Saturday 7 October 2006

Chuối

Nhà thơ được thế giới biết đến nhiều nhất của Nhật, người đã hoàn chỉnh thể thơ haiku mà chúng ta biết ngày nay, có tên là... Chuối.



Một mùa đông, đệ tử của ông làm cho ông một túp lều. Sau, họ trồng một bụi chuối trong sân. Ông có bài thơ:



Mưa chiều hôm:

tàu chuối

báo tin mưa trước hết



Evening rain:

the basho

speaks of it first


Matsuo Basho (1644 - 1694) tên thật là Matsuo Kinsaku, tên samurai là Matsuo Munefusa, bút danh là Sobo, nhưng sau bài trên ai cũng nhắc đến ông bằng tên Basho, có nghĩa là Chuối.





Một đêm lúc 3 giờ sáng, tôi nằm nghe chương trình Mosaik của đài WDR3 phát lại cho mấy người trực đêm và những tên mất ngủ. Họ phỏng vấn một bác sĩ về hưu tôi không kịp nghe tên trong một hội thơ của người hưu trí, haiku là gì.


Tôi không chú ý đến câu trả lời, vì định nghĩa haiku nghe đã nhiều, và cũng không quan tâm đến mấy cái hội lập ra để mấy bà nội trợ, mấy ông bà già cùng tỉa hoa hồng, nuôi vẹt kiểng hoặc… làm thơ.


Nhưng câu trả lời của ông bác sĩ về hưu nọ thật hay. Đây là những gì tôi còn nhớ được từ câu định nghĩa haiku của ông:


Thơ theo cách hiểu của chúng ta, luôn có một dòng chảy (tiến trình). Thơ kể lại một câu chuyện, một kinh nghiệm, một mạch suy tưởng. Haiku không có những thứ trên. Một bài thơ haiku hoàn toàn nằm trong một khoảnh khắc của hiện tại. Người làm thơ haiku không đem vào thơ hoài niệm, hoặc ước mơ.


Nghe giống nhiếp ảnh quá nhỉ?


Tuy chỉ nằm trong khoảnh khắc, ý niệm về thời gian của thơ haiku có thể mênh mông. Bài này Basho viết khi đến thăm một bãi chiến trường xưa:


Những ngọn cỏ mùa hè

những gì còn lại

của bao giấc mơ binh sĩ



Summer grasses,

All that remains

Of soldiers' dreams


7 comments:

  1. Khong biet co lien he gi khong voi cai vu "Chuoi" nay, khi ma 1 nu van si noi tieng nguoi Nhat cung co ten Chuoi: Banana Yoshimoto, noi tieng voi tap Dornröschenschlaf.

    ReplyDelete
  2. Sap co tac pham duoc dich ra tieng Viet roi (Banana Yoshimoto.)
    Em cung thich tho cua Basho.

    ReplyDelete
  3. Sau những Banana Republics cho đến Chuối vật, đã đến lúc phục hồi danh dự cho Chuối

    ReplyDelete
  4. tui chưa bao giờ thích thơ nhưng có thể tui sẽ suy nghĩ lại. haiku và bác chuối này làm cho tui phải suy nghĩ nhiều.

    ReplyDelete
  5. Hôm nay mới đọc được tên âm Việt của Basho Matsuo là Ba Tiêu Tùng Phu, như vậy, Basho = Ba Tiêu = Chuối. Nhớ lại câu:
    Mẹ già như chuối Ba Tiêu

    ReplyDelete
  6. "Người làm thơ haiku không đem vào thơ hoài niệm, hoặc ước mơ." <------có lẽ vì vậy mà thơ Haiku được phổ biến và yêu thích rộng rãi đến thế.

    ReplyDelete
  7. Em rất thích một bài của Basho, không nhớ chính xác lắm
    "Ao cũ
    Con ếch nhảy vào
    Vang tiếng nước xao"

    ReplyDelete