Saturday 27 October 2007

Đường nào ra biển?

Hình như TT là tờ đưa tin về giải thưởng năm nay của HNV đầu tiên. Hình như lúc đầu tựa báo là “Không có giải thơ và phê bình văn học”. Dùng một câu phủ định (negative phrase) để làm tựa hoặc câu đầu bài, là điều một người mới tập viết báo cũng phải tránh. Is the glass half empty or half full? Thông thường, một giải thưởng, đáng lẽ phải half full, phải là một tin vui cái đã. Báo TT năm nay dường như không thấy vui.

Một giải thưởng văn học không làm cho tác phẩm hay hay dở hơn bản thân nó. Nói một cách tuyệt đối, giải thưởng không đóng góp làm tăng hay giảm giá trị tác phẩm.

Nhưng giờ phút này, ở đây, giải thưởng này có ý nghĩa với tôi. Tôi tin rằng chúng ta cần có các giải văn học. Lúc này là lúc người viết dễ bỏ cuộc nhất, họ ở nowhere land. Phần lớn người đọc trí thức chê văn học của người Việt viết, còn người đọc không trí thức thì không màng tới văn học. Vậy còn lại ai, ở đâu? Người viết không những không tìm được gạo tiền, mà cũng không có đất để ngồi, nước để uống. Nowhere.

Vào các diễn đàn trên mạng, tôi thường thấy người ta chê các người viết trẻ rã rời, và luôn luôn có một người nào đó nhảy vào kết luận: “Tớ thì tớ không bao giờ đọc truyện Việt Nam, phí thì giờ vô ích.” Thất vọng đem lại định kiến, định kiến tàn phá môi trường văn học, rồi môi trường buồn thảm đem lại sự thất vọng. Một cái vòng trong rất nhiều cái vòng của thời chúng ta.

Số người viết ở nước ta không nhiều. Trong môi trường này, điều đó dễ hiểu. Chắc chắn là có nhiều người tài năng đáng lẽ đã viết, nếu có một môi trường, một không khí tốt hơn. Cứ vài thế kỷ có thể có một thiên tài từ trời rơi xuống bất kể môi trường ra sao, nhưng chuyện đó hiếm. Thông thường thì phải có rất nhiều người bắt đầu đi, để có vài người đến nơi. Các bạn có xem phim các con rùa biển đi đẻ trứng trên động cát không? Các bạn có nhớ sau khi trứng nở có bao nhiêu con rùa con không ra được đến biển không? Vì yếu sức hoặc bị chim ăn, vô số chết trên đường. Số ra đến biển rất ít, ít một cách vô vọng. Nhưng con số dù ít ỏi, tất cả loài rùa vẫn phải sống cho ngày đẻ trứng. Đến mùa, các con rùa lớn lặn lội hàng chục ngàn cây số, quay về những bãi mà chúng biết, vất vả đi lên động cát, đẻ một ổ trứng, hoàn toàn không biết có con rùa con nào từ những cái trứng mình đẻ sẽ đến được biển không. Qui luật của thiên nhiên bắt rất nhiều con phải chết trên đường để chỉ vài con sót lại như vậy, thì qui luật của văn học không có lý do gì mà ít hà khắc hơn.

Nhưng hiện giờ, chúng ta có rất ít trứng trên cát. Những còn rùa lớn không màng đi đẻ trứng, cũng không ai khuyến khích cả. Chỉ có một sự lạnh lùng khủng khiếp.

Tôi chỉ là một con rùa nhỏ chưa ra được đến biển. Trên đường bò ra, đã lắm lúc muốn lăn quay chỏng bốn chân lên trời chết cho rồi, như thế khỏe hơn. Một con rùa lười biếng như thế thì làm sao biết hiến kế gì để cứu loài rùa biển.

Tôi chỉ có 2 xu này: (tôi rất kém trong suy nghĩ chính trị, nhưng cũng cứ nói ra suy nghĩ của mình) nó như sau: Các giải văn học cần được củng cố, cần gây được lòng tin, cần có một giá trị nào đó. Để còn có gì gây kích thích cho người viết, chứ cứ bắt dòng văn học phải “chảy âm thầm”, lâu ngày không ra nắng, có lúc sẽ tắt mất.

Còn làm sao để giữ uy tín cho một giải văn học tên tuổi lâu đời trong một thời như thế này, thì tôi không biết. Tôi không biết tác phẩm dịch của Hữu Việt và VKTB có phần nào làm nổi việc đó hay không. Nếu không làm nổi, ít nhất tôi cũng sẽ không làm gì gây hại thêm nữa, như việc từ chối giải thưởng chẳng hạn.

37 comments:

  1. Có rất nhiều ý tưởng đan chéo để nói về chuyện này. Ở góc độ người đọc mà nhìn thì hiện tượng phá cách táo bạo trong cả văn và thơ trẻ hiện nay không chỉ mang nghĩa tích cực. Đôi khi chúng làm nản lòng những người đọc còn giữ lại chút gì đó của xu hướng bảo thủ, như tôi chẳng hạn. Các tác phẩm văn học trên mạng bây giờ rất nhiều, nhưng có vẻ mỏng mảnh dù khá dễ đọc. Song liệu chúng có sức sống lâu trong lòng người đọc hay không thì quả thực là khó biết. Những tác phẩm tốt thời gian gần đây đều là tác phẩm dịch (rất buồn là thế). Chị nhận xét rất đúng : cứ nhìn vào không khí về giải thưởng văn học năm nay là biết tình hình văn học nước nhà ra sao. Chỉ không hiểu chị Phượng ở điểm “rùa lớn”??? Hiện nay làm gì có cái gì giống như thế ở nước ta?

    ReplyDelete
  2. Vào các diễn đàn trên mạng, tôi thường thấy người ta chê các người viết trẻ rã rời, và luôn luôn có một người nào đó nhảy vào kết luận: “Tớ thì tớ không bao giờ đọc truyện Việt Nam, phí thì giờ vô ích.”
    em nghĩ những lời nói này phát ra mà hoàn toàn ko suy nghĩ..họ đọc các tác phẩm văn học nước ngoài được bao nhiêu, đã hiểu về nền văn học của 1 nước như thế nào..nếu có đọc thì được đọc những tác phẩm đã nổi tiếng từ trong nước ra đến quốc tế rồi được dịch sang tiếng Việt..thấy hay là chuyện tất yếu(ko hay thì chắc cũng cho là hay wá, chán!). còn tác phẩm văn học trẻ Vn thì ko chịu tìm tòi, nó có đầy ra đấy nên tất nhiên là có tp hay có tp ko hay, cái quan trọng là phải chọn lọc...chuyện giải thưởng em ko dám nhắc tới, muôn đời bảo thủ

    ReplyDelete
  3. từ chối giải thưởng là trò làm mình làm mẩy, nó không chứng tỏ văn cách gì ở đây cả chị ạ.

    ReplyDelete
  4. Tuổi Trẻ không phải là tờ báo đầu tiên đăng tin giải thưởng đâu. Ít nhất trước đó đã có "Văn Nghệ" và "Thể thao & Văn hóa". Lần này chủ yếu bê bối là vì không có giải thơ, trong khi đã có hai tập vào chung khảo. Năm ngoái vụ Ly Hoàng Ly rồi chính Hữu Thỉnh từ chối nhận giải chắc làm các bác năm nay hốt.
    Giải thưởng mà nó cho mình thì mình cứ nhận chứ, tội gì :))

    ReplyDelete
  5. Tờ Văn Nghệ đưa tin đầu tiên chị Phượng à.
    Về “Không có giải thơ và phê bình văn học”: Đọc đến đây đã đồng ý với chị, không biết ai đặt title này, em cũng thấy... không vui khi title bị đổi nên đã "khôi phục" lại trên TTO cái title ban đầu. Tin này có muộn trong ngày nên đưa ra trang thời sự (báo in), thường trang thời sự lại không đăng tin dài nên không có phần bình luận của Hội về giải thưởng (viết đến đây em mới nhớ lẽ ra nên bổ sung trên TTO). Hội nhà văn VN hình như không làm tốt khâu "thông cáo báo chí" để gửi đến các phương tiện truyền thông như Hội nhà văn Hà Nội trước đó, có lẽ vậy nên các tờ báo cũng đưa tin hơi muộn ;)

    ReplyDelete
  6. Chúc mừng chị! Em nghĩ "Và khi tro bụi" là tác phẩm mà người đọc luôn phải dừng lại suy nghĩ. Cách viết của chị chậm rãi, sâu lắng, giàu cảm xúc mà ám ảnh day dứt... Đúng như Linh nói, nó có một ngôn ngữ rất đẹp. Đối với những người ở xa Việt Nam lâu ngày như em, VKTB thực sự là một món quà tinh thần rất quý báu và ý nghĩa. Cảm ơn chị!

    ReplyDelete
  7. Mà em thấy nhiều báo khi đưa tin về giải thưởng lần này thường nói về "Và khi tro bụi" như là một tác phẩm "thể hiện sự ám ảnh về văn hóa và cảm giác hụt hẫng của một thế hệ Việt kiều sống xa quê", hình như họ không có trách nhiệm lắm với những gì họ viết??
    "Và khi tro bụi" đâu phải là một câu chuyện về sự hụt hẫng của một thế hệ Việt kiều sống xa quê?

    ReplyDelete
  8. không có lý do gì để từ chối giải thưởng. Bản thân giải thưởng không có tội, và chẳng có lý do gì để làm nó trở nên tội lỗi hoặc bị mang tiếng cả. Mình xứng đáng với nó, tại sao lại không nhận nó?

    ReplyDelete
  9. Chị được trao giải là hoàn toàn xứng đáng, và cho dù giải thưởng của HNV bấy lâu nay không phải là một giải thưởng văn học được người ta thực sự tin cậy, nhưng lần này họ đã nhìn nhận đúng. Chúc mừng chị! Em chỉ thấy người ta lại viết rằng chị là nhà văn Việt Kiều, còn VK gì nữa, Việt thật rồi. :)

    ReplyDelete
  10. Chúc mừng chị Phượng!
    Copy cho chị một đoạn mail của người bạn sau khi đọc truyện của chị, để chị yên tâm và chớ nản: "Em đã đọc "Và khi tro bụi" của cô Đoàn Minh Phượng... Tuyệt vời quá. Giọng văn... đúng giọng văn em yêu thích. Sang trọng, chậm rãi, tả cảnh, tả tình, tả lòng... tất cả quện vào nhau... Không có cảm giác đọc văn của người Việt :)... Em chỉ định đọc tí ti phần đầu.. mà ko thể nào dừng được. Và những triết lý về cuộc đời, về người.. viết ra rất tự nhiên, sâu sắc mà ko lên gân. Lâu lắm rồi em mới được đọc những câu văn mà em muốn học thuộc như thế này đấy. Như ngày xưa từng học thuộc lòng Paustovsky. [...]"

    ReplyDelete
  11. Em cũng thấy hơi ngạc nhiên và thất vọng khi thấy báo chí hầu như bỏ qua giải thưởng văn học này. Em cảm thấy sự thơ ơ của các nhà văn, giới phê bình, báo chí và công chúng với các giải thưởng văn học là việc bất thường và yếm thế. Nó phản ánh một sự cào bằng, đánh đồng, định kiến rất nguy hại. Cái tâm lý này có thể thấy ngay ở các nhà văn khi trả lời phỏng vấn: người không đoạt giải thì cố dìm cái giải đó xuống, bảo nó chả nghĩa lý gì, người được giải thì cũng tỏ ra bình thản, bảo là cái giải đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi, được hay không được thì cũng thế, không làm tôi vui hơn. Những tâm lý (hay cách thể hiện tâm lý) đó thật là kỳ lạ. Khi được độc giả ưu ái đón nhận, hay khi được những người trong giới đánh giá cao, ghi nhận bằng các giải thưởng thì họ lại cố làm ra vẻ rằng độc giả hay bạn văn chẳng có ý nghĩa gì với họ. Trong khi ngay cả một thiên tài như Kafka, viết văn như là một nhu cầu sinh tồn và gần như không xuất bản được bất cứ cái gì khi còn sống, mà cũng vẫn cần tới bạn đọc là các bạn văn của ông, và hết sức quan tâm tới sự đón nhận tác phẩm của họ.
    Trên thế giới, ví dụ như với giải Nobel, cho dù giải này cũng có nhiều tai tiếng này nọ nhưng cũng chỉ có duy nhất 1 trường hợp từ chối giải Nobel văn chương là Sartre, và ông từ chối vì lý do chính trị.
    Tất nhiên, quyền nhận hay từ chối giải thưởng là của mỗi người, nhưng việc từ chối giải thưởng của một số người có ý nghĩa tiêu cực tới môi trường nghề nghiệp, và hòan toàn không có tính xây dựng.
    Nói về tiểu thuyết của chị Phượng, theo em, nó nhận được giải này là rất xứng đáng, và em thực sự vui khi lần này, giải thưởng của Hội nhà văn VN được trao một cách đúng đắn. Chea nói về mặt nội dung, riêng về mặt ngôn ngữ, em đã thấy đó là một trong số không nhiều các cuốn sách bằng tiếng Việt có ngôn ngữ đẹp thế.

    ReplyDelete
  12. Nghe bác Linh quảng cáo cuốn này hấp dẫn quá :D Có bán ở Mỹ không?

    ReplyDelete
  13. 1. Cách Viết tin. Thông thường, người ta viết trước những tin chính yếu rồi mới đến những thứ "còn nữa" khác. Tuổi Trẻ nhấn mạnh đầu tiên "không có giải thơ và phê bình ..." thể hiện thái độ của những người chuyên ưa thích mặt trái, mặt dưới.
    2. Truyện được giải thưởng. Truyện VKTB rất hay đối với tôi. Đã lâu lắm rồi tôi mới được đọc một truyện giàu suy nghĩ và lôi cuốn như vậy. Về mặt lý thuyết, Giải thưởng (duy nhất cho mỗi thể loại) của Hội Nhà Văn Việt Nam là giải văn học có giá trị nhất của quốc gia. Tôi rất vui khi truyện được giải này.
    3. Nên nhận giải? Trước đây, giải này có một ít trục trặc, ấy là vì người ta chấm sai. Bây giờ người ta chấm đúng thì nên nhận giải bởi vì điều đó đúng. hehe.

    ReplyDelete
  14. Chúc mừng chị. Ngày xưa đọc Tội lỗi hồn nhiên trên TTCN thấy xúc động vô cùng, tò mò không biết tác giả là ai. Lúc đó em cũng đang học tiếng Đức nên rất quan tâm đến những gì liên quan đến đất nước này.
    Đã download Và khi tro bụi về nhưng em vẫn chưa có thời gian đọc. Ở nước ngoài nên em không có điều kiện mua sách. Mà đọc trên palm thì làm biếng. Nay nghe chị đoạt giải thấy phấn khích, bắt đầu đọc ngay đây.
    Sao ra ngoài thì bận bịu hẳn so với khi còn ở nhà. Không còn nhiều thời gian để đọc nữa.

    ReplyDelete
  15. Trước tiên xin chúc mừng “Và khi tro bụi” của chị.
    Giải thưởng cần phải công bằng và sòng phẳng, phải đáp ứng được những tiêu chí nhất định vì ở một mức độ nào đó nó là sự đánh giá, phản ánh thực trạng văn chương của một thời kỳ, một giai đoạn. Một năm không phải là thời gian đủ dài để có thể ra đánh giá đúng, đủ cùng lúc nhiều tác phẩm văn chương ở những thể loại khác nhau. Sẽ là quá cầu toàn nếu như đặt câu hỏi tại sao không có giải thưởng cho thể loại này hay cần phải có giải thưởng cho thể loại khác nếu như bản thân chúng không đạt được giá trị xứng đáng. Chúng ta cần ly khai lối tư duy bình quân chủ nghĩa mà sản phẩm của nó là cách làm việc theo kiểu cào bằng, đánh đồng mọi giá trị. Nghệ thuật đích thực không cần “mặt trận tổ quốc”.
    Hình ảnh con rùa biển của chị hay nhưng theo tôi không hoàn toàn đúng, rất có thể tôi chưa hiểu được ẩn ý bên trong của chị. Tôi đồng ý với chị rằng để vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên loài rùa phải đấu tranh vô cùng khó khăn để tồn tại. Quy luật đó trong văn học là tương tự.
    Giá trị của văn chương tự thân nó vượt qua mọi rào cản, không lệ thuộc bất cứ thể chế chính trị nào khi nó duy nhất hướng về con người. Những người cầm bút của chúng ta không hề thiếu, thậm chí có thể vui mừng nhận thấy là khá nhiều nhưng cũng nên thừa nhận một thực tế là tác phẩm có giá trị rất ít. Loại trừ những thể loại văn chương bồi bút, tâm lý chiến, phần lớn các tác phẩm đều nhàn nhạt trong chủ đề, dễ dãi trong tư duy, xảo diệu trong ngôn ngữ. Các tác phẩm đó không có chỗ đứng lâu dài trong đời sống bởi người đọc không thể tìm ra tiếng nói của họ, thân phận của họ và lớn hơn, của thế hệ họ bên trong những tác phẩm này. Người viết của chúng ta, trên thực tế vẫn canh cánh rằng mình đang có một rào cản, mình vẫn đang bị ràng buộc của thể chế, chưa thoát được ra khỏi sự hạn chế của chính mình nên khó nhấc được mình lên để nhìn tới cái đích cuối cùng là tác phẩm phải hướng tới con người chung không phải con người tôi của tác giả.
    Từ chối giải thưởng, theo tôi là một cách làm tiêu cực. Sự im ắng của dư luận không phản ánh giá trị, uy tín của một giải thưởng, nó chỉ phản ánh mặt trái của đời sống văn hoá nghệ thuật chúng ta hiện nay khi mà mọi tập trung của xã hội bị định hướng vào những sự kiện mang đầy tính “văn hoá quần chúng” như thi hoa hậu, live show.v.v..
    Tự tác phẩm có số phận, vượt trên mọi giải thưởng là sức sống trong lòng người đọc, giá trị thật của tác phẩm là ở đấy.
    Tôi tin chị là người trí tuệ để yên tâm về “Và khi tro bụi” của mình.

    ReplyDelete
  16. 4. Không có giải phê bình. Nhà phê bình và nhà báo đều là những người phê bình. Nhiều nhà báo viết về truyện thì ít (vì chưa hiểu hết?) mà viết về tác giả thì nhiều và đa số viết từa tựa nhau. Việt kiều thì viết "khắc khoải nỗi nhớ xa quê" còn Việt Nam thì "nhân bản, nhân văn, nhân tính". Không có giải phê bình nào cũng đúng.

    ReplyDelete
  17. đúng rồi chị, từ chối nhận giải làm gì, chẳng để làm gì cả... hihi

    ReplyDelete
  18. Viec tu choi giai thuong khong phai la cach khong gay hai cho giai thuong ma co khi nguoc lai. Se co nguoi danh gia hanh dong tu choi giai thuong la viec hon doi cua tre con hoac tao su chu y cua tac gia. Tu choi giai thuong khong lam tang len hay giam di gia tri cua giai thuong hay tac pham. Tot nhat la ngoi yen, khong binh luan gi ca. Minh viet cho minh, cho nguoi doc chu dau phai cho giai thuong, chi nhi.
    Neu luon qua cac blog thi trong cac tac pham van hoc VN trong khoang 1 nam tro lai co le khong co truyen nao duoc nhieu ban doc khen nhu "Va khi tro bui" (nhung truyen khac co nguoi khen nguoi che con truyen cua chi thi em chua thay ai che), day la em thay the.

    ReplyDelete
  19. Bác Linh nóng vội quá, chưa đến lúc báo chí đâu. Cái giải này đã có tin tức từ cách đây cả tháng, nhưng cứ thập thò, đến mấy ngày vẫn đây vẫn còn chưa chắc chắn, với lại còn chưa có cả loạt các tặng thưởng đi kèm, thành ra chưa có nhiều bình luận thôi. Chỉ có điều theo truyền thống thì các giải thưởng của HNV VN (khác với HNV HN) thường xuyên bị đem ra chế giễu, giống như là cơ chế hoạt động của "nạn nhân" theo lối René Girard, nhằm mục đích chế giễu bản thân HNV.

    ReplyDelete
  20. Truyện này rất là hay. Nhà tui phát tán tùm lum ở nhiều nước. Nhân vật nào tui cũng có tình cảm, kể cả người nhiều chuyện hay xấu tính. Tui tìm thấy nhiều câu, nhiều đoạn rất đáng suy ngẫm. Nhiều lúc tui thèm muốn được tham gia vào truyện.

    ReplyDelete
  21. Lilia viết: ""Và khi tro bụi" đâu phải là một câu chuyện về sự hụt hẫng của một thế hệ Việt kiều sống xa quê?"
    Lilia hoàn toàn nói điều chị nghĩ. Chị chán ko muốn đọc báo khi (nếu) có bài nói về VKTB nữa vì lý do này, cứ làm như là Việt kiều thì không còn biết sống, biết nghĩ kiều nào khác hơn là kiểu "ám ảnh vì khác biệt văn hóa", "hụt hẫng vì xa quê".

    ReplyDelete
  22. Cái đẹp mà thiên hạ đua nhau khen là đẹp là cái đẹp rất xấu (Lão Tử). Vậy nên nếu báo chí không buồn ngó ngàng thì đó là điều bình thường, thậm chí là đáng mừng ^^ Chứ nếu thiên hạ xúm vào bàn tán khen chê, như hiện tượng Vàng Anh chẳng hạn, thì mới rách việc :P
    Con người ta xem màu xanh mãi thì chán mà muốn sang đỏ. Màu nọ nối màu kia theo nhu cầu nhất thời. Ánh sáng bảy màu trộn vào nhau thì lại ra ánh sáng trắng. Riêng mình ta đã thường mê như vậy. Còn nghe ngóng, đối chiếu theo cái mê của người khác nữa thì đúng là mê lắm. Lại còn trông ngóng vào cái mê của đám đông nữa thì quả là mê quá thể đáng :)
    Vậy nên, ai nói gì kệ họ. Và việc sáng tạo thì thời nào cũng khó chứ chẳng thời nào là dễ cả.

    ReplyDelete
  23. Chúc mừng chị đoạt giải thưởng tuyệt đối với "Và khi tro bụi" (Nhưng lúc hay tin không biết Đoàn Minh Phượng là Đoàn Minh Hà với "Tội lỗi hồn nhiên khi xưa).
    Về báo in thì báo Văn Nghệ đưa tin trước chị à; về online thì báo điện tử Tổ Quốc đưa tiếp sau báo Văn nghệ. Sông Cửu Long Online thì copy từ Tổ Quốc. Riêng web cá nhân của anh Trần Nhương còn đưa trước cả báo Văn nghệ nữa.
    Chúc chị luôn vui,
    Vũ Hồng

    ReplyDelete
  24. Em nhớ khi nhận được cuốn sách chị gửi, lúc đầu đọc cũng không thấy cuốn hút, nhưng ngay sau đó thì không rời được. Có nhiều đoạn em phải đọc đi đọc lại.
    Em gái em - một cô bé không mê đọc sách nói chung và sách văn học nói riêng, sau khi đọc Và khi tro bụi cũng bịn rịn và bây giờ vẫn còn nhớ.

    ReplyDelete
  25. Đọc Và khi tro bụi giống như xem một bộ phim, phần mở đầu chậm rãi với những ẩn ức buồn của người phụ nữ đang trốn chạy trên những con tàu với nơi đến không định trước. Cao trào bắt đầu khi người phụ nữ ấy bị cuốn vào những dòng nhật ký trong quyển sổ được tặng bởi người lễ tân khách sạn và khởi sự cuộc phiêu lưu của mình. Lẽ ra cô sẽ uống thuốc độc chết theo chồng sau ba tháng tự nhặt nhạnh lại mình, nhưng cuộc phiêu lưu tình cờ đã kéo cuộc đời cô dài thêm hai năm sau đó. Cuối cùng thì cô cũng quyết định uống thuốc ngủ trữ sẵn bên mình, nhưng ít ra khi chết, cô AnMi ấy đã biết được lý do tại sao cuộc đời cô rời rạc và cô luôn thiếu chất keo gắn kết với cuộc sống, bởi thế nên khi chồng cô chết, cô hoàn toàn cô đơn trơ trọi với những ký ức xám lạnh và trơ buồn. Cô hiểu ra không ai có thể chối bỏ phần quá khứ mà mình đã sống. Vào lúc đó, cô tìm ra được chất keo kết dính toàn bộ cuộc đời cô thành chuỗi liền lạc nhưng thuốc ngủ cô uống dần có hiệu lực. Có lẽ cô sẽ chết.
    Em rất thích quyển tiểu thuyết này của chị, từ lần đầu tiên em đọc vào tháng 3 năm ngoái, khi nó vừa phát hành. Lúc đó em chỉ loáng thoáng biết tên chị là đồng đạo diễn của Hạt mưa rơi bao lâu qua trang yxine.com. Ngoài những lý do mà ông Chủ tịch Hội Nhà Văn nêu ra khi trao giải cho quyển sách này, em nghĩ sẽ rất thiếu sót nếu không đề cập đến phần lời văn và từ ngữ, vì nó rất là đẹp.
    Chị đã đúng khi không từ chối giải thưởng.

    ReplyDelete
  26. Nguyễn Du trong bài Hán Dương vãn diểu có câu "Thi thành thảo thụ giai thiên cổ." Nghĩa là khi bài thơ được viết xong thì cỏ cây (trong thơ) cũng thành bất diệt. Cái trường tồn với thời gian chính là nội dung của văn chương, còn chuyện được giải hay không được giải có quan trọng gì đâu. Nếu quả thực giải thưởng quan trọng đến thế thì câu kia phải đọc thành "Văn thành giải thưởng giai thiên cổ" mất rồi.
    Mỗi người đi qua ném một hòn đá, không chừng sau này sẽ chất đống lại thành một cái gò to, chị cứ nhẹ nhàng thôi.
    Trên đường bò ra biển, nếu giữa chừng thấy mệt thì chị cứ nằm nghỉ thoải mái, bao giờ hết mệt lại dậy bò tiếp. Làng văn dù sao cũng hơn bãi cát ở chỗ không có chim chóc hay ngư dân gì cả.

    ReplyDelete
  27. Kể ra thì cũng có, nhưng chim chóc với ngư dân ở làng văn chỉ rình bắt con rùa nào bò thôi, chả ai thèm để ý đến con rùa nằm im cả.

    ReplyDelete
  28. Ko viec gi phai tu choi giai thuong chi oi. Nhung ma ko quan trong lam, du gi thi co nhieu nguoi xem Va khi tro bui la cuon sach tam dac nhat cua minh.
    Em nghe noi co cuon Mua o kiep sau_ fone len nha sach Ha Noi thi bao chua co. Xem ra yen ang qua.

    ReplyDelete
  29. Viết văn hay làm thơ...dôi khi là nhu cầu không cưởng lại được của nội tâm...nó chỉ mượn tay và giấy bút để ghi lại thôi...
    Tôi chưa được đọc "Và khi tro bụi"...đang muốn hỏi chị...ở Ðức thì làm sao mua?
    Ðừng tự ti khi viết văn Việt chị ơi! Tôi là người kiên nhẫn và nhiệt thành đọc văn Việt...nhưng phải cho ra văn...chứ tốn bao nhiêu giấy mực mà chẳng chuyên chở được gì thì đọc giả than Trời là ddúng rồi...Người Việt ở nước ngoài được đọc văn chương và thông tin nhiều chiều, nhiều quốc gia....đôi khi bị bội thực bởi cái tả pín lù văn chương của các tác giả trẻ Việt...mà phải dằn lòng...âu cũng là thời "quá độ"!
    Gì thì gì...xin chúc mừng chị được trao Giải Thưởng...Chuyện xứng đáng hay không các giải Nobel văn chương hàng năm cũng đều có...huông chi là ở VN...
    Ý riêng của tôi...từ chối giải...chỉ là 1 kiểu "đỏm dáng" "khách khí"...chỉ có tác dụng đánh bóng thêm tên tuổi...Xin chị đừng di vào đường nầy...nếu đã lỡ vận vào người nghiệp văn (thực thụ!) Một thí dụ: "Gởi VB" của PTVA ....PTVA im lặng sau các bài bình về giải thơ nầy....Tôi đánh giá là 1 sự im lặng "ngàn vàng"...và tôi rất vui đã không yêu quí lầm PTVA cũng như Thảo Hảo.
    Chúc chị vẫn gởi cho đời những áng văn hay.

    ReplyDelete
  30. búp bê bằng bột4 November 2007 at 17:44

    Phản đối các cụ Rùa phản (vận) động
    ========================================
    "Một giải thưởng văn học không làm cho tác phẩm hay hay dở hơn bản thân nó. Nói một cách tuyệt đối, giải thưởng không đóng góp làm tăng hay giảm giá trị tác phẩm".
    Em thích ý này.
    Và do đó, em thấy "Tôi tin rằng chúng ta cần có các giải văn học" là điều cần trao đổi.
    Không phải lòng tin là cái đề tài, mà giải mới là đề tài.
    Thứ nhất, chị thừa biết, ở Việt Nam có quá nhiều giải - văn học hẳn hoi! Thỉnh thoảng, đọc bìa sau một cuốn sách nào đó, giới thiệu về một tác giả, đôi khi giật mình vì các giải (mà tác giả ẩy được) được liệt kê ra. Lại phải tự hỏi mình: Sao nổi tiếng vậy mà mình không được biết?! Và sau khi tự vấn, rằng mình có đố kỵ hay ghen ghét gì chăng(?), câu hỏi tiếp theo sẽ là: Ồ, những cái giải quái gì ấy nhỉ? Mà đều nghe rất oách, được tổ chức do những cơ quan văn nghệ rất oách, ban giám khảo toàn những người rất oách (những Cụ Rùa?).
    Thật ra, giải chẳng có tội gì, vấn đề là những tác phẩm được gán cho giải ấy. (Đa số) Nó cũ kỹ, èo ợt thiếu sức bẩm sinh hoặc bị bệnh nan y nào đó. Để rồi giải cứ mất giá dần đi.
    Tất nhiên, ý của chị không dừng ở đó. Nó có được phát triển, trên cái nền băn khoăn và hoài vọng về nền văn học của ta. Nhưng nó chưa thoát ra khỏi cái băn khoăn và hoài vọng. Cho nên cái mong mỏi: "Các giải văn học cần được củng cố, cần gây được lòng tin, cần có một giá trị nào đó. Để còn có gì gây kích thích cho người viết..." . vẫn chỉ là mong mỏi. Mà chẳng của riêng chị.
    Cần nhiều thứ để điều tốt nào đó bắt đầu khởi động. Và, không hiêủ có cực đoan quá không, nhưng theo em, điều cần đầu tiên là Hội Nhà văn Việt Nam phải khởi động (lại). Ì (dậm chân tại chỗ) lắm rồi, thậm chí kéo lùi cái mới rồi (chuyển động ngược)!
    Người viết như những con rùa cần mẫn, và trên cả cần mẫn, là mang nghiệp vào thân, thì phải làm. Hình ảnh ấy hay!
    Nhưng ngoài việc cần mẫn lặng lẽ làm việc, còn cần một động lực đẩy văng ra những "Cụ Rùa" chềnh ềnh cản lối.
    Điều đó sẽ tốt cho hoạt động chung, và lúc đó các giải thưởng mới dần lấy được uy tín.
    -------
    P/s: Tiểu thuyết của chị, em đang đọc, do đó những bình loạn trên không liên quan đến nó. Nếu có, sẽ là bình riêng cho cuốn tiểu thuyết này.

    ReplyDelete
  31. búp bê bằng bột4 November 2007 at 17:45

    Phản đối các cụ Rùa phản (vận) động
    ========================================
    "Một giải thưởng văn học không làm cho tác phẩm hay hay dở hơn bản thân nó. Nói một cách tuyệt đối, giải thưởng không đóng góp làm tăng hay giảm giá trị tác phẩm".
    Em thích ý này.
    Và do đó, em thấy "Tôi tin rằng chúng ta cần có các giải văn học" là điều cần trao đổi.
    Không phải lòng tin là cái đề tài, mà giải mới là đề tài.
    Thứ nhất, chị thừa biết, ở Việt Nam có quá nhiều giải - văn học hẳn hoi! Thỉnh thoảng, đọc bìa sau một cuốn sách nào đó, giới thiệu về một tác giả, đôi khi giật mình vì các giải (mà tác giả ẩy được) được liệt kê ra. Lại phải tự hỏi mình: Sao nổi tiếng vậy mà mình không được biết?! Và sau khi tự vấn, rằng mình có đố kỵ hay ghen ghét gì chăng(?), câu hỏi tiếp theo sẽ là: Ồ, những cái giải quái gì ấy nhỉ? Mà đều nghe rất oách, được tổ chức do những cơ quan văn nghệ rất oách, ban giám khảo toàn những người rất oách (những Cụ Rùa?).
    Thật ra, giải chẳng có tội gì, vấn đề là những tác phẩm được gán cho giải ấy. (Đa số) Nó cũ kỹ, èo ợt thiếu sức bẩm sinh hoặc bị bệnh nan y nào đó. Để rồi giải cứ mất giá dần đi.
    Tất nhiên, ý của chị không dừng ở đó. Nó có được phát triển, trên cái nền băn khoăn và hoài vọng về nền văn học của ta. Nhưng nó chưa thoát ra khỏi cái băn khoăn và hoài vọng. Cho nên cái mong mỏi: "Các giải văn học cần được củng cố, cần gây được lòng tin, cần có một giá trị nào đó. Để còn có gì gây kích thích cho người viết..." . vẫn chỉ là mong mỏi. Mà chẳng của riêng chị.
    Cần nhiều thứ để điều tốt nào đó bắt đầu khởi động. Và, không hiêủ có cực đoan quá không, nhưng theo em, điều cần đầu tiên là Hội Nhà văn Việt Nam phải khởi động (lại). Ì (dậm chân tại chỗ) lắm rồi, thậm chí kéo lùi cái mới rồi (chuyển động ngược)!
    Người viết như những con rùa cần mẫn, và trên cả cần mẫn, là mang nghiệp vào thân, thì phải làm. Hình ảnh ấy hay!
    Nhưng ngoài việc cần mẫn lặng lẽ làm việc, còn cần một động lực đẩy văng ra những "Cụ Rùa" chềnh ềnh cản lối.
    Điều đó sẽ tốt cho hoạt động chung, và lúc đó các giải thưởng mới dần lấy được uy tín.
    -------
    P/s: Tiểu thuyết của chị, em đang đọc, do đó những bình loạn trên không liên quan đến nó. Nếu có, sẽ là bình riêng cho cuốn tiểu thuyết này.

    ReplyDelete
  32. Hơiz, em chỉ biết thở dài thôi. Xin lỗi chị,em chỉ là con ốc!

    ReplyDelete
  33. Chúc mừng chị và những "con rùa" khác đã tìm được đường và ra được đến biển ! Và ra được tới đại dương rồi thì nhiêù cái chỉ là nhỏ bé so với mênh mông. Thì cuộc "đăng khoa " cũng ngần ấy thôi chị nhỉ?! Giải thưởng vẫn nên được tôn trọng vì "giá trị tự thân" của tác phẩm cũng xứng đáng và nằm ngoài những lao xao. Chúc chị vui!

    ReplyDelete
  34. "Mưa ở kiếp sau" bán rất chạy ở nhà sách đó chị :)

    ReplyDelete
  35. Em rất hay đi nhà sách nhưng em ko thấy và khi tro bui bày bán chỗ nào, em và các bạn trong văn phòng đã đọc tác phẩm trên talawas..chị có buồn vì đọc mà ko mua ko? hihi...
    Mạch truyện rất hút! Một truyện hay! Cám ơn tác giả nhé

    ReplyDelete
  36. Ein Mädchen Wie Ich23 November 2007 at 18:44

    "mưa ở kiếp sau" vẫn chưa sang đến nơi, buồn quá chị à!:(

    ReplyDelete
  37. Thật lòng em vẫn có hứng thú đọc sách nước ngoài hơn sách Việt. Ko phải thành kiến gì, nhưng quyết định mua sách thường dựa vào cảm giác đầu tiên khi đọc cuốn sách. Đa phần sách tác giả Việt thường bị giọng văn kể chuyện quá dài dòng và thiếu chiều sâu. Tất nhiên vẫn có những quyển sách đáng đọc như "Cánh đồng bất tận" và những nhà văn viết đầy tâm huyết. Em vẫn thích nhất giọng văn PTVAnh "Khi người ta trẻ" đọc đi đọc lại vẫn thấy thú vị.
    Em rất thích giọng văn của cô, nó luôn ẩn chứa một câu chuyện lớn hơn trong những vấn đề cụ thể nhỏ bé. Hy vọng có thêm nhiều tác phẩm hay của cô.

    ReplyDelete