Saturday 18 November 2006

Thành trì trong sa mạc

Tôi không bao giờ hiểu tại sao không có ai dịch cuốn Citadelle của Saint Exupéry ra tiếng Anh. Dĩ nhiên có nhiều cách giải thích: cuốn sách viết chưa xong. Chưa xong không chỉ có nghĩa là nó chưa có một kết thúc, mà vì nó cũng chưa được sắp xếp gì cả. Các chương, các ý tưởng lập lại rất nhiều, hình như cuốn sách không có một cấu trúc nào. Đó chỉ mới là phần hình thức. Phần ý tưởng và triết thuyết, không sắp cuốn sách vào đâu được. Rồi đến cốt chuyện cũng không có. Có khi cuốn sách như một loại kinh thánh không có các thánh và các mẩu chuyện nặng chùng xuống bởi ý nghĩa và biểu tượng của họ. Kinh thánh cho một tôn giáo từ chối mọi giáo điều. Có khi nó là một bài thơ như định nghĩa rõ ràng nhất của một bài thơ: đẹp đẽ và đầy hình ảnh và đầy máu của một trái tim đang thở khẽ khàng hay khó nhọc. Nó muốn dạy cho tôi những thứ gì đó giống như sự khôn ngoan, chiêm nghiệm. Những loại khôn ngoan chiêm nghiệm không làm cho tôi thấy rõ trật tự của cuộc sống hơn, biết phân biệt chính tà hơn và sống yên bình hơn. Nó đem lại những hiểu biết làm cho tôi bất an trăn trở vì thấy mình sống chưa đủ, mình mỏng như một cái bóng: tôi có đường viền cho đầy đủ một hình hài, nhưng không có nhiệt độ.

Tôi tưởng tượng Saint-Ex viết cuốn sách cho những thiên thần. Điều làm nên thiên thần không phải là sự thánh thiện hay mẫu mực hay bình yên hay sự lung linh của một thứ ánh sáng trắng buốt như sao mai. Điều làm nên thiên thần là sự ngụp lặn trong cuộc đời, trong quê hương, với tất cả niềm kiêu hãnh của một thiên thần và tất cả sự thầm lặng của một viên gạch trong một ngôi đền, cùng với lầm lẫn, mơ màng và đau đớn, ngụp lặn, chấp nhận tất cả để quyết liệt không chấp nhận một thứ: làm một cái bóng.

Tôi chưa lần nào có can đảm đọc cuốn sách theo thứ tự các trang như chúng đã được viết, từ chín trăm tám mươi lăm trang bản thảo, không có chuyện, không có nhân vật, không có thoại, chưa kịp được tác giả đọc lại. Nhưng tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần dở ra đâu đó, hình như lúc nào cũng tìm được một điều gì hay và đẹp đẽ hay quyết liệt. Tôi sẽ đồng ý với Saint Ex, còn nếu tôi không đồng ý với một trang nào đó, nó sẽ lẩn quẩn trong tôi suốt vài đêm.…


Khi nói đến tên Antoine de Saint-Exupéry, người ta nghĩ đến Hoàng tử bé. Hoặc là những cuốn truyện phiêu lưu của tâm thức đàn ông như Cõi người ta hay Chuyến bay đêm. Người ta mong chờ những lời thánh thiện, khôn ngoan và êm ái. Những chuyến đi. Những giọt sương trong vắt và lung linh. Khi Saint-Ex đưa những chương đầu của Citadelle cho bạn thân xem, họ đã ước chi ông chưa bao giờ bắt đầu viết cuốn sách đó.

Saint-Ex không có đủ cứng cỏi để lạnh lùng trước sự thất bại trong lần đầu đưa bản thảo cho người khác đọc. Ông bất an, buồn bã. Hay là ông đã lạc đường, dấn thân vào một vùng đất không phải của mình?

Cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều người yêu Saint-Ex thầm mong ông chỉ là Hoàng tử bé. Vẫn chưa có bản dịch tiếng Anh cho Citadelle. Ngôn ngữ của cuốn này khác, giống như một người bắt đầu hiểu cái chết, không còn thì giờ để dịu dàng, ông trở nên quyết liệt. Dù có người không muốn biết rằng tác giả của Hoàng tử bé lại viết về những con chó cái, nhưng với tôi, đây vẫn là cuốn sách đằm thắm nhất. Tôi chưa, hoặc ít đọc được ở đâu một tình yêu như vậy dành cho con người.


dịch trích đoạn:

Nhưng với con, một trái chín từ cây có nghĩa gì? Trái của con chỉ có giá trị, khi người ta không đem nó trả lại cho con được.

Có người kia ngồi trên sàn diễn và sống bằng những tiếng gọi hoan hô của đám đông ngu muội: “Tôi ban tặng sắc đẹp và sự duyên dáng, cùng những bước đi vương giả của tôi; và đám người kia ngưỡng mộ nhìn tôi như nhìn một chiếc tàu lộng lẫy vừa đi ngang qua chỗ họ. Chỉ sự có mặt của tôi thôi đã là một sự ban tặng.”

Sự kiêu hãnh đó bắt nguồn từ một thứ quà tặng giả hiệu, một ảo tưởng. Bởi vì con chỉ có thể dâng tặng những gì con chuyển hóa: như một cái cây tặng những trái chín mà nó đã chuyển hóa từ đất mà có; như một vũ nữ tặng một điệu múa cô đã chuyển hóa từ bước đi của mình để làm thành; như người lính đã biến máu mình thành ngôi đền hay vương quốc để dâng hiến.

Nhưng một con chó cái thì không có giá trị gì, dù đám chó đực bu chung quanh mê mẩn nó. Bởi vì thứ mà con chó cái ban tặng nó đã không chuyển hóa từ một cái gì ra cả. Thú vui của nó là thú vui nó đánh cắp từ sự truyền giống. Nó khum người mà không cần mất sức lực, theo sự đòi hỏi của những con chó kia.

(từ: chương 60, Citadelle)


Viết thêm ngày 23.11.07

Hôm nay tìm được bản dịch tiếng Anh cuốn "Citadelle" của Stuart Gilbert. Tựa tiếng Anh của nó là "The Wisdom of the Sand".

5 comments:

  1. Đọan trích này phảng phất có hơi thở chua chát giận dữ. Một lớp sóng đơn lẻ duy nhất xô lên bờ cát rồi tan đi. Không có những đợt sóng âm ỷ nối theo sau, bởi vì không còn cần thiết nữa.

    ReplyDelete
  2. huhuhu... thi'ch qua' ca'i doan trich nay!
    kakaka... dzo voi em mot ly di chi!

    ReplyDelete
  3. thinh thoang e lai vao day de doc lai bai nay, cang doc cang to mo ve chi, cang to mo cang xay dung mot hinh anh ve chi, den khi nao e ve ra duoc day du ve con nguoi va cuoc song cua chi, e se kiem chi, cho chi xem vay!

    ReplyDelete
  4. Co le nguoi ta boi roi qua nen khong dich Citadelle, Ban da cam nhan nhieu nhu the, sao ban khong lam nguoi dich lai Citadelle di

    ReplyDelete
  5. Bạn có vẻ cảm nhận về tác phẩm của Saint Exupéry sâu sắc nhỉ? Mình cũng chỉ mới đọc Hoàng tử bé thôi. Còn chưa đọc Citadelle bao giờ. Có lẽ vì giống bạn nói nó chưa đc dịch ra tiếng Việt, mà mình lại ko giỏi ngoại ngữ lắm. Nhất là tiếng Pháp thì lại càng chưa bao giờ học (mặc dù mình lại là giáo viên chủ nhiệm của 1 lớp chuyên Pháp văn của trường).
    Nếu bạn đã dịch rồi hay có bản dịch gửi cho mình với nhé. Mình rất thích Hoàng tử bé. Cảm thấy nó rất nhẹ nhàng mà lại sâu sắc. Nếu đọc 1 cách hời hợt sẽ ko cảm nhận đc. Có lẽ văn của Saint Exupéry là thế.
    Nhưng qua đoạn trích Citadelle của bạn, mình lại cảm nhận 1 văn phong hoàn toàn khác.
    Nếu khi nào bạn rảnh thì ghé wa blog mình chơi nhé. Mấy hôm trước mình cũng mới post 1 entry mới mà bạn bè mình cùng là GV văn mà bảo đọc chẳng hiểu gì cả. bạn đọc thử xem có hiểu gì ko nhé.

    ReplyDelete