Wednesday 18 October 2006

Tại sao tôi đọc tiểu thuyết?

Nếu tiểu thuyết lúc nào cũng hấp dẫn, dễ đọc thì câu hỏi trở nên thừa. Các con tôi không bao giờ hỏi tại sao người ta ăn kem cây. Chúng chỉ hỏi tại sao lại ăn những thứ chúng cho là không hấp dẫn. Con gái tôi cho rằng người ta không cần trồng rau cải hay nuôi cá tôm làm gì, vì con người có thể sống hoàn toàn hạnh phúc nhờ mỗi ngày ăn một bình kẹo dẻo. Tôi giải thích: ăn cà rốt sáng mắt, ăn rau dền luộc bổ máu…

Tại sao không dừng lại ở những cuốn sách đọc dễ như ăn kẹo dẻo, như Tề thiên đại thánh và Harry Potter. Tìm những cuốn sách ít hấp dẫn hơn để làm gì?

Vì đọc tiểu thuyết có lợi ích, giống như ăn rau dền luộc bổ máu?

Chúng ta làm một việc gì đó chỉ khi nào biết được nó có lợi vào việc gì thôi sao?

Ngôn ngữ của chúng ta có một giới từ rất thông dụng là từ “để”. Học bài để thi đậu, đi làm để kiếm tiền, giao tiếp xã hội để có người quen mà nhờ vả, đi du lịch để mở mang kiến thức, nghe bài Cô Thắm về làng để thư giãn. Tôi nghĩ rằng gắn được vế sau của mỗi câu ở phía sau chữ “để” cho mỗi việc tôi làm là tôi có được mục đích lớn của cuộc đời: nó là tổng số của những mục đích nhỏ xíu và nhỏ vừa, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Cho đến một hôm, một người bạn cho rằng tôi không biết sống trong hiện tại. Tôi sống, cùng lắm, chỉ được một nửa. Tôi nói: “Sống mới một nửa mà đã quá khó, sống trọn làm sao làm nổi?” Người bạn hỏi tôi: “Đứng một chân và đứng hai chân, cái nào khó hơn?”

Tôi về nghĩ lại.

Cuộc sống tôi là một chuỗi hoạt động đuổi theo những mục đích ở phía trước. Cuộc đời xảy ra vào ngày mai. Không bao giờ có hôm nay. Không bao giờ có sự ung dung trong hiện tại. Hình như lúc nào tôi cũng đang cố giữ thăng bằng, tôi như người đứng một chân thật.

Ngày chúng tôi còn nhỏ, khi học sinh vật, học về một con thú hay một loại cây nào đó, sách giáo khoa thời trước luôn luôn dạy cho chúng tôi chúng có ích cho chúng ta ra sao. Con chồn cho thịt và lông, con voi kéo gỗ và cho ngà, gỗ bằng lăng dùng làm nhà, cây cầy, bần, đước thì làm than. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vạn vật ở chỗ chúng phục vụ được những mục đích nào của con người mà thôi. Cuối cùng phải đến lúc rừng mất và thú tuyệt chủng. Nếu người ta nghĩ rằng trời sinh ra cái cây là vì cái cây, con voi là vì con voi và để yên cái cây và con voi được ở nơi trời sinh ra nó, thì sẽ còn rừng giữ đất, giữ không khí sạch, ngăn lũ xuống đồng bằng.

Để sống trọn vẹn hơn, theo người bạn học thiền của tôi, khi nói câu nào chỉ cần bỏ đi chữ “để” và cái vế đi sau đó. Đọc sách chứ không phải đọc sách để tích tụ kiến thức cho ngày mai. Nhìn trăng chứ không phải nhìn trăng để tâm hồn thư giãn. Để tâm hồn thư giãn không có gì sai, nhưng nó giới hạn sự nhìn trăng, cũng như đi tìm kiến thức trong một quyển sách loại bỏ những thứ khác trong quyển sách đó không được định nghĩa là kiến thức.

Một hôm, không ai dạy bảo, con tôi tự nhận ra rằng ăn rau lang luộc chấm tương cự đà ngon hơn ăn kẹo dẻo. Con người tự biết rằng các món ngọt ngào, dễ ăn không thôi không đủ nuôi sống mình. Người ta không chỉ cần có Tề thiên đại thánh và Harry Potter.

Tôi đọc tiểu thuyết vì tiểu thuyết không mang mục đích gì cả, nhờ vậy việc đọc của tôi thuần khiết. Trong một bức thư không gửi cho một nhà văn cùng thời vào năm 1865, Tolstoy viết: “Nếu có ai bảo tôi viết một cuốn tiểu thuyết trong đó tôi khẳng định một cách tuyệt đối cái mà tôi cho là quan điểm đúng cho tất cả các vấn đề xã hội, thì quyển tiểu thuyết đó không đáng để tôi dành ra hai tiếng đồng mà viết nó.”

Nếu cầm một cuốn sách lên, đọc được một lúc, tôi nhận ra được ý đồ của tác giả, thì tôi không còn tin quyển sách ấy nữa. Tôi có ngay cảm giác là câu nào, cảnh nào người viết cũng đưa vào để phục vụ cho cái ý đồ ấy, để khẳng định một quan điểm. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết, tôi chỉ muốn được nghe kể chuyện mà thôi. Câu chuyện có đầu có đuôi hoặc thiếu đầu hoặc thiếu đuôi hoặc thiếu cả hai cũng không sao. Nhưng đừng hơn như vậy. Tolstoy cho rằng trong thế giới của nghệ thuật không có chỗ để chứa các công thức giải quyết những vấn đề xã hội.

Kho tàng triết lý của loài người nằm trong các tác phẩm văn học nhiều hơn trong những cuốn sách triết. Nhưng triết trong tiểu thuyết không có hệ thống, không khẳng định, nó bàng bạc giữa có và không, và nó tùy thuộc rất nhiều vào người đọc. Triết trong văn học là những đám mây trên trời, người đọc ngước nhìn và tự tả cho mình: đám mây này hình con thỏ, kia là ông khổng lồ, còn đây là ông câu cá, có cả chiếc thuyền con của ông ấy. Nếu người đọc nhìn mây không thấy ông khổng lồ và ông câu cá thì cũng chẳng sao, mây vẫn là mây, vẫn đẹp và nhất là nhẹ nhàng.

Người viết sách triết tìm cách hoàn tất một hệ thống tư tưởng chặt chẽ. Trong cuốn sách triết nào, phần kết luận cũng là phần quan trọng nhất. Còn người viết tiểu thuyết chỉ kể một câu chuyện, lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người, đôi lúc phân vân không biết viết bao nhiêu thì đủ, bao nhiêu thì thừa. Cái khó trong một bức tranh là những nét không vẽ chứ không phải những nét được vẽ xuống khung vải. Sự khẳng định làm chết nghệ thuật. Những câu nào người viết còn được viết ra không khó bằng những câu phải để trống để cho nó tự thành hình trong đầu hay trong tim người đọc. Một cuốn tiểu thuyết hay, giống như cuộc đời, không bao giờ hoàn tất.

Tiểu thuyết, trong khi không mang mục đích thông tin, chuyên chở kiến thức, lại làm cho ta hiểu về con người, về lòng tin, nơi họ sống, lịch sử, thời tiết, mùa màng… sâu hơn những sách chuyên đề. Cơ quan nhi đồng của Liên hiệp quốc có thể thống kê về số trẻ con được sinh ra trong một năm nào đó ở một nơi nào đó ở Phi châu, số trẻ con đau yếu, được chữa bệnh hoặc không được chữa, chế độ dinh dưỡng của chúng, được đến trường, học nghề hay đi cuốc đất. Đọc những bài viết tỉ mỉ đó, bạn không biết một đứa trẻ khi làm vỡ một cái bát nó có bị đòn hay không; miếng thịt hiếm hoi trong bữa cơm gia đình vào miệng người cha hay đứa con ốm yếu nhất; khi buồn khổ đứa nhỏ úp đầu vào lòng mẹ hay đến ngồi bên một gốc cây; nó mơ những gì và kể giấc mơ của nó cho một cái tượng gỗ, đứa em gái hay là những ngôi sao? Nhà xã hội học có thể cung cấp cho bạn trăm nghìn con số tiêu biểu cho trẻ con ở Phi châu, nhưng qua những con số đó bạn không nhìn thấy một gương mặt, một kiếp sống, một hy vọng nào. Bức tranh càng tiêu biểu, thì cây cỏ trong đó càng mờ nhạt. Nhà văn, trái lại, không biết những con số. Anh ta có một câu chuyện về một đứa bé và một nỗi buồn không đếm được bằng số. Anh ta thức đêm đốt đèn để viết câu chuyện ấy ra, không biết để làm gì.

(Đã đăng trên Thể thao & Văn hóa năm ngoái dưới tên Đoàn Minh Hà)

Bài này viết theo đặt hàng của Phan Thị Vàng Anh. Năm đó Vàng Anh định cùng với một người bạn làm một tờ tạp chí, giấy phép đã ổn định. Tôi được hứa tặng một ít đất để thỉnh thoảng viết về một cuốn tiểu thuyết. Bài này là bài mở đầu cho trang Đọc Tiểu Thuyết. Cuối cùng người bạn của Vàng Anh quyết định làm đại gia kinh tế, chứ không làm đại gia chữ nghĩa, bỏ ý định làm tạp chí. Sự nghiệp bình loạn văn học của tôi chưa bắt đầu đã chấm dứt. Vàng Anh thấy tội nghiệp, mới đưa bài này qua Thể thao & Văn hóa.

30 comments:

  1. Chi. (hay la` co^ nhi?) viet hay qua'. :>

    ReplyDelete
  2. Cám ơn một người bạn mới đã nhắc tôi về bài này.

    ReplyDelete
  3. Bài này e cũng đã đọc và cứ nghĩ mãi ko biết là ai. Hồi xưa cứ nghĩ tới LMinh Hà ở Đức, nhưng cũng ko phải. Chả nghĩ là chị, h mới biết. :)

    ReplyDelete
  4. Bài này hay thật đó. Chị Phượng có hay viết những bài tùy bút như thế không, thỉnh thoảng post lên đây đi.

    ReplyDelete
  5. wonderful. no word to say (^_^).

    ReplyDelete
  6. Ôi, em đọc bài này khoảng 1 năm trước trên yxine và rất rất thích. So nice.

    ReplyDelete
  7. Chị viết hay quá.

    ReplyDelete
  8. hì hì, thỉnh thoảng chị Phượng post tùy bút lên mạng cho thiên hạ thưởng thức. Đọc xong, tự nhiên em lại muốn ngọ nguậy con chuột và bàn phím (không để)"lan man" về nghệ thuật.

    ReplyDelete
  9. Đang đọc blog comment rất thú vị của một bạn mới, mình vừa đọc vừa táy máy tay thế nào tự nhiên cái comment biết mất (chắc bấm nhằm nút delete). Nếu có ai viết mà sao không thấy post của mình ở đây thì xin viết lại nhé, rất mong.

    ReplyDelete
  10. Hôm nay em đi tim cuon "Va khi tro bui" nhung khong thay, em doc truoc phan 1 o blog chi nhe!

    ReplyDelete
  11. Đọc tiểu thuyết như nghe một người bạn tâm tình về câu chuyện của họ. Tựa như ngồi tâm sự với người bạn thân, ta làm vậy há có mụch đích "để" gì đâu. Cuộc sống nhiều khi nên dừng lại một quãng, tĩnh thể xác, tịnh tâm hồn...
    Lắng nghe hơi ấm từ câu chuyện của đời, và (không phải "để" nhé) thấy lòng mình ấm hơn...
    Arlette Quỳnh-Anh Trần

    ReplyDelete
  12. chị à, theo em đọc Tây Du Ký không dễ như ăn kẹo dẻo đâu! Em nhớ thầy giáo dạy văn em đã đặt từng nhân vật trong tác phẩm đó vào lăng kính Phật giáo, triết học để giảng lớp nghe, nghe xong mà ngẩn ngơ luôn đấy chị ạ!

    ReplyDelete
  13. chị thấy thế này: TDK là một vũ trụ thu nhỏ, trong 4 người đàn ông (Thầy Tu, Khỉ, Quỉ, Heo) đại diện cho tất cả đàn ông, chỉ có mỗi anh Trư là mê gái. Vì chỉ được 25% phía đối phương mê đắm, cho nên phụ nữ chúng ta chạy vòng vòng kiếm người ngưỡng mộ mình mệt quá. :)

    ReplyDelete
  14. Không biết ông thấy dạy văn đấy nhìn qua lăng kính Phật giáo và triết học như thế nào. Nhưng em thấy với những người từng đọc sách hoặc nghiên cứu Phật pháp thì sẽ không thích tác phẩm này lắm, nó mang tính giải trí và vui vẻ nhiều hơn chứ ít sự sâu sắc và triết lý. Ví dụ ông sư phụ thì luôn sợ hãi, chỉ biết ngồi một chỗ suốt ngày kêu cứu đệ tử, Bát Giới thì ham ăn mê gái, Ngộ Không suốt ngày quậy phá, các đệ tử của Phật thì lại ăn của đút lót hối lộ nhưng lại thành chính quả, giác ngộ thành Phật hết. Vô lí ầm ầm.
    Nói chung TDK đọc thì cũng lôi cuốn hấp dẫn nhưng đọc xong thì cũng không để lại gì nhiều.

    ReplyDelete
  15. Chào chị, có một lần em cũng đã post bài này lên blog của mình, lúc đó em không biết chị là tác giả của nó. Có một người bạn gửi tặng em bài này nhân dịp Sinh nhật...
    Bây giờ biết rồi, em xin tặng lại chị cái comment của bạn Phanxine kèm theo bài viết (chắc chắn là chị biết bạn này mà :) )
    Binh luan cua PhanXiNe ..:
    đọc tiểu thuyết
    mỗi ngày đọc một chút
    đi đường, lại ngẫm về nó
    ăn, lại ngẫm về nó
    ngủ, lại mơ về nó
    trí tưởng tượng cứ bay bổng...
    rồi ngày mai lại đọc tiếp, câu chuyện lại dẫn dắt đi những lối đi mới
    lại nghĩ và mơ
    xem phim, chẳng ai xem mỗi ngày một ít. Phải xem liền. Xem ngay
    tới giờ, tôi vẫn cứ nhớ hoài câu nói trong phim Deep Impact, khi một anh chàng phi hành gia trẻ ngơ ngác khi ông già nói về những tác giả văn chương. "Tôi không biết họ là ai. Ông hỏi tôi tác phẩm của spielberg hay stone, tôi còn biết. Chúng tôi là thế hệ của điện ảnh mà"... thế rồi trên con tàu du hành vũ trụ ấy, anh chàng trẻ tuổi làm gì không được coi phim. anh đọc sách... và nhận ra sách mới tuyệt làm sao.
    hồi nhỏ, tôi mê đọc truyện lắm. Sau xem phim nhiều, lười đọc. Những cuốn sách gần nhất mà tôi đọc là Harry Potter.
    Cũng may mà hồi học đại học, lúc đi học quân sự, không biết sao trong lớp rộ lên thú vui đọc tiểu thuyết, cả đám giành nhau mấy cuốn Chiến tranh & hoà bình (ba bốn cuốn gì đó, tui không được đọc tại vì không cạnh tranh nổi), thế giới của Sophie (cuốn này thời đó là mode, tui cũng có một cuốn, đem lên đó, chuyền tay xong không thấy nó quay trở về), Người đàn ông không nhớ mặt mình (tự nhiên cuối cùng, tui lại có cuốn này, hỏi bạn bè sách của ai, hông ai nhớ, chắc của lớp khác, nên tui giữ luôn. Suy ra cuốn sách của tui cũng chạy ra lớp khác hehe)

    ReplyDelete
  16. CHi viet hay that day chi Phuong a. Chi dang song o VN a chi?

    ReplyDelete
  17. @chị Phượng: em cảm ơn chị, bây giờ em mới hiểu tại sao mình ế chỏng ế chơ hoài rồi, hhiihihih
    @Apomethe: Bác Ngô Thừa Ân cũng sẽ đồng ý với cậu thôi vì cậu chỉ mới tiếp xúc TDK của ông trên màn ảnh mà. Nếu cậu chịu khó đọc nguyên tác thì sẽ thấy điều tớ nói không thừa đâu.

    ReplyDelete
  18. Bài ở trên mình nói cũng có ý vui nhưng thật sự thì nhiều phật tử cũng không thích Tây Du Ký lắm đâu. Phim thì rõ ràng là có nhiều tình tiết xuyên tạc Phật giáo nhưng truyện thì nhiều người cũng cho chỉ mang tính huyền thoại mà thôi, ngay cả việc Ngô Thừa Ân có phải là tác giả không cũng đang còn tranh cãi. Nếu Chi muốn tìm hiểu về những tư tưởng Phật học, quan niệm xã hội nhân sinh cũng như triết lý trong truyện Tây Du Ký thì có thể tìm đọc quyển "Bàn về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân" của Thích Chơn Thiện của nhà xuất bản Tôn Giáo (cũng nên có một số khái niệm về Phật Pháp khi đọc quyển như thế này), nhưng theo bản thân mình thấy thì nếu phân tích kiểu như vậy thì bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có thể viết ra như thế. Còn để muốn xem phật tử họ chê Tây Du Ký thế nào thì một số quyển sách nói về nguyên mẫu của Đường Tam Tạng (hình như cũng của nhà xuất bản Tôn giáo) cũng nói đến.
    Một ví dụ điển hình là kết thúc Tây Du Ký, Phật Tổ có sai hai đệ tử hàng đầu của mình đòi "quà" của bốn thầy trò (chả khác gì ném đá giấu tay), sau đấy Phật Tổ lại giảng giải thành "kinh vô tự" và "kinh hữu tự". Nhiều người phân tích tính triết học của "kinh vô tự" và "kinh hữu tự", nhưng có lẽ nó chỉ làm tăng hiệu quả cho việc hối lộ mà thôi. Ngay từ đầu truyện đã có chi tiết chống lại Phật giáo ở việc Đường Tăng dùng bát vàng, trong khi một trong những quy định đầu tiên của Phật Pháp là không được dùng bát ăn cơm hay nhận của bố thí bằng vàng. Đức Phật cũng như các vị Bồ Tát là những bậc giác ngộ, đã thoát khỏi những cám dỗ ham muốn vật chất không bao giờ như thế. Nếu muốn phê phán những tiêu cực của xã hội thì có thể thông qua rất nhiều hình thức khác, còn nếu đem Phật Tổ ra thì đã xúc phạm nặng nề đến những người tu hành theo Phật giáo và có thể gọi là báng bổ. Mấy câu sau mình lấy trong truyện chứ không phải từ phim đâu nhé:
    "Chuyện ấy ta đã hay rồi, hai người phát kinh không lỗi. Bởi kinh rất quý, lẽ nào thỉnh không mà đặng phước hay sao? Khi trước các sải mới tu đại đây, có đem kinh xuống nước Xá vệ mà tụng cầu siêu cho Triệu Trưởng Giả. Triệu Trưởng Giả huờn công ba đấu ba thăng gạo trắng, và bạc vàng chút đỉnh, ta còn nói Triệu Trưởng Giả bỏn sẻn lắm, chắc sau con cháu phải nghèo nàn. Nay ngươi đến tay không mà thỉnh bấy nhiêu kinh, còn than thở gì nữa. Kinh giấy trắng chẳng phải là vô dụng đâu, ấy là kinh vô tự, quý hơn kinh hữu tự, ngặt chúng sanh coi không ra, nên phải đổi .
    Nói rồi truyền Ác Nang Ca Diếp đổi kinh hữu tự cho đúng hiệu.
    Ác Nang Ca Diếp vâng lịnh đem bốn thầy trò đến tủ kinh, cũng hỏi lễ như trước. Tam Tạng bảo Sa Tăng mở gói lấy bình bát, hai tay dưng lên bạch rằng:
    - Ðệ tử đường xa và nghèo khổ, không có vật chi, cái bình bát nầy của vua Ðường ban cho đệ tử để hóa trai dọc đàng, nay xin dưng lấy thảo, nhờ ơn tôn giả phát kinh có chữ, về dưng cho Hoàng đế cứu độ chúng sinh .
    Ác Nang mỉm cười cầm bình bát.
    Mấy người lực sĩ ở tại nhà trù Hương tích ngó thấy đồng chạy đến, kẻ đấm lưng, người nắm gò má Ác Nang mà cười rằng:
    - Không biết mắc cỡ, đi thâu bình bát của kẻ thỉnh kinh?
    Ắc Nang cứ ôm bình bát mà làm tỉnh."
    Một tác phẩm văn học có thể có nhiều cách nhìn nhận, có thể Chi không đồng ý nhưng cũng không nên quá đề cao tư tưởng Phật giáo và triết học của nó. Để hiểu Phật Pháp thì có nhiều tác phẩm đáng đọc hơn. Bây giờ trả lại chỗ cho chị Phượng, em xin lỗi chị vì đã spam làm hỏng mất cái entry hay của chị, đây là bài cuối của em ở entry này.

    ReplyDelete
  19. @chị Phượng: em cùng bạn Việt thành thật xin lỗi chị
    @apomethe:Ý của Chi nói cũng đơn giản thôi, không ngờ Việt lại hiểu sâu và xa đến thế.Cảm ơn Việt nhé:)

    ReplyDelete
  20. Chi Phuong, em da tung xem mot bo phim: "Fahrenheit 451" cua dao dien Francois Truffaut, phong tac tu tieu thuyet cua Ray bradbury noi ve mot anh linh cuu hoa Montag, la mot nhan viec chuyen nghiep trong viec tieu huy sach trong mot thoi ky doc sach la mot hanh vi bi cam doan. Vo tinh, anh ta gap mot co giao day hoc, nguoi cat giau ca mot kho tang sach trong ngoi nha co ay va trong tam hon, mot nguoi dam doc sach. Dot nhien anh ta phat hien rang minh o trong mot tinh trang kho dien ta, khong kiem che noi su to mo ve sach la cai gi ma nguoi ta co the chet, co the hy sinh tat ca nhung dieu kien song day du cua vat chat de danh doi.. Va anh ta nhan ra chinh ban than minh bi buoc phai lua chon giua mot nga ba duong: vo va nguoi tinh, su an nhan cua ban thang va niem tu do duoc thu nhap kien thuc... Em xin muon canh cuoi cung cua bo phim de bay to suy nghi cua minh ve viec doc sach: "You read it then you burn it. The book becomes your"... Nhung nguoi ham doc sach trong thoi ky do, ho chon cuon sach ma ho muon hoa than thanh, doc no roi tieu huy no. Sach bi tieu huy tren moi hinh thuc nhung sach trong tam hon thi khong the, tru phi "Book-people" chet di. Nhung truoc khi ho chet, ho truyen mieng cho doi sau..
    Em thich doc sach.. va thich xem phim phong tac tu sach... (:

    ReplyDelete
  21. Bài viết hay quá, Nina đã đọc trên Yxine và đã add nó favourite :) Tình cờ qua Thợ Làm Vườn mà biết tác giả. Cám ơn chị nhiều nhé :)

    ReplyDelete
  22. Chị Phượng ơi cho em mượn bài này nhé, để trả lời một câu hỏi (ai đó định hỏi). Hôm nay em leave comments lung tung quá nhỉ, mặc dù suốt một time chỉ lén đọc blog của chị hàng ngày :)

    ReplyDelete
  23. gt,
    Cám ơn em. Cứ tự nhiên nhá.

    ReplyDelete
  24. Bài viết rất hay chị ạ. Cám ơn chị. :)

    ReplyDelete
  25. Bài viết của chị rất hay ạ!.Rất vui được làm quen với chị:)

    ReplyDelete
  26. Hôm nay em là người đi lạc thật may mắn, chỉ hy vọng chủ nhà không giận! :)
    Em tâm đắc nhất: "Nếu cầm một cuốn sách lên, đọc được một lúc, tôi nhận ra được ý đồ của tác giả, thì tôi không còn tin quyển sách ấy nữa. Tôi có ngay cảm giác là câu nào, cảnh nào người viết cũng đưa vào để phục vụ cho cái ý đồ ấy, để khẳng định một quan điểm. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết, tôi chỉ muốn được nghe kể chuyện mà thôi. Câu chuyện có đầu có đuôi hoặc thiếu đầu hoặc thiếu đuôi hoặc thiếu cả hai cũng không sao. Nhưng đừng hơn như vậy. Tolstoy cho rằng trong thế giới của nghệ thuật không có chỗ để chứa các công thức giải quyết những vấn đề xã hội"

    ReplyDelete
  27. chào cô, cháu xin phép có thể copy bài viết này của cô vào blog cháu được ko ạ? ( nếu cô đồng í thì cô comment lại cho cháu nhá ) \:D/ ^^ ko dám nhận mình là người đọc nhiều và hiểu nhiều về văn chương nhưng đọc tiểu thuyết văn học cũng là thói quen và sỏ thích của cháu.Rất thích cách nghĩ của cô về việc đọc tiểu thuyết. chúc cô luôn mạnh khoẻ :)

    ReplyDelete
  28. sirena cứ tự nhiên nhé. Cám ơn nhiều.

    ReplyDelete
  29. em bị nghiện tiểu thuyết, đắm chìm vào nó cho đến cuối trang mới dừng, đọan chị viết về voi sinh ra đơn giản là voi, chẳng để làm gì có vẻ hay hihi.
    Em đang nghiền ngẫm "suối nguồn" , nhưng đôi khi những quyển sách mỏng lại lấy thời gian dừng lâu hơn.
    Thật tiếc cho chị và chị Vàng Anh.

    ReplyDelete
  30. chào bạn .Tình cờ mình đọc bài viết của bạn trên mạng mình cũng thấy rất hay.Cám ơn bạn nhé.

    ReplyDelete