Saturday 25 November 2006

The End of the Word

In the beginning was the Word
John 1:1

Lịch sử được làm nên bởi những chuyển biến của xã hội, bởi thay đổi, cách mạng, chiến tranh.

Karl Marx, và gần đây là Francis Fukuyama, đã viết về sự chấm dứt của lịch sử, the end of history. Đó là khi lịch sử không còn được viết tiếp nữa, bởi vì xã hội đã ổn định, không còn cần, hoặc không thể thay đổi được nữa, và các nhà viết sử bỏ nghề vì không còn gì để viết. Dù thế giới nơi lịch sử dừng lại của Marx và Fukuyama rất khác nhau, ta hiểu rằng sự dừng lại không phải không thể xảy ra – giòng sông có thể ngừng, không phải cạn, mà chỉ ngừng.

Lúc u buồn, chứ không phải lúc lạc quan, tôi nghĩ tới sự chấm dứt của nghệ thuật, the end of art. Đó là khi người ta không còn những câu hỏi chưa được trả lời, không còn bí mật nào nằm ở phía bên kia của mặt trăng, để nghệ sĩ là những con thiêu thân lao vào ánh sáng mong tìm ra bóng tối ở phía sau. Không còn những sự thật, ý nghĩa và nỗi buồn chưa được biết đến. Cũng không còn những giá trị đã bị đắm thuyền và nghệ sĩ là những người thợ lặn buông mình vào đại đương đi tìm những chiếc vòng đeo tay đã mất.

Biết đâu có ngày nghệ thuật không còn nữa. Chỉ còn những sản phẩm giống như nghệ thuật làm ra để để chiều chuộng đám đông, để tô điểm và tiêu khiển. Những sản phẩm do đám đông điều khiển theo qui luật của thị trường và dân chủ, một đám đông trong đó những con người càng giống nhau càng nhiều sức mạnh, khi lịch sử cũng đã ngừng.

Mọi thứ đã làm xong. Không còn sự im lặng sâu thẳm, chỉ còn sự im lặng khi lời nói đã làm hết việc của nó và đặt mọi gánh nặng nó mang xuống đất, như con trâu giã từ cái cày. Chúng ta chỉ còn lại những ngày không trọng lượng.

Ngày tận thế không phải là khi con người rũ rượi trong tội lỗi, không còn nước sông Tiền hay sông Hậu nào còn có thể rửa cho thanh sạch lại được, chỉ còn mong vào cơn hồng thủy, hay là một trời lửa. Ngày tận thế giản dị là một ngày khi mọi việc đã xong. Sau hôm đó không phải là tro than, mà là vô số những thành phố Las Vegas đầy những zombies mặc quần áo đẹp.

7 comments:

  1. Cái the end of history đó chỉ xảy ra khi không còn mâu thuẫn, vì mâu thuẫn là động lực để phát triển mọi thứ, kể cả lịch sự. Thượng đế đã tạo ra con người ai cũng khác nhau rồi, bởi thế sẽ luôn có mâu thuẫn và bất đồng. Chị có nghĩ sau này con người có thể bị đặt trong một hệ thống mà nó tạo ra những bản sao có lối sống và suy nghĩ y hệt nhau để tạo ra một xã hội ổn định được không? Như vậy lịch sử vẫn sẽ tiếp diễn, cố gắng tạo ra một xã hội hoàn thiện nhưng không bao giờ có. Không có cái gì có thể hoàn hảo, nhưng bởi con người luôn cố gắng vươn đến sự hoàn hảo nên đã tạo ra sự phát triển.
    Những sản phẩm tạo ra để chiều chuộng đám đông không thể gọi là nghệ thuật được. Nó chỉ là một hình thức giải trí thôi. Như có lần em đã nói với chị bây giờ người ta ít quan tâm đến nghệ thuật hơn mà chỉ cần giải trí. Người ta xem phim đọc sách nghe nhạc,... chỉ là để thư giãn. Cho nên người ta cũng tạo ra những sản phẩm để phục vụ nhu cầu thư giãn và giải trí đó. Người quan tâm ít thì những tác phẩm nghệ thuật thật sự cũng ít theo. Nhưng em cũng nghĩ giống Phá ở trên là nó chỉ lùi vào một góc nhỏ bé hơn để dành cho những người quan tâm đến nó.
    Nghệ thuật phát sinh từ sự bất bình đẳng, niềm vui và nỗi buồn,... Những thứ ấy cũng tao nên lịch sử, cho nên lịch sử còn tồn tại thì nghệ thuật còn tồn tại. Mà như em nói khó có the end of history cho nên cũng khó có "the end of art" :D
    Ngày tận thế là khi tất cả đều là zombies, nhưng chỉ cần 1% không phải zombie thì đó sẽ là Saviour.

    ReplyDelete
  2. Nghệ thuật như ý nghĩa mà nó phải có không thể được tôn vinh trong một nền văn hóa pop, chị ạ. Tiếc là lần lượt từng xã hội đều bị nhiễm cái văn hóa này. Nghệ thuật đúng nghĩa sẽ không chết nhưng nó chỉ không được xem là mainstream, và lui về với một "công chúng" nhỏ nhoi hơn nhiều, với sự tán thưởng ít ồn ào hơn.
    À, The end of history là một nhận định quá lạc quan của Fukuyama, cũng như khá nhiều học giả, sau khi khối Đông Âu sụp đổ. Thực tế cho thấy nhận định đó sai lầm.
    Hy vọng là nhận định "the end of art" cũng có một số phận giống vậy. :D

    ReplyDelete
  3. I don't think that there wil be "the end of art"

    ReplyDelete
  4. Jacqueline du Pré3 December 2006 at 22:35

    I have no idea with your writing because I couldn't get it but only red line. My husband said: "In the beginning, there was silence. And out of the silence came the sound. The sound is not here" and "There are many types of silence. There is a silence before the note, there is a silence at the end and there is a silence in the middle. This whole Prelude to Tristan und Isolde, the whole beginning of the prelude, is built on the use of silence as a means of expression." How do you think about the silence?

    ReplyDelete
  5. Suy nghĩ một hồi, em lại càng không đồng ý với ý kiến của chị về những con người ngày tận thế. Em rất thích "Và khi tro bụi" của chị, nhưng trong vấn đề này có lẽ chị em mình mâu thuẫn.
    Em chỉ nói theo suy nghĩ chủ quan của mình thôi, hoàn toàn có thể sai. Mong chị đừng để ý.

    ReplyDelete
  6. Những gì cần viết thì Apomethe đã viết hết rồi. Em chỉ có thể thêm câu này: những gì chị nghĩ tưởng chừng sâu sắc nhưng thật ra hơi nông cạn. Em xin lỗi chị rất nhiều, đó chỉ là em nghĩ thế thôi.

    ReplyDelete
  7. Em thì lại hiểu cái khác - hoàn toàn không như những ai đã com lại đây - em hiểu cái cảm giác làm xong một việc nào đó, rồi dừng lại ở đó, đứng nhìn những rực rỡ huy hoàng của nó và cảm nhận cái trống không của mình.
    Đó hoàn toàn là cảm giác của em thôi :) em chỉ nghĩ có thể khi viết entry này chị cũng có cảm giác như vậy.

    ReplyDelete