Wednesday 8 August 2007

Chỉ còn một ngôn ngữ?

Một cặp vợ chồng tôi quen làm việc ở Lãnh sự Đức tại Sài Gòn rất hãnh diện vì con họ học trường quốc tế dạy bằng tiếng Anh. Viện Goethe ở Hà Nội in các chương trình của họ bằng hai thứ tiếng Anh và Việt, không có tiếng Đức. Tại thành phố 8 triệu dân là Sài Gòn, viện Goethe không tổ chức được một lớp tiếng Đức do người Đức dạy. Họ nói họ không đủ kinh phí. Thực ra là họ không đủ yêu quí tiếng nước họ để làm điều ấy. Ngôn ngữ dùng trong các buổi hội thảo giao lưu văn hóa của các cơ quan văn hóa Pháp là Pháp Việt, trong khi các buổi hội thảo của viện Goethe dùng ngôn ngữ Anh Việt.

Người Đức đã bắt đầu, tôi không biết từ bao giờ, mang mặc cảm về ngôn ngữ của họ, một trong những ngôn ngữ chính xác và sâu sắc nhất thế giới, ngôn ngữ của khoa học, triết học và thi ca. Ngôn ngữ của Goethe và Schiller, Kant và Heidegger, Kafka và Rilke.

Thứ hai tuần này, trong một bài báo đăng trên tờ FAZ, Stefan Klein kể lại một câu chuyện hơi buồn cười và hơi buồn. Tại một buổi hội thảo khoa học ở Berlin với một đề tài rất hay về Khoa học nghiên cứu ý nghĩ, ban tổ chức mới sáu nhà khoa học người Đức, ba người Mỹ, một người Anh. Tất cả đều tuyệt vời. Tất cả đều nói tiếng Anh và một tiếng-gì-như-tiếng-Anh, không có ai nói tiếng Đức, tuy thính giả hoàn toàn chỉ có người Đức. Sáu nhà khoa học người Đức, tuy trình độ chuyên môn rất cao, khi nói tiếng Anh họ tìm chữ hơi cộc kệch và đặt câu hơi ngô nghê, vì không phải là tiếng mẹ đẻ. Bài nói chuyện của họ mất đi nhiều ánh sáng và sự lưu loát mà đáng lẽ chúng đã có, nếu được trình bày bằng tiếng Đức.

Tại sao họ nói tiếng Anh? Vì họ cho là chỉ khi nói tiếng Anh, tầm quan trọng của họ mới được chấp nhận.

Bạn tôi làm cho EU tại Bruxelles nói rằng hầu hết các dự án nghiên cứu quan trọng đều lọt về tay người Anh, vì họ viết tiếng Anh hay hơn những người khác.

Thật đáng đau buồn, dường như ý thức nhân loại và sự đánh giá, nhận chân, càng ngày càng co cụm lại trong thế giới của người nói tiếng Anh và những người không thuộc thế giới này nhưng biết sử dụng ngôn ngữ của nó. Bạn viết một cuốn sách và nếu bạn không viết bằng tiếng Anh hoặc sách bạn chưa được dịch ra tiếng Anh cũng đồng nghĩa với bạn chưa viết ra cuốn sách đó.

Nếu loài người đang trên đường đi đến một ngày chỉ còn một ngôn ngữ, trở lại ngày trước khi tháp Babel làm Chúa nổi cơn thịnh nộ, thì tại sao tôi không vui?

Bởi vì mỗi ngôn ngữ không phải chỉ là phương tiện để người ta nói chuyện với nhau. Mỗi ngôn ngữ là những cánh cửa mở ra, dẫn về cả một nền văn minh, văn hóa, một lịch sử tư tưởng và những thứ làm cho trái tim một nhóm dân rung động. Có những thứ thuộc về quá khứ, ký ức, kỷ niệm và mộng mơ không dịch ra tiếng khác được.

Các cụ ta xưa học tiếng Hán không phải chỉ để nói chuyện với người Tàu. Họ học tiếng Hán để hiểu Khổng, Lão và các nhà thơ. Tương tự như vậy nếu bạn học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức. Nếu tất cả các ngôn ngữ và các nền văn minh đều dịch ra tiếng Anh được, thì chúng ta chỉ cần học một thứ tiếng là hiểu cả thế giới. Điều đó không đúng. Có thể có những bản dịch tiếng Anh tốt của Đỗ Phủ, Baudelaire và Rilke, nhưng bản dịch là bản dịch, có những thứ thuộc về hơi thở không thể chuyển ngữ được. Ngay cả những thứ cứng rắn hơn hơi thở, To Be và Being trong tiếng Anh không đủ để dịch Sein, Seiendes và Dasein của Heidegger, và đó chỉ mới là khởi đầu.

Nếu văn minh, văn hóa thế giới chỉ còn được đọc qua một thứ tiếng Anh, chỉ có lịch sử nước Anh, và những giá trị của người Anh, người Mỹ, còn tồn tại. Trong một thế giới nơi các ngôn ngữ không còn bình đẳng, thế giới đó khó bình đẳng, và nghèo nàn đi.

22 comments:

  1. Viện Goethe em thấy nhiều chương trình thế mà hóa ra lại làm ít việc liên quan tới truyền bá ngôn ngữ của họ thế à.
    Kể câu chuyện chị kể cũng hơi buồn cười, khi cử tọa là người Đức và thính giả là người Đức mà họ lại chọn nói tiếng Anh.
    Các cụ ta ngày xưa học tiếng Hán nhưng cũng có nói chuyện được với người Tàu đâu. Phan Bội Châu gặp Tôn Trung Sơn là cứ phải bút đàm, vì ông chỉ biết tiếng Hán chứ không nói được cả tiếng Quảng lẫn tiếng Bắc Kinh.
    Trong một bài viết, ông Cao Hành Kiện có nói là văn chương của tôi là văn chương Trung Hoa đích thực bởi vì tôi viết bằng tiếng Trung Hoa. Murakami cũng nói tương tự như thế khi người ta phê bình ông viết ít có tính Nhật Bản. Quả thực, nếu một người Việt mà viết văn bằng tiếng nước ngoài như Monique Truong hay Le Thi Diem Thuy thì các tác phẩm của họ có thể được xếp vào dòng văn học Mỹ thiểu số chứ không xếp vào dòng văn chương Việt Nam hải ngoại được. Viết bằng thứ tiếng nào sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cái hồn tác phẩm bởi khi đó sẽ suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó, và sẽ nhằm tới người đọc trước tiên là những người nói thứ tiếng đó. Văn chương thực ra cũng chỉ là công việc lắp ghép các từ ngữ thôi. Em vẫn còn nhớ (một cách cảm động) bài viết của chị ở đâu đó về quyết định viết bằng tiếng Việt và học lại cả cách sử dụng tiếng Việt.

    ReplyDelete
  2. Tiểu Ngoan Đồng8 August 2007 at 19:41

    Không sao ạ. Đọc trả lời của chị là đã hiểu nội dung rồi.

    ReplyDelete
  3. Biết làm thế nào ? Trong một thế giới mà tất cả dường như đều lệ thuộc vào những quy luật kinh tế và ưu thế thuộc về kẻ mạnh thì mọi giá trị văn hóa, tinh thần cũng bị quy đồng theo. Nhiều khi thấy ngộp thở với cái không khí văn hóa Anh/Mỹ tràn ngập khắp nơi và chán cái sự đơn giản đôi khi đến mức thô kệch của tiếng Anh khi dùng nó để diễn tả cảm xúc so với tiếng Pháp và ... tiếng Việt ;). Cả thế giới này ngày càng như lâm vào một cơn cuồng Mỹ (America-mania) vậy, không thể dứt ra được. Nói Mỹ, nghe Mỹ, xem Mỹ và nghĩ kiểu Mỹ. Và dường như các cộng đồng nói thứ tiếng khác đành bất lực, dù đã cố gắng rất nhiều để gìn giữ vị trí riêng cho ngôn ngữ của họ.
    Chẳng lẽ không làm được gì cho sự bình đẳng giữa các ngôn ngữ ?

    ReplyDelete
  4. Khi quảng cáo một món đồ người ta cần biết đối tượng xem/nghe là ai. Một món đồ tinh xảo, cần nhiều điều kiện mới có thể trân trọng, thì không thể đem quảng cáo cho những người không có điều kiện sử dụng, khai thác. Quần áo hàng hiệu thì để trong tủ kính, khu vực buôn bán chuyên biệt, chứ đem đến khu ổ chuột rao bán là thua. Tương tự như vậy nhưng ở một khía cạnh khác, xe máy Nhật rất tốt, rất bền, lại tiết kiệm xăng, thân thiện với môi trường, đa số người Việt biết vậy nhưng vẫn phải chạy xe Trung Quốc. Lý do đơn giản: xe TQ chất lượng thấp nhưng hợp với túi tiền hơn. Tiếng Anh trong trường hợp này cũng như vậy. Dùng tiếng Anh để nghiên cứu các giá trị văn hóa của một nước không nói tiếng Anh, thì thế nào cũng bị rơi rớt mất mát những chỗ tinh tế, sâu sắc. Tuy nhiên, nếu đối tượng nghe là quần chúng thì người ta vẫn phải chấp nhận sử dụng tiếng Anh. Nó là ngôn ngữ phổ thông, vì nó gắn với cơm ăn áo mặc đời thường của thời đại này, và ngược lại.

    ReplyDelete
  5. Tôi ngớ ngẩn, bấm nhầm sao đó xóa mất comment của một bạn (đây không phải là lần thứ nhất). Thành thật xin lỗi. Bạn post lại nhé.
    Bạn nói rằng 6 nhà khoa học người Đức đã nói tiếng Anh có lẽ vì để cho 3 người Mỹ và 1 người Anh kia hiểu. Thật ra, trong bài báo trên, tác giả có nói rằng ban tổ chức đã chuẩn bị thông dịch trực tiếp và tai nghe không dây đủ cả cho 4 vị trên, cuối cùng không dùng.

    ReplyDelete
  6. Đúng như chị nói, tính chính xác tiếng Đức đặt nặng vai trò của người viết và nói hơn là người đọc và nghe. Bản thân từng từ đều nói lên vai trò của nó hết. Thế mới khổ cho người học! Và người Đức vẫn có chút gì đó cho rằng 'nếu đã tốt thì người ta sẽ tự tìm đến' nên họ chẳng thèm có chiến lược PR cho ngôn ngữ của mình.
    Thậm chí khoa Đức văn trường KHXH-NV sử dụng giáo trình mà theo em là làm nản lòng người học, chỉ người nào thật sự cần mới phải ráng là lếch theo thôi
    @Le: Học thêm 1 ngôn ngữ để hiểu thêm cái '4000 năm văn hiến'của nó mà.
    Ví dụ như anh/chị rất hợp lí và em cũng xin nói rằng Wave Tàu dạo này bán ế rồi anh/chị ơi ^^

    ReplyDelete
  7. có lẽ người Đức đã mất tự tin với ngôn ngữ của họ rồi...quá khó để học, để hiểu một cách thấu đáo, và quá khó để có thể viết nên những giòng chữ chỉnh chu.
    Em rất ngạc nhiên khi bộ film "The perfume" gần đây của Đức lại dùng ngôn ngữ chính là tiếng Anh.
    Nước Đức có nhiều nhân tài, nhưng những nhân tài đó đều đã qua Mỹ để lập nghiệp. Tại sao thế nhỉ? có phải vì nước Mỹ chiếm 1/2 sức tiêu thụ của thế giới? Power thuộc về tay những kẻ có consumption, và khi có power thì ngôn ngữ của họ thống trị.
    BTW, về cặp ngưới Đức làm ở LSQ Đức ở SG, hình như bà vợ là người Mỹ đó chị :P

    ReplyDelete
  8. HTV giúp chị nghĩ ra rằng cấu trúc của câu trong tiếng Đức bắt buộc người nói, hoặc viết, khi viết ra một câu thì đã phải ý thức rõ ràng mình nói gì và nói như thế nào rồi, vì kết cấu dứt khoát của mỗi câu. Biết đâu ngôn ngữ có trách nhiệm giúp suy nghĩ có trách nhiệm và cuối cùng là con người có trách nhiệm hơn. Ít nhất là hơn (chúng ta) một chút.

    ReplyDelete
  9. Có nhiều thứ ngôn ngữ đã trở thành tử ngữ bởi vì cộng đồng người tạo ra nó đã biến mất, hoặc họ đã được đồng hóa để nói, viết bằng một thứ ngôn ngữ khác.
    Mỗi người cảm giác về ngôn ngữ một cách khác nhau và dường như cái đó thuộc về sự nhạy cảm ở mỗi người chị ạ. Em là đàn bà em không chịu nổi và không cảm giác được khi người đàn ông em yêu lại nói nhớ thương yêu bằng tiếng... Anh chẳng hạn. Có phải đó là giới hạn của em không?
    Chẳng nghĩ thế, có thể vì em quá yêu tiếng Việt!

    ReplyDelete
  10. Tin mới nhất : 47 bệnh nhân được phẫu thuật đầu gối tại Bệnh viện Sankt - Hedwig ở Berlin (Đức) phải trở lại bàn mổ do người ta dịch sai tờ hướng dẫn về bộ khớp giả.
    Một vị giáo sư Đức phàn nàn về hiện tượng rất dễ gây sai lầm y học kiểu này: một số sản phẩm bán trên thị trường châu Âu hiện nay chỉ ghi toàn tiếng Anh!

    ReplyDelete
  11. Em nghĩ rằng, nếu chỉ xét riêng câu chuyện cái hội thảo khoa học về một đề tài rất hay Khoa học nghiên cứu ý nghĩ thì việc dùng tiếng Anh là chấp nhận được, người Đức vốn thực dụng, để nâng cao tầm quan trọng và phổ biến vấn đề của Hội thảo thì lựa chọn dùng tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn. Nếu giả sử đó là cái hội thảo về văn hoá hay văn học Đức thì rất ...nực cười!!!

    ReplyDelete
  12. Một bài báo ngắn trên tờ SZ nói chuyện ti vi. Có mấy chương trình tấu hài của Đức bắt chước Mỹ, cứ mấy ông mấy bà nói xong câu nào nó cho là hay, thì nó ghép tiếng khán giả cười ầm ầm vô. Đến một hôm, có một ông kia nói cái gì đó và thiên hạ cười THẬT, nó không biết làm sao cho dân xem ti vi biết là lần này tiếng cười không phải ghép, nó bèn chớp chớp trên màn ảnh chữ LIVE! LIVE!. Dân chúng Đức xem tới đó gật gù hiểu ra, nói với nhau: Ái cha, biết tiếng Anh thật là có lợi! Nếu không thì làm sao mà biết chỗ này vui THẬT.

    ReplyDelete
  13. Câu chuyện LIVE!LIVE của chị "funny" và "ironic" quá! Em cũng nhận thấy sự xâm nhập rất ghê gớm của tiếng Anh vào ngôn ngữ của nước Pháp, mà giới ngôn ngữ gọi là hiện tượng "Anh hóa" tiếng Pháp (franglais). Bằng chứng là hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng Pháp, trong đại bộ phận giới trẻ và giới công chức, xuất hiện rất nhiều những từ tiếng Anh được dùng đi dùng lại với tần suất khá lớn. Nó không còn đơn thuần là hiện tượng pha tạp tự nhiên khi tiếp xúc với một ngôn ngữ khác mà đã trở thành một thứ mốt thời thượng. Thậm chí rất nguy hại là có nhiều từ đã gần như thay thế hoàn toàn cho từ tương đương trong tiếng Pháp, dù hoàn toàn không phải những từ tiếng Pháp đó không có khả năng diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa của từ tiếng Anh. Đa số là những từ rất thông dụng hàng ngày. Chẳng hạn, thay vì nói "nhẹ nhàng" (léger), họ nói "light", hay "super" (tuyệt vời) thay bằng "c'est du "top". Nghe lai căng một cách kỳ cục và buồn cười.
    Tình hình ở Việt Nam có lẽ cũng gần giống vậy, nhất là trong giới công chức làm việc có dính đến yếu tố nước ngoài. Xem ra có khi hàng năm phải phát động một ngày nói tiếng Việt thuần Việt không lai căng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mất thôi.

    ReplyDelete
  14. Đọc bài này của chị em thấy có vẻ như đây chỉ là nhận định chủ quan vì nguồn gốc của tiếng Anh khá là đa dạng. Lịch sử xâm lược vương quốc Anh của người Viking chứng minh rằng tiếng Anh bắt nguồn từ tiếng Đức. Có nhiều ngộ nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thuần chủng ( hoặc do chính họ nhìn nhận vậy) nhưng nó là tập hợp của Latin, tiếng Pháp, Đức. Có một điều em chắc chắn đó là: nguồn gốc của tiếng Anh ảnh hưởng rất nhiều từ tiếng Đức, Northman.
    Do vậy, với em thì nói, đọc, viết tiếng Anh và tìm hiểu về nó càng làm em trân trọng giá trị của ngôn ngữ nói chung và Châu Âu nói riêng !
    Và dĩ nhiên...Chỉ còn một ngôn ngữ...là điều không thể ! ^^

    ReplyDelete
  15. Cám ơn đóng góp của Blue thật nhiều.
    Tiếng Việt là thứ tiếng ít tính dân chủ, từ cách dùng ngôi thứ 1, 2 & 3 của nó, cho đến cách rào đón, cách đặt ý kiến của mình trong một cái khung hợp với vai vế của người nói vân vân. Văn hóa ảnh hưởng lên ngôn ngữ, rồi ngôn ngữ lại ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, rồi cách suy nghĩ lại tạo nên văn hóa...
    Dân chủ hóa ngôn ngữ là chuyện mất rất nhiều năm. Mới đây thôi, báo chí Việt Nam còn dùng chữ "Ngài Nam" ("Ngài" viết hoa) hoặc "tên Nam" để nói tới một người nào đó ở ngôi thứ ba. Chưa kể chuyện gì, mỗi việc đề cập tới "tên Nam" đã cướp hết người nào đó tên Nam mọi cơ hội được kính trọng. Nói cho đúng, thành kiến lộ liễu như vậy là vi phạm nguyên tắc báo chí.

    ReplyDelete
  16. Sorry for my wrongstatement, English is West Germanic language (not from German) ^^
    To a certain extend, there is original language where their origin start from the ancient time. Such as Chinese, Arabic...ect..
    Academic people may not have the wrong assumption but normally, I heard from many people talking about "how to speak proper English"...ect...How can English be spoken properly when it is not original itself ? So, there are actually people with wrong assumption or myself with my limited understanding.
    English is just a tool to explain idea neutrally. And it depend on how we use it. So I don't think it can include the culture of a country inside it.
    For example, If I use Vietnamese to put my comment to your blog, I feel a bit disrespectful. But when I use English like this, it creates an open atmosphere where I can confidently say what I think to you without afraid to be impolite.
    Thank you for your response !

    ReplyDelete
  17. Blue:
    Chúng ta nói quá trình phát triển của ngôn ngữ có tính thu góp hoặc có tính phân chia cũng được.
    Thu góp: Ví dụ đâu phải chỉ có một tiếng Đức, mà rất nhiều. Mỗi vùng nói một thứ tiếng khác, người vùng này không hiểu người vùng kia. Dần dần người ta tìm cách có một thứ chữ viết, một cách phát âm, nó trở thành ngôn ngữ chuẩn, khoa bảng. Người ta càng ngày càng dùng nó để xóa tính địa phương của mình.
    Phân chia: Ví dụ Âu châu nói nhiều thứ tiếng, nhưng nguồn gốc thì chỉ có vài cái: nhiều ngôn ngữ có chung nguồn gốc. Nguồn gốc ngôn ngữ trừu tượng thì lại còn ít hơn, chỉ từ vài trung tâm văn minh cổ như La Mã, Hy Lạp, Do Thái... Các ngôn ngữ này lan đi ra các nơi, địa phương hóa và trở thành hoặc làm giàu cho nhiều ngôn ngữ khác nhau.
    Không có ngôn ngữ nào "thuần chủng", cũng không có ai ngộ nhận như vậy.

    ReplyDelete
  18. Người Đức đã bắt đầu, tôi không biết từ bao giờ, mang mặc cảm về ngôn ngữ của họ, một trong những ngôn ngữ chính xác và sâu sắc nhất thế giới, ngôn ngữ của khoa học, triết học và thi ca. Ngôn ngữ của Goethe và Schiller, Kant và Heidegger, Kafka và Rilke.
    Trật tự từ ở đây, chứng tỏ tác giả câu văn quá cẩu thả, và không mê thơ!
    Rilke, thi sĩ Đức, mà để ở sau cùng. Cũng vậy, câu trên, thi ca để ở chót.
    Trách nào, trang chủ cho rằng, bây giờ, chẳng ai đọc thơ, xin coi bài Poetry.

    ReplyDelete
  19. Thú thực, tôi không hiểu, tại sao lại Kafka và Rilke?
    Goethe và Schiller, Kant và Heidegger, thì có thể tạm hiểu được, nhưng liên hệ nào giữa Kafka và Rilke?
    Chẳng lẽ chỉ vỉ cùng viết bằng tiếng Đức?
    Rilke tự coi ông là một người không nhà
    Kafka cảm thấy 'không thể viết bằng tiếng Đức?
    Liệu đó là lý do tác giả để hai người kế bên nhau?
    Nêu đúng như thế, thì người Đức mặc cảm về tiếng Đức, là đúng quá rồi!

    ReplyDelete
  20. chi a, em quen voi mot nguoi Phap, em noi chuyen voi no cung binh thuong, nhu voi nhung nguoi khac, va tu nhien hom qua, em ngoi viet cho no mot la thu, bang tieng viet, em cam thay tat ca hoi tho cua minh trong tung cau chu, la lung nhat la hai tu " em" va " anh", no mang lai cam giac khac han voi "moi et toi". Ke chi chut chuyen linh tinh, em cung la mot nguoi la thoi

    ReplyDelete
  21. co Phuong than men , the ma chau lai mat 1 cong viec o day vi chau khong biet tieng Duc thanh thao, vay la nguoi Duc tu hao ve xom gieng xung quanh ho ,Chau nghi o chau Au thi biet tieng Anh khong phai la mot loi the .

    ReplyDelete
  22. jerry-khanh hien25 June 2008 at 20:27

    doc bai viet tieng Du cua chi, em chia se voi chi nhung suy ve tieng Duc va hien trang cua no.
    Luc dau, em hoc tieng Duc vi em nghe nhieu nguoi noi tieng Duc kho lam, hoc khong dc dau, em quyet tam chinh phuc va hoc duoc no. Cang hoc cang say voi no, vi chinh cai kho, cai wa logich cua no, lam nguoi ta bi cuon hut luc nao khong hay.
    Nhung tiec lam chi ah, o VIetnam rat it nguoi , va cty su dung tieng Duc, ngay ca em lam cho cty Duc o Vietnam van khong dc su dung tieng Duc, chi dung tieng DUc de noi chuyen va tu kiem tai lieu tieng Duc de doc thoi chi ah...

    ReplyDelete