Saturday 14 April 2007

Ai yêu ai không yêu Trăm năm cô đơn?

Trăm năm nắn nót

Trích bài Có nên đập phá một tượng thần? Của Nguyễn Đăng Thường, đăng trên talawas

Để rộng đường dư luận, sau đây là bản dịch một bài nhận định tuy ngắn nhưng hàm súc, của Jonathan Bate về nhà văn Gabriel García Márquez trong mục "Millenium Reputations" (tạm dịch: "Những tiếng tăm của thiên niên kỷ") để trả lời câu hỏi: "Tác giả, hay cuốn sách nào, của 1000 năm vừa qua, đã được đánh giá quá cao?", đăng trên tờ Sunday Telegraph ra ngày 19 tháng 9 năm 1999. Tựa đề do tôi đặt. Tác giả Jonathan Bate, sinh năm 1958, là một chuyên gia về Shakespeare. Từ năm 1991 đến năm 2003 ông giảng dạy văn chương Anh tại Đại học Liverpool (Anh). Ông đang giảng dạy Shakespeare và văn chương trung đại tại Đại học Warwich (Anh), và cũng kiêm thêm chức vụ Governor (ủy viên hội đồng quản trị) của kịch đoàn Royal Shakespeare Company (Luân Đôn).

Nguyễn Đăng Thường


Tờ New York Times đã mô tả cuốn truyện Trăm năm cô đơn (1967) của Gabriel García Márquez như "tác phẩm văn chương đầu tiên kể từ sau Sáng thế ký mà toàn thể nhân loại cần phải đọc qua". Đây là trò tán tụng lố bịch nhứt mà tôi đã gặp. Cần phải đọc à? Cuốn truyện tự ve vuốt sự khéo léo của nó đến mức không đọc nổi.

Đại khái, nó vẫn được đánh giá như tác phẩm đã khai trương thể loại "hiện thực thần kỳ" pha trộn lối tự sự thực tế hiển nhiên của tiểu thuyết tả chân truyền thống với những cái vô lý dị kỳ như thăng thiên và "thuật giả kim" (alchemy).

García Márquez đã ở tư thế điển hình nhứt của ông khi một phụ nữ đương phơi đồ bỗng dưng bay bổng lên không trung.

Các hợp chất khác của hiện thực thần kỳ là những người bô-hê-miên, những gái điếm có quả tim vàng, những người lùn, những kẻ bịp bợm, và vô số nhân vật lẫn lộn nhau rất khó phân biệt đến mức bạn cần có một bảng gia hệ nếu muốn theo dõi cốt chuyện. García Márquez và các đệ tử của ông là bọn trí thức đô thành giả vờ khâm phục cái khôn ngoan giản dị của giai cấp nông dân. Các huyền thoại, chuyện thần tiên, chuyện dân gian là những thức tự chúng đã tuyệt diệu rồi. Thế nhưng, sẽ là một điều ngớ ngẩn vô cùng nếu ta nghĩ rằng pha trộn chúng với những mẩu chuyện vặt vãnh trong gia đình sẽ làm tiêu tan lòng tự mãn của giới trung lưu ở thời đại chúng ta.

Cứ hy vọng rằng Trăm năm cô đơn sẽ không đẻ ra trăm năm tiểu thuyết nắn nót, lê thê, được đánh giá quá cao. Quá đủ rồi, vì nó đã gợi hứng cho những cuốn truyện đầy những lõm lồi thái quá như Nights at the Circus của Angela Carter, và Midnight's Children của Salman Rushdie.


Nguồn: Nguyễn Đăng Thường: Có nên đập phá một tượng thần? – talawas 2007
[Tôi không đưa link vào một website mà nhiều người cho là không nên đọc. Các bạn có đường vào, thì xin cứ vào để xem cả bài viết của Nguyễn Đăng Thường và tự chịu trách nhiệm chuyện mình làm]

16 comments:

  1. Ý chị 2 4 6 thế nào? Yêu hay không yêu?

    ReplyDelete
  2. nhớ lại cảm giác kinh khủng khiếp không thể diễn tả được sau khi nhốt mình trong nhà vào mùa hè nóng bức và đọc Trăm năm cô đơn...có mấy con kiến bò xung quanh giường và đốt em rất đúng giờ vào lúc 1h trưa nữa (???)...Như vậy là yêu hay không yêu nó?...không biết nhưng túm lại là cuốn sách có thể gây ra một cảm giác như vậy thì quả thiệc không phải chuyện đùa...đọc hết sách rồi ngồi nghiên cứu gia phả của gia đình này thấy dzui quá đi!!!??? Chị sao mỗi lần em vào đây muốn comment nhưng ko dám mở miệng :(, thôi kệ lâu lâu có mấy đứa nhảm nhảm như em cho nó có không khí!

    ReplyDelete
  3. Marquez chính ra em thích truyện ngắn hơn. Ví dụ, truyện "Tôi đến đây chỉ để gọi điện thoại" quá hay, dù có lẽ là gần gũi với Kafka hơn là hiện thực huyền ảo. Hiện thực huyền ảo thì có truyện gì có ông già có đôi cánh khổng lồ đọc cũng rất thích.
    Trăm năm cô đơn thích ở cái chất nửa hài nửa bi, giọng điều vừa đùa cợt nhưng vẫn có chất bi ai, thích các nhân vật phóng túng, đầy chất Nam Mỹ, nhất là nhân vật viên đại tá gì đó làm cách mạng như là làm xiếc, cuối đời thì cặm cụi với các bể cá-nhân vật này quá tuyệt, sống động không tể hơn được.

    ReplyDelete
  4. Em thích García Márquez và Trăm năm Cô đơn. Còn yêu lại là một phạm trù khác... ;D

    ReplyDelete
  5. À, mà nói thiệt thì em thích "Memories of My Melancholy Whores" hơn "One Hundred Years of Solitude", không biết tại sao????

    ReplyDelete
  6. em thay the se tot hon!

    ReplyDelete
  7. Ấy đừng đóng chị ạ.

    ReplyDelete
  8. Nói về Trăm năm cô đơn, em không yêu nhưng vẫn đánh giá cao cuốn này. Với lại mỗi thời có những huyền thoại của nó. Các huyền thoại của nông dân, các truyện cổ tích thần kỳ dân gian có thể vẫn rất đẹp khi ở trạng thái ban đầu của nó, nhưng trong thời hiện đại, tại sao lại có thể cấm việc nó "pha trộn chúng với những mẩu chuyện vặt vãnh trong gia đình" cơ chứ. Mà thế nào là chuyện vặt vãnh trong gia đình? Các truyện dân gian truyền kỳ thường cũng ra đời từ những chuyện vặt vãnh gia đình mà thôi.
    Nói chung nhận định của ông giáo sư văn chương chuyên về Shakespeare này không chỉ dành riêng cho Trăm năm cô đơn, mà là sự phản đối các tiểu thuyết có yếu tố hiện thực huyền ảo, phản đối sự trộn lẫn huyền thoại truyền kỳ dân gian với tiểu thuyết tả chân. Nhưng ngay cả Shakespeare khi xưa cũng chẳng phân biệt giữa hiện thực với huyền ảo ví dụ như trong Giấc mộng đêm hè, và các sáng tác của ông chắc rằng cũng chủ yếu nhằm dành cho bọn trí thức và trung lưu ở đô thành thôi. Chính xác hơn thì Marquez cũng lại là người kế nối truyền thống của Rabelais hay Swift từ thế kỷ 17-18 trước đây.

    ReplyDelete
  9. coi xong hông ai muốn mở miệng cho nên blog này sắp đóng cửa rồi.

    ReplyDelete
  10. Chưa biết yêu.

    ReplyDelete
  11. Chủ nhân đúng là ngầu thiệt. Khủng bố quá hén ;)

    ReplyDelete
  12. Đôi khi cần phải trân trọng những người mở đường. Marquez có thể là tinh vi thật, kỹ xảo thật, nhưng một mình ông ấy khai phá ra một con đường rộng lớn riêng biệt chưa ai từng đi qua. Nếu là một người thẩm định nghệ thuật thực sự thì một khẩu vị linh mẫn và kỹ tính vẫn chưa đủ. Còn phải sống đúng trong thời đại mà tác phẩm ra đời. Qua đó mới nhìn chính xác được tầm vóc của nó. Sự no đủ thừa mứa dễ làm cho khẩu vị nhà phê bình bị sai lệch một cách bản năng. Nhất là sai lệch theo xu hướng cảnh vẻ vô lối (tất nhiên đối với một người viết đương thời thì sự kỹ tính đó lại là cần thiết).

    ReplyDelete
  13. Em thấy cái bài trên chưa đập được sứt cái gì chị ạ. Dù em cũng chẳng yêu TNCD lắm, vẫn thấy nó là một tiểu thuyết hay. Em đọc lâu lắm rồi. Nhớ ngày xưa mầy mò cái gia phả của những bố những mẹ những con rồi liên hệ ngược lại những đoạn về họ mất hàng buổi, cảm thấy rất thú vị. Sờ sợ những đoạn các đứa con trai đến ngủ với bà mẹ điếm. Cái cô suốt ngày cởi truồng rồi bay lên như tiên thì lại không thấy hay, thấy cái ông già suốt đời nghiên cứu ấy hay.
    Đến khi học môn sinh vật lại nhớ đến cái cuốn này vì đụng đến những F1, F2...

    ReplyDelete
  14. Chị tin ở mấy ông thầy này: ông Basho (nhà thơ) và ông Tarkovsky (nhà làm phim), mấy ổng cho rằng sự huyền diệu đến từ sự quan sát. Quan sát rất thật và rất thiền, bây giờ, chốn này, rất gần (hạt sương đọng lại ở cái gai hoa hồng), rất xa (vết gì ở cuối trời không biết có phải là cánh hạc). Tinh tế chứ đừng tinh vi, chính xác chứ đừng khéo léo (nếu dùng chữ của Nguyễn Đăng Thường thì là [Trăm năm] nắn nót).
    Hôm nào rảnh sẽ post một đoạn của Kafka. Tinh tế, chính xác và huyền diệu.

    ReplyDelete
  15. có thể nhiều người khen chê khác nhau, nhưng với tư cách là người đọc thông thường, em chỉ nhìn tác phẩm theo khía cạnh thích hay k thích, hấp dẫn và cuốn hút hay không bởi nó, nếu chỉ xét vậy thôi, thì đối với em cuốn sách đó hòan thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, còn về mặt tư tưởng sâu xa và thể lọai truyện cũng như cách thức hành văn và viết văn thì em k suy xét kĩ.

    ReplyDelete
  16. em không thích "Trăm năm cô đơn" - nó hay ở chỗ nào, em cũng vẫn chưa nghiên cứu đủ để nói - có thể nó chỉ đơn giản là thỏa mãn những cái điên rồ trong mỗi con người và vì thế nó được yêu thích. blablabla. :)

    ReplyDelete