối bận tâm của bi kịch Hy Lạp cổ. Nhưng vẻ đẹp của bi kịch Hy Lạp cổ lại ở chính chỗ này, trong cái cách con người ta trả lời số phận.

    ReplyDelete
  5. Con người gồm có hồn và xác. Cái phần hồn của một người phải là một cái gì lớn lao hơn tổng số các vấn đề tâm lý của người đó chứ. Khi một nhân vật với mình là quan trọng, người viết phải vươn tới cái hồn của anh ta, chứ không nên chỉ loay hoay với tâm lý. Tại sao các nhân vật trong những phim tuyệt vời như Psycho (Hitchcock), Spider (Cronenberg) cuối cùng cũng không có tầm vóc?

    ReplyDelete
  6. Trong Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm tài nhân Kiều chết ở sông Tiền Đường đúng như Đạm Tiên đã hẹn hò trước. Nguyễn Du để cô về đoàn tụ gia đình, "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều." Người Việt mình tin ở định mệnh, rồi bâng khuâng không muốn tin, ý chí có thể vượt qua số phận chứ? Không hẳn. Kiều được cứu, tức là trời phật thương cô mà cứu, chứ cô có "thắng" được trời đâu. Ý chí, cùng lắm, cũng chỉ làm trời động lòng mà thôi.

    ReplyDelete
  7. hic, theo em nghĩ bản thân của Nguyễn Du cũng tự mâu thuẫn với chính mình. Có lẽ bức tường Phong Kiến quá kiên cố khiến ông muốn đập vỡ cũng chùng tay chăng ?
    Em không biết về đạo chúa lắm, nên khái niệm về "hồn" và định mệnh là gì rất xa lạ với em. Người Việt Nam mình tin vào karma "Nghiệp" hay định mệnh hả chị ? Vì "nghiệp" và "định mệnh" theo em thì nó khác nhau lắm. Mong chị giúp em hiểu rộng thêm :)

    ReplyDelete
  8. Như thế nào là thắng thua trong nhân định thắng thiên? Có phải con người trải qua cố gắng vật lộn, cuồi cùng nhất thiết giành được nhu cầu tạm thời nào đó mà nó đòi hỏi, thì mới có thể coi là thắng thiên? Trong câu truyện Ông Già và Biển Cả, ông lão cuối cùng kiệt sức nằm ngủ, trong giấc mơ lại nhìn thấy những con sư tử. Vậy có thực là ông lão đã thua đứt đuôi, thua trơ trọi hay không? Phải chăng nếu ông cụ xách về được vài tạ thịt cá kiếm thì ta sẽ gọi đó là nhân định thắng thiên? Trong Đọan Trường Tân Thanh, giả sử Kiều quyết định không tự vẫn sau cái chết của Từ Hải, thay vào đó dò dẫm tìm được đường về đòan tụ cùng gia quyến, như thế có nên gọi là nhân định thắng thiên? Có phải chỉ khi đã hớn hở hoan lạc người ta mới được coi là chiến thắng ông trời?
    Giả sử xóa sạch đi trí nhớ của hai nhân vật văn học nói trên, ném họ trở lại vào chuỗi hòan cảnh mà họ trải qua, liệu họ có sống khác đi không? Không đâu. Hình như có tiếng nói bảo ta rằng, họ sẽ nhất định sẽ phải sống đúng như vậy, và không thể khác được. Vậy là, nên bảo con người thua ông trời hay thắng ông trời được đây? Vậy là, giữa con người và số phận gắn với nó, thực ra có sự phân biệt hay không?

    ReplyDelete
  9. Tôi vẫn luôn cảm thấy điều này, nhưng chưa bao giờ suy nghĩ được mạch lạc như Le. Con người với số mệnh của mình là một, và nếu từ chối số mệnh, con người trở thành một người khác, mang một số mệnh khác. Bao lâu nay, tôi đã gặp rất nhiều người buồn than về số mệnh của mình, nhưng nếu nói: nếu anh muốn được "tốt số" như X, thì anh sẽ mang số mệnh của X, và trở thành X - anh có muốn không? Người được hỏi thường chùng lại. Bỏ mất mình ư? Không ai dễ muốn như vậy.
    Nếu sau khi Từ Hải chết Kiều lấy tên quan nhỏ kia và vui phận vợ quan, cũng đằm cũng thắm, thì Kiều đâu còn là Kiều. Thắng thiên, mà vứt bỏ mình đi, thì cuối cùng ai thắng đây? Ai cũng thua đậm.
    Le đã giúp chúng ta hiểu định mệnh là một cái gì sâu xa hơn hoàn cảnh.

    ReplyDelete
  10. hôm nay đọc Macbeth, và muốn được làm ngôi sao tỏa sáng, chị ơi... Che giấu mình sao mệt mỏi quá...

    ReplyDelete
  11. toi can tim xem nguoi theo thien chua giao tin vao so menh den dau co ?
    ai guip ?

    ReplyDelete