Thursday 16 August 2007

Nơi đây, khoảnh khắc này, và ký ức [2]

Tôi thích đoạn thơ này của Lưu Quang Vũ:

Phải chăng anh đã mất giấc mơ
Mất tiếng ve và những mùa dưa chín
Anh đã mất cả mây qua lòng giếng
Cả tiếng gà hẻm núi cả cơn mưa

Thật ra là tôi thích bốn chữ những mùa dưa chín. Dù bốn chữ cũng chỉ là từ ngữ, chúng trực tiếp đưa tôi về một nơi chốn, một thời khắc có thật, tôi tiếp xúc với con đường Lưu Quang Vũ đã đi qua bằng giác quan, đúng hơn, bằng ký ức của giác quan, chứ không qua những giá trị trừu tượng như quê hương, tuổi thơ, tình yêu, nỗi nhớ. Tôi thấy được cánh đồng dưa. Tôi cảm được sự nhịp nhàng của năm tháng đi qua cánh đồng ấy chỉ trong một chữ những: những mùa dưa đến và đi.

Có ai đó nói rằng hai bán não của chúng ta cạnh tranh với nhau, nếu bên này mạnh thì bên kia sẽ yếu: ai thích những gì cụ thể, sẽ không thích những gì trừu tượng; ai giỏi tiếp nhận thế giới bằng hình ảnh giỏi, sẽ kém tiếp nhận nó bằng chữ nghĩa; ai giỏi trực giác, sẽ kém suy luận. Điều này hoàn toàn không đúng, da Vinci và Tarkovsky chứng minh rằng sự sâu sắc của bên này đem lại sự sâu sắc của bên kia. Đó là sự tương tác, chứ không phải cạnh tranh.

Thơ haiku và thiền dạy chúng ta tiếp nhận thế giới bằng con đường trực tiếp nhất. Con đường trực tiếp nhất là qua các giác quan, chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm lấy những thứ quanh mình. Bao nhiêu năm tôi tự hỏi chất thơ của phim Tarkovsky được làm bằng gì. Một lần, trong quyển Sculpting with Time, ông đã hé cho tôi thấy một trong những bí mật vừa bình dị vừa sâu sắc nhất của mình: ông học nhìn, như các nhà thơ haiku đã nhìn thế giới quanh họ. Tarkovsky trích dẫn hai câu haiku này:

Trên mỗi cái gai của cành hồng
Đọng lại một giọt sương

Những mùa dưa chín của Lưu Quang Vũ làm người đọc cảm nhận được năm tháng đi qua đời ông thời đó, những giọt sương đọng lại cũng kể cho chúng ta về đêm đã qua. Một đêm có sương rơi.

Có nhiều quan niệm về hạnh phúc. Tôi không cho là hạnh phúc có thật, nó chỉ là một khái niệm trừu tượng với ý nghĩa rất bất định. Còn nếu bảo tôi đi tìm những chữ gần với chữ đó nhất, có lẽ tôi sẽ chọn hai chữ có vẻ ngược nhau nhưng thật ra thì không, đó là Thanh Bình và Nồng Nàn. Peace và Intensity. Trong vườn hồng, ý nghĩa và sự rực rỡ của hoa hồng không làm cho bạn nghĩ rằng trên đời chỉ có hoa hồng. Bạn thấy những giọt sương. Đó là sự thanh bình. Những giọt sương cho kể cho bạn về đêm qua, đó là sự nồng nàn của bạn với cuộc đời: bạn nhìn, và cảm, và hiểu.

Vậy thì hạnh phúc là chạm được những thứ chung quanh. Mọi thứ đều kể một câu chuyện của riêng mình. Những thứ đó làm nên không gian, làm nên thời gian, làm nên quê hương. Bạn đang ở nơi chốn của mình, sống trong thời khắc của mình, chứ không phải đang ở trên một phi thuyền, một trạm không gian trên con đường vằng vặc nối hai hành tinh không quen biết, ở một nơi không có thời gian, không còn lịch sử.

(còn tiếp)

5 comments:

  1. Và em bắt ghế ngồi chờ phần ba!

    ReplyDelete
  2. Tôi đọc những câu chuyện của chị và rất thích, vì nó chạm vào cảm xúc của chính tôi. Chúc chị vui khỏe!

    ReplyDelete
  3. Khi em còn bé, em đọc Andersen, em nhớ truyện "Bà chúa tuyết", đoạn con mèo phòng khách và mèo nhà bếp nói chuyện với nhau về hạnh phúc, mèo nhà bếp bảo, ban đêm nó ngồi rình chuột, thấy bọn chuột nói chuyện với nhau rằng: "hạnh phúc đơn giản là có một chút nến và mỡ thiu để dành trong mùa đông".
    Em nhớ mãi chi tiết này như một cảm giác đơn giản mỗi khi quãng đời phía sau tuổi thơ gặp những điều không may mắn! Hạnh phúc đúng là cảm giác và khoảnh khắc đấy chị ạ. Nếu em hỏi mẹ của em, có bao giờ mẹ hạnh phúc không? Chắc chắn sẽ chẳng có câu trả lời. và nhiều người khác cũng vậy...
    Câu chuyện kể được ra, miêu tả rõ ràng, tự thân nó phải chăng đã không còn hạnh phúc?

    ReplyDelete
  4. Nếu không còn thời gian, không còn lịch sử thì chỉ có sự lãng quên thôi. Mà lãng quên và bị lãng quên là điều đáng sợ nhất.

    ReplyDelete
  5. SÀI GÒN ĐỆ NHẤT KHÙNG17 August 2007 at 01:24

    Hay quá chị ơi!
    Viết tiếp đi chị!
    Nhân tiện, cho em hỏi, cái hình của chị có chưa ạ? Huhuhu! Cứu em chị ơi!

    ReplyDelete